- Việc hai anh em lấy chung một vợ ở Thừa thiên Huế gây nhiều ngỡ ngàng cho bạn đọc. Nhiều người cho rằng đây là một cuộc hôn nhân vi phạm thuần phong mỹ tục, không ít người lại ngỡ ngàng trước tấm chân tình của “mối tình tay ba” này.

TIN BÀI KHÁC

Về cuộc hôn nhân hi hữu này, PV VietNamNet đã có cuộc trò chuyện với anh Đặng Văn Cường, Luật sư Văn phòng Chính Đại (Hà Nội). Anh Cường cho biết: Muốn xem xét cuộc “hôn nhân kép” này có hợp pháp hay không phải căn cứ vào cuộc hôn nhân thứ nhất có hợp pháp hay không.
Nếu cuộc hôn nhân giữa người vợ và ông Hồ Văn Tuol (anh đầu) là cuộc hôn nhân một vợ một chồng và có đăng kí kết hôn thì khi hai người chưa ra pháp luật để giải quyết ly hôn mà bà Căn Y đã tái hôn thì rõ ràng cuộc hôn nhân thứ hai với em chồng là Hồ Văn Tua đã vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng của Luật hôn nhân và gia đình.

Ông Tuol và bà Căn Y bên các con trai, con rể (Nguồn: Dân Việt)

Nếu trong cuộc hôn nhân “một bà hai ông” này mà người trong cuộc có khiếu kiện hay gây hậu quả nghiêm trọng như tạo dư luận không tốt trong cộng đồng thì sẽ bị xử lý hình sự. Còn nếu giữa họ không có đăng kí kết hôn, và họ chung sống rất hòa thuận, không gây dư luận xấu với làng xóm láng giềng thì rất khó để xử lý.
Còn việc trong số 10 người con bà Căn Y đã sinh ra không biết ai là con của ông Tuol và ai là con của ông Tua thì việc xem xét con của ai thì sẽ phải căn cứ theo giấy khai sinh của đứa trẻ khi vừa ra đời.
Chị Nguyễn Thị Hồng Vinh, công tác tại công ty Luật BicLow (Hà Nội) cũng đồng tình khi cho rằng, việc căn cứ cuộc hôn nhân trên có hợp pháp hay không phải xem xét trong cuộc hôn nhân thứ nhất là bà Căn Y và ông Hồ Văn Tuol có đăng kí kết hôn hay không. “Nếu như ở hai cuộc hôn nhân này đều không có đăng kí kết hôn thì theo quan điểm của tôi, đây vẫn là một cuộc hôn nhân vi phạm thuần phong mỹ tục của người Việt từ trước đến nay luôn coi trọng chế độ hôn nhân một vợ một chồng”, chị Hồng Vinh nói rõ.
Thông tin trên báo Dân Việt ngày 20/5 đăng tải câu chuyện tình hi hữu có một không hai này xảy ra ở xã Hồng Kim, A Lưới, Thừa Thiên - Huế. Trong những năm tháng đất nước chiến tranh, ông Hồ Văn Tuol và bà Căn Y đã phải lòng nhau. Rồi họ cưới nhau trong nghèo khó nhưng lại rất hạnh phúc.
Tuy nhiên, sau ngày về nhà chồng, cuộc sống của bà Căn Y là những tháng ngày lạnh lẽo bởi ông Tuol thường xuyên xa nhà chiến đấu. Thời gian này giữa bà Căn Y và Hồ Văn Tua (em ông Tuol) đã nảy sinh tình cảm với nhau.
Điều kỳ lạ là, sau khi biết chuyện tình cảm này, ông Tuol không hề giận dữ mà lại hết mực vun đắp cho bà Căn Y với người em mình nên vợ nên chồng.
Bà Căn Y sinh được 10 người con. Chính bà cũng không thể biết trong số 10 người con mà mình sinh ra ai là con của ông Tuol và ai là con của ông Tua. Họ đã thống nhất với nhau ông Tuol là anh nên được mấy đứa gọi là bố, còn ông Tua là em nên những đứa trẻ này gọi là chú.
Mặc dù “một bà hai ông” nhưng chưa bao giờ bà thấy giữa hai người đàn ông này xảy ra xích mích hay lời qua tiếng lại. Gia đình họ rất hòa thuận, tình cảm không hề sứt mẻ của anh em ông Tuol khiến bà con trong thôn bản ngỡ ngàng.
Bảo Châu (tổng hợp)