Khi làm việc bà không được di dép vì nếu chỉ cần đi dép là ngã ngay, hay đôi tai cũng vậy, lúc nào cũng lắng nghe, nếu đội nón vào thế nào cũng bị ngã hoặc bị rơi xuống mương nước.

TIN BÀI KHÁC


Trường hợp đặc biệt này là bà Nguyễn Thị Lan (SN 1950), trú tại xóm Liên Sơn, xã Phúc Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An).

Tuổi thơ dữ dội

Về quê lúa Yên Thành, chúng tôi được người dân kể cho nghe về một người đàn bà mù có thể làm được mọi việc như người bình thường. Thoạt đầu không tin, nhưng rồi khi chúng tôi đến thăm thấy bà đang chuẩn bị bữa rau cám cho heo mới thật sự kinh ngạc. Nhìn hai tay thoăn thoắt thái rau, thái chuối... cứ như thể bà nhìn thấy tất cả chứ ít ai ngờ trước mặt bà chỉ là một màn đêm tối tăm.

Ngược thời gian, theo bà Lan thì tuổi thơ của bà phải trải qua những thời khắc dữ dội. Sinh ra trong một gia đình thuần nông, mẹ của Lan, bà Nguyễn Thị Được bị câm, điếc nên không lấy chồng mà chỉ kiếm đứa con với mong muốn sau này tuổi già có nơi nương tựa. Lên bốn tuổi, trong một lần đau mắt, vì không biết đường chữa trị nên mắt của Lan đã vĩnh viễn không nhìn thấy ánh sáng.


Bà Lan được nhiều người dân biết đến với khả năng làm việc kỳ lạ

Cảnh người đàn bà câm điếc, không chồng nuôi con mù lòa cực khổ hết chỗ nói. Cuộc sống của hai mẹ con họ ngày đó chỉ bằng nắm rau má, mớ ốc đổi lấy gạo sống qua ngày. Đột ngột bị tàn phế, không thể đến trường như bạn bè cùng trang lứa cũng như làm những việc đơn giản nhất, Lan chỉ quanh quẩn ở nhà với bốn bức tường, cuộc sống trở nên nặng nề, tù túng và u buồn.

“Cậu nhắm mắt mà giết cháu đi, đừng để cháu sống mà khổ mẹ. Sau này cháu lớn lên còn khổ nhiều nữa, cháu sẽ làm gì để mà sống hả cậu?”, bà Lan nhớ lại câu nói của mình hồi trước với người cậu ruột Nguyễn Văn Vỵ.

Nhiều lần Lan tìm đến cái chết nhưng không thành. Sau mấy lần chết “hụt”, thương mẹ, Lan lại quyết tâm thay đổi và cố gắng tập luyện để có thể làm những công việc đơn giản, lặt vặt trong nhà. Nhưng rồi bà đã làm được hơn thế, ngoài sức tưởng tượng của chính bà.

Làm được mọi việc nhờ … đôi tai và đôi chân trần


Ban đầu, Lan cố gắng tự mình làm vệ sinh cá nhân, sau đó là quét dọn nhà cửa. Thời kỳ đầu chưa quen, cứ mỗi lần làm việc là bà lại vấp ngã. Sau một thời gian dài tập luyện bà dần dần quen và thành thạo có thể làm được tất cả công việc từ múc nước, thái rau, giặt đồ, nấu ăn đến việc gặt lúa, kiếm củi…

Chứng kiến bà làm việc nhiều người dân vô cùng bất ngờ, nể phục khả năng của bà. Rồi họ truyền tai nhau chuyện một cô bé mù có những khả năng làm việc kỳ lạ.

“Tôi làm được mọi việc thế này là cũng nhờ vào đôi tai và đôi chân. Đôi chân lúc nào cũng để trần chứ không đi dép, nếu đi dép vào là tôi bị vấp ngã ngay. Hay là đôi tai cũng vậy, lúc nào cũng lắng nghe, nếu đội nón vào thế nào cũng bị ngã hoặc bị rơi xuống mương nước”, bà Lan tiết lộ bí quyết giúp mình làm được mọi việc cho chúng tôi biết.

Bà còn khoe mấy đứa con của mình lấy chồng về các xã khác nhau, đứa nào cũng cách nhà khoảng 5 - 8km nhưng chỉ cần có người dắt đi lần đầu là lần sau bà có thể tự đi một mình.


Nhìn động tác thái rau của bà nhanh thoăn thoắt, không ai nghĩ đôi mắt bà đã bị mù lòa

Từ công việc trong nhà như quét nhà, nấu cơm, giặt giũ quần áo, thái rau cho heo, rửa cốc, chén bát…cho tới việc đồng áng như gặt lúa, cắt rạ, cắt rau khoai… bà đều có thể làm được.

Trước đây, cuộc sống gia đình đói kém, bà thường theo mẹ đi mót lúa, hái rau má về ăn. Sau đó cũng theo bạn bè đi hái củi, cũng phân biệt cành củi khô hay tươi, đi bẻ cây rành rành đem bán lấy tiền mua gạo nuôi mẹ già câm điếc. Cứ như thế bà đã đi khắp nơi mưu sinh bằng đôi chân trần của mình.

Cuộc đời vẫn còn lắm cơ cực

Năm 17 tuổi, với khát khao có một gia đình, bà đã chấp nhận làm vợ ông Trần Văn Song, lớn hơn bà đến 43 tuổi. Những năm sau đó lần lượt 6 đứa con của hai vợ chồng họ ra đời. Do tuổi cao nên ông Song thường xuyên đau ốm, rồi ông nằm liệt giường. Mọi việc trong gia đình đổ lên đôi vai người đàn bà mù, bà trở thành trụ cột từ lo cơm nước, thuốc thang cho chồng đến lo cho con cái ăn, cái mặc.

Rồi ông Song ra đi mãi mãi sau nhiều năm đau ốm để lại cho bà 6 người con thơ dại. Gánh nặng cơm áo càng đè lên vai người đàn bà mù. Vậy mà bà vẫn nuôi con trưởng thành rồi dựng vợ, gả chồng cho từng đứa đến nơi đến chốn.


Tuổi thơ và tuổi già của bà lúc xế chiều phải trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, dữ dội nhưng bà vẫn cố vượt qua tất cả

Trong làng ngoài xóm và cả cái xã này ai cũng cảm phục nghị lực phi thường của bà.

Ông Trần Văn Tám, hàng xóm của bà Lan cho hay: “Người mù thì tôi thấy nhiều nhưng tôi chưa thấy ai khổ như bà Lan đây. Chồng thì già yếu không làm được gì cả, rồi sau đó ra đi bỏ lại bà và những đứa con thơ dại, một mình bà ấy nuôi 6 đứa con trưởng thành mà thấy cảm phục. Những hôm ốm đau, ngày ngày thiếu ăn gia đình bà rơi vào hoàn cảnh rất bi đát. Có lần bị ngã gãy tay, vì không có tiền đi băng bó ở bệnh viện nên bà lấy que tre nẹp tạm, mãi đến hơn 3 tháng mới thôi”. Thấy hoàn cảnh đáng thương của gia đình bà, bà con hàng xóm thỉnh thoảng cũng giúp đỡ cho bà cân gạo, tí đồ ăn.

“Một mình nuôi được 6 đứa con trưởng thành, chưa nhờ được bao nhiêu thì chúng lại đi lấy chồng, giờ lại nuôi cháu. Thế nhưng nghĩ lại, tôi thấy ông trời vẫn còn thương mình, nhìn bầy cháu trưởng thành, lớn khôn trong lòng tôi cũng vơi đi nỗi tủi khổ mà mấy chục năm nay phải gánh chịu”, bà Lan chia sẻ.

(Theo Bưu điện Việt Nam)