Lương một ngày không đủ một... tô phở, các giáo viên mầm non ngoài biên chế ở hai xã Mậu Lâm và Thanh Tân, huyện Như Thanh (Thanh Hóa) đã đồng thời ngừng dạy.

TIN BÀI KHÁC

Hoà chung không khí khai giảng năm học mới của tất cả các trường trong cả nước, trường mầm non xã Mậu Lâm, huyện Như Thanh cũng tổ chức lễ khai giảng năm học mới theo kế hoạch (ngày 5/9), nhưng bất ngờ 20 cô giáo không đến dự lễ, chỉ đúng 7 giáo viên biên chế đến. Sáng hôm sau, 35 giáo viên dạy hợp đồng kéo đến phòng hội đồng của trường để yêu cầu cơ quan chức năng giải quyết chế độ tiền lương, thông tin trên Báo Dân Việt cho biết.

Rất yêu nghề và quý trẻ nhưng với mức lương như hiện nay, các giáo viên này không thể lo nổi bữa cơm cho gia đình. (Ảnh: Tiền phong)

Theo quyết định 2480/2007 của UBND tỉnh Thanh Hóa, mỗi giáo viên dạy hợp đồng được hưởng lương là 985.000 đồng/giáo viên/tháng. Tuy nhiên, một số giáo viên cho biết, sau khi trừ các khoản đóng góp như: BHXH, BHYT, Bảo hiểm thất nghiệp, phí công đoàn và một số khoản đóng góp khác, thì mỗi giáo viên (hợp đồng) chỉ được nhận cao nhất là hơn 500.000 đồng/tháng; thấp nhất là 480.000 đồng/tháng. Với tình hình giá cả leo thang như hiện nay với những giáo viên dạy hợp đồng này thì lương một ngày của họ chẳng đủ ăn một tô...phở (20.000 đồng).

Trên phunutoday, bà Hoàng Thị Chung, Hiệu trưởng trường mầm non xã Mậu Lâm cho hay, 35 giáo viên đột ngột ngừng dạy và họ chỉ quay lại đứng lớp nếu như nhà trường giải quyết cho họ đủ 3 điều kiện: Thứ nhất, nhà trường phải giúp họ chuyển kiến nghị tăng lương, phụ cấp đến cấp có thẩm quyền. Thứ hai, tập thể giáo viên yêu cầu nhà trường phải tham mưu lên cấp trên đề nghị đóng BHXH cho họ giống như công chức nhà nước. Thứ 3, nếu quay trở lại lớp, các giáo viên chỉ dạy một buổi sáng hoặc chiều, thời gian còn lại để họ đi kiếm việc làm thuê để cải thiện bữa cơm trong gia đình.

Trường mầm non Mậu Lâm hiện có 46 cán bộ giáo viên. Trong đó chỉ 7 giáo viên nằm trong biên chế ngạch viên chức là có thu nhập ổn định, số còn lại (hợp đồng với UBND tỉnh là 35, hợp đồng với huyện một người và 3 người ký hợp đồng với xã) đều có mức lương thấp.

Bà Phạm Thị Hằng - Phó Giám đốc Sở GDĐT Thanh Hóa cho biết trên Dân Việt: “Qua tìm hiểu cho thấy, lý do các giáo viên ngừng dạy là vì chế độ lương quá thấp. Chúng tôi cũng đã giải thích về Đề án về cơ chế chính sách đối với giáo viên mầm non sẽ được xem xét thông qua trong kỳ họp HĐND tỉnh sắp tới, nên các giáo viên cũng yên tâm"

Mẫn Chi (tổng hợp)