Từ tố cáo của gia đình một nữ sinh lớp 3, Phạm Văn Tuyên (SN 1983, giáo viên Trường Tiểu học Bản Lun, xã Tà Mung, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu) đã bị khởi tố, bắt giam và xét xử về tội “Dâm ô với trẻ em”. Nhưng mới đây, bản án sơ thẩm đã bị TAND tỉnh Lai Châu tuyên hủy, yêu cầu điều tra bổ sung vì xuất hiện chứng cứ thể hiện bị cáo không thực hiện hành vi phạm tội.

TIN BÀI KHÁC


Trò tố cáo, thầy bị phạt tù

Vụ án bắt đầu từ đơn tố cáo của anh N.V.C (ở xã Tà Mung) về việc con gái anh là cháu N.T.T. (SN 2002) bị thầy Phạm Văn Tuyên sờ soạng vào chỗ kín trên lớp học.


Nhân chứng Đàm Xuân Hiếu trình bày tại phiên tòa.

Theo lời kể của cháu T. với bố mẹ, chiều 6/12/2010, thầy Tuyên cho học sinh chép bài “Nhớ Việt Bắc” rồi cho về hết. Riêng T. được thầy yêu cầu viết thêm bài “Hũ bạc của người cha” nên về sau cùng. Đến khoảng 16h, thầy Tuyên nói cháu T. cất sách vở rồi ngồi xuống bên cạnh, kéo khóa quần và sờ soạng vào phần kín cháu T. Sau đó, thầy Tuyên còn kéo T. xuống cuối lớp để thực hiện các hành vi đồi bại khác...

Ngoài lời khai có nội dung tương tự trên đây của T., tại Công an huyện Than Uyên, 3 bạn cùng lớp của T. là Đèo Văn Thương, Lò Thị Quyền, Lường Thị Tỉnh đều khai rằng: “T. ở lại lớp cùng thầy Tuyên khoảng một nửa tiết học. Lúc đó, cửa chính của lớp vẫn mở, còn cửa sổ đã đóng hết”.

Kết luận giám định cho thấy màng trinh cháu T đã bị rách nên Cơ quan CSĐT Công an huyện Than Uyên đã khởi tố, bắt giam Tuyên về tội “Dâm ô với trẻ em” với vật chứng duy nhất là chiếc quần bò màu đen của bị hại T. Sau đó, Tuyên bị TAND huyện Than Uyên xử 4 năm 6 tháng tù mặc dù bị cáo khẳng định “đã đi cùng cả 4 học sinh (trong đó có T.) ra khỏi lớp từ lúc 15h30”.

Nhân chứng “thuộc lòng”?

Nhìn lại án sơ thẩm, có thể thấy HĐXX kết tội Tuyên chỉ dựa vào lời tố cáo của bị hại T. vì các lời khai khác chỉ là “nghe kể lại” và những lời khai “nghe kể lại” này cũng rất mâu thuẫn. Đơn cử như cháu Quyền, lúc thì khai “cháu được T. kể lại chiều thứ hai, ngày 6/12. Đến tối, cháu về kể cho mẹ nghe”. Nhưng có lần, T. lại khai “sáng thứ ba (ngày 7/12) mới kể cho bạn Quyền nghe”.

Rất nhiều lời khai của cháu Thương, Quyền, Tỉnh “rập khuôn” tại CQĐT rằng: “Viết xong bài “Nhớ Việt Bắc” thì thầy cho về. Các cháu không về ngay mà ở lại sân trường chờ bạn T. Ít lâu sau thì thấy thầy Tuyên đi từ trong lớp ra, đưa chìa khóa cho bạn Chài bảo khóa cửa rồi đưa chìa khóa cho bạn Thưn (Lớp trưởng)”.

Nhưng tại phiên tòa phúc thẩm, các cháu lại “đồng thanh” rằng “chép xong bài “Hũ bạc của người cha” (chứ không phải bài “Nhớ Việt Bắc” - PV) rồi về”. Còn Chài khai: “Cháu đưa chìa khoá cho bạn Thưn đang chơi gần đó và không biết ai khoá cửa”. Điều đáng nói là các nhân chứng và bị hại “nhí” chỉ khai được đối với câu hỏi “mớm”, dựa theo gợi ý câu hỏi, còn dạng câu hỏi có tính chất miêu tả hoặc kể lại thì đành “im lặng”.

Đối với Kết luận giám định “bị hại bị rách màng trinh”, Luật sư bào chữa cho bị cáo đánh giá: “Không thể dựa vào chứng cứ này để kết tội bị cáo vì việc giám định được tiến hành sau 3 tháng kể từ thời điểm có tố cáo nên không thể biết thời điểm và nguyên nhân khiến bị hại bị rách màng trinh”.

... và nhân chứng “muộn mằn”

Bước ngoặt của phiên tòa phúc thẩm đã đến khi HĐXX chấp nhận sự tham gia của 2 nhân chứng mới - anh Đàm Xuân Hiếu (giáo viên cùng trường bị cáo) và chị Nguyễn Thị Hoa (giáo viên mầm non).

Anh Hiếu khai: “Ngày 6/12/2010, 15h30 tôi cho đánh trống tan trường. Khoảng 4-5 phút sau, tôi thấy thầy Tuyên vào lấy xe máy (màu trắng), mặc áo mưa đi về. Tôi còn hỏi: “Mới mua xe à?” và nhờ Tuyên chở mấy khay sữa đi gửi nhưng Tuyên đi về luôn. Vì làm nhiệm vụ trực tuần nên tôi là giáo viên về sau cùng. Khoảng 15h45, khi đi gửi sữa xong, tôi còn đi qua con suối trước cổng trường để rửa xe, thấy trong trường không còn ai, cửa các phòng học đã đóng hết”. Cùng xác nhận việc thầy Tuyên đã về ngay sau khi tan trường, cô giáo Trần Thị Vang khai: “Sau khi có trống tan trường, tôi ra chỗ lấy xe thì gặp Tuyên xách cặp lấy xe đi về”.

Trả lời về việc tại sao không đứng ra làm chứng từ giai đoạn điều tra, anh Hiếu cho hay: “Khi công an đến trường làm việc, tôi đã nói về nội dung trên nhưng các anh công an gạt đi và bảo: “Mày biết gì mà nói, chỉ làm phức tạp thêm”...”.

Liên quan đến hoạt động điều tra, bị cáo Tuyên còn khai: “Đã được Cơ quan điều tra cho đối chất nhưng T. không nói được gì. Ngay sau đó, Điều tra viên trao đổi bằng tiếng dân tộc với bố của T.”. Tuy vậy, hồ sơ vụ án không hề có biên bản đối chất giữa bị cáo và bị hại; không có các cuốn vở của các học sinh (đến phiên tòa phúc thẩm mới đưa vào). “Điều này cho thấy dấu hiệu của việc làm sai lệch hồ sơ vụ án” - Luật sư bào chữa cho Tuyên nhận định.

Nhân chứng Nguyễn Thị Hoa cho hay: “Gần 16h thì thầy Tuyên đến lớp mầm non đón con. Tôi còn bế cháu ra xe máy giúp Tuyên vì lúc đó Tuyên đang mặc áo mưa”.

Việc xuất hiện hai nhân chứng mới tại phiên tòa phúc thẩm với nhiều lời khai về chứng cứ ngoại phạm cho bị cáo như trên khiến đại diện VKSND tỉnh Lai Châu tại phiên tòa phúc thẩm cũng thấy thiếu cơ sở để kết tội bị cáo Tuyên. Kết quả, HĐXX đã phải quyết định hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ để điều tra bổ sung một số nội dung mới không thể làm rõ tại phiên tòa.

Đi tìm công lý là... hành vi xấu?

* Rất nhiều người dân và đồng nghiệp của bị cáo Phạm Văn Tuyên đã ký vào “Đơn kêu cứu” với nội dung kêu oan cho bị cáo, thể hiện bức xúc với cách điều tra, truy tố và xét xử sơ thẩm vụ án này. Đơn có xác nhận của Phó Chủ tịch UBND xã Mường Than Hà Trung Đoàn với nội dung “17 công dân ký tên có hộ khẩu thường trú tại xã”.

* Trao đổi với phóng viên bên lề phiên tòa phúc thẩm, một số giáo viên cho hay: Chỉ ít lâu sau khi đơn này được gửi tới các cơ quan chức năng, toàn bộ các giáo viên ký tên trong đơn đều được đưa ra khỏi diện bình xét thi đua (cắt thi đua) năm 2011. Bản thân ông Phó Chủ tịch Hà Trung Đoàn đang bị Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Than Uyên xem xét kỷ luật vì “xác nhận vào đơn để công dân gửi đơn vượt cấp”. Hiện, ông Đoàn đã bị Đảng bộ xã đề nghị kỷ luật với hình thức cảnh cáo.

(Theo PLVN)