Sân ga Hòa Hưng sáng chủ nhật mưa lất phất, những người phụ nữ đến từ Cà Mau, Bạc Liêu và Hậu Giang trông đứng trông ngồi, chờ những đứa con từ phương xa về. Con gái họ, đã về nhà sau những tháng ngày tưởng như sẽ không bao giờ còn dịp tái ngộ. Các cô về từ Thái Lan, nơi mà họ đã hoảng loạn để hứng chịu đủ những ánh đèn flash, máy quay phim của giới truyền thông…
TIN BÀI KHÁC
Rộ tin đồn xăng sẽ giảm giá cuối tuần này
Chiêm ngưỡng những siêu xe Lamborghini "độc" ở VN
Họ là 3 trong số 15 thôn nữ Việt nằm trong "xưởng đẻ thuê" trên đất Thái… Những tài liệu mới chúng tôi có được từ những người giải cứu các thôn nữ, còn với họ, đó là hành trình nhiều nước mắt nhưng không dễ kể…
Hoạt động của Công ty phi nhân tính
Mọi chuyện bắt đầu vào một ngày cuối tháng 1/2011, Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan tiếp nhận thông tin có một phụ nữ Việt Nam, còn rất trẻ gọi điện thoại cầu cứu. Theo nội dung của cuộc điện thoại thì cô gái đã sang Thái Lan cách đây 2 tháng, cô sang Thái mang theo lời hứa hẹn về công việc làm với thu nhập cao từ một người phụ nữ. Tuy nhiên, ở Thái mọi chuyện đã khác. Cô bị nhốt trong căn nhà cùng 4 phụ nữ khác, không được ra ngoài. Hiện, cô có ý định trốn khỏi căn nhà trên nhưng không biết làm cách nào.
Thông tin này nhanh chóng được chuyển đến các cơ quan hữu trách của Thái Lan… và một đường dây tổ chức đẻ thuê phi nhân tính đã bị phát hiện. Người ta đã giải cứu được tổng cộng 15 thôn nữ tại căn nhà trên và hai căn nhà khác nằm liền kề. Trong số 15 thôn nữ này, có cả hai chị em ruột. Ở bản tin của Hãng thông tấn AFP, Bộ trưởng Bộ Y tế Thái Lan Yurin Laksanawisit nhận xét: "Đây là chuyện phi pháp và đáng kinh tởm. Trong một vài trường hợp, người phụ nữ đẻ thuê gần như là bị hãm hiếp". Tuy nhiên, mọi chuyện đâu chỉ dừng lại ở cụm từ "phi pháp và đáng kinh tởm", đó còn là hành trình dầy tủi nhục của những thôn nữ miền Tây.
Trong tài liệu mà tôi có được, thì những cô gái ấy lớn nhất sinh năm 1979, nhỏ nhất sinh năm 1992. Họ sang Thái từ những vùng quê khốn khó ở Bạc Liêu, Hậu Giang, An Giang, Cà Mau. Một vài người trong họ bị lừa sang Thái, còn lại, họ biết chuyện mình làm và họ tự nguyện trở thành mắt xích chính trong đường dây đẻ thuê này. Cái giá mà họ nhận được sau khi sinh con rồi giao cho ông chủ của đường dây là 5.500 USD. Họ được hướng dẫn để ký vào những hợp đồng quái đản của Công ty Baby 101, có trụ sở tại Thái Lan.
Bố mẹ của một thôn nữ đang trao đổi cùng PV |
Họ không biết rằng, Công ty Baby 101 chính là nhà xưởng đẻ thuê phi nhân tính. Đây là công ty do một người Đài Loan thành lập. Trước đây, công ty này từng đặt trụ sở tại Đài Loan, nhưng bị cấm hành nghề, nên ông chủ của công ty dời trụ sở công ty sang các quốc gia khác. Trước khi đường dây đẻ thuê bị phát hiện, trên trang web của công ty bao giờ cũng có hàng chục bức ảnh ghi lại toàn bộ "hàng" mà công ty có thể cung cấp cho người có nhu cầu tìm con. "Hàng" là những người phụ nữ được ghi hình cận cảnh, có mã số để khách thuận tiện trong việc liên lạc với công ty.
Trên trang web, khách hàng được cung cấp nội dung: "Dịch vụ đẻ mướn, từ trứng và tinh trùng được hiến tặng cho đến lúc đứa bé chào đời có giá 32 nghìn USD, chưa kể những phí tổn khác". Ngoài ra, công ty Baby 101 còn tạo tin tưởng cho khách hàng với lời khẳng định "Được luật pháp bảo đảm tuyệt đối". Đồng thời, Công ty cũng đảm bảo tính tuyệt mật về mối liên hệ giữa khách hàng và người sẽ đẻ thuê.
Ngoài ra, Thiện còn liên kết với cô em vợ của gã tên Trúc Phương. Phương có nhiệm vụ đưa đón các thôn nữ từ miền Tây lên Sài Gòn. Sau đó, lo vé máy bay cho họ sang Thái Lan. Tiếp đến, khi đứa trẻ ra đời, Phương ở Việt Nam sẽ liên lạc với người thân của thôn nữ đẻ thuê hướng dẫn họ làm giấy tờ đồng ý cho đi đứa bé vừa ra đời. Có được mảnh giấy tự nguyện cho con này, Phương gửi hồ sơ sang Thái Lan. Từ đây, nhân viên của Công ty Baby 101 tiến hành làm thủ tục cho cha ruột của đứa bé để đứa bé có thể hợp pháp rời khỏi Thái Lan.
Ngoài Thái Lan, thì Công ty Baby 101 còn có trụ sở khác tại Phnom Penh (Campuchia). Đầu mối chính của công ty này tại Campuchia do cặp vợ chồng người Việt tên Quyên điều hành. Vợ chồng Quyên chịu trách nhiệm đón các thôn nữ ở Campuchia, bố trí nơi ăn ở cho họ trước khi tiến hành những "giao dịch" đẻ thuê.
Đa phần khách hàng của công ty Baby 101 đều là người Đài Loan. Ngoại trừ 4 cô
gái Việt Nam được chứng minh là bị lừa sang Thái Lan, thì 11 cô gái còn lại được
xác tín rằng họ biết rất rõ chuyện họ sang Thái để làm gì. Cái may nhất là, các
cơ quan hữu trách Thái Lan đã tìm đủ bằng chứng, kể cả các điều luật… rồi đưa ra
kết luận, 15 cô thôn nữ Việt Nam đều là nạn nhân trong đường dây buôn người phi
pháp.
Hành trình tủi nhục
Trong số 15 thôn nữ được phát hiện và giải cứu tại Thái Lan, thì đã có một cô vừa sinh con được hơn tháng. Đứa bé đã được chuyển đi trước khi họ được giải cứu. Cô gái khác vừa sinh con được 10 ngày, đứa bé ra đời sớm hơn dự tính. 7 cô gái khác đang mang thai từ 2 đến 8 tháng. Trong số này, có một cô mang song thai. Rạng sáng Chủ nhật vừa rồi, cô đã về đến Việt Nam với hai đứa bé được ẵm trên hai tay. Mẹ cô lên Sài Gòn từ hôm trước để đón cô. Gặp con gái và hai đứa cháu ngoại, có thể là ngoài mong muốn, bà vừa nói vừa cười đến rơi nước mắt. Nhưng sau cơn phấn khích gặp lại người thân, bà lại lặng im. Có lẽ, bà đang nghĩ về những ngày dài hơn, bà sẽ nuôi nấng hai đứa cháu ngoại này như thế nào.
Căn nhà nát mềm tại Bạc Liêu của một thôn nữ trong đường dây đẻ thuê. |
Riêng chuyện thù lao, ban đầu ở Việt Nam, họ được Thiện hoặc Phương đảm bảo rằng mỗi người sẽ nhận được 5.500USD sau khi đứa bé ra đời. Tuy nhiên, đến Thái Lan họ lại nhận được thông tin, số tiền họ thực lãnh là 5.000USD. Nếu có ai đó ngạc nhiên về khoảng tiền 500USD chênh lệch và tỏ vẻ khó chịu, họ có thể quay về Việt Nam nếu như có đủ 20 triệu để đóng tiền phạt cho tội "tự ý phá bỏ hợp đồng". Chính vì 20 triệu này, một số tiền lớn khủng khiếp đối với họ nên họ dường như không có cơ hội nào khác trong việc tự giải thoát cho chính mình. Ở Thái Lan, họ được ở chung cùng nhau trong căn nhà có đầy đủ tiện nghi lẫn người phục vụ chuyện bếp núc và nhân viên bảo vệ (hay canh gác) 24/24. Tuy nhiên, do khẩu vị không phù hợp, nên họ xin phép quản gia của ngôi nhà cho họ được tự đi chợ, nấu nướng.
Họ cho các nhà chức trách Thái Lan biết rằng, thi thoảng họ cũng được gặp mặt cha mẹ của đứa bé trong bụng họ. Câu chuyện giữa họ phải thông qua người phiên dịch. Nếu như cha mẹ của đứa bé trong bụng họ không có thời gian, thì họ sẽ liên lạc với nhau qua webcam (Một thiết bị cho phép hai người ở cách xa nhìn thấy mặt nhau khi kết nối internet - PV).
Hằng tháng, họ đều nhận được tiền boa của cha mẹ đứa bé. Với người đang mang thai là 200 USD/tháng, người đang chờ cấy phôi là 100 USD/tháng. Tuy nhiên, khoản tiền này đều bị quản gia của ngôi nhà giữ. Nếu cho đến lúc sinh nở, họ không vi phạm nội quy, sẽ được nhận lại 50% trên tổng số tiền này. 50% bị trừ, quản gia giải thích là tiền thức ăn và thuốc bổ bồi dưỡng cho họ trong suốt quá trình mang thai. Nhưng, thông tin rất đáng chú ý là có khả năng, họ chính là mẹ ruột của những đứa trẻ đang hoài thai trong bụng mình, chứ không chỉ họ là người trung gian chỉ cho "mượn bụng" để mang thai.
Ngay khi trao đổi với những quan chức Thái Lan, trong họ vẫn có hai nguyện vọng khác nhau. Nguyện vọng đầu tiên của một nhóm người, là được giao con cho cha mẹ ruột của đứa bé, nhận đầy đủ tiền như thỏa thuận và tự đi về Việt Nam. Nguyện vọng thứ hai của nhóm người khác, là muốn có khoản tiền nhỏ để săn sóc con trong thời gian nghỉ dưỡng sau khi sinh, họ không đồng ý giao con… Có trường hợp, đòi phá thai ngay lập tức, nhưng pháp luật của Thái không cho phép thực hiện điều đó. Vẫn biết, mỗi cá nhân phải tự chịu trách nhiệm cho hành vi của mình. Nhưng vẫn cảm thấy hiu hắt cho thân phận của những cô thôn nữ, tay vốn quen ruộng đồng, chân quen triền đê phút chốc bị bốc ra khỏi mảnh đất thân thuộc của họ.
(Theo Cảnh sát toàn cầu)