Nói đến nghề bốc mộ, nhặt xác - thứ nghề có một không hai - ai cũng nghĩ không phải dành cho giới “liễu yếu đào tơ”. Thế nhưng, ở vùng chiêm trũng thuộc xã Tiên Tân (Duy Tiên, Hà Nam), chị Phạm Thị Bình lại gắn bó với nghề này đã được 22 năm.

TIN BÀI KHÁC

Quá quen với chị và công việc chị làm, người dân ở đây gọi chị với cái tên Bình “hài cốt”.

“Làm vì cái tâm”

Hỏi về chị Bình “hài cốt” thì cả làng, cả huyện ở trên đất Hà Nam đều biết. Thậm chí, nhiều người con tường tận chị ở đâu, căn nhà như thế nào, cánh cửa ra sao…
Được sự chỉ dẫn rất tận tình của người dân nhưng cũng phải mất một hồi hết quẹo trái rồi quẹo phải, tôi mới tìm được đến nhà chị Bình.

Trong căn nhà nhỏ, đồ vật chẳng có gì đáng giá. Rót bát chè xanh rồi nhìn khách một lượt, chị Bình hỏi một tràng: “Đến đây nhờ bốc mộ à? Người nhà mất mấy năm rồi? Đã xem xét gì chưa? Không cẩn thận là mệt lắm đấy…”.

Chị Bình vẫn còn nổi gai ốc mỗi khi kể về công việc của mình.

Chỉ đến khi tôi nói muốn đến để tìm hiểu về công việc mà bấy lâu nay chị làm thì Bình “hài cốt” mới chậm rãi kể. Chị cho biết, năm 1988, khi mới 15 tuổi, chị đã theo cha đi bốc mộ thuê. Chính ông là người thầy dạy cho chị cái nghề này. "Điều quan trọng khi làm công việc này phải có sự bạo dạn và thần kinh thép. Nếu không thì chỉ nghĩ đến đã sợ, chứ chưa cần động tay, động chân", chị nói.

Thời gian đầu, khi mới theo bố đi làm, cứ nhìn thấy hài cốt là chị nôn thốc, có khi về ốm liệt cả tuần. Nhưng lâu rồi thành quen, hễ ai gọi là chị đi ngay. Có hôm 1-2h có người đến nhờ, chị lại khoác chiếc áo cùng những đồ nghề thô sơ gồm: bộ quần áo mưa, đôi ủng, một con dao phay thật sắc, một chiếc ven, một cái cuốc, hai cái rổ tre và một đôi găng tay để đi làm. Dù trời mưa bão hay đêm đông lạnh rét, chưa bao giờ chị chối công việc khi có người đến nhờ vả.

Theo chị Bình, mỗi một lần bốc mộ, để làm hết các công đoạn phải tốn ít nhất là một giờ rưỡi. Đấy là không kể đến những ngôi mộ kết, thi thể người vẫn còn nguyên vẹn thì thời gian sẽ kéo lên vài giờ. Vì thế, công việc cất bốc mồ mả không chỉ đơn thuần là nhặt nhạnh chút xương tàn còn lại của người đã khuất, rửa sạch rồi đem gói cho vào tiểu mà còn bao gồm cả việc đào mộ, lấp lại hố vừa khai quật và hỏa táng áo quan một cách cẩn thận.

Không chỉ làm riêng việc bốc mộ, chị Bình còn kiêm thêm cả việc vớt người chết đuối, thu gom những bộ phận cơ thể của người tai nạn giao thông... Tất cả những việc này chị làm một cách thuần thục và rất cẩn thận.

Chị Bình nhẩm tính, cho đến thời điểm này, chị đã bốc đến hàng ngàn ngôi mộ. Còn vớt xác chết đuối, nhặt xác tai nạn giao thông cũng đến cả trăm.

Rợn người nghe kể chuyện về xác chết

Hơn 20 năm làm nghề, tiếp xúc với hàng ngàn bộ hài cốt, hàng trăm xác chết đã đọng lại trong tâm trí của chị Bình “hài cốt” rất nhiều kỷ niệm. Những kỷ niệm mà mới nghe thôi đã cảm thấy rợn người.

Căn nhà đơn sơ của chị Bình.

Chị kể, cuối năm 2010, một gia đình ở huyện Thường Tín (Hàn Nội) đã nhờ bốc cho một người thân đã chết cách đây 5 năm. Tuy nhiên, khi mở tấm ván ra thì người chết vẫn còn tương đối nguyên vẹn. Là một người bốc mộ lâu năm, từng gặp nhiều trường hợp như vậy, nhưng Bình “hài cốt” vẫn cảm thấy rùng mình. Trong khi đó, những người đi cùng chị ai cũng tỏ ra hết sức sợ hãi.

Lấy hết can đảm, chị dùng dao và thanh nứa, tỉ mẩn róc từng mảng thịt người chết ra khỏi xương rồi lấy xương sắp vào tiểu. Sau lần làm ấy phải mất mấy hôm chị mới ăn được cơm.

Cũng có lần chị vớt xác người ở sông Hồng, khi kéo xác lên thì đã mất đầu. Cơ thể và tay chân của người này do cá ăn và ngâm nước lâu dưới nước nên bị bở ra từng khúc. Mặc dù mùi hôi thối bốc lên nồng nặng chẳng ai dám động tay nhưng chị vẫn phải nhặt nhạnh từng mẫu vụn của cơ thể còn sót lại, chứ không bỏ sót hoặc làm qua loa.

Hay mới cách đây vài tháng, chị Bình đang đi ăn cỗ tại một đám giỗ thì nghe có vụ tai nạn tàu hỏa. Người chết là một người phụ nữ đã bị tàu cán phải, cơ thể không còn nguyên vẹn. Thấy vậy, chị liền bỏ dở bữa cỗ chạy ra hiện trường. “Người phụ nữ đẹp dúm như que đóm, đầu vỡ nát, chẳng nhận ra. Mặc dù người nhà của người xấu số đứng đó rất đông nhưng chẳng ai dám vào để đưa xác ra cả. "Hôm ấy, trời nắng kinh khủng, tôi phải làm đến hơn 12h mới xong”, chị Bình cho biết...

Những tháng cuối năm này, chị Bình phải chạy “sô” cả đêm mới kịp. Tiếp xúc nhiều với tử thi, hít phải nhiều khí độc nên da chị cứ sạm đi, tóc thì xoăn lại... Tuy nhiên, khi được hỏi liệu có khi nào chị tính bỏ hẳn công việc này. Trầm ngâm một lát, chị đáp: “Nhiều lúc cũng định nghỉ rồi, nhưng người ta cứ đến nhờ nên nể mà làm thôi. Chắc cái nghề này nó vận vào số của tôi rồi. Thôi mình còn khỏe, mắt còn tinh thì giúp người vậy, hoặc cũng kiếm được đồng mà nuôi con. Chứ vài năm nữa có muốn đi cũng chịu”…

(Theo Đất Việt)