"Tỉnh Nam Định không chủ trương tuyển dụng công chức là những người tốt nghiệp đại học dân lập, tư thục hay tại chức". Trước đó, Đà Nẵng cũng nói "không" với loại hình này.

TIN BÀI KHÁC

Nam Định chỉ tuyển công chức tốt nghiệp ĐH chính quy. (Ảnh minh họa: Đất Việt)
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cho biết như vậy tại kỳ thi công chức năm 2011 của tỉnh này, diễn ra hôm qua (16/10), thông tin trên báo Tiền phong.

Theo báo này, Sở Nội vụ Nam Định cho biết, đợt thi tuyển dụng công chức năm nay có 256 người tốt nghiệp đại học công lập, hệ chính quy tham gia, tỉnh sẽ tuyển chọn 141 chỉ tiêu công chức thuộc 29 lĩnh vực chuyên ngành bổ sung cho đội ngũ công chức cấp huyện và tỉnh.

Có 5 trường hợp tốt nghiệp đại học dân lập, tư thục, tại chức không được dự thi vì lý do nêu trên, trong đó có một người tốt nghiệp ngành Kế toán, trường Đại học dân lập Lương Thế Vinh của tỉnh Nam Định.

Trước đó, tỉnh đã tuyển thẳng 22 người tốt nghiệp trình độ thạc sỹ, sinh viên tốt nghiệp đại học loại giỏi (trong đó có 13 thạc sỹ), 1 người tốt nghiệp đại học loại khá là con liệt sỹ…

Từ cuối năm 2010, tại kỳ họp thứ 17 HĐND TP.Đà Nẵng khóa VII, Sở Nội vụ thành phố Đà Nẵng đã trình kế hoạch biên chế hành chính sự nghiệp. Theo đó, từ năm 2011, thành phố Đà Nẵng sẽ không tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp hệ tại chức vào làm việc trong cơ quan nhà nước.

Lúc đó, một quan chức của Đà Nẵng đã tiết lộ trên SGTT, hiện nguồn nhân lực đang được đào tạo bằng kinh phí của thành phố vẫn chưa bố trí hết. Chủ trương này nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ đã được thành ủy thông qua.

Trên thực tế, khi chưa có chủ trương này thì nhiều ngành đã chú trọng đến yếu tố bằng cấp. Đơn cử, ngành Giáo dục của Đà Nẵng cũng đã nói “không” với những sinh viên tốt nghiệp hệ tại chức. Cũng trên SGTT, một cán bộ quan chức ngành giáo dục ở Đà Nẵng đã lý giải, "về bằng cấp là bình đẳng, nhưng chất lượng của hệ chính quy và hệ tại chức có sự chênh lệch".

Ngoài ra, cũng có nhiều ngành không tuyển sinh viên trường dân lập, thậm chí, tiêu chuẩn chọn cán bộ, công chức còn đòi hỏi phải có lịch sử chính trị của bản thân và gia đình tốt, có hộ khẩu tại thành phố, là đoàn viên …

Việc từ chối sinh viên dập lập, tại chức khiến nhiều người bất bình vì sự phân biệt đối xử dù đều đào tạo trong một hệ thống giáo dục quốc dân. Nhưng do trong thời gian qua, việc đào tạo theo các loại hình ngoài công lập đã đánh mất uy tín với xã hội nên nhiều nhà tuyển dụng không còn yên tâm để tuyển chọn.

Lê Nguyên (tổng hợp)