Đại tướng nhiều đêm mất ngủ, nhiều lần rơi nước mắt khi nghe báo cáo số cán bộ, chiến sỹ thương vong quá nhiều.

LTS: Từng có nhiều cơ hội gần gũi và làm việc với Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong cả 2 cuộc kháng chiến của dân tộc, Trung tướng PGS Hoàng Nghĩa Khánh, nguyên Cục trưởng Cục Tác chiến, Bộ Tổng tham mưu QĐND Việt Nam, có rất nhiều kỷ niệm, ấn tượng về Đại tướng. Trân trọng gửi đến độc giả những chia sẻ của ông.

Vị Tổng tư lệnh toàn năng

Lần đầu tiên, tôi được gặp Võ Đại tướng là khi được điều động ra Việt Bắc công tác tại Bộ Tổng Tư lệnh thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Tại căn cứ địa Việt Bắc, mỗi khi được tiếp xúc với Đại tướng, tôi đều nhận thấy ở ông một con người rất cởi mở, chân tình với cán bộ cấp dưới, đồng thời rất tỉ mỉ và sâu sắc trong công việc chỉ đạo và chỉ huy.

Từ hồi ấy, người ta hay gọi Võ Nguyên Giáp là Võ Đại tướng hoặc Tổng Tư lệnh hoặc gọi thân mật: Anh Văn.

Ngay từ những ngày ở Việt Bắc, anh Văn đã gieo vào tâm trí tôi hình ảnh một vị Tổng Tư lệnh toàn năng. Đại tướng là người được Đảng và Bác Hồ giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ đạo chiến lược tại Tổng Hành dinh phối hợp tác chiến với các chiến trường miền Nam, các chiến trường của quân tình nguyện Việt Nam ở Lào và Campuchia với chiến trường chính. Anh lại là người ra chiến trường trực tiếp chỉ huy các chiến dịch lớn trong kháng chiến chống Pháp, mà điển hình là Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954.

Là vị Tổng Tư lệnh chỉ đạo về chiến lược nhưng lại rất chú trọng về chiến thuật, về cách đánh, từ những trận đánh nhỏ (như Khai Phắt và Nà Ngần) ngày khởi đầu thành lập Đội Vũ trang Tuyên truyền Giải phóng quân, đến nhiều trận lớn (như Biên giới, Điện Biên Phủ.

Chỉ đạo tác chiến của anh Văn theo thực tiễn chiến trường: Anh Văn có nghiên cứu và hiểu sâu về lý luận dùng binh (binh pháp) nhưng anh chưa bao giờ áp dụng máy móc lý luận vào thực tiễn chiến trường. Từ thực tiễn chiến trường, anh đã cùng tập thể tướng sỹ bàn bạc và tìm ra cách đánh thích hợp.

Trong không ít trường hợp, chính anh Văn tự đề xuất ra cách đánh mới sáng tạo và phù hợp thực tiễn, khác với ý kiến của số đông và thực tiễn đã dẫn đến thắng lợi trên chiến trường. Đó là sự thật đã diễn ra ở Chiến dịch Biên giới (1950), Chiến dịch Điện Biên Phủ (1954) và một số chiến dịch khác.

Đại tướng Tổng Tư lệnh còn trực tiếp chỉ đạo các chiến trường toàn quốc suốt 2 cuộc kháng chiến một cách chặt chẽ và có hiệu quả cao.

{keywords}

Ảnh: Đại tá Trần Hồng/ Trí thức trẻ

Nhiều đêm thức trắng

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, trong khi trực tiếp chỉ huy trận quyết chiến, chiến lược ở Điện Biên Phủ, Tổng Tư lệnh vẫn chỉ đạo chặt chẽ các chiến trường Nam bộ, Liên khu V (Nam Trung bộ) và các chiến trường khác cùng với Chiến dịch Điện Biên Phủ, chiến dịch lớn nhất, có tính quyết định nhất ở chiến trường chính miền Bắc Việt Nam.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đại tướng vừa theo dõi và chỉ đạo giải phóng Huế - Đà Nẵng, vừa báo cáo với Bộ Chính trị vấn đề giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa mà quân ngụy đang chiếm giữ và chuẩn bị kế hoạch chiến lược và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng miền Nam.

Đại tướng còn rất quan tâm chỉ đạo vấn đề làm đường, bảo vệ đường, bảo đảm giao thông vận tải thông suốt trong chiến tranh. Anh nhiều lần nhấn mạnh: "Có đường mới có lực lượng. Có đường mới có vũ khí, lương thực, thuốc men. Có đường mới thực hiện được ý định chiến dịch đánh vu hồi và sau lưng địch. Có đường mới giành thắng lợi".

Vì thế, trong những vấn đề trọng yếu của một chiến dịch do Đại tướng Võ Nguyên giáp chỉ huy hoặc chỉ đạo, bao giờ cũng có vấn đề đường xá, giao thông vận tải.

Đại tướng thường trăn trở về việc xử lý tình hình chiến trường ở cả 3 miền trong 2 cuộc kháng chiến. Tôi biết rõ, nhiều đêm anh ít ngủ hoặc thức trắng khi một số chiến trường đang có những diễn biến phức tạp, bất lợi.

Tổng Tư lệnh cũng nhiều đêm mất ngủ, nhiều lần rơi nước mắt khi nghe báo cáo số cán bộ, chiến sỹ thương vong quá nhiều. Chính những đêm đặc biệt đó đã thôi thúc Tổng Tư lệnh vượt mọi khó khăn tìm ra những cách xử lý tình hình ở chiến trường tốt nhất, giảm thương vong cho cán bộ, chiến sỹ. Nói cách khác, một chủ nghĩa nhân văn đã thấm sâu vào tâm hồn Tổng Tư lệnh ngay trong những giờ phút khó khăn nhất của mỗi tình huống phức tạp trong chiến dịch.

Tôi muốn nhấn mạnh một điều: Võ Nguyên Giáp là một vị Tổng Tư lệnh có sự quyết đoán sáng suốt, thận trọng và kịp thời. Ở Điện Biên Phủ, anh Văn đề ra quyết tâm chuyển phương châm chiến dịch từ "đánh nhanh, thắng nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc".

Tổng Tư lệnh cũng nhiều đêm mất ngủ, nhiều lần rơi nước mắt khi nghe báo cáo số cán bộ, chiến sỹ thương vong quá nhiều.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp vừa là nhà chỉ huy nổi danh về đánh du kích (chiến tranh nhân dân địa phương), vừa là nhà chỉ huy kiệt xuất về đánh chính quy (chỉ huy tác chiến binh chủng hợp thành với nhiều sư đoàn bộ binh và binh chủng).

Tổng Tư lệnh kết hợp tài giỏi chỉ đạo chiến tranh du kích trong địch hậu với chiến tranh của binh đoàn chủ lực ở mặt trận chính: Ví như trong Chiến dịch Hòa Bình, Đại tướng đã chỉ đạo phối hợp chiến tranh du kích vùng địch hậu với chiến tranh chính quy một cách chặt chẽ, giành thắng lợi lớn ở cả "nội ngoại tuyến".

Đồng chí Tổng Tư lệnh còn chỉ đạo rất tỉ mỉ về chiến thuật cách đánh, cả trong kháng chiến chống thực dân Pháp lẫn kháng chiến chống Mỹ.

Năm 1972 ở Quảng Trị, ta nặng về tiến công địch ở phía trước, nhẹ về phòng ngự củng cố vùng giải phóng ở phía sau. Vì vậy, khi địch tập trung lực lượng phản công, có lúc chúng ta bị đẩy lùi, rơi vào thế lúng túng giữa tiến công - phòng ngự và việc thực hiện phòng ngự như thế nào. Tôi, lúc đó là Cục phó Cục tác chiến làm Tham mưu phó tác chiến của Bộ Tư lệnh Chiến dịch Quảng Trị, được cử ra báo cáo tình hình với Đại tướng tại Hà Nội.

Lúc đó Đại tướng nói: "Tiến công là tư tưởng chỉ đạo trong chiến tranh. Nhưng, trong chiến dịch và những trận chiến đấu có khi phải phòng ngự... Trong khi tương quan lực lượng thay đổi, ta chưa có sức mạnh để tiếp tục tiến công thì phải phòng ngự để bảo vệ địa bàn được giải phóng, chuẩn bị lực lượng, chuẩn bị điều kiện để rồi tiếp tục tiến công...".

Nhờ phân tích sáng suốt của Đại tướng, về cơ bản không còn ai ngại khi nói đến "phòng ngự" như trước đây khi tiến hành phản công trong Chiến dịch Quảng Trị nữa.

{keywords}

Trung tướng Hoàng Nghĩa Khánh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp chụp hình lưu niệm tại nhà riêng ở Hà Nội năm 2005

Bộ óc không ngừng suy nghĩ

Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một chỉ huy quân đội có tác phong làm việc rất sâu sắc, tỉ mỉ và rất khoa học. Đồng chí đặc biệt chú trọng công tác tham mưu, luôn luôn theo sát và giúp đỡ Bộ Tổng Tham mưu. Đồng chí thường nhắc cán bộ tham mưu chúng tôi phải ghi nhớ mọi việc trong đầu óc, hạn chế việc ghi chép trong sổ tay để thực hiện nguyên tắc bảo mật của người cán bộ tham mưu chiến lược.

Năm 1961, Đại úy Coong-le (Lào) tiến hành đảo chính ở Lào. Đại tướng giao cho tôi nhiệm vụ sáng sớm đi nhờ máy bay L12 chở xăng dầu của Liên Xô sang Lào bắt liên lạc với các đồng chí chuyên gia của ta để truyền đạt chỉ thị của Quân ủy Trung ương. Ông dặn tôi phải mặc quân phục giống như cán bộ Pathét Lào. Ông còn dặn: Không được ghi chép gì, chỉ nhớ kỹ các vấn đề đồng chí dặn trong óc, bảo đảm tuyệt mật trong chuyến công tác này.

Một lần khác, năm 1972, tôi ở mặt trận Quảng Trị ra Tổng hành dinh (trong thành Hà Nội) để báo cáo ý kiến và được lệnh sang gặp Đại tướng ở nhà riêng. Khi tôi báo cáo, Đại tướng cầm lấy cuốn sổ trên tay tôi rồi nhét vào xắc-cốt của tôi rồi nói: "Cán bộ tác chiến các cậu hễ báo cáo là phải giở sách ra. Khi khép sách lại không nhớ gì cả à? Cán bộ tham mưu tác chiến là phải dùng cái đầu. Mọi việc phải ghi nhớ trong đầu, không phải chỉ trong sách vở".

Đại tướng Võ Nguyên Giáp giữ kỷ luật rất nghiêm ngặt về cường độ lao động. Bộ óc của Tổng Tư lệnh luôn suy nghĩ, không ngừng suy nghĩ. Ngay cả những khi đau yếu, Đại tướng vẫn gọi cán bộ tác chiến vào Bệnh viện 108 đến bên giường bệnh báo cáo tình hình chiến trường. Đã nhiều lần Đại tướng sửa đi, sửa lại trong các bức điện hoặc các bản mệnh lệnh chỉ thị chiến đấu gửi các tư lệnh chiến trường do anh em tác chiến chuẩn bị, sao cho gọn nhất, rõ ràng nhất, dễ hiểu nhất.

Có khi Đại tướng tự tay viết điện vào sổ điện cơ yếu và ký tên. Ví dụ như ngày 7/4/1975, anh Văn tự tay viết điện gửi các đơn vị: "Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ phút, xốc tới mặt trận giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng...". Vừa là một mệnh lệnh chiến đấu ngắn gọn, súc tích, vừa là lời "hịch" hào hùng cổ vũ động viên cán bộ chiến sỹ không quản mệt nhọc khó khăn, gian khổ ngày đêm xông tới tiền tuyến chiến đấu giải phóng miền Nam...

Tôi rất tự hào là có một thời được phục vụ bên vị Đại tướng toàn năng của nhân dân ta - Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp.

Nguyễn Vân (ghi)

Tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp

 

 

 

 

 Thời bình của Võ Nguyên Giáp và Trần Hưng Đạo

Ngày nay cũng vậy, thời bình phải lo xây dựng đất nước, phải khoan thư sức dân, phải trọng dụng nhân tài mới giữ được nước

Đại tướng đã trải qua không ít gian truân

Ông đã vươn tới đỉnh cao của sự nghiệp, nhưng cũng trải qua không ít gian truân. Vào những lúc đó, ông vẫn giữ trọn niềm tin để vượt qua.

Tướng Giáp và sự thức tỉnh người đương thời

"Tình cảm, niềm tin kính đó như một lời nhắc nhở những người lãnh đạo phải có trách nhiệm lớn hơn với dân tộc, sống trong sáng hơn nữa để có được niềm tin của người dân" - Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược, Bộ Công an.

Vì sao cụ Hồ tặng ông biệt danh Văn?

Ông là người được giới văn nghệ sĩ, khoa học gần gũi để gửi gắm tâm tư những khi khó khăn, khúc mắc.

"Kế hoạch" dang dở của Đại tướng với Cựu binh Mỹ

 “Tôi tặng ông cuốn sách và ông cẩn thận lật qua từng trang. Ông có vẻ rất quan tâm đến những đoạn tôi vẽ chân dung người đồng chí và người lãnh đạo của ông, Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là lần cuối cùng tôi gặp Tướng Giáp”

Tinh anh Đại tướng mãi bảo vệ Tổ quốc

 Anh linh của Người vẫn sẽ sống, bảo vệ đất nước trước mọi kẻ xâm lược, trước mọi cái ác, sự tăm tối và lầm lạc.

Hai người phụ nữ phía sau vị Tướng huyền thoại

Khoảnh khắc quay lại nhìn  vợ con trên con đường Cổ Ngư năm ấy, Võ Nguyên Giáp đã không ngờ được rằng đó là những khoảnh khắc cuối cùng ông được nhìn thấy người vợ mà ông rất đỗi yêu thương.

'Điều còn mãi' của tướng Giáp

Ít người biết, chương trình hòa nhạc "VietNamNet - Điều còn mãi" có kỷ niệm sâu sắc với một người vĩ đại vừa ra đi: Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Tướng Đồng Sỹ Nguyên:“Từ lúc nghe tin, tôi không ngủ được”

 “Mất đi một con người như thế, không chỉ với tôi mà với toàn quân, toàn dân, với mỗi người chúng ta ngồi đây cũng đều đau lòng. Từ lúc nghe tin Đại tướng từ trần đến giờ tôi không ngủ được”.

Tướng Giáp, McNamara và "bảo hiểm quốc gia"

Có môi trường nhằm tạo ra những thiên tài “tướng Giáp” để đương đầu với “McNamara” trong thời đại với biên giới quốc gia trở nên mong manh hơn bao giờ hết, là chìa khóa để đưa đất nước đi lên.

Đã khuất bóng một huyền thoại

Không phải chỉ vì huyền thoại khuất bóng mà sự ra đi của ông còn là sự thiếu vắng của những giá trị tinh thần, văn hóa cao đẹp, đem lại niềm kiêu hãnh vốn có của người Việt.

Anh Văn, người duy nhất xứng phong nguyên soái

Anh Văn có uy tín và ảnh hưởng rất lớn trong nhân dân, được kính trọng và yêu quý. Đấy là người chỉ huy quân sự duy nhấ́t của nước ta xứng đáng được phong là nguyên soái.

 

>> Mời độc giả ghé thăm và đóng góp ý kiến cho trang Fanpage của Tuần Việt Nam