Ngày 5/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) về tiền lương tối thiểu; tăng thời gian nghỉ thai sản; quy định thời gian làm thêm...

TIN BÀI KHÁC

Theo đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã gợi ý rằng “Nên chăng có thể quy định thêm một ngày nghỉ Tết Âm lịch. Hiện nay số ngày nghỉ dịp này là 4 ngày, thường “kẹp” một ngày đi làm vào giữa kỳ nghỉ. Ngày đó cũng rất ít cơ quan, đơn vị làm việc thực chất”.

Từ trước tới nay, người lao động được nghỉ Tết từ ngày 30 đến hết ngày mùng 3 Tết, riêng ngày mùng 4 dù luật lao động không quy định nhưng các cơ quan, đơn vị vẫn cho cán bộ, công nhân viên được nghỉ. Và với gợi ý này của ông Nguyễn Sinh Hùng, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: Số ngày nghỉ của người lao động Việt Nam hiện vẫn thấp hơn mức bình quân trong khu vực Đông Nam Á, nên việc nghỉ Tết thêm một ngày có thể chấp nhận được.

Có thể nghỉ Tết thêm một ngày, người lao động sẽ thoải mái vui chơi (ảnh: doanhnghiep)

Về thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ, Chính phủ đề nghị chọn phương án tăng thời gian nghỉ thai sản từ 4 tháng theo quy định hiện hành lên 5 tháng đối với lao động nữ làm việc trong điều kiện bình thường; tăng thời gian nghỉ chế độ thai sản từ 5 tháng hiện hành lên 6 tháng đối với lao động làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, làm việc theo chế độ 3 ca; nữ quân nhân, nữ công an nhân dân…Những người có nhu cầu đi làm sớm thì được quyền đi làm sau 4 tháng.

Về tuổi nghỉ hưu, dự thảo thể hiện theo hướng, lao động nữ đủ 55 tuổi, lao động nam đủ 60 tuổi có quyền nghỉ hưu. Đồng thời, giao Chính phủ quy định tuổi nghỉ hưu đối với một số loại lao động đặc thù khi người lao động tự nguyện kéo dài thời gian làm việc và được sự đồng ý của người sử dụng lao động.

Mẫn Chi (Tổng hợp)