Trước thông tin một số chuyên gia cho rằng, để xây dựng đường trên cao trên tuyến vành đai 2, Hà Nội có thể phải phá bỏ 3 cầu vượt, Sở Giao thông vận tải vừa chính thức lên tiếng khẳng định, sẽ xây đường trên cao vượt qua cầu vượt.


TIN BÀI KHÁC


Trong văn bản vừa gửi lãnh đạo UBND Hà Nội, ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho biết, tuyến đường trên cao vành đai 2 do đơn vị này làm chủ đầu tư sẽ được xây dựng vượt qua cầu vượt khi đi qua nút Ngã Tư Vọng và Ngã Tư Sở.

Dịp này, để nhanh chóng đưa ra phương án thực hiện dự án đường trên cao và nhằm giải quyết những vướng mắc về mặt bằng tại một số điểm giao cắt trên đường vành đai 2, phía Sở Giao thông vận tải cũng đưa ra kiến nghị tại khu vực nút giao thông Ngã Tư Vọng.

Theo kiến nghị mà đơn vị đầu ngành giao thông của thành phố vừa gửi thì để đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư của tuyến vành đai 2 trong thời gian tới, ngay cả khi tuyến đường sắt số 1 chưa thi công thành phố cũng cho phép được giao mặt bằng thực hiện dự án.


Sở Giao thông vận tải khẳng định sẽ xây đường trên cao vượt qua cầu vượt.

Để đảm bảo đồng bộ, tạo thuận lợi cho đường bộ trên cao đi trên tầng 3, cần khống chế cao độ mặt ray tuyến đường sắt số 1 cao hơn cao độ mặt đường vành đai 2 theo quy hoạch là không quá 7m.

Cũng theo Sở GTVT, phương án này sẽ được thực hiện tương tự khi đường trên cao đi qua cầu vượt Ngã Tư Sở. Tuy nhiên, Sở GTVT cũng lưu ý đến phương án thứ 2. Cụ thể, trong trường hợp nếu giải phóng được 3.600 hộ dân ở hai bên đường để có mặt bằng như thiết kế thì phương án đường trên cao đi tránh cầu vượt sẽ thực hiện được.

Trong một diễn biến khác, trước thông tin để xây dựng đường trên cao Hà Nội có thể phải phá bỏ 3 cây cầu: Ngã Tư Sở, Ngã Tư Vọng và Mai Dịch, ông Phạm Thanh Bình, Phó Tổng Giám đốc PMU Thăng Long (Bộ GTVT), đơn vị đang xây dựng tuyến đường trên cao tại vành đai 3 cho biết, theo thiết kế được Bộ GTVT phê duyệt, việc xây dựng đường trên cao ở vành đai 3 sẽ không phải phá cầu vượt Mai Dịch.

“Chúng tôi đã thiết kế để dòng phương tiện có thể dễ dàng đi lên cầu, phần tiếp nối cũng đủ chiều dài để tách, nhập dòng với làn đường phía dưới. Cầu vượt Mai Dịch trước đây được xây dựng theo đúng các tiêu chuẩn kỹ thuật nên việc tiếp nối đường bộ trên cao không phải điều chỉnh gì nữa”, ông Bình khẳng định.


Đường trên cao ở Bangkok (Thái Lan).

Theo Kế hoạch phát triển giao thông vận tải Thủ đô do Sở Giao thông vận tải từ nay đến 2015, Hà Nội sẽ xây dựng 6 tuyến đường trên cao trên các tuyến đường vành đai 2; 3; 3,5 và một số trục đô thị chính.

Tuy nhiên, tại Hội thảo "Một số giải pháp xây dựng hệ thống giao thông thông minh tại Việt Nam" được tổ chức sáng 17/6 tại Hà Nội, PGS. TS Nguyễn Quang Đạo, trường Đại học Xây dựng cho biết, Hà Nội đang tính chuyện xây dựng đường trên cao dọc tuyến vành đai 2. Tuy nhiên, hiện nay có một vấn đề khó khăn là nếu xây dựng đường trên cao trên tuyến này thì sẽ giải quyết bài toán các cây cầu vượt như thế nào.

Theo ông Đạo, dọc tuyến hiện có 3 cầu vượt cho nên nếu xây dựng đường trên cao sẽ rất khó trong việc kết nối. “Nếu xây đường trên cao vượt qua các cây cầu vượt này thì chi phí sẽ rất tốn kém. Nối tiếp vào cũng không được. Hiện biện pháp được nhiều chuyên gia tính đến và được coi là tiết kiệm hơn cả là phá đi làm lại”, PGS.TS Nguyễn Quang Đạo cho biết.

3 cây cầu vượt của Hà Nội: Ngã Tư Sở, Ngã Tư Vọng và Mai Dịch mới được xây dựng cách đây vài năm với nguồn kinh phí khoảng 5000 tỷ đồng.

(Theo Vnmedia)