"Phát hiện tham nhũng kiểu gì mà ở Hoài Đức thì để xảy ra chuyện như vậy. Kê khai tài sản minh bạch gì mà GĐ nhận lương 2,6 tỉ bao nhiêu năm nay rồi cũng chả ai biết".

LTS: Cuối tuần qua, Chính phủ đã gửi báo cáo công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng tới Ủy ban Tư pháp QH để cơ quan này thẩm tra, trước khi trình ra kỳ họp thứ 6, QH khóa 13.  Tuần Việt Nam xin giới thiệu một số ý kiến tại phiên họp thẩm tra.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền: Gần 3 năm mới phát hiện được 2 vụ nhỏ

Việc phát hiện và xử lí tội phạm tham nhũng năm nay tăng hơn so với năm 2012 kể cả về số vụ lẫn số bị can. Đây là nỗ lực lớn của cơ quan chức năng cùng sự góp sức của các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, cần nhìn nhận lại về một số hạn chế trong cuộc chiến chống tham nhũng để có hướng khắc phục.

{keywords}
Ông Nguyễn Đình Quyền. Ảnh: MInh Thăng

Thứ nhất, hoạt động của đội ngũ thanh tra địa phương vẫn còn nhiều tồn tại, mà nếu không kịp thời chấn chỉnh thì lực lượng thanh tra các địa phương sẽ bị vô hiệu hóa, không phát huy tác dụng.

Thứ hai, việc phát hiện xử lí hành vi tham nhũng trong báo cáo cũng như qua thực tiễn giám sát còn chưa tương xứng với tình hình.

Khâu yếu kém nhất trong phòng chống tham nhũng hiện nay là phát hiện tham nhũng. Khâu  tự phát hiện của các cơ quan đơn vị qua công tác tổ chức cán bộ, thanh tra cán bộ, đánh giá, xử lí cán bộ đều rất yếu kém. Phát hiện tham nhũng kiểu gì mà ở Hoài Đức thì để xảy ra chuyện như vậy. Kê khai tài sản minh bạch gì mà GĐ nhận lương 2,6 tỉ bao nhiêu năm nay rồi cũng chả ai biết.

Trong khi đó, việc phát hiện của cơ quan chức năng dù có nhiều tiến bộ nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Có những tỉnh mà 2 năm rưỡi mới phát hiện được 2 vụ rất nhỏ ở cấp thôn xã. Khi chúng tôi hỏi đến thì  lại giải thích đó là "tội phạm ẩn". Chúng tôi nói đùa "nó chả ẩn tí nào đâu, các đồng chí cứ gắn camera theo dõi lên gốc cây ở các ngã tư thì sẽ thấy chả ẩn tí nào cả"...

Vậy mới nói qua công tác phát hiện xử lí thì khâu yếu kém nhất của chúng ta là tự phát hiện và  vài trò phát hiện của các cơ quan chức năng. Qua giám sát chúng tôi xin nhấn mạnh nó nằm ở địa phương rất nhiều, còn ở trên Trung ương ta đã có những chuyển biến rất quan trọng.

Đối với việc xử lí tội phạm tham nhũng, như ban đầu chúng tôi đã đề cập thì việc xử lí có nghiêm minh hơn, kịp thời hơn. Tuy nhiên cơ bản mà nói tỷ lệ xử lí hành chính vẫn chiếm rất nhiều.

Xin kể lại chuyện là khi đi giám sát một số địa phương, khi thấy có những vụ việc xử lí kỉ luật thì chúng tôi hỏi "vụ việc này liệu đã đủ để truy cứu tránh nhiệm hình sự chưa, nếu chiếu theo các điều luật abc... "thì các đồng chí địa phương ngồi im hết.

Một vấn đề khác dưới địa phương đó là qua giám sát phát hiện ra việc xử lí hành chính kỉ luật có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. Tôi cho rằng việc vận dụng nhiều tình tiết giảm nhẹ để xử dưới khung hình phạt cho cải tạo không giam giữ hưởng án treo vẫn xảy ra không phải ít.

Đặc biệt nữa là việc thu hồi tài sản do tham nhũng còn hết sức hạn chế. Có thể nói việc xử lí có những biểu hiện chưa nghiêm minh kể cả về xử lí kỉ luật hành chính và kể cả xử lí về biện pháp hình sự.

Quá trình xử lí các vụ việc thường bị kéo dài, vụ án trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhiều lần và có những trường hợp đi đến kết quả là chuyển sang tội danh khác với hình phạt nhẹ hơn. Có một số vụ qua trả hồ sơ điều tra bổ sung thì đình chỉ điều tra đối với bị can do đã khắc phục hậu quả theo quy định của luật tố tụng hình sự và pháp luật hình sự chỉ là một tình tiết xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nhưng do khắc phục hậu quả rồi thì miễn trách nhiệm hình sự…

Về nguyên nhân, Chính phủ cần làm rõ hơn các nguyên nhân về mặt chủ quan. Chúng tôi rất tán thành trong báo cáo của chính phủ nêu việc nói không đi đôi với làm. Nói các chỉ thị, các quyết định của UBND rất căng nhưng quá trình triển khai chưa thường xuyên, chưa xát xao, chưa ráo riết và chưa quy trách nhiệm cụ thể đến từng địa chỉ. Nguyên nhân nữa đó là việc xác định trách nhiệm của từng vị trí công vụ, công chức viên chức là chưa rõ.

Cơ quan này đổ cơ quan kia, cấp này đổ cho cấp khác…cuối cùng đổ cho cơ chế chính sách còn chồng chéo mâu thuẫn, nói như các cụ ngày xưa hòn đất mà biết nói năng, chính sách mà biết nói năng thì cứ đổ mãi cho cơ chế chính sách.

Đi địa phương cứ đổ cho chính sách chúng tôi bảo thế anh đưa cho chúng tôi chính sách nào, anh nói đi thì lại không nói được. Chính phủ cần nghiêm khắc đánh giá nguyên nhân chủ quan nhất là về đội ngũ cán bộ, phẩm chất đạo đức, tính quyết tâm trong việc nói và làm. Nguyên nhân nữa là làm rõ trách nhiệm hơn nữa ở từng vị trí công tác mới thấy được việc làm được và chưa làm được để phúc đáp được yêu cầu công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp Lê Thị Nga: "Quả bóng ném vào không trung"

Thanh tra Chính phủ tổng kết các lĩnh vực quản lí nhà nước dễ xảy ra tham nhũng: tín dụng ngân hàng, quản lí sử dụng đất đai tài nguyên khoáng sản, đầu tư xây dựng cơ bản, quản lí vốn tài sản tại các doanh nghiệp.

Vừa rồi tổ chức minh bạch thế giới có điều tra về cảm nhận của người dân đối với tham nhũng. Không hiểu Thanh tra Chính phủ có sử dụng số liệu để đưa vào báo cáo không vì tôi thấy họ chỉ ra những lĩnh vực rất cụ thể, nhưng báo cáo của Chính phủ  lại không đưa vào.

Quan điểm của Thanh tra Chính phủ về việc này như thế nào. Hay cảm nhận của người dân là không đúng mà ta lại nói tham nhũng khó phát hiện.

 Điểm nữa là nếu báo cáo không chỉ ra những địa chỉ cụ thể thì 10 năm tới ta vẫn trì trệ như thế này.  Báo cáo chính phủ phải chỉ ra những nơi làm tốt, không tốt chứ không phải nói một số nơi, rồi "có nơi, có chỗ". Là nơi nào, cấp nào? Nói như vậy là ném quả bong vào không trung không ai sợ cả.  Việc xử lí tham nhũng một số trường hợp còn chưa nghiêm, chưa kịp thời còn có biểu hiện nương nhẹ cụ thể là tổ chức cá nhân nào chịu trách nhiệm.

Chúng tôi muốn hỏi vì sao trong báo cáo này có biểu hiện né tránh không chỉ thẳng nơi nào làm tốt, chưa tốt. Một điểm nữa tôi muốn hỏi Thanh tra chính phủ là người nắm pháp luật. Vậy khi ta kiểm điểm cơ quan tổ chức người có thẩm quyền làm không đủ không đúng trách nhiệm theo luật định nhưng vì sao ta chỉ đề cập là "một số nơi chưa quyết liệt".

Quyết liệt không phải là một danh từ có thẩm quyền thuộc về trách nhiệm pháp lí. Tại sao ta không nói là chưa làm đúng trách nhiệm, đúng thẩm quyền mà chỉ nói là chưa quyết liệt?

Các "ông lớn" nhà nước đều không công khai thu nhập

Một số tập đoàn, TCT nhà nước đã công khai bản kê khai thu nhập của cán bộ, chẳng hạn, Tổng Công ty thuốc lá VN, Tổng Công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước SCIC, Tổng công ty cà phê VN.

Tuy nhiên, hầu hết các "ông lớn" nhà nước khác đều chỉ dừng lại ở việc nộp bản kê khai chứ không xác minh tính trung thực của bản kê khai hay công khai thu nhập, chẳng hạn Tập đoàn điện lực, Tập đoàn công nghiệp cao su, công nghiệp tàu thủy, Tập đoàn bưu chính viễn thông, Tổng công ty hàng hải...

Báo cáo kết quả kê khai tài sản, thu nhập năm 2012 cho thấy, trong quá trình xác minh đã phát hiện ra ba trường hợp kê khai không trung thực và các đối tượng này đều bị xử lý cảnh cáo. Gần 60 trường hợp (trong đó đa phần ở TP.HCM) bị xử lý kỷ luật vì chậm kê khai, chậm nộp báo cáo. Đáng chú ý, rất ít nơi xác minh tính trung thực của các bản kê khai. (Theo Báo cáo của Tổng Thanh tra Chính phủ)

Bài tiếp: "Người thân cũng nghi ngờ chúng ta tham nhũng"

  • L. Nhung - Lan Anh