Người kể lại câu chuyện này là thẩm phán của phiên tòa mà trong đó gia đình người em trai đã khởi kiện để đòi ngôi nhà do chính chị gái nhờ đứng tên. Nhưng chủ nhân đích thực của ngôi nhà đó thì không phải là một ai trong số họ!

TIN BÀI KHÁC


Khi nhận thụ lý vụ án này, bằng linh cảm của nghề nghiệp của mình, tôi đã nhận thấy những trang hồ sơ hình như không thể nào lột tả hết các éo le của cuộc đời ẩn giấu trong đó. Và, tôi đã tìm gặp họ - hai người đàn bà một già, một trẻ, một con dâu, một mẹ chồng.

“Ngay sau chuyến đi nghỉ tuần trăng mật trở về, chồng tôi đã lên kế hoạch tích lũy tiền bạc để một ngôi nhà lô 5 tầng sẽ được xây dựng trong tương lai của hai vợ chồng. Qua đó, tôi mới biết, hóa ra mảnh đất gần 100m2 bỏ hoang ngay sát căn nhà của bố mẹ chồng tôi chính là của chồng tôi chứ không phải của một người hàng xóm chưa có nhu cầu xây như anh vẫn nói trước đây với tôi hồi chưa cưới. Theo lời giải thích của anh, đây là mảnh đất anh đã mua được từ số tiền tích cóp sau mấy năm đi biệt phái làm việc ở nước ngoài. Còn sở dĩ anh giấu thế vì anh muốn kén được người vợ thực sự yêu chồng, chứ không phải lấy mình vì “mảnh đất vàng” này.


Sau cuộc nói chuyện đó, hai vợ chồng tôi đã trình bày với bố mẹ chồng về kế hoạch của mình. Bởi mảnh đất trên danh nghĩa vẫn thuộc về bố mẹ chồng tôi, vì mấy năm trước họ đã trực tiếp nhận tiền chồng tôi gửi về, cất giữ dần và lo giấy tờ mua bán. Bố chồng tôi vốn xưa nay vẫn giao phó mọi việc nhà cửa, con cái vào tay vợ nên không nói gì, nhưng thái độ im lặng của mẹ chồng khiến tôi băn khoăn. Nhưng rồi tôi lại nghĩ chắc là do bà tính ít nói chứ đời nào bố mẹ không ủng hộ con cái, vả lại tiền mua đất là do chồng tôi bỏ ra hoàn toàn cơ mà.

Cuộc sống không suôn sẻ như dự kiến nên phải chục năm sau đó khi hai vợ chồng tôi đã có với nhau hai mặt con, ngôi nhà mơ ước mới được khánh thành. Toàn bộ tiền bạc xây nhà đều do hai vợ chồng tích cóp vì chúng tôi nhất trí khoản tiền hơn trăm triệu bố mẹ chồng cho xây nhà sẽ tặng lại để các cụ dưỡng già. Nào ngờ, buổi tối ngay sau lễ tân gia vui vẻ, mẹ chồng tôi đã mời hai vợ chồng ra phòng khách nói chuyện. Chẳng một câu rào đón trước sau, bà nói thẳng ngôi nhà chúng tôi vừa xây đã được ông cậu của chồng tôi tức là em trai ruột của bà đứng tên. Chính mẹ chồng tôi đã chủ động thu xếp việc này!

Một cuộc cãi vã kịch liệt giữa hai vợ chồng tôi đã xảy ra sau đó khi chúng tôi về phòng riêng, vì chồng tôi vốn tính hiền lành lại có phần ba phải nên theo anh, ai đứng tên mà chẳng được, cũng là người nhà cả, còn nhà mình, mình vẫn ở cơ mà. Còn tôi thì hiểu sở dĩ mẹ chồng làm như vậy vì bà không muốn cho con dâu là tôi có dự phần trong tài sản gia đình, dù bà vẫn biết rằng tiền mua mảnh đất ấy là của chồng tôi hoàn toàn, còn ngôi nhà được xây dựng bằng tiền tích lũy của hai vợ chồng tôi chục năm qua. Mang tiếng là làm việc trong lĩnh vực bất động sản, đã chứng kiến không ít chuyện éo le, cạn tình xoay quanh mảnh đất, ngôi nhà nhưng tôi thật sự rất sốc và đau buồn khi bóng ma nghi kỵ lại ám ảnh trong chính ngôi nhà của mình và chưa biết tính sao để giải quyết êm thắm, thì xảy ra chuyện kiện tụng này”.

“Tôi không phải là mù dở gì khi không nhận thấy thái độ không hài lòng của con dâu khi tôi thông báo với vợ chồng nó là đã nhờ cậu em trai mình đứng tên hộ ngôi nhà mới xây. Tôi làm thế vì không hiểu sao tôi không thấy tin tưởng con dâu mình. Cứ nghĩ xem, đời thủa nhà ai mà mới ngoài 30 tuổi, con dâu tôi đã có những thứ mà người khác cả đời phấn đấu có khi chẳng có. Nó làm giám đốc một công ty bất động sản, đi làm có xe hơi đưa đón, đi nước ngoài liên tục, váy áo thay đổi xoành xoạch. Nhưng điều làm tôi khó chịu nhất là nó quá sắc sảo. Tôi nghe nó gọi điện thoại trao đổi công việc với nhân viên cứ vèo vèo, chóng hết cả mặt. Nhưng hãi nhất là nó nói chuyện buôn đất mua nhà, chuyện luật lá cứ gọi là rối tinh rối mù, nghe không biết đâu mà lần. Thằng con trai tôi thì lại hiền lành, dễ dãi nên nhiều lúc cứ để mặc con vợ lấn quyền điều khiển.

Không phải tôi không biết chuyện ngôi nhà được xây nên từ tiền tích cóp của hai vợ chồng nó hơn chục năm qua, nhưng ở đời mấy ai học được chữ ngờ? Đi chợ, đi họp tổ hưu tôi đã nhiều lần nghe mấy bà bạn kể chuyện con dâu, con rể thời buổi này “đào mỏ” nhiều lắm. Chúng nó cứ nhằm nhằm xem đối tượng nào có nhà, có của sấn sổ cưa cẩm, kết hôn. Được vài năm sống chung thì chia tay, thế là nghiễm nhiên tài sản chia đôi mà chả bỏ ra tí công sức nào. Nhà xây xong đang băn khoăn chưa biết tính sao thì cậu em ruột tôi sang chơi. Nghe tôi nói, cậu đã khuyên tôi cứ để cậu đứng tên ngôi nhà hộ cho, vì như thế lỡ xảy ra chuyện gì nhà vẫn là của thằng con tôi không ai chia được. Còn nếu như mươi mười lăm năm nữa, vợ chồng chúng nó mà vẫn sống với nhau hạnh phúc thì cậu sẽ sang tên lại để trả, có suy suyển tí ti nào đâu mà sợ. Nghe có lý, tôi đồng ý với kế hoạch của cậu em. Nhờ mấy mối quen biết với cán bộ địa chính, hai chị em tôi đã “giải quyết êm thắm vấn đề” mà chồng tôi và hai vợ chồng thằng con trai không biết tí gì. Nhưng tôi có ngờ đâu cậu em tôi yểu mệnh mất sớm, không kịp nói gì để rồi  hôm nay lũ con cậu ấy là cháu gọi tôi bằng bác dở chứng thế này”.

Câu chuyện của hai người đàn bà đã giúp tôi trả lời rất nhiều các câu hỏi bật ra khi thụ lý hồ sơ vụ án này như: Tại sao chồng con còn cả đấy, ngôi nhà mảnh đất thì vợ chồng người con đang ở mà người mẹ lại phải nhờ đến em trai mình đứng tên sở hữu? Tại sao không có tí gì chứng minh nguồn gốc tài sản mà những người con của người cậu ruột lại có trong tay giấy tờ sở hữu để từ đó khởi kiện đòi đuổi người anh con bác ra khỏi ngôi nhà của chính họ? Người cậu có thực sự vô tư xuất phát từ nguyện vọng “giúp đỡ chị gái” trong câu chuyện đứng tên hộ này hay không vì sau một trận say rượu phải cảm ông đã chết mà không kịp “trả lại tên nhà” cho cháu trai của mình?... Tôi tin rằng với những sự thực mà mình đã tìm ra, sự việc sẽ được giải quyết ổn thỏa, vì chứng cứ đã rõ ràng. Vả lại dù gì thì họ cũng là người thân thuộc, đôi bên đều có học, có văn hóa cả...

Nước mắt mẹ chồng
 

 Phiên xử của vụ kiện dân sự nói trên chưa kịp tiến hành thì người mẹ chồng hình như do quá sốc trước diễn biến khó ngờ của câu chuyện, sốc trước cách hành xử mất tình nghĩa của những đứa cháu con người em trai ruột và đặc biệt là cảm giác có lỗi trước sự trách móc của chồng, con vì tính đa nghi của mình, đã bị xuất huyết não, nằm liệt giường. Những ngày bà nằm một chỗ, người chăm sóc bón ăn, đổ bô cho bà không ai khác là cô con dâu mà bà vẫn nghi kỵ.
 
 Nhiều đêm bà tỉnh dậy, thấy con dâu mắt thâm quầng ngủ gục bên bàn phím chiếc máy tính xách tay bên cạnh giường mình. Hóa ra nhiều công việc cơ quan phải giải quyết, nhưng lo mẹ chồng liệt không xoay trở được nên chị đành mang về nhà thức đêm làm kết hợp với việc chăm nom bà luôn. Đã có rất nhiều những đêm dài như thế... Còn mấy đứa cháu con người em trai thỉnh thoảng lại ghé qua, nhưng cái chính là để xem bác mình đã khỏi chưa để còn... ra Tòa! Bộ dạng chúng xem chừng có vẻ sốt ruột lắm.
 
 Một hôm, chị Quyên - tên người con dâu đang vực mẹ chồng dậy, đang lúi húi lau rửa cho bà thì bỗng dưng thấy có mấy giọt nước âm ấm nhỏ xuống tay mình. Chị ngẩng lên, hóa ra đó là nước mắt mẹ chồng. Bà khó nhọc mấp máy qua khuôn mồm méo xệch vì tai biến: “Mẹ xin lỗi con. Mẹ đã hiểu sai về con mất rồi...”.

(Theo Pháp luật VN)