Ngày nay, phụ nữ có nhiều cơ hội để tham gia vào công việc kinh doanh, buôn bán ...nên họ đều có khả năng độc lập về tài chính với chồng. Nhưng liệu “Tiền ai nấy tiêu lương ai nấy hưởng” có phải là lúc nào cũng thuận tiện và thoải mái?

TIN BÀI KHÁC


Tình chung – Tiền riêng

Vợ chồng Lan – Tuấn (Hưng Yên) có một quy định ngầm về chuyện tiền vợ - tiền chồng mà cả hai đều rất tâm đắc. Lan và Tuấn cùng có trình độ, bằng cấp tương đương nhau, cả hai vợ chồng đều tài giỏi nên đều có mức thu nhập rất khá. Điều đáng nói là giữa vợ chồng họ có một quy tắc ngầm “bất di bất dịch” là tiền ai nấy tiêu. 

Vợ chồng có nên “tiền ai nấy tiêu”? (Nguồn: Afamily.vn)

Trước khi chuẩn bị kết hôn, Tuấn đã nêu ý kiến về việc tiền nong phải rạch ròi với vợ chưa cưới. Cụ thể, hàng tháng hai người đều phải đóng một khoản vào quỹ chung để chi tiêu cho những việc như cưới hỏi, quà cáp cho họ hàng hai bên, tiền điện, nước… vì cả hai chưa có con, thu nhập riêng cũng rất ổn định nên Lan cũng gật đầu.

Vì vậy, sau khi kết hôn cả hai vợ chồng đều rất sòng phẳng về tài chính. Lan kể, nhiều hôm vợ chồng đi ăn tối cùng nhau. Nếu hôm nay vợ trả thì hôm sau chồng trả. Lan rất thoải mái trong việc chi tiêu, có thể tiêu gì tùy thích. Cô tâm sự: “Mình thấy bạn bè mình cuối tháng chồng đưa cho ít lương nhưng nếu mua sắm gì cũng phải hỏi ý kiến chồng, thậm chí mua đôi dép hay cái váy quá đắt cũng bị chồng cằn nhằn là hoang phí”. Đổi lại cô cũng chẳng bao giờ biết được trong tài khoản của chồng có bao nhiêu và anh chi tiêu như thế nào.

Khi hẹn hò tình phí cũng “cưa đôi”

Vợ chồng anh Hùng - chị Vinh (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng luôn đề cao quan điểm độc lập tài chính. Ngay từ khi yêu nhau họ đã luôn tỏ ra sòng phẳng trong mọi chuyện. Chị Vinh kể: “Không biết có phải cách sòng phẳng này thái quá không mà những lần hẹn hò khi yêu nhau thì đến lúc thanh toán cả hai đều cam phu chia". Nếu không thì hôm nay anh ấy mời hôm sau lại đến lượt mình. Lúc đầu không quen nhưng sau thấy như thế càng thoải mái".

“Làm phụ nữ mà mang tiếng phụ thuộc vào chồng thì chán lắm”, chị Vinh kết luận.

Khi về làm vợ anh, chị cũng giữ nguyên thói quen cũ. Đặc biệt, khi bố mẹ chị cho một mảnh đất làm của hồi môn cho con gái cũng khuyên chị nên đứng tên riêng. Mẹ chị rỉ tai: “Bây giờ hòa thuận thì không ai nói làm gì nhưng sau nhỡ xảy ra chuyện gì chia chác tài sản mà phải cưa đôi thì thiệt cho con thôi”.

Chị Vinh cũng đưa ra nhiều trường hợp để chứng minh cho quan điểm của mình là đúng. Đó là chuyện một người chị họ của chị nai lưng ra làm lụng nuôi chồng con suốt chục năm trời. Đến khi anh ta cặp bồ đòi ly hôn để về ở hẳn với cô bồ thì chị mới vỡ lẽ tất cả tài sản xưa nay do chị tích góp để mua sắm đều do chồng đứng tên.

Ngày nay, phụ nữ có nhiều cơ hội để tham gia vào công việc kinh doanh, buôn bán ... nên họ có khả năng độc lập về tài chính với chồng. Nhưng liệu “tiền ai nấy tiêu, lương ai nấy hưởng” có phải là lúc nào cũng thuận tiện và thoải mái?

Vợ chồng như “người dưng nước lã”

Chị Lan sống rất thoải mái với quy tắc chi tiêu của hai vợ chồng nhưng lâu dần chị cũng đâm mệt mỏi vì sự sòng phẳng thái quá của người bạn đời này. Có lần người đến thu tiền điện hàng tháng mà chị không có ở nhà, dù chỉ có mấy trăm ngàn không thấm vào đâu so với thu nhập của chồng, nhưng anh vẫn kiên quyết bảo nhân viên đó hôm sau quay lại.

Đơn giản, bởi số tiền chung của hai người là do chị cầm. Nhiều lần đến nhà đều không gặp được chị, khi nhà bị cắt điện vì chậm trễ thanh toán tiền điện, anh mới cằn nhằn vợ. Chị cãi lại, anh cũng cứng nhắc: “Không phải ngay từ đầu đã thống nhất mấy khoản này do cô chi trả bằng tiền chung rồi à?

Về vấn đề này, bạn đọc có nickname là Tocdaixd cũng chia sẻ trên một diễn đàn: “Mình kịch liệt phản đối kiểu vợ tiền riêng, chồng tiền riêng. Vợ chồng là tiền phải quy về một mối. Chả thế mà các cụ có câu "của chồng công vợ" là gì. Không có các bà vợ giữ tiền thì các ông chồng cuối cùng cũng chẳng để ra được đâu, dù lương có cao đến mấy, mà mấy ông chồng là chúa tiêu hoang, ít tính toán”.

Bạn có nickname là Mecunlinh cũng cho rằng: “Mình thấy vợ chồng làm vậy sòng phẳng quá, cứ như đối tác làm ăn ấy. Vợ chồng mình nhận lương bằng tiền mặt nên chẳng có tài khoản gì, lương của cả 2 để chung vào một chỗ, mình cần chi tiêu hàng ngày thì lấy, chồng cần khoản gì cũng lấy ở đó ra và chỉ cần bảo nhau một câu là hôm nay anh/em lấy ....nhé mà thôi”.

Về việc này, chị Linh Dung nhân viên một công ty truyền thông ở đường Láng Hạ, Hà Nội cũng cho biết: “Khi hai người chia sẻ tiền bạc với nhau mình còn kiểm soát được ông xã. Các khoản chi tiêu của chồng sẽ cho biết chồng mình có nhậu nhẹt nhiều hay chi tiêu cho một mục đích riêng nào đó không”.

Chuyện tiền nong nên chung hay riêng trong đời sống vợ chồng tưởng như đơn giản nhưng thực ra lại rất quan trọng.

Chị Nga, hiện tại đang là biên tập viên cho một website cũng đồng tình: “Tiền bạc là vấn đề rất nhạy cảm, dễ sứt mẽ tình cảm, do đó chúng ta không nên quá nặng nề vấn đề tiền chung, tiền riêng như thế rất dễ mất hạnh phúc. Tôi thống nhất với cách lập quỹ chung, tất cả mọi chuyện cần đến quỹ phải mang ra bàn bạc và thống nhất. Như thế cuộc sống vợ chồng giảm bớt những bất hòa về vấn đề tiền bạc và vì có thuận vợ thuận chồng thì “tát biển Đông cũng cạn”.

Lê Châu