Đánh giá sau hai tháng phân làn, đại diện Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho rằng, ý thức người tham gia giao thông đi đúng phần đường đã được nâng lên đáng kể, vi phạm đang giảm dần.

TIN BÀI KHÁC


Vi phạm giảm dần?

Sau hai tháng Hà Nội chính thức tổ chức phân làn phương trên 5 tuyến phố (Bà Triệu, Phố Huế - Hàng Bài, Xã Đàn, Đại Cồ Việt, Trần Khát Chân, Giải Phóng), chúng tôi đã có cuộc thị sát các tuyến phố này và ghi nhận tình trạng đi sai làn đường diễn ra rất phổ biến, bất kể giờ cao điểm hay thấp điểm.

Thậm chí thời gian gần đây xu hướng xe máy lấn làn ô tô đang diễn ra ngày một nhiều, nhiều người đi sau thấy người đi đường vi phạm cũng đi theo, khiến các tuyến phố tổ chức phân làn khá lộn xộn…


Thực tế tình trạng đi sai làn đường đang ngày một tăng. Ảnh chụp trên đường Trần Khát Chân chiều 15/11.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó chánh thanh tra giao thông (Sở Giao thông Vận tải Hà Nội) lại cho rằng, tình trạng đi sai làn đường đã giảm đáng kể, ý thức người dân đã được nâng lên đáng kể, vào giờ thấp điểm vi phạm còn rất ít.
Nhiều người đã ý thức đường rằng đi đúng phần đường vừa để giảm ùn tắc giao thông, lại đảm bảo an toàn cho bản thân khi tham gia giao thông.

“Do các tuyến phố của đã phân làn, mật độ phương tiện quá lớn, nhiều điểm giao cắt, các điểm giao cắt lại gần nhau, cùng với đó ý thực tham gia giao thông của một bộ phận người đi đường vẫn còn thấp, nên trong giờ cao điểm tình trạng vi phạm vẫn còn diễn ra, chủ yếu là xe máy đi sang làn của ô tô”, ông Cường lý giải.

Cùng với đó, theo ông Cường, hiện nay lực lượng thanh tra vẫn còn mỏng, lại phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác nhau, dẫn đến thiếu lực lượng tham gia cắm chốt để chỉ dẫn phương tiện.

Vì vậy, hiện nay lực lượng Thanh tra giao thông chỉ cắm chốt vào giờ cao điểm sáng và chiều, còn giờ thấp điểm thì rút để làm nhiệm vụ khác. Nên có một số người dân cứ thấy vắng bóng lực lượng chức năng là lập tức lấn đường.

Liên quan đến tình trạng tai nạn do va quệt với các cột báo, dải phân cách phân làn, ông Cường cho hay, hiện nay tai nạn đã giảm rất nhiều, những va quệt xảy ra đa phần do xe máy chở cồng kềnh, lạng lách, bị khuất tầm nhìn khi trời tối, chưa quen với sự thay đổi… nên va quệt phải.

“Đặc biệt là xe buýt, đi rất nghênh ngang khi ra vào các điểm đón trả khách. Theo quy định xe buýt có thể đi vào làn xe máy để đón trả khách, tuy nhiên, đoạn nào vắng bóng lực lượng thanh tra là họ cứ đi thẳng trong phần đường của xe máy, khi thấy lực lượng chức năng lại tạt ra làn ô tô. Nhiều trường hợp như vậy làm khuất tầm nhìn của người đi xe máy, nên và quệt phải dải phân cách, cột biển”, ông Cường nhấn mạnh.

Tính tới nay đã có 8 Thanh tra giao thông phải đưa đi viện cấp cứu, vì bị xe tông phải khi đứng chốt chỉ dẫn phương tiện, đa phần là bị rạn xương.


Nhiều dải phân cách bị đâm vỡ. Ảnh chụp trên đường Giải Phóng chiều 15/11.

Đề nghị xử phạt xe đi sai làn đường

Hiện nay liên ngành Giao thông – Công an thực hiện phân làn chủ yếu hướng dẫn, nhắc nhở người dân đi đúng phần đường là chính, thành phố Hà Nội chưa có chủ trương áp dụng hình thức xử phạt khi đi sai làn đường.

Đấy cũng là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm vẫn còn, vì vậy, ông Cường cho biết, Sở GTVT đang đề nghị thành phố cho xử phạt phương tiện đi sai làn đường, đồng thời huy động thêm các lực lượng khác cùng tham gia, như công an phường, dân phòng, thanh niên…

Ngay sau khi phân làn, tách dòng phương tiện trên 5 tuyến phố kể trên, Hà Nội dự kiến phân làn thêm 8 tuyến phố trong cuối năm 2011. Trong đó, tuyến Quốc lộ 6 (đường Nguyễn Trãi đi Hà Đông) được dự kiến thực hiện phân làn từ giữa tháng 10 vừa qua, một số biển chỉ dẫn làn phương tiện cũng đã được lắp đặt, vạch sơn cũng đã kẻ lại… Tuy nhiên, tới nay tuyến đường này vẫn chưa được thực hiện, một số biển báo được lắp đặt trước đó đã bị tháo dỡ.

Giải thích về việc trì hoãn này, ông Nguyễn Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết: “Tuyến Nguyễn Trãi – Hà Đông có lưu lượng phương tiện khá lớn và phức tạp, nên tới nay phương án tổ chức phân làn phương tiện đang được trình thành phố xem xét, khi nào thành phố phê duyệt Sở sẽ thực hiện”.

“Những tuyến phố còn lại chúng tôi dự kiến sẽ thực hiện phân làn, tách dòng phương tiện từ tháng 1/2012”, ông Tân cho biết thêm.

Đánh giá về nguy cơ thất bại của các tuyến phố đang được Hà Nội tổ chức phân làn, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng: “Tại các tuyến đã phần làn chúng ta chưa giải quyết thỏa đáng các điểm giao cắt, gây khó khăn cho phương tiện khi có nhu cầu rẽ trái, phải.

Ngoài ra, thế giới không có nước nào đặt biển chỉ dẫn và dải phân cách cứng giữa đường, mà có thể đặt trên cao, hoặc nếu có đặt phân cách thì nên dùng các trụ cao su sẽ hạn chế được thương tích cho người đi đường nếu có va quệt”.

Theo ông Hùng, chủ trương phân làn là đúng, vì chúng ta đã để giao thông hỗn hợp quá lâu. Tuy nhiên cách thực hiện thì cần nghiên cứu lại, vì chỉ giao cho Thanh tra và Cảnh sát giao thông đứng ra làm thì rất khó, vì không đủ lực lượng để bao hết tất cả các tuyến phố.

Vì vậy, ông Hùng đề xuất, nên giao khoán cho từng Phường thực hiện quản lý, chỉ dẫn tại các tuyến đường, đoạn đường đi qua địa bàn phường đó. Đồng thời đẩy mạnh tuyên tuyến để người dân biết và thực hiện.

(Theo VTC News)