Theo cụ thủ từ Nguyễn Văn Lương, điều đặc biệt nhất ở cây thị này, là mỗi mùa nó chỉ ra một quả và quả thị đó to khác thường.
TIN BÀI KHÁC
Đại gia vung tiền cùng 'tiên nữ' tắm tiên
Thủy quái hồ Loch Ness lại xuất hiện
Hạt nêm Knorr: 2% thịt còn lại là... bột sắn?
Hành trình đẻ thuê và những bí mật rợn người
Khó tin lẩu = Gia vị lạ + nước lã
Jennifer Phạm tiếc khi chia tay Quang Dũng
Theo các cụ già ở quanh đình Quán La (Tây Hồ, Hà Nội), thì cây thị trước đình cùng cây đa ngay cạnh có tuổi khoảng 1000 năm.
Cây thị nằm trên một gò đất, gốc to chừng 3 người ôm, cành lá xum xuê, xanh tốt, chứ không cằn cỗi như những cây thị già thường thấy khác.
Cây thị khổng lồ trước đình Quán La. |
Theo truyền thuyết thì Quán La vốn có tên là Già La. Vùng đất này cao ráo, có sông Già La, là nhánh của sông Nhĩ Hà (sông Hồng) chảy quanh. Đến thời Lý, làng đổi tên thành Thiên Phù và thời Trần đổi thành Thiên Hán. Giữa vùng đất bằng phẳng ấy, bỗng nổi lên 7 gò đất cạnh nhau, gọi là Thất Tinh, giống như chòm sao Bắc Đẩu. Dòng Già La và các gò đất tạo nên cảnh sơn thủy hữu tình.
Hiện vẫn còn tồn tại 3 gò đất trong quần thể Thất Tinh. Trên gò Thất Diệu có đình Quán La và cây thị, một gò có chùa Khai Nguyên và một gò có miếu thờ các kỹ nữ Chiêm Thành. 3 gò đất này đều nằm sát cạnh nhau, cách vài chục bước chân.
Đình Quán La và cây thị nằm trên gò Thất Diệu. |
Trong sách Việt điện u linh, ở thế kỷ 14, Lý Tế Xuyên có ghi chép rất rõ về quần thể di tích làng Quán La: Vào khoảng niên hiệu Khai Nguyên đời Đường, thứ sử Quảng Châu là Lư Hoán làm đô hộ Giao Châu, đóng tại thôn An Diễn, giữa hai huyện Long Đỗ và Từ Liên.
Một lần, Lư Hoán ngao du qua động (từ chỉ vùng đất, chứ không phải hang động) Già La, thấy cảnh đẹp, có gò đống, sông chảy quanh, nên lập phủ huyện, dựng đền thờ vị thần Huyền nguyên đế quân, dựng quán lấy tên Khai Nguyên trên gò Thất Diệu (chính là gò đất có đình Quán La). Cái tên Khai Nguyên có ý biểu dương công đức nhà Đường.
Sau này, họ Lư đổi tên làng Già La thành làng Khai Nguyên và gọi quán dựng trên gò Thất Diệu là quán Già La.
Đường xuống mộ Hán dưới gò Thất Diệu. |
Khoảng niên hiệu Thiệu Phong, đời Trần Dụ Tông, thế kỷ 14, sư Văn Thao trùng tu lại quán, đổi làm chùa, gọi là chùa An Dưỡng. Tuy nhiên, nhà chùa hay bị quấy phá, nên nhà sư dời về làng Bộ Đầu, vì thế chùa lại bỏ không.
Nhân dân trong làng đã tiếp quản, trùng tu biến thành đền thờ phụng Sơn Thần. Thời Tiền Lê, theo tên quán, đổi thôn Khai Nguyên thành Già La. Đến thời Hậu Lê thì gọi là Quán La.
Như vậy, theo Việt điện u linh, cụm di tích này có từ thời Đường, do Lư Hoán lập nên. Chứng tích còn lại rõ ràng nhất là ngôi chùa Khai Nguyên cạnh đình Quán La vẫn còn pho tượng cổ rất đẹp. Theo sư trụ trì thì pho tượng này là Đường Minh Hoàng, ông vua nổi tiếng phong tình gắn với người đẹp Dương Quý Phi.
Từ thế kỷ 14, cách nay gần 700 năm, các nhà chép sử đã nhắc đến một cái động có tên là Thông Thiên. Lý Tế Xuyên viết trong Việt điện u linh, rằng: Các vua nhà Lý thường du ngoạn đến quán Già La, thấy dưới chân núi có hang, tuy không to lắm nhưng sâu và dài, liền sai xây bậc để có thể lên xuống và gọi là động Thông Thiên. Thực tế, các nhà khoa học đã nghiên cứu và khẳng định hang động đó là mộ Hán, có từ thời Bắc Thuộc. Gò Thất Diệu chính là một ngôi mộ Hán khổng lồ có từ trước cả khi xây đình, tức là trong hoặc trước thời Khai Nguyên (713-739) nhà Đường.
Như vậy, dưới gốc cây thị khổng lồ này có mộ Hán hay không, vẫn là một dấu hỏi, vì chưa có ai khai quật, đào phá gò đất. Theo quan sát của tôi, gò đất này cao bằng ngôi nhà 2 tầng và rất giống với những gò đất từng có mộ Hán ở dưới.
Cây đa khổng lồ cách cây thị chừng 100m. |
Nhưng câu hỏi khó trả lời nhất là cây thị này được trồng khi nào? Có tuổi bao nhiêu năm? Khi xây đình, chùa, các cụ xưa thường trồng cây đa, đề, muỗm, thị… những cây có sức sống trường tồn. Vì thế, có người đoán rằng, cây thị, cùng cây đa được trồng từ gần 1300 năm trước, kể từ khi Lư Hoán dựng quán Khai Nguyên. Cũng có thể nó mới có tuổi vài trăm năm do được trồng trong quá trình trùng tu đền, đình.
Vì cây thị quá cổ thụ, nên người dân Quán La đã dựng ngôi đền ngay dưới gốc cây để thờ. Trong tâm thức người Việt thì “cây thị có ma, cây đa có thần”, nên chuyện xây miếu dưới gốc cây cổ thụ để thờ là chuyện dễ hiểu.
Cụ Nguyễn Văn Chinh, nguyên Trưởng ban Quản lý di tích đình Quán La kể rằng, cách đây mấy chục năm, cây thị to gấp rưỡi bây giờ. Hồi Mỹ ném bom bắn phá miền Bắc, một số quả bom đã rơi trúng cây, cắt đứt cành, xé mất một phần cây. Chiến tranh vừa kết thúc, thì người dân quanh vùng lại đem rơm ấn vào gốc cây đốt làm cháy mất non nửa cây. Nếu như người ta chỉ đốt thêm đống rơm nữa thì cây thị đã xong đời. Thế nhưng, sức sống của cây thị này thật mãnh liệt, chỉ mấy chục năm, nó đã mọc đủ cành tán và vỏ trùm kín các vết cháy.
Theo cụ thủ từ Nguyễn Văn Lương, điều đặc biệt nhất ở cây thị này, là mỗi mùa nó chỉ ra một quả và quả thị đó to khác thường.
Cây thị to, cành lá rậm rịt che phủ một vùng, nên để nhìn thấy quả thị bằng nắm tay không phải chuyện dễ. Cứ đến tháng 7, người dân trong vùng thi thoảng lại ngó nhìn cây thị xem hoa nở, quả đậu ở kẽ lá nào. Có năm, quả thị ra ở ngay cành thấp, ai cũng nhìn thấy, nhưng có năm nó ra ở tít trên ngọn, bị lá phủ kín, nhìn mãi không có. Có người còn sắm cả ống nhòm Trung Quốc dài nửa mét để truy tìm xem quả thị mọc ở đâu, nhưng tuyệt nhiên không thấy. Ai cũng nghĩ, năm đó cây thị không ra quả, nhưng rồi một lúc nào đó, bỗng có tiếng bộp, mùi thị lan tỏa, người ta mới biết thị vừa rụng quả. Năm nay, quả thị mọc ở giữa cây và quả thị đã rụng từ tháng 8.
Từ nhiều năm nay, người dân quanh vùng, từ trẻ đến già, không ai dám trèo lên cây thị chứ đừng nói đến chuyện hái thị về ăn. Người dân Quán La coi cây thị là nơi ma ở, nên tuyệt nhiên không dám động vào. Cùng lắm, họ chỉ dám đến gần và đứng dưới gốc cây thị mà thôi. Chim chóc thường xuyên kéo đàn về đậu, hót ríu rít trên ngọn cây, song thợ săn cũng không dám bắn, bẫy. Nhiều khi chẳng biết sóc ở đâu ra mà có đến cả chục con chạy thoăn thoắt trên cành cây.
Theo cụ Nguyễn Văn Lương, giống thị cũng có giống đực, giống cái. Cây cái thì cho quả, còn cây đực thì không. Như vậy, cũng chả rõ cây thị này là giống gì và cũng chẳng ai giải thích được vì sao nó lại chỉ ra có mỗi quả vào một mùa.
Ở chân núi Thờ (xã Gia Sinh, Gia Viễn, Ninh Bình) cũng có một cây thị cổ rất lạ. Cứ đến tháng 7 và tháng 8, cây thị ra quả trĩu trịt, nhưng một nửa cây cho quả bình thường, còn một nửa cây quả bé xíu và dẹt, hình thù như đồng tiền xu. Có lẽ, thị là một loài cây lạ, chứa đựng nhiều bí ẩn chưa giải thích được, chứ không có chuyện ma quỷ như lời đồn đại của người dân.
Mới đây, ông Nguyễn Văn Ngư, Trưởng Ban quản lý di tích đình Quán La cùng các cụ cao tuổi trong phường đã làm đề xuất gửi các cơ quan chức năng, đề nghị công nhận cây thị cùng cây đa ngàn tuổi trước đình là cây di sản. Các cụ mong rằng, khi cây thị này nổi tiếng, thì thu hút được nhiều khách tham quan và các nhà khoa học vào cuộc, tìm hiểu, giải thích xem vì sao lại có giống thị kỳ lạ đến vậy.
(Theo VTC News)