Có cung ắt sẽ có cầu, việc nhiều thân nhân gia đình liệt sĩ đổ xô đi tìm hài cốt bằng phương pháp ngoại cảm đã khiến các trung tâm ngoại cảm mọc lên như nấm, đủ các dịch vụ với giá cắt cổ.

TIN LIÊN QUAN


TIN BÀI KHÁC


Dịch vụ từ A đến... Z

Hầu hết các gia đình thân nhân liệt sĩ đều có mong muốn cháy bỏng là tìm thấy phần mộ của người thân nhưng sự khao khát chính đáng ấy đã bị kẻ xấu lợi dụng. Anh T. V. T - một thân nhân gia đình liệt sĩ ở xã Kim Sơn (Gia Lâm, Hà Nội) cho biết: “Gia đình tôi đặt niềm tin vào một nhà ngoại cảm, lúc nào cũng sẵn sàng đợi “vong áp” để lên đường.

Có đi mới biết, trung tâm của nhà ngoại cảm này làm đủ tất cả các dịch vụ, từ thuê xe ô tô cho tới đào đất, bốc hài cốt... đến cả kèn trống bằng nhạc sống làm lễ truy điệu. Chỉ cần gia chủ có nhu cầu, trung tâm đáp ứng đủ từ A cho tới Z. Chỉ tính riêng tiền thuê xe trong 4 ngày đi vào Tây Ninh đã mất ít nhất 25 triệu đồng. Trung bình cả chuyến đi, gia đình tôi đã phải chi hơn 60 triệu đồng”.


Bà Phạm Thị Gái ở xã Thúc Kháng (Bình Giang, Hải Dương) chi 50 triệu đồng tìm kiếm hài cốt chồng (là liệt sĩ).

Ông Nguyễn Phạm Giá ở Gia Lâm (Hà Nội) cho biết: “Đi mới thấy rùng mình bởi những nguy hiểm dọc đường. Ở xã tôi cũng đã có trường hợp đi tìm hài cốt xe bị lật, cũng may là thoát nạn, nếu không chẳng tìm thấy hài cốt lại mang cả xác về. Tính ra chi phí cũng ngót trăm triệu đồng. Thực tế, có nhiều người bố mẹ chết, sau 3 năm ra bốc mộ ở ngay gần nhà thôi vẫn còn bốc nhầm vì không nhớ chính xác vị trí. Liệt sĩ hy sinh đã vài chục năm thì còn gì, quan trọng là cái tâm thôi” - ông Giá tâm sự.

"Ngoại cảm chỉ là một phương pháp để có thêm thông tin, cần có thêm nhiều biện pháp khoa học khác, căn cứ trên cả di vật và biện pháp cuối cùng là giám định ADN mới đảm bảo chính xác".

Bà Quan Lệ Lan - Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người

Ông Bùi Văn Kích ở Bình Giang (Hải Dương) cũng cho biết, chuyến đi tìm hài cốt của cả hai liệt sĩ là anh trai và em trai ông, chi phí mất khoảng 100 triệu đồng nhưng đổi lại gia đình đã tìm thấy hài cốt, thoải mái tinh thần.

Không may mắn như ông Kích, ông Nguyễn Văn Ngân có anh trai là liệt sĩ Nguyễn Văn Thắng ở thôn Ngọc Tân, xã Thúc Kháng (Bình Giang, Hải Dương) không tìm thấy mộ. “Ngày đó chỉ có hai anh em chúng tôi đi tìm mộ theo ngoại cảm. Đi trong 5 ngày tính ra mỗi ngày hết khoảng 10 triệu đồng mà vẫn không có kết quả”- ông Ngân nói.

Tại xã Quảng Cát, Quảng Tâm (Quảng Xương, Thanh Hoá) trong 3 tháng trở lại đây cũng đã quy tập hơn 50 mộ liệt sĩ bằng phương pháp ngoại cảm. Ông Phạm Văn Việt - Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Cát cho biết:

“Chi phí cho một chuyến đi tìm mộ liệt sĩ của mỗi gia đình mất khoảng 30- 40 triệu đồng. Có trường hợp đi tới hai lần mà không tìm được mộ. Đó là gia đình ông Lê Văn Cả, ở thôn 2, đã phải chi khá tốn kém cho hai chuyến vào miền Nam để tìm mộ, nhưng không có kết quả”.

Giấu chuyện bốc mộ bằng ngoại cảm

Ông Hồ Dần - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết, chuyện tìm mộ liệt sĩ qua con đường ngoại cảm ở Huế thực sự rộ lên từ năm 2009. Những nhà ngoại cảm đến đây tìm mộ phần lớn là người ngoại tỉnh, chủ yếu là từ Nghệ An và Hà Nam. Nhiều thân nhân của liệt sĩ khi đến Sở để xin cất bốc hài cốt của người thân mình đều giấu chuyện nhờ nhà ngoại cảm.

“Tuy nhiên chúng tôi cũng đã hướng dẫn thủ tục cho họ và tuyên truyền cho họ nên xác minh qua cơ quan quản lý liệt sĩ trước lúc hy sinh hoặc giám định ADN”- ông Dần nói.

Tìm mộ hài cốt liệt sĩ ở Gio Linh, Quảng Trị.
Cũng theo ông Dần, ở huyện miền núi A Lưới, Thừa Thiên - Huế, một chiến trường ác liệt trước 1975, có rất nhiều người hy sinh. Thời gian vừa qua có nhiều nhà ngoại cảm đến đây tìm mộ liệt sĩ cho thân nhân. Tuy nhiên, sau khi xác định lại danh tính bằng nhiều phương pháp thì cũng có trường hợp đúng và có trường hợp sai hoàn toàn.

“Có lần, khi đến A Lưới, một nhà ngoại cảm bảo anh này hy sinh vì bị trúng bom, người đã tan thành nhiều mảnh và văng đi khắp nơi. Thế mà ông ta vẫn đến chỉ phần mộ của liệt sĩ còn nguyên vẹn. Kết quả chẳng ra sao mà người nhà liệt sĩ thì tốn công tốn của đi theo nhà ngoại cảm này”- ông Dần kể.

Ông Dần còn cho biết, nhà ngoại cảm cũng chẳng có gì là xấu nếu họ làm việc đúng lương tâm. “Chúng ta cũng nên nhờ vào nhà ngoại cảm để tham khảo trong việc xác nhận danh tính của mộ liệt sĩ. Trên cơ sở các nhà ngoại cảm chỉ đường, cơ quan chức năng sẽ dựa vào đó để rà soát lại hồ sơ tư liệu từ cơ quan quản lý liệt sĩ trước lúc hy sinh hay giám định ADN để xác định”- ông Dần cho biết.

Tuy nhiên, theo ông Dần, cũng cần cảnh báo việc xuất hiện quá nhiều trung tâm ngoại cảm như ở Nghệ An, Hà Nam là chuyện ngược đời vì số lượng người có khả năng đặc biệt là rất hiếm. Và khả năng xảy ra chuyện lợi dụng để lấy tiền của người nhà liệt sĩ là không tránh khỏi.

Ngoại cảm chỉ là một phương pháp

Trao đổi với Dân Việt, bà Quan Lệ Lan - Phó Chủ nhiệm Bộ môn Cận tâm lý (Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng của con người) cho biết: “Ngoại cảm chỉ là một phương pháp, cần kiểm chứng bằng nhiều phương pháp khoa học khác. Nguyên tắc của trung tâm là sử dụng phương pháp ngoại cảm kết hợp với các phương pháp khoa học khác. Hiện trung tâm chúng tôi có khoảng 10 cộng tác viên là những nhà ngoại cảm, trong đó nhiều người không muốn cung cấp tên tuổi mà chỉ muốn làm công việc từ thiện thầm lặng”.

Theo bà Lan, hầu hết các nhà ngoại cảm này đều được trung tâm thẩm định chéo. Ví dụ, khi có một gia đình đến nhờ tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, trung tâm cùng một lúc bí mật giới thiệu cho họ từ 2 đến 3 nhà ngoại cảm để đối chiếu phương pháp của họ sử dụng. Khi tìm thấy hài cốt, trung tâm còn thử thêm cả những di vật và thậm chí là cả nhờ thử ADN để kiểm chứng.

Cũng theo bà Lan, vừa qua ở nhiều địa phương như Nghệ An, Hà Tĩnh, xuất phát từ lợi nhuận cao đã xảy ra hiện tượng “loạn” ngoại cảm với các trung tâm ngoại cảm tìm hài cốt mọc lên “như nấm”. Dù chưa có con số thống kê nhưng chỉ riêng Nghệ An được coi là địa bàn nhiều nhất đã có tới 15 trung tâm, trong đó có 2 trung tâm mới bị đóng cửa. Họ làm cho nhiều người bị mê muội, có người ngồi thiền tới 50 ngày mà không có kết quả, chẳng thấy vong hiện lên.

Ngoài ra, những chi phí khác cho mỗi gia đình tìm được hài cốt về tới nơi cũng phải mất khoảng 50 - 60 triệu đồng. Thậm chí, có nhiều vụ phải chi phí cho những khoản “trên trời” như cho thuê xe chưa tính tiền xăng, tiền lái một ngày đã 3 triệu đồng, phải đốt 500 bộ quần áo giấy, làm đám cưới cho 6 liệt sĩ cùng một lúc...

Thậm chí, thấy thân nhân gia đình liệt sĩ chi chưa “tới”, nhiều kẻ còn dùng “chiêu thức” đánh người nhà để đuổi vong lang thang ra khỏi cơ thể của cô này, chị kia... “Hành hạ người ta như thế cũng chỉ vì một mục đích trục lợi thì thật là thất đức” - bà Lan nói.


(Theo Dân Việt)