Ông Sồng A Nhìa, con trai cả của bà Mỵ kiên nhẫn bón từng thìa cơm vào vòm miệng mà đôi môi đã phân hủy gần hết của mẹ.

TIN BÀI KHÁC


Xưa kia, người Mông ở vùng rừng núi Tà Xùa (vùng giáp ranh giữa Phù Yên và Bắc Yên, Sơn La) thường đặt xác người chết trên giàn, treo lơ lửng vách nhà cả nửa tháng để làm ma. Sau từng ấy ngày làm ma, không hề có phương pháp bảo quản, ướp lạnh nên xác phân hủy nặng.

Theo lời cụ Sồng A Khư, vào mùa hè, khi người chết được làm ma đến ngày thứ 10 thì tai, mũi, má, ngón tay, ngón chân đều thối rữa, chảy ra, thậm chí rụng hết. Nhiều xác chết có lưỡi thè lè hẳn ra ngoài, có tử thi còn bị ruồi bọ ăn mất thịt, khuôn mặt lòi xương, thậm chí những con bọ to bằng đầu đũa từ tử thi bò xuống ngo ngoe khắp nhà. Con cháu phải đặt mấy cái chậu đóng bằng gỗ đựng tro dùng để hứng nước từ tử thi đang phân hủy chảy xuống.


Trong lễ cúng, người con cả sẽ bón cơm vào miệng người chết.

Tuy nhiên, đó là chuyện của chục năm về trước, khi người Mông vẫn sống mông muội giữa đại ngàn Tà Xùa Phù Bắc Yên. Giờ đây, người Mông không cúng lâu thế nữa, họ chỉ làm ma tươi trong vòng 4 ngày là đem đi chôn.

Tôi đã đi đến nhiều vùng heo hút có đồng bào Mông sinh sống, từ Thanh Hóa, Nghệ An cho đến Hà Giang, Lai Châu, và thấy rằng ở đâu đồng bào Mông cũng có nghi lễ làm ma tươi cho người chết. Tuy nhiên, lễ cúng thường chỉ diễn ra trong vòng 1-2 ngày, còn ở đây, dù đã rút ngắn so với ngày xưa rất nhiều, song lễ cúng ma vẫn diễn ra ít nhất là 4 ngày.

Trong suốt những ngày làm ma cho người chết, dân bản kéo đến ăn uống linh đình. Người Mông ở đây quan niệm, khi linh hồn về được với tổ tiên là một niềm vui nên những bữa ăn tiễn đưa linh hồn phải thật linh đình, vui vẻ, mọi người phải cười nói thoải mái.


Để 4 ngày như thế này, xác chết bà Mỵ đã bốc mùi khủng khiếp.

Việc khóc lóc trong lễ làm ma thường chỉ mang tính hình thức (đối với người chết già) chứ không phải đau khổ. Khóc lóc trong lễ làm ma cũng là một nghệ thuật. Khi thầy cúng vừa cúng xong, mấy người con trai khóc rống lên một hồi, nhưng không có giọt nước mắt nào. Họ chỉ khóc một lúc, rồi im bặt, dành cho tiếng khèn ù ù vang lên.

Có một nghi lễ khiến chúng tôi phải lạnh gáy, đó là việc mỗi ngày, người con cả phải bón cơm ba lần cho người chết trước bữa ăn. Người con cả cứ xúc từng thìa cơm và thịt bón vào miệng người chết.


Múa khèn cúng ma.
Tất nhiên, người đã chết thì không thể ăn cơm được, nên cứ bón vào miệng, cơm lại vãi ra. Bón xong cơm, người con cả xúc cơm vãi đổ vào quả bầu khô đặt cạnh đầu người chết. Hành động này diễn ra trong suốt quá trình cúng bái, làm ma. Trong lúc người con cả bón cơm, đám con cháu tụ tập quanh xác chết khóc lóc và ai cũng cố khóc thật to để tỏ lòng hiếu thảo.

Ngày làm ma thứ 4 của bà Mỵ, chúng tôi lại tìm đến. Vừa bước vào trong nhà, một thứ mùi ngai ngái, rờn rợn của xác chết đang phân hủy xộc vào mũi, đồng nghiệp đi cùng tôi chạy luôn ra bìa rừng nôn thốc, nôn tháo.


Thầy cúng là những người nắm rất rõ tục cúng ma.

Ông thầy cúng vẫn ngồi dưới nền nhà bền bỉ đọc bài khúa khê (chỉ đường) bằng ngôn ngữ Mông. Nín thở tiến lại gần xác chết, tôi suýt ói mửa khi thấy khuôn mặt của bà Mỵ đã bẹt ra vì đang phân hủy.

Tôi không đủ can đảm để hít thở cái không khí ngột ngạt và kinh hoàng ấy. Tôi chụp nhanh lại cảnh tượng làm ma rồi chạy mau ra ngoài.

Ấy vậy mà, trong ngôi nhà nhỏ ấy, người ngồi quây quần đông như nêm và cứ vô tư ăn uống, đánh chén. Ông Sồng A Nhìa, con trai cả của bà Mỵ vẫn kiên nhẫn bón từng thìa cơm vào vòm miệng mà đôi môi đã phân hủy gần hết của mẹ.


Trồng ngô trên núi ở Suối Tọ.

Theo già Sồng A Khư, người Mông ở đây không bao giờ chôn người chết vào những ngày Tý, Dậu, Mão, Tỵ. Họ kiêng chôn người chết vào những ngày là con vật bé, chỉ chôn vào những ngày là con vật to như Mùi, Sửu, Ngọ, Thìn, Dần. Lý do vì sao thì cụ Khư cũng chẳng biết. Tổ tiên xưa làm ma thế nào, thì con cháu cứ theo nghi lễ mà làm.

Điều khá lạ, trong lễ cúng ma, ngoài những bài cúng còn có những lần hát đối đáp với những lời lẽ vui tươi để tiễn đưa người chết về trời. Người Mông quan niệm chết là được lên thiên đường, nên cúng càng nhiều, càng tốn kém thì người chết về thế giới bên kia càng được sung sướng và càng thể hiện được chữ hiếu của người sống với người quá cố.

Với những nghi lễ phức tạp như thế, nên vào mùa hè, khi người chết được làm ma đến ngày thứ 4 thì xác đã phân hủy và bốc mùi kinh khủng. Mùi ngai ngái của xác chết lan ra khắp thung lũng.


Trẻ em Mông ở Suối Tọ.

Trong tang ma cổ truyền của người Mông, đến ngày làm ma cuối cùng, từ sáng sớm con cháu và hàng xóm đã nhảy múa, hát hò, thổi khèn quanh xác chết rồi ăn uống no say, sau đó mới khiêng xác ra chỗ trống. Xác chết được để trên một cái sàn. Xung quanh sàn được cắm lá xanh. Thầy cúng làm lễ dâng hiến từng con vật. Ông ta buộc một sợt dây từ tay người chết nối với con vật được dâng tế.

Khi đọc xong bài tế thì tất cả các con vật bị giết. Lúc đó con cháu mới khóc và đội khèn trống thì nhảy múa vòng quanh xác chết liên tục trong 4 tiếng. Sau bữa trưa linh đình tại bãi đất trống, tử thi được mấy thanh niên khỏe mạnh vác trên vai chạy thật nhanh đến nơi chôn rồi thả xuống cái hố đã đặt sẵn mấy tấm gỗ pơ-mu.

Huyệt được đào ở một nơi hẻo lánh, ít người qua lại. Mộ được đắp rất đơn giản. Con cháu bê đá xếp theo từng bậc, đàn ông xếp 7 bậc, đàn bà xếp 9 bậc. Chôn xong, mọi người chia nhau luồn rừng đi quanh co một lúc rồi mới chạy về nhà. Họ làm như thế với suy nghĩ để con ma không biết đường theo về.


Cuộc sống của đồng bào Mông ở Suối Tọ còn nghèo khó, song làm ma lại rất tốn kém.

Nghi lễ cuối cùng là làm ma khô. Nghi lễ này diễn ra sau 13 ngày kể từ ngày chôn. Ý nghĩa của việc làm ma khô là đón hồn người chết về lần cuối cùng để thăm con cháu, anh em, họ hàng và nhận các vật cúng tế, sau đó lại tiễn hồn đi.

Trong lễ ma khô, nhà khá giả thì mổ một con trâu, nhà nghèo thì cũng đôi lợn hoặc dê để ăn uống linh đình. Thầy cúng treo xương hàm những con vật đã từng bị giết thịt trong lễ tang và lễ ma khô cắm trên các cọc gỗ trước nhà, hàm ý hồn ma chỉ được về tới đó, không được vào nhà.

Vừa đọc bài cúng tiễn hồn ma đi, thầy cúng vừa vãi những hạt đỗ tương, hoặc kê đã rang chín ra xung quanh nhà và đường đi với lời cảnh báo rằng: Chỉ khi nào hạt đậu, hạt kê đã rang chín ấy mọc lên thành cây xanh tốt thì ma mới có thể về quấy nhiễu người sống được.

(Theo VTC News)