- Ánh mắt e dè, hoảng sợ của người con trai lớn lên trong rừng từ khi 2 tuổi khiến chúng ta liên tưởng vô vàn trở ngại anh sẽ gặp trong “vòng đối đầu” ở môi trường mới.

Sau gần 40 năm sống biệt lập trong điều kiện gần như thời tiền sử, tuần qua, hai cha con “người rừng” đã được đưa trở lại quê nhà. Nhiều người coi đây là một cuộc giải cứu thần kỳ, chấm dứt đời cô độc của 2 con người trong rừng thẳm hoang dã.

Song cũng không ít người chép miệng tiếc nuối, sao lại đem hai con người tự do quay về thế giới này. Ánh mắt e dè, hoảng sợ của người con trai lớn lên trong rừng từ khi 2 tuổi khiến chúng ta liên tưởng vô vàn trở ngại anh sẽ gặp trong “vòng đối đầu” ở môi trường mới.

{keywords}
Người con được đưa khỏi rừng sau 40 năm. Ảnh: Dân Việt

Mối e ngại này hẳn không thiếu căn cứ, nếu “người rừng” được nghe về những gì người “văn minh” đang nếm trải...

Kể hết ra chắc đủ viết thành sách (tuy có thể chưa “đồ sộ” đến tầm tiểu thuyết chương hồi). Nhưng thôi, cứ tạm liệt ra vài sự vụ, e cũng khiến bất cứ “người rừng” nào hoảng sợ.

Trước tiên về chuyện ăn uống. So ra thì đồ ăn, thức uống của người “văn minh” sẵn có, đa dạng cả về loại lẫn cách chế biến hơn rất nhiều mấy “món” củ mì, lá rừng của cha con “người rừng”.

Nhưng nói theo kiểu người “văn minh” là chúng ta đang ăn để… chết dần. Không phóng đại chút nào, trong hoàn cảnh sống chung với đủ thứ thực phẩm bẩn, độc hại do con người làm ra cho đồng loại của mình.

Bún “phát sáng”, rau xanh phun đẫm thuốc trừ sâu, thuốc kích thích, trái cây “tắm tráng”, “tắm ngâm” hóa chất... Tất cả đủ khiến chúng ta thành các nàng Bạch Tuyết, chưa kịp ăn hết những đồ ăn vẻ ngoài bóng láng đẹp đẽ, đã bị ngộ độc như chơi.

Đấy là chưa kể những phát minh thần kỳ, kiểu “nghi án” thịt bò cao su. “Sáng tạo” này khiến có người buông lời chê các nhà khoa học Hà Lan máy móc, khi bỏ hàng đống tiền nghiên cứu cách sản xuất thịt bò nhân tạo. Trong khi, người Việt có lẽ đã chế được món thịt ngon lành này từ loại nguyên liệu dồi dào, rẻ tiền bằng… săm lốp cũ.    

Còn thứ đồ uống nổi tiếng như café, vốn có vị doanh nhân ca ngợi là thức uống sáng tạo, thì được chế từ… đậu nành pha tẩm hóa chất. Đủ hiểu vì sao người Việt sáng tạo thế. Trà, món ẩm thực thanh cao, được tái chế “kỳ diệu” từ bã ra trà gói cao cấp.

Đều đặn hàng tuần người ta lại kinh hãi “khui” ra thêm đôi ba món mới. Lại lo lắng, lại cuống cuồng tìm cách đối phó, dần dần rồi chán ngán, buông xuôi.

Phiền nỗi, các quan chức của người “văn minh” có vẻ không lấy gì làm sốt ruột. Sự vụ vẫn nối đuôi xảy ra, chẳng ai thực sự thấy mình có trách nhiệm xử lý rốt ráo, ngoài việc thả ra đấy vài thông tin cho phải phép, còn xử lý thế nào thì hình như “gặp đâu xử đó”.

{keywords}
Bún sạch và bún... "phát sáng"

Vỡ lở vụ việc nào mới thấy nhà quản lý “sờ” tới. Nhưng kết quả xử lý thế nào hay làm gì để ngăn những việc tương tự  không xảy ra thì dân càng ít được biết… Người “văn minh” hóa ra cũng cô độc, cũng sống đời tự túc, tự lo đấy chứ.

Tiếp đến là chuyện sức khỏe. Đọc báo chí thì được biết, suốt 40 năm, hai cha con “người rừng” chẳng có viên thuốc nào vào người vẫn không bị bệnh nặng hay sốt rét, trong hoàn cảnh tự nhiên cô cùng khắc nghiệt.

Nhưng về thế giới văn minh, hai cha con chắc gì đã chịu nổi sự “khắc nghiệt” của bệnh viện. Phải tiêm vắc-xin chẳng hạn. Còn như xét nghiệm máu, không khéo 2 người đàn ông tuổi cách nhau đến gần nửa thế kỷ, lại ra kết quả y hệt nhau.

Chẳng phải ở cái bệnh viện trong tên có chữ “Đức”, một phiếu xét nghiệm máu được “tiết kiệm” tái sử dụng hết cỡ hay sao. Đến mức có cụ già 80 tuổi chung kết quả với em bé mới… 4 tháng tuổi.

Nội tình vụ dùng chung phiếu động trời ấy thế nào, hẳn không đơn giản. Còn các thường dân thì chỉ biết, chuyện “y đức” giờ đã thành “Hoài Đức” không còn là hy hữu ở một vài bệnh viện, mà đang dần được nhân rộng điển hình.

Thêm một ưu điểm nữa khi sống trong rừng là không phải trả… tiền điện và theo đó, không có nguy cơ bị tăng giá. Bóng đêm hay ánh sáng đều là kho tàng vô tận nhưng miễn phí của trời ban cho. Thuận theo đó mà sáng kiếm ăn, đêm về nghỉ ngơi yên giấc.

Điện, tất nhiên là một trong những phát minh vĩ đại của nền văn minh. Nhưng nhiều người “văn minh” xứ nọ đang chẳng thể yên giấc vì giá điện ở đó luôn “một và chỉ một” con đường là đi lên, mặc kệ đời sống có thăng có trầm ra sao.

Ấm ức nữa là mình mất tiền mua, nhưng thấy tăng vô lý muốn được nghe giải thích, người ta lại bảo không trả lời nữa đâu. Vì người ta trả lời mãi rồi, mà không chịu hiểu (đúng ra là làm sao mà hiểu nổi!).

Sơ sơ vài chuyện vậy cũng đủ làm “người rừng” hoảng hốt!

Tự dưng nhớ đến câu chuyện về Robinson Crusoe được đọc và xem phim từ thuở bé. Sau hơn 28 năm trên đảo hoang, sống một mình mãi cho đến khi tìm được người bạn Thứ 6, Robinson cuối cùng đã thực hiện được khát khao trở về đất liền.

Hình như Daniel Defoe, tác giả tiểu thuyết sau này còn viết thêm những hậu truyện, kể về cuộc đời viên mãn của Robinson sau khi về đất liền. Nhưng những cái kết “hạnh phúc mãi mãi”, trừ truyện cổ tích ra, thường không sống lâu thì phải, nên chẳng mấy ai biết đến mấy “hậu truyện” của ông.

Còn với người viết bài này, không hiểu sao, trong ký ức luôn nhớ là, ở đoạn kết của bộ phim, khi trên con thuyền trở về, ánh mắt Robinson nhìn lại đảo hoang của mình, có cái gì đau đáu…

Hải Tâm