Tiết kiệm chỉ có thể là tạo cơ chế sao cho bất kỳ ai, ở bất kỳ cương vị nào cũng không thể lãng phí.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc QH Ksor Phước phát biểu trong cuộc họp cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ trong việc thi hành Luật Thực hành tiết kiêm, chống lãng phí: "...nhiều tỉnh trụ sở to như cung điện, rộng mênh mông như công viên, trông như nơi du lịch thắng cảnh, đẹp và lộng lẫy nhưng rất phản cảm khi mà tỉnh còn nghèo, đất nước còn nghèo" (VietNamNet, ngày 19/9).

Miệng ăn, núi lở

Cùng ý kiến của ông Ksor Phước, nld.com.vn viết: "Tôi không tiện nêu đích danh, kể cả trụ sở của Đảng ủy nhiều tỉnh làm phản cảm lắm, xây dựng lộng lẫy, xa hoa. Tôi đề nghị phải công khai, kể cả trụ sở Tỉnh ủy. Ta làm vậy là để bảo vệ tổ chức Đảng, bảo vệ niềm tin với nhân dân"

Năm 2010 Bộ Thông tin và truyền thông công bố: "Số liệu thống kê máy tính và sử dụng Internet ở các cơ quan Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị-xã hội cấp huyện (cả nước)"

Thống kê cho thấy số lượng cán bộ công nhân viên tại các văn phòng Huyện ủy là 23.427 người, trong khi đó văn phòng HĐND và UBNN huyện có 16.420 người, các tổ chức đoàn thể quần chúng khác: Liên đoàn lao động (2.673), Mặt trận Tổ quốc(4.487), Huyện đoàn (4.184), Phụ nữ (3.462), Hội Nông dân (3.162), Cựu chiến binh (2.455), tổng cộng là 20.324 người.

Nếu cộng cả huyện ủy và khối đoàn thể thì số lượng là 43.751 người  gấp 2.66  lần số người làm việc trong văn phòng HĐND và UBNN.

{keywords}
Ảnh minh họa

Các trụ sở cấp tỉnh, dẫu sao cũng chỉ xây dựng một lần, nếu có hoành tráng một chút cũng có thể chấp nhận vì "cơm không ăn, gạo còn đó".  Nhìn vào bảng thống kê trên, với 696 huyện, 63 tỉnh, có thể hình dung khâu "đảm bảo hậu cần" cho số lượng người như thế mới là điều cần tiết kiệm. Miệng ăn, núi lở, nhất là những "miệng ăn' ấy lại không trực tiếp sản xuất, không làm ra sản phẩm nào có thể đưa ra thị trường tiêu thụ.

Nếu có thể tận dụng khuôn viên và cơ sở vật chất của các trường (trung tâm) Chính trị cấp huyện làm trường học phổ thông thì toàn quốc có thể ngay lập tức có thêm mấy trăm trường. Những nơi mà người viết có dịp lưu lại, khuôn viên, hội trường, phòng máy tính không kém gì một trường cấp THPT, có chăng chỉ là số phòng học ít hơn vì một năm chỉ có vài lớp bồi dưỡng.

Nhìn vào bảng thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, từ số lượng cán bộ, nhân viên các văn phòng cấp huyện có thể kết luận một cách lôgic là ngân sách chi cho khối văn phòng Đảng, đoàn thể gấp 2,66 lần chi cho văn phòng khối chính quyền. Liệu đã đến lúc giảm bớt để tỷ lệ này chỉ còn là 1/1, để chuyển sự tiết kiệm có được cho giáo dục, an ninh, quốc phòng?

Bớt đi cấp trung gian chỉ giỏi "hành là chính"?

Chúng ta có thể làm một vài phép tính đơn giản, với tỷ lệ 1/1 thì số người khối đoàn thể chỉ là 16.420, dư 27.331 người. Nếu giả sử lương bình quân cho khối này là 04 triệu/tháng, thì số tiền tiết kiệm mỗi tháng sẽ là 109,324.000.000 đồng (một trăm linh chín tỷ ba trăm triệu) và một năm sẽ là 1312 tỷ (làm tròn). Nếu nhân rộng cho cấp xã, tỉnh và trung ương số tiền tiết kiệm sẽ là bao nhiêu? Chắc chắn nó sẽ lớn hơn rất nhiều so với 63 trụ sở cấp tỉnh mà ông Ksor Phước xót ruột.

Một vấn đề có liên quan đến chuyện "huyện"  là bỏ HĐNH cấp huyện. "Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng, điều tra thăm dò dư luận xã hội cho thấy đa số cho rằng nên sửa đổi Hiến pháp 1992 để tổ chức hợp lý chính quyền địa phương theo hướng không tổ chức HĐND huyện, quận, phường (tại những địa phương đang thực hiện thí điểm có 79% ý kiến đồng ý, những địa phương không thực hiện thí điểm có 70% ý kiến đồng ý)" [1].

Một khi đã bỏ HĐNH cấp huyện thì có nên giữ lại các tổ chức chính trị, xã hội đi kèm? Nếu bỏ được thì đương nhiên bộ máy nhân sự sẽ giảm được 43.751 người và mỗi năm sẽ tiết giảm được khoảng 2.100 tỷ tiền lương, bên cạnh đó sẽ còn rất nhiều nghìn tỷ khác không phải rút từ "bầu vú" ngân sách.

Về vấn đề này có lẽ nên tìm hiểu một chút về các luận cứ khoa học tự nhiên và xã hội. Trong Toán học, qua 03 điểm có thể tạo nên một mặt phẳng, thế ba chân là thế vững chắc, ổn định hơn thế bốn chân, chính vì thế dân gian mới có câu nói "vững như kiềng ba chân". Trên thế giới mô hình quản lý nhà nước "Tam quyền phân lập" gồm ba nhánh quyền lực: lập pháp, hành pháp, tư pháp [2]. Bỏ HĐNH tức là rút một chân phía lập pháp, giữ lại hai chân sẽ tạo nên sự khập khiễng.

Hiện nay chúng ta đang tiếp tục triển khai Chính phủ điện tử (e-Government). Mô hình CPĐT là mô hình lấy công dân, doanh nghiệp làm trọng tâm, các cấp ra quyết định cuối cùng ở địa phương (sở ban ngành của tỉnh) có thể kết nối với nhau để chia sẻ thông tin, cùng phối hợp giao dịch một cách hiệu quả hơn với công dân, doanh nghiệp. Chính quyền sẽ chủ động cung cấp dịch vụ công cho công dân theo cách mà công dân thấy cảm thấy thuận lợi nhất.

Với cách hiểu CPĐT như trên rõ ràng cấp huyện là không cần thiết. Nếu hệ thống công vụ chỉ còn 03 cấp xã, tỉnh, trung ương thì Nhà nước sẽ có rất nhiều tiền lo cho quốc kế dân sinh mà người dân cũng bớt đi được rất nhiều phiền nhiễu của cấp trung gian vốn chỉ giỏi "hành là chính".

Hy vọng sau giai đoạn thí điểm bỏ HĐNH cấp huyện sẽ đến một lúc nào đó người dân chỉ cần đến xã là có thể giải quyết mọi vấn đề liên quan đến pháp luật.

Tiết kiệm không thể bằng cách hô khẩu hiệu, lại không thể xử tù những người xây trụ sở như cung điện. Tiết kiệm chỉ có thể là tạo cơ chế sao cho bất kỳ ai, ở bất kỳ cương vị nào cũng không thể lãng phí.

Xuân Dương

--------------------------

Tài liệu tham khảo:

[1] http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/116630/de-xuat-bo-hdnd-huyen--quan--phuong-ca-nuoc.html

[2] http://vi.wikipedia.org/wiki/Tam_quy%E1%BB%81n_ph%C3%A2n_l%E1%BA%ADp