Thực tế, trước nguy cơ thua trên sân nhà, để giảm chi phí sản xuất, các công ty nông nghiệp Nhật đã bắt đầu tìm kiếm hướng đi, để chuyển một phần quá trình sản xuất lúa gạo ra nước ngoài.

>>Sự đối lập giữa các nhóm lợi ích

Tỉ trọng tương đối của nông nghiệp đối với hầu hết các nền kinh tế thuộc OECD đã giảm trong thời gian gần đây, sự sụt giảm này ở Nhật Bản diễn ra đặc biệt nhanh chóng. Trong vòng 50 năm trở lại đây, tỉ trọng GDP của nông nghiệp Nhật giảm từ 9% xuống 1%, tỉ trọng nhân lực cắt giảm từ 28% xuống thấp hơn 3%. Đồng thời  ¼ diện tích đất canh tác đã bị thu hẹp. Một vấn đề khác là việc số lượng nhà làm nông chuyên nghiệp đã giảm từ 34% xuống 23% cũng trong thời gian này, trong khi số lượng nhà  nông bán thời gian, vốn có thu nhập từ làm nông không quá 50% tổng thu nhập, tăng từ 32% lên 62%.

Sản xuất nông nghiệp đất nước Phù Tang phải đối đầu với 4 vấn đề mấu chốt: (i) Những nông trường quy mô nhỏ và vừa, khiến hiệu quả sản xuất thấp; (ii) Một lượng lớn các khoản trợ cấp tập trung vào một số mặt hàng cụ thể, ảnh hưởng đến quá trình định hướng và đa dạng hóa sản xuất; (iii) Các rào cản thương mại lớn làm phức tạp thêm tình hình hội nhập của Nhật Bản vào nền kinh tế thế giới; (iv) Sự suy giảm về khả năng tự cung ứng lương thực.

{keywords}

Từ sau khi thế chiến thứ hai kết thúc, nông dân Nhật Bản đã luôn được ưu đãi với những chính sách bảo hộ đặc biệt, ngay cả  khi so sánh với các nước khác trong OECD. Theo một tính toán thì thì các hộ nông dân quy mô nhỏ  được đối xử tốt hơn gấp đôi so với giới nông dân ở châu Âu và gấp năm lần so với nông dân tại Mỹ. Chính phủ Nhật cũng tỏ ra rất bảo thủ trong các thảo luận liên quan đến lộ trình giảm thuế, dỡ bỏ đi các rào cản về bảo hộ nông sản. Hơn thế nữa, chính phủ Tokyo còn có nhiều biện pháp khác nhau để “bao cấp” lực lượng sản xuất nông nghiêp tại Nhật.

Vào tháng 4/2007, chính phủ Nhật giới thiệu một chương trình trợ cấp thu nhập cho 5 loại nông sản chính (ngoài gạo) nhằm giải quyết vấn đề khả  năng tự cung ứng thấp. Cơ chế hỗ trợ  mới này dựa trên quy mô nông trại, mất mát trong thu nhập và đầu ra (thay cho cơ chế cũ dựa trên loại hàng hóa và đầu ra). Khoản chi trợ cấp này cũng được chi cho tất cả các nông trường lúa gạo đạt doanh số, không phân biệt quy mô.

Lập luận của chính phủ Nhật đối với chính sách này là để hỗ trợ các hộ nông dân nhỏ phát triển thành các hộ nông dân cốt lõi. OECD định nghĩa hộ nông dân cốt lõi là một cá nhân hay một đơn vị sản xuất nông nghiệp bất kì đang là hoặc hướng tới trở thành một đơn vị sản xuất nông nghiệp hiệu quả và ổn định có ít nhất 4 hécta đất canh tác.

Ngoài chương trình trợ cấp thu nhập nông sản, năm 2009 chính phủ Nhật đã ban hành một hệ thống điều phối việc sử dụng đất trồng trong mỗi thành phố. Các giải pháp tối ưu đưa ra được  áp dụng cho những chủ đất và cả những người mua hay người thuê đất tiềm năng, do đó làm giảm được giá chuyển nhượng, đặc biệt  đối với những ai thuê đất từ phía những chủ  đất nhỏ. Một số mục tiêu đầy tham vọng khác tiếp tục được chính phủ Nhật đưa ra. Bản kế hoạch cơ bản năm 2010 đặt mục tiêu mở rộng quy mô của các trang trại lên 2,5 hécta và nông trường kinh doanh lớn lên 7,7 hécta. Kế hoạch này được tiếp nối trong năm 2011 bởi bản Chính sách và chương trình hành động cơ bản dưới thời Thủ tướng Naoto Kan, nhằm kêu gọi việc đẩy nhanh tiến trình củng cố tình hình sử dụng đất trồng với mục tiêu là phần lớn các nông trường sẽ hoạt động với quy mô 20-30 hécta ở đồng bằng và 10-20 hécta ở vùng núi.

Các chính sách bảo hộ của chính phủ được đánh gía một cách khác nhau. Các nhà phê bình thì  nhận định rằng việc hỗ trợ này chỉ  sẽ làm chậm quá trình cải cách sản xuất của nền nông nghiệp của Nhật Bản. Nó tạo thêm sức  ì, thay vì nâng cao năng xuất và cạnh tranh. Một số bằng chứng cho thấy thực tế việc duy trì những nông trang nhỏ lại làm chậm quá trình củng cố các nông trang nói chung. Việc trợ cấp được trải đều ra cho tất cả, bao gồm những nhà sản xuất chuyên nghiệp lẫn bán thời gian, lại khuyến khích các trang trại nhỏ tiếp tục sản xuất một cách kém hiệu quả, thay vì chuyển tư liệu sản xuất vào tay những nhà sản xuất chuyên nghiệp. Mục tiêu củng cố các nông trang và cải thiện sản lượng vì thế tỏ ra khó đạt được. Ngoài ra, người nông dân không có nhiều lựa chọn sản xuất phù hợp bởi danh sách các loại nông sản được trợ cấp là cố định.

Điều này dẫn đến một hệ lụy là nền nông nghiệp Nhật Bản vẫn duy trì những hộ sản xuất quy mô nhỏ, hiệu quả sản lượng thấp và phụ thuộc vào trợ cấp Nhà nước (cả trực tiếp lẫn gián tiếp). Nó chưa thật sự được chuẩn bị đủ để duy trì và tồn tại trước sức ép từ cạnh tranh nội khối khi sự dỡ bỏ các hàng rào quan thuế được diễn ra. Trong các FTA trước đó chính phủ Tokyo luôn loại trừ phần lớn các mặt hàng thuộc khu vực nông nghiệp ra khỏi lộ trình giảm thuế. Điều này chắc chắn sẽ là bài toán gần như không khả thi trong TPP.

Kết quả các các vòng đàm phán TPP đến nay cho thấy nếu các nước công nghiệp như Mỹ hay Nhật muốn  đẩy nhanh quá trình tự do hóa thị trường dịch vụ và sản phẩm công nghiệp, mở cửa thị trường nông nghiệp nội địa là không thể tránh khỏi. Cũng như chắc chắn sẽ không có một sự ngoại lệ hay biệt lập cho bất kỳ một quốc gia thành viên nào tham gia hiệp định. Nói cách khác, việc gia nhập TPP sẽ đẩy nền nông nghiệp Nhật Bản, đặc biệt là ngành sản xuất lúa gạo vào tình thế khó khăn hơn do chi phí sản xuất cao, tính cạnh tranh kém với các nước nội khối TPP.

Điều này đòi hỏi chính phủ Nhật Bản phải tìm ra các giải pháp ngắn hạn nhằm nhanh chóng giải quyết các vấn đề của nền nông nghiệp nước này, song song với việc tiếp tục công cuộc cải tổ nền nông nghiệp Nhật. Giảm thiểu tổn thương đến mức thấp nhất khả năng tổn thương là lựa chọn gần như duy nhất của chính phủ Tokyo trong thời điểm hiện nay.

Thực tế, trước nguy cơ thua trên sân nhà, để giảm chi phí sản xuất, các công ty nông nghiệp Nhật  đã bắt đầu tìm kiếm hướng đi, để chuyển một phần quá trình sản xuất lúa gạo ra nước ngoài (outsourcing). Lựa chọn này cho phép theo đuổi hai mục tiêu cùng lúc: trong khi vẫn tuân thủ các tiêu chuẩn sản xuất của Nhật, đồng thời đáp ứng cho nhu cầu thị trường trong nước. Mục tiêu cải thiện khả năng tự cung ứng lương thực sẽ được đảm bảo tốt hơn thông qua các mối quan hệ ổn định và lâu dài với các quốc gia xuất khẩu, giúp tránh được việc phải tham gia vào những khu vực kém ổn định hơn trên thị trường quốc tế.

Mặt khác, đa dạng hóa nguồn cung từ nhiều nước cũng đồng thời làm dịu nguy cơ về những cú sốc trên thị trường trong trường hợp biến động về thời tiết, thiên tai xảy ra. Những kí kết lâu dài cũng có khả năng giảm thiểu các rủi ro về bất ổn giá cả.

Đặt những phương hướng kể trên vào bối cảnh TPP, Nhật Bản hoàn toàn có thể trông đợi việc tìm kiếm một đối tác chiến lược cho một lĩnh vực nhạy cảm như nông nghiệp giữa các nước thành viên. Như vậy, liệu đây có là một cơ hội cho Việt Nam giữ vị trí ưu tiên trong tầm nhìn của các doanh nghiệp nước này?

Còn nữa

Trương Minh - Nhật Anh - Đỗ Thiện