Bà Ngô Thị Thúy Hằng - Giám đốc Trung tâm Quản lý dữ liệu về liệt sỹ và người có công khẳng định từng chứng kiến nhiều nhà ngoại cảm nổi tiếng “dẫn đường” sai cho thân nhân liệt sỹ trong hành trình đi tìm hài cốt liệt sỹ bị thất lạc danh tính.

TIN BÀI KHÁC


“Trung tâm Nhắn tìm đồng do tôi phụ trách đã hoạt động gần 8 năm nay với chức năng hỗ trợ gia đình các thân nhân liệt sỹ về thông tin trong việc quy tập hài cốt. Suốt quá trình hoạt động đó, tôi nhiều lần chứng kiến các nhà ngoại cảm gặp sai lầm trong chỉ dẫn cho thân nhân liệt sỹ” - bà Thúy Hằng mở đầu câu chuyện.

Nhà ngoại cảm làm gì? Mời vong lên rồi phán... sai!

Giám đốc Trung tâm Quản lý dữ liệu về liệt sỹ và người có công tiếp lời: “Khi việc tìm mộ bằng phương pháp ngoại cảm nở rộ trong vài năm gần đây, người nhà liệt sỹ thường tìm đến các nhà ngoại cảm trong trạng thái mù mờ về thông tin liệt sỹ nhà mình. Liệt sỹ đã từng chiến đấu ở đâu, hy sinh ở chỗ nào, thời điểm nào... nhiều thân nhân liệt sỹ đều không hay biết hoặc không bỏ công tìm hiểu.

Và vì mù tịt thông tin như thế nên tất cả đều phó mặc cho nhà ngoại cảm. Nhà ngoại cảm làm gì? Mời vong lên rồi phán. Tuy vậy, rất nhiều nhà ngoại cảm, sau khi áp vong khiến người nhà liệt sỹ tin sái cổ, đã... chỉ sai nơi có phần mộ liệt sỹ!”.


Bà Ngô Thị Thúy Hằng đang tư vấn qua điện thoại cho thân nhân liệt sỹ.
Bà Hằng không đi sâu vào việc giải thích căn nguyên của việc sai lệch này. Thay vào đó, Giám đốc Trung tâm Quản lý dữ liệu về liệt sỹ và người có công kể cho phóng viên nghe những câu chuyện thực tế. Theo lời bà Hằng, một số nhà ngoại cảm nổi tiếng đã bị Trung tâm Quản lý dữ liệu về liệt sỹ và người có công ghi nhận có sai lầm trong việc chỉ vị trí mộ liệt sỹ sau quá trình áp vong.

Nhà ngoại cảm không biết đọc giấy báo tử?

Bà Thúy Hằng nêu một ví dụ về “năng lực tìm mộ” của một nhà ngoại cảm được xem là rất, rất nổi tiếng: “Ví như trường hợp liệt sỹ Lê Tiến Hệ, gia đình sinh sống tại phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội. Gia đình liệt sỹ Hệ đã cậy nhờ nhà ngoại cảm Bích Hằng tìm mộ bằng phương pháp ngoại cảm. Qua áp vong, nhà ngoại cảm Bích Hằng cho gia đình biết mộ liệt sỹ Hệ đang ở Kon Tum.

Tìm vào Kon Tum theo chỉ dẫn của nhà ngoại cảm, quả nhiên gia đình liệt sỹ đã tìm thấy một ngôi mộ, còn xương cốt nên tiến hành bốc mộ. Tuy nhiên, sau đó người nhà liệt sỹ Hệ đã tìm đến Trung tâm Quản lý dữ liệu về liệt sỹ và người có công và khi nhìn vào giấy báo tử của liệt sỹ, cán bộ Trung tâm lập tức khẳng định: Liệt sỹ Hệ không hy sinh ở Kon Tum!”.

“Qua ký hiệu ghi trên giấy báo tử này, tôi dịch được ngay là liệt sỹ Lê Tiến Hệ đã hy sinh tại chiến trường Đông Nam Bộ! Tôi lập tức giúp gia đình liệt sỹ Hệ liên hệ với đơn vị cũ nơi liệt sỹ Hệ chiến đấu và hy sinh, đơn vị cũng xác nhận điều này. Trước tình thế trên, gia đình liệt sỹ Hệ đã đưa mẫu hài cốt thu được ở Kon Tum đi xét nghiệm ADN.

Kết quả xét nghiệm ADN chứng minh hài cốt tìm thấy bằng phương pháp ngoại cảm không phải là hài cốt của liệt sỹ Lê Tiến Hệ. Lúc này, gia đình quay sang tìm mộ dựa trên hồ sơ, giấy tờ và sự hỗ trợ của Trung tâm Quản lý dữ liệu về liệt sỹ và người có công. Kết quả: Họ đã tìm ra được hài cốt có mẫu ADN trùng khớp với mẫu ADN của người thân!” - bà Thúy Hằng tiếp lời.

Lắc đầu ngán ngẩm, bà Thúy Hằng nêu một dẫn chứng khác: “Gần đây, có một nhà ngoại cảm mới nổi tên là Sinh ở Hải Dương được nhờ tìm mộ. Nhà ngoại cảm này đã áp vong, nói chuyện và thậm chí chụp cả ảnh vong cho gia đình liệt sỹ xem rồi phán liệt sỹ này hy sinh ở Long An. Tuy nhiên, khi gia đình liệt sỹ đến Trung tâm Quản lý dữ liệu về liệt sỹ và người có công, qua giấy báo tử, chúng tôi khẳng định liệt sỹ đã hy sinh ở Quảng Nam. Đơn vị cũ của liệt sỹ cũng gửi công văn xác nhận lại điều này!”.

Cấp giấy chứng nhận ngoại cảm: Nguy hiểm!

“Theo tôi được biết, mới đây đã có thêm 38 nhà ngoại cảm được một trung tâm nghiên cứu về tiềm năng con người cấp giấy chứng nhận là có khả năng ngoại cảm. Tôi không hiểu họ lấy tiêu chí gì, căn cứ vào đâu mà lại cấp giấy chứng nhận nhà ngoại cảm? Nguy hiểm hơn, sau khi có giấy chứng nhận, các nhà ngoại cảm vẫn được “thả nổi” trong việc hành nghề” - bà Thúy Hằng bức xúc.

Bà Thúy Hằng lý giải về sự bức xúc của mình: “Tôi tin rằng nhà ngoại cảm có thể giúp gia đình liệt sỹ xác định thêm một số thông tin trong việc tìm mộ thất lạc. Nhưng tôi không tin là ở nước ta lại có nhiều nhà ngoại cảm đến như thế. Và hơn nữa, chắc gì hôm nay anh có khả năng ngoại cảm, ngày mai khả năng đó vẫn còn?

Vậy thì nên chăng, những tổ chức có chức năng cấp chứng nhận ngoại cảm cần phải nhìn nhận lại trách nhiệm, quy trình thẩm định năng lực ngoại cảm đối với các nhà ngoại cảm. Phải căn cứ vào khảo nghiệm thực tế, kết luận mang tính chính xác tuyệt đối như giám định AND chẳng hạn rồi mới phong danh hiệu nhà ngoại cảm chứ.

Sau khi phong danh hiệu rồi thì cũng nên tập trung họ lại để họ hoạt động trong một môi trường có sự giám sát, kiểm tra gắt gao. Ví dụ như, lấy mẫu hài cốt liệt sỹ tìm thấy bằng phương pháp ngoại cảm đem đi xét nghiệm. Đúng sai thế nào, phải công bố rộng rãi để dư luận được biết”.

Thân nhân các liệt sỹ có thể đến Trung tâm Quản lý dữ liệu về liệt sỹ và người có công vào sáng các ngày thứ 3, 5, 7 hàng tuần để được tư vấn thông tin về nơi liệt sỹ đã hy sinh dựa trên các hồ sơ gốc do trung tâm có được từ các đơn vị quân đội trên cả nước.

Trung tâm có trụ sở tại phòng 206, nhà A2, Khu tập thể Bộ Công An, đường Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Địa chỉ trang web: http://nhantimdongdoi.org. Số điện thoại tư vấn: 1900571242.

“Cẩm nang” tìm hài cốt liệt sỹ

Theo bà Ngô Thị Thúy Hằng - Giám đốc Trung tâm Quản lý dữ liệu về liệt sỹ và người có công, giấy báo tử của liệt sỹ chính là căn cứ vô cùng quan trọng để gia đình liệt sỹ bắt đầu hành trình đi tìm hài cốt liệt sỹ. Gia đình liệt sỹ cần đem tờ giấy này đến liên hệ với đơn vị của liệt sỹ để họ dịch giải các ký hiệu, tra cứu hồ sơ lưu. Có được các thông tin đó rồi mà gia đình liệt sỹ vẫn không tìm được hài cốt liệt sỹ thì mới nên cậy nhờ đến nhà ngoại cảm. Tuy nhiên, thân nhân liệt sỹ không nên bỏ qua khâu giám định ADN đối với hài cốt liệt sỹ tìm thấy theo hướng dẫn của nhà ngoại cảm.

(Theo Pháp luật Việt Nam)