Nằm bẹp trên giường bệnh, ông Trị nắm lấy tay đứa con trai duy nhất nghẹn ngào: “Tất cả là tại bố nên con mới khổ thế này”. Trên khuôn mặt lúc nào cũng ngơ ngác của cậu con, ông bỗng chậm chậm lăn hai hàng nước mắt...
TIN BÀI KHÁC
Bi hài những mối tình mai mối
Trần Lập mắc chứng sợ đi máy bay
Thông tin chưa từng tiết lộ về kỳ án hiếp dâm
Xơi chuột sống và đặc sản chuột trinh nữ
Sáng nay, tòa nhà Điện lực lại bùng cháy
Hà Nội lùi phương án đổi giờ làm
Công nhân trải áo mưa, giấy báo để... 'hành sự'
Cả đời mình, ông Trị không bao giờ quên được buổi sáng hôm ấy, khi ông đang đứng đợi khách đi xe ôm ở đầu cầu thì một thiếu nữ chỉ trạc tuổi con trai ông ở nhà hớt hải chạy đến níu lấy tay ông: “Bác ơi, bác cứu cháu với, không cháu chết mất!”. Nhìn nét mặt vẫn còn nhiều nét trẻ con, nhưng thân hình thì gầy yếu và lại phảng phất đôi nét bụi đời của cô bé, ông bỗng thấy chạnh lòng và quyết định bỏ buổi làm hôm đó, đưa nó về nhà mình.
Sau khi đánh lèo một lúc hết hai tô mỳ ăn liền, cô gái kể với ông câu chuyện đời nó bằng cái giọng nửa chanh chua con trẻ, lại nửa bất cần của kẻ đã trải đời. Nó cho biết, quê nó tít tận vùng trung du xa xôi. Nhà có 3 chị em gái, nó là chị cả. Bố nó hễ cứ rượu vào, nghe lời ông bà nội càm ràm là lại đuổi đánh cả 4 mẹ con nó vì cái tội... không đẻ con trai.
Run rẩy lúc xế chiều. Ảnh minh họa |
Có bận, giữa trời mùa đông rét buốt, sau bữa rượu bên nhà ông nội về, bố nó cầm gậy đuổi mấy mẹ con chạy quanh nhà mấy vòng rồi đóng chặt cửa không cho vào. Báo hại, cả đêm đó cả 4 mẹ con phải chui vào chuồng trâu, vơ bao tải đựng cỏ khô quấn vào người cho đỡ lạnh...
Nhà nghèo nên cả 3 chị em đều chỉ học hết cấp I rồi nghỉ. Nhìn cảnh hai đứa em đi làm ô-sin hàng ăn dưới Hà Nội vất vả, nó hãi lắm. Vừa may lúc đó, một công ty trong khu chế xuất cách nhà khoảng năm chục cây số tuyển công nhân, nó nộp đơn. Và thế là nó trở thành công nhân. Nhưng, đời công nhân cũng chẳng sung sướng gì hơn đời ô-sin.
Giữa thời buổi đắt đỏ thế này mà lương chỉ có hơn triệu một tháng, tiền ăn, tiền trọ còn phải co kéo, nói gì đến nhu cầu quần áo, phấn son cho đứa con gái đang vào cái tuổi biết làm điệu. Nhiều lúc đi qua dãy hàng bán quần áo, tuy ở chợ cóc thôi nhưng nó cũng phải nhắm mắt bước thật nhanh để khỏi thèm. Cũng vì thế nên giấc mơ đổi đời luôn thường trực trong nó.
Rồi cũng vì giấc mơ đổi đời mà nó sa chân vào động quỷ, sau khi nghe lời dỗ ngon ngọt “đi Hà Nội làm việc nhàn lương cao” của một người đàn bà quen trong quán ốc gần chỗ trọ. Gần như bị giam lỏng trong nhà và phải tiếp đến ba, bốn khách mỗi ngày, nó tưởng cuộc đời mình đến đây là chấm hết. Nào ngờ, buổi sáng hôm ấy, khi cả cái động quỷ nơi nó làm ngủ mê mệt sau một đêm phục vụ cả đám đại gia vùng cao tơi tả, nó nhón chân, đẩy cửa, chạy thoát ra đường...
Nghe xong câu chuyện, trong đầu ông Trị bổng nảy ra một ý định. Ông bảo nó: “Bác tính thế này cháu nghe được không nhé. Thôi thì đời cháu cũng lỡ dở, bác lại có một cậu con trai tuy không tinh khôn lắm nhưng được cái hiền lành. Hai đứa nên vợ chồng với nhau rồi ở đây cả với bác tính đường làm ăn”. Nghĩ đến cái viễn cảnh cày ruộng ở quê, với những đêm tối đèn trong tiếng chửi lè nhè của bố, nó chẳng đợi ông Trị hỏi lần nữa, liền gật đầu. Kể từ đó, gia đình ông Trị có bàn tay của người phụ nữ sau bao năm vắng bóng khi vợ ông mắc bệnh nan y qua đời. Bố có dâu, con có vợ, những tưởng hạnh phúc yên bình từ đây...
* * *
“Dậy, dậy đi! Đồ lười, đồ ăn bám!”. Mới 5h sáng, nhưng tiếng gào chanh chua của ả đang váng cả một góc làng. Miệng la, tay ả đấm thùm thụp vào lưng, vào đầu người đàn ông mà ả gọi là chồng đang ngái ngủ. “Hôm nay mà không kiếm ra đồng nào thì đừng có vác cái mặt về nhà nhé. À mà đi đâu thì nhớ tha cái của nợ này đi nhé” - vừa quát, ả vừa chỉ tay sang giường bên cạnh nơi có hình dáng một người đàn ông gầy yếu đang nằm thiêm thiếp.
Thấm thoắt vậy mà đã gần 10 năm từ cái dạo ông Trị “đưa gái về làm dâu” như lời thiên hạ xì xầm sau lưng ông. Thủa mới về, con dâu ông ngoan lắm. Cả nhà chí thú làm ăn, bố chạy xe ôm, con trai làm mộc (tuy lơ ngơ một chút nhưng tay nghề mộc của con trai ông rất giỏi), con dâu bán hàng nước đầu ngõ nên cũng sống đủ qua ngày. Duy chỉ có một điều làm ông Trị rầu rĩ, đó là đã bao năm mà hai vợ chồng thằng con cứ như cá rô đực với nhau chẳng chửa đẻ gì. Lắm lúc quẩn ông nghĩ: “Hay là tại...”, rồi lại tự gạt đi: “Chúng nó còn trẻ, sốt ruột làm gì”.
Đánh đùng một cái, giá đất chỗ nhà ông Trị ở lên vùn vụt. Ngày nào cũng có người gõ cửa hỏi ông có bán nhà không, với mức giá mỗi hôm một khác. Rồi bận sau bữa cơm, con dâu ông đề nghị họp gia đình. “Nhà mình giờ bán đi cũng được gần tỷ bạc. Ở trên đống vàng mà chẳng làm ra tiền cũng phí, chi bằng bố con mình bán nhà đi, mua cái nhà nhỏ ở quê ở, còn tiền gửi tiết kiệm lấy lãi ăn dần. Bố cũng sắp già rồi không thể chạy xe được nữa. Mà việc mộc của nhà con cũng vất vả cần nghỉ ngơi”. Nghe con dâu bàn bạc, lo lắng cho cả nhà thế, ông Trị cảm động mà đồng ý với nó.
Nhà bán, cả nhà về quê ông Trị cách đó hơn trăm cây số mua một căn nhà nhỏ ở. Con dâu ông mở quán nước trước nhà, con trai ông túc tắc đi làm mộc, còn ông lại ra đầu làng chạy xe ôm. Nhưng sự việc không được như ý vì đây là làng quê mấy ai đi xe ôm, nhu cầu mộc cũng ít nên bố con ông Trị thất nghiệp dài dài, cả mấy miệng ăn trông vào cái quán nước và khoản tiền lãi tiết kiệm ngân hàng.
Thấy bí quá, ông bàn với con dâu rút một ít tiền ra để đầu tư mua máy xay, xát tạo việc làm cho hai bố con. Nào ngờ, nó thản nhiên trả lời ông: “Tiền nào của bố mà bố đòi này đòi nọ. Nhân tiện con cũng nói cho bố biết rằng, cái nhà này sổ đỏ đứng tên con đấy nhé, tiết kiệm ngân hàng cũng thế. Tử tế thì vợ chồng, bố con, còn không thì...”.
Nghe xong câu nói tráo trở đó, ông Trị lảo đảo ôm ngực quỵ xuống, trước khi bị cơn nhồi máu đánh gục, ông bỗng vụt nhớ lời rỉ tai của người hàng xóm: “Này, bố con ông để ý nhé, cứ hai người đi vắng là con dâu ông tiếp trai ở nhà đấy”.
Lúc ấy, ông đã nhất định không tin rằng nó lại ngựa quen đường cũ...
(Theo Pháp luật Việt Nam)