Cuộc diễn tập chính thức về ứng phó với sóng thần sẽ được tổ chức vào sáng 18/10 tại Đà Nẵng.

TIN BÀI KHÁC

Ban Chỉ đạo diễn tập ứng phó sóng thần 2011 vừa có thông báo số 1518/TB-BCĐ về thời gian diễn tập ứng phó sóng thần “ST-11”. Theo đó, cuộc diễn tập chính thức về ứng phó với sóng thần lần đầu tiên được diễn ra tại Việt Nam sẽ được tổ chức vào sáng 18/10 trên địa bàn phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, Đà Nẵng.

Thời gian cụ thể: Ngày 14-15/10: Luyện tập riêng từng đơn vị. 7h30 ngày 16/10: Hợp luyện. 7h30 ngày 17/10: Tổng duyệt và từ 6h30 ngày 18/10: Sáng diễn tập chính thức; chiều 14h họp rút kinh nghiệm.

Trước đó, ban chỉ đạo diễn tập “ST-11” thuộc Bộ Tư lệnh Quân khu 5 thông báo sẽ hiệp đồng diễn tập thực binh ứng phó sóng thần và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn Đà Nẵng vào 8h sáng 5/10, tại phường Thọ Quang, quận Sơn Trà. Tuy nhiên, đến chiều 4/10, đại diện UBND TP Đà Nẵng cho biết, cuộc diễn tập ứng phó sự cố sóng thần tại Đà Nẵng phải tạm hoãn thời gian luyện tập, hợp luyện và thực hành diễn tập để đối phó với bão số 6.

Diễn tập thử nghiệm hệ thống cảnh báo sóng thần tại Đà Nẵng vào ngày 15/5 (Nguồn: Bee.net.vn)

Buổi diễn tập dự kiến có gần 3000 cán bộ, chiến sĩ thuộc các lực lượng Hải quân, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Bộ Chỉ huy quân sự, Công an thành phố Đà Nẵng được huy động để phối hợp với các sở, ban, ngành trên địa bàn thành phố tiến hành sơ tán người dân đến nơi an toàn.

Theo kịch bản diễn tập, vào lúc 8h35 phút ngày N, tại khu vực X xảy ra trận động đất với cường độ 8,8 độ richter, dự kiến sau 2 - 3 giờ sóng thần sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến bờ biển TP. Đà Nẵng, độ cao của sóng khoảng 6m. Cùng thời điểm, trên vùng biển Đà Nẵng có 6.500 khách du lịch đang vui chơi, trên biển có khoảng 75 tàu thuyền và gần 1000 lao động đang đánh bắt cá. Số tàu thuyền đang neo đậu trong cảng, ven bờ và dọc các cửa sông khoảng 450 chiếc. Khi sóng thần xảy ra, có trên 27.000 hộ với trên 133.500 nhân khẩu thuộc 20 phường xã của 5 quận ven biển, trong đó có trên 26.000 trẻ em và người già phải sơ tán khẩn cấp.

Sau khi phát tin cảnh báo, các đơn vị phải bắt tay ngay vào xử lý tình huống. Cụ thể phải sử dụng các phương tiện truyền thông, phát cảnh báo sóng thần cho cư dân sơ tán. Ngoài ra các lực lượng đến từng địa bàn trọng điểm hỗ trợ nhân dân sơ tán. Ngoài ra, hiện trường giả sẽ được dựng với 5 chiếc tàu bị chìm, 5 ngôi nhà bị sập, 5 xe ôtô bị lật, 10 chiếc thuyền bị trôi dạt, 5 trụ điện bị đổ…

Được biết, sau cuộc diễn tập ứng phó sóng thần đầu tiên tại Đà Nẵng, năm 2012 tỉnh Phú Thọ cũng sẽ tổ chức diễn tập ứng phó hoá chất độc xạ và Cà Mau diễn tập ứng phó sự cố tràn dầu.

Lê Ngọc (Tổng hợp)