Những chú khỉ, voi, gấu.. ở rạp xiếc thường ngày vẫn mua vui cho khách đến xem nhưng thỉnh thoảng, chúng cũng nổi đoá và tấn công khách.

TIN BÀI KHÁC


Voi liên tiếp quật chết học sinh

Gần đây nhất, tại Hội trường tỉnh Lào Cai (cũ) có tổ chức chương trình biểu diễn của Đoàn Xiếc Việt Nam ( chương trình này kéo dài từ ngày 6 đến 16/10). Ban ngày, voi thường được nhốt tại góc sân Hội trường tỉnh Lào Cai nên có nhiều phụ huynh đưa các em nhỏ đến xem và cho voi ăn.

Khoảng 15h ngày 16/10, em Nguyễn Thảo Oanh (11 tuổi), học lớp 6C, Trường THCS Lê Quý Đôn, thường trú tại phường Kim Tân, TP Lào Cai đến chỗ nhốt voi (góc sân Hội trường tỉnh Lào Cai) và dùng mía cho con voi ăn.

Đang cho voi ăn, bất ngờ em Oanh bị vòi voi quấn lại và nhấc lên cao, quật xuống đất và dùng chân dẫm nhiều lần khiến Oanh chết tại chỗ. Điều đáng nói là tại nơi nhốt voi không hề có cũi hay bảo vệ để tránh những trẻ nhỏ hiếu kỳ.

 Con voi đã gây nên cái chết của em Nguyễn Thảo Oanh (Ảnh: Dân Trí)

Trước đó, vào 13h ngày 10/4, trong lúc đoàn xiếc của Doanh nghiệp tổ chức biểu diễn nghệ thuật Sao Mai (thuộc tỉnh Hải Dương) đang chuẩn bị cho buổi biểu diễn xiếc thú nghệ thuật tại khu vực sân bóng phường Bình Đa, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai thì tại khu vực nhốt thú, voi của đoàn, một nhóm học sinh Trường THCS Bình Đa đã vào khu vực này để xem thú.

Trong lúc trêu đùa chú voi, em Phạm Xuân Tín (13 tuổi), học sinh lớp 6 trường THCS Bình Đa, TP Biên Hòa đã bị con voi nặng hơn 2 tấn quật chết.

Điều đáng nói là rào chắn voi ở địa điểm này rất sơ sài, mặc dù có quản tượng trông nom nhưng thời điểm em Tín tử vong, quản tượng đã…ngủ quên.

Khỉ cắn đứt gân tay trẻ nhỏ

Hồi đầu tháng 8/ 2011, bé Bùi Anh Thư (6 tuổi), ở Từ Liêm, Hà Nội trong lúc cùng mẹ đi chơi ở Công viên Thủ Lệ, bé đã tự tay cho khỉ ăn bim bim và bỏng ngô. Tuy nhiên, trong lúc cho ăn, bất ngờ con khỉ đã túm lấy tay bé cắn xé khiến bé Thư bị đứt gân tay. Mặc dù được mẹ đưa đi cấp cứu kịp thời, nhưng tay bé Thư không có khả năng hồi phục hoàn toàn. Bàn tay bị thương của bé sẽ không thể hoạt động linh hoạt như tay còn lại.

Trước đó, vào tháng 9/2010, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM) cũng đã cứu chữa kịp thời cho bệnh nhi N.K.D (6 tuổi, ở Bến Cát, Bình Dương). Bé D. nhập viện trong tình trạng cánh tay phải bị tổn thương rất nặng, đứt dây thần kinh cánh tay do bị khỉ cắn. Được biết, do nhà hàng xóm có con khỉ thường xích ở gốc cây, thấy “Tôn Ngô Không” đang ngồi, D. đi tới vào trêu đùa nó. Con khỉ hung hãn nhào tới chộp lấy cánh tay phải của D. rồi cắn mạnh gây thương tích cho bé.

Lỗi tại ai ?

Trước tình trạng liên tiếp thú của rạp xiếc tấn công trẻ nhỏ, nhiều câu hỏi được đặt ra, ai sẽ là người chịu trách nhiệm cho những tai nạn thương tâm này?

Theo quy chế hoạt động biểu diễn và tổ chức biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp do Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VH-TT-DL) ban hành và Nghị định số 11/2006/NĐ-CP ngày 18/01/2006 của Chính phủ về việc ban hành quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng được coi là những văn bản pháp lý. Nhưng cả hai văn bản này đều không có dòng nào dành riêng cho việc biểu diễn xiếc thú.

Việc không có rào bảo vệ voi của Đoàn xiếc Việt Nam để xảy ra sự việc chết người ở Lào Cai là hoàn toàn sai. Việc canh giữ xiếc thú của Đoàn xiếc Sao Mai bị coi là lỏng lẻo, bởi mặc dù có lưới rào xung quanh khu vực nhốt thú, nhưng các em học sinh vẫn có thể chui vào hay trèo qua.

Tuy nhiên, trên nhiều diễn đàn, đặc biệt là diễn đàn dành cho các bà mẹ, nhiều người cho rằng, để xảy ra vụ việc như vậy, lỗi một phần cũng bởi giáo dục con em từ các ông bố bà mẹ chưa nghiêm Về vụ bé gái bị khỉ cắn đứt gân tay ở Công viên Thủ Lệ, bạn AnNguyen chia sẻ: “Lỗi tại người mẹ. Những chỗ thế này đều có hàng rào ngăn không cho lại gần chuồng và biển báo yêu cầu không cho các con vật ăn. Thiếu ý thức nên mới thế. Vào Thủ Lệ rất bực mình khi thấy mọi người cho các con vật ăn vô tội vạ, lấy que với gập chọc vào người cá sấu đang nằm phơi nắng....”

Còn bạn hoaban thì cho rằng: “Những trường học sinh bị thú tấn công đều thấy rằng, nạn nhân là người tấn công những con vật này trước. Bình thường, những con vật này rất đỗi hiền lành, tại cứ trọc tức chúng, chúng mới điên tiết lên như vậy”.

Mẫn Chi (tổng hợp)