Sau bốn năm đại học, lo sợ, chán nản vì tình trạng thất nghiệp, một số sinh viên lại tiếp tục thi vào các ngành hot khác mong "đổi phận". Thậm chí, có cử nhân quay lại học trung cấp điện, cơ khí, dược... chỉ để mong có việc tạm thời.
 

TIN BÀI KHÁC

Ôm bằng đỏ, ngơ ngác vào đời

Sinh viên tốt nghiệp đồng nghĩa với việc họ sẽ không còn sống phụ thuộc hoàn toàn vào gia đình mà phải tự lập trong cuộc sống. Do không được trang bị đầy đủ các kĩ năng, vấn đề xin việc làm đã khiến không ít các bạn trẻ cảm thấy hoang mang, ngỡ ngàng.

Chuyện cử nhân N.V.Hùng, tốt nghiệp hệ cao đẳng, Trường ĐH Bách khoa HN sau thời gian đi làm cũng bỏ nghề để làm xe ôm trên báo Tiền Phong cũng là một trường hợp khiến nhiều người phải suy ngẫm. Được biết, chàng trai gốc Hà Nội này sau khi tốt nghiệp cũng xin được “chân” giám sát dây chuyền tại nhà máy xi măng ở Hà Nam nhưng chỉ 5 tháng sau thì chán việc và xin nghỉ, học tiếp liên thông lên đại học. Sau khi ra trường, hơn 1 năm trời Hùng gõ cửa khắp nơi xin việc và được 1 công ty về điện nhận vào. Tuy nhiên, chỉ 2 tháng sau, do thiếu nhiệt huyết, bỏ bê việc, ít kinh nghiệm, mâu thuẫn với đồng nghiệp, Hùng tự ý xin nghỉ làm.

Đang làm công nhân ở khu công nghiệp Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai), nhưng Thu Hường và Thịnh đều cảm thấy rất thấm thía việc lựa chọn ngành nghề chưa đúng hướng của mình. Trên Sinh viên Việt Nam, Hương chia sẻ, khi chưa thi đại học không biết nhiều thông tin về ngành học và tương lai nghề nghiệp khi ra trường. Đến khi tốt nghiệp rồi, vác hồ sơ đi xin việc, họ cảm thấy rất khó khăn với những kiến thức được học trong nhà trường quá xa rời với thực tế. Đường cùng, hai bạn đành phải chấp nhận đi làm công nhân để có tiền trang trải chi phí sinh hoạt.

Còn M. Hà (SN 1989, Cựu sinh viên báo chí) cho biết, có tấm bằng trong tay nên cô đã rất tự tin khi đi xin việc. Nhưng sau hai tháng thử việc ở một toà soạn báo, Hà đã phải ra đi. Nhà tuyển dụng đã gạt tấm bằng của Hà sang một bên và khẳng định “Bạn có thể tốt nghiệp trung bình chúng tôi vẫn sẽ chấp nhận miễn là bạn làm được việc nhưng ngược lại, chúng tôi phải dành cơ hội cho người khác”.

Hà cho biết, ở trường đại học, bạn được học lý thuyết rất nhiều. Trong khi đó, để áp dụng những kiến thức lý thuyết vào công việc sẽ làm không hề đơn giản. Trong khi đó, kinh nghiệm thực tế của Hà lại rất hạn chế, thời sinh viên khi các bạn khác xông xáo đi viết tin bài cộng tác cho các báo Hà lại chần chừ, ngần ngại với tâm lý “cứ học tốt đi đã, công việc thì tính sau”. Chính điều này đã khiến cô lúng túng khi đi phỏng vấn để viết bài, xử lý thông tin…trong hai tháng thử việc.

Chán nản với tình trạng chờ việc, Hà đã phải đồng ý khi bố cô ngỏ ý xin cho Hà đi học trung cấp dược. Sau khi học xong, gia đình cũng sẽ lo cho cô mở một quầy bán thuốc ngay gần nhà.

 

Trước khi tốt nghiệp, sinh viên cần được trang bị những kỹ năng mềm cần thiết (Ảnh minh họa. Nguồn: Bưu điện Việt Nam)

Hậu quả

Tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” là do không định hướng rõ ràng cho học sinh ngay từ ghế nhà trường phổ thông. Những tân cử nhân tràn đầy hoài bão đến khi tốt nghiệp, họ mới ngỡ ngàng và không khỏi bị “khớp” với thực tế. Áp lực của cơm áo gạo tiền đã buộc họ phải chọn con đường làm thợ để tồn tại.

Trên báo Tuổi trẻ mới đây dẫn câu chuyện của chàng trai quê ở Thoại Sơn, An Giang. Năm 2011, Trung tốt nghiệp ngành VN học, Trường ĐH An Giang sau 4 năm miệt mài đèn sách. Tuy nhiên, hơn 3 tháng sau khi ra trường, hơn 10 bộ hồ sơ rải khắp Sài thành vẫn đẩy Trung đến tình trạng chìa tay xin tiền cha mẹ. Trung kể: "Quá thiếu thốn, mình nộp hồ sơ xin làm phục vụ ở một khách sạn bình thường nhưng phỏng vấn xong người ta lại lắc đầu. Họ nói thẳng ở đây không cần người tốt nghiệp ĐH, chỉ cần những người thạo nghề. Họ cũng nói muốn tìm người làm việc lâu dài, những người tốt nghiệp ĐH làm được ít hôm, thấy chỗ tốt hơn là “bay mất” nên phải tuyển lại". Trước thực tế đó, Trung quyết định “đầu tư” một khóa học nghề với ý nghĩ sẽ dễ xin việc hơn.

Do không thể kiếm nổi một việc làm theo ngành mình đã học, cũng không chấp nhận làm thợ, một số sinh viên quay ra thi lại vào một ngành khác hot hơn mong 'đổi phận". Còn những cử nhân khác thì đành ngậm ngùi chọn cách quay lại học trung cấp điện, cơ khí... để xin việc tạm thời. 

GS Phạm Minh Hạc, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam cho biết trên báo Tuổi trẻ: "Tôi cho rằng việc cử nhân buộc phải quay lại học nghề là một sự lãng phí lớn của xã hội. Bởi người học đã đầu tư học hết đại học, tốn tiền của, thời gian và những điều khác nữa về đào tạo".

Nhiều chuyên gia cũng nhận định, điều này đã làm cho nền kinh tế không có đủ nhân lực có chất lượng, có đam mê, nhiệt huyết với nghề, ngoài ra, nguồn lực to lớn về tiền bạc, thời gian, sức lực bị tiêu phí. Hơn thế nữa, sự không thành công của nhiều cá nhân trong công việc và cuộc sống do định hướng nghề không đúng có thể dẫn đến nhiều vấn đề xã hội.

Đưa ra giải pháp nâng cao năng lực tìm kiếm việc làm cho sinh viên tốt nghiệp ra trường, trên Dân trí, TS. Phạm Mạnh Hà, khoa Tâm lý học, Trường ĐH KH XH&NV, cho rằng, một trong những biện pháp mang tính khả thi cao nhằm giúp các sinh viên nhanh chóng tìm được việc làm phù hợp đó là trang bị ngay cho họ những kỹ năng mềm cần thiết (kỹ năng phỏng vấn xin việc, kỹ năng giao tiếp ứng xử, kỹ năng định vị bản thân...) trước khi các em tốt nghiệp ra trường. Ngoài các kiến thức chuyên môn, chuyên ngành thì sinh cần được trang bị thêm những kiến thức và kỹ năng xã hội để có thể hòa nhập dễ dàng với thị trường lao động ngay sau khi tốt nghiệp.

Lê Minh (Tổng hợp)