“Hiện tượng các bạn trẻ bày tỏ tình cảm với Đại tướng những ngày này cho ta niềm tin rằng, sự nghiệp của “thế hệ vàng” sẽ có người kế tiếp”, ông Vũ Khoan nói.

“Thủ lĩnh” tinh thần

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nói: Dù chưa chính thức phát tang và tới ngày 12/10 mới tiến hành Quốc tang để tiễn đưa Đại tướng Võ Nguyên Giáp về nơi an nghỉ cuối cùng song “dân tang” đã bột phát ngay từ khi tin dữ lan ra.

Và mấy ngày vừa qua, người Hà Nội chứng kiến một “sự kiện” rất hiếm thấy là cả một dòng người tưởng như vô tận tự động đổ về ngôi nhà 30 đường Hoàng Diệu – nơi Đại tướng ở gần sáu chục năm qua để vĩnh biệt người quá cố.

Dòng người ấy bao gồm đủ lứa tuổi, vùng miền, ngành nghề, số phận, không ai bảo ai đều xếp theo hàng lối hết sức trật tự với nét mặt đượm nỗi đau buồn, trang nghiêm, thành kính. Trong dòng người ấy đặc biệt có rất nhiều nam nữ thanh niên chỉ biết đến Đại tướng qua lời kể của ông bà, cha mẹ và qua sách báo, phim ảnh.

{keywords}

Chiều tối ngày 10/10, vẫn rất đông người xếp hàng chờ đến lượt viếng Đại tướng. Ảnh: Lê Anh Dũng

Tôi cứ tự hỏi: điều gì đã làm nên “hiện tượng” hiếm có này?

Điều dễ hiểu là ai ai cũng muốn trực tiếp bày tỏ niềm tiếc thương vô hạn với một vị tướng tài ba đã có công lớn với non song đất nước, một con người góp phần “làm nên lịch sử”, đem lại độc lập cho giang sơn, hòa bình cho đất nước, vinh quang cho dân tộc.

Ẩn sau tình cảm tự nhiên ấy có lẽ còn là ý nguyện bày tỏ sự tôn kính, niềm khát khao về những giá trị cao quý vĩnh hằng của người Việt Nam mà ông là một biểu tượng như tinh thần vì nước vì dân, cuộc sống nhân đức thanh tao, ung dung tự tại, trí tuệ minh triết…

Người ta thường nói “sự nghiệp cách mạng là của quần chúng nhân dân”, chân lý đó là vĩnh hằng nhưng nhân dân không thể làm nên sự nghiệp nếu không có “thủ lĩnh” và Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một người trong số đó – những học trò xuất sắc của Bác Hồ.

Đối với ông, khi sống thì được dân tin yêu, khi ra đi được dân thương nhớ. Ở ông còn một nét độc đáo nữa là được bạn bè quốc tế quý mến, thậm chí cả đối phương cũng phải nể trọng.

Như vậy ông không chỉ là thủ lĩnh do cương vị mà còn là thủ lĩnh tinh thần do tài ba và nhân cách. Điều đó một lần nữa cho thấy một thủ lĩnh cần hội tụ cả hai phẩm chất: tài và đức mà Đại tướng là một tấm gương sáng.

Không bao giờ “nêu ý kiến chỉ đạo”

Từng có nhiều dịp tiếp xúc, làm việc với Đại tướng, vậy ông đã học được điều gì ở Đại tướng? Theo ông, bên cạnh việc bày tỏ niềm tiếc thương Đại tướng, thế hệ ngày nay nên học gì ở Đại tướng?

- Ông giống như một vĩ nhân, với biết bao điều đáng học tập, noi theo. Tôi chỉ là một cán bộ thuộc loại đàn em, thậm chí là hàng con cháu của ông, chẳng dám nghĩ tới những điều to tát mình chẳng đủ khả năng vươn tới mà chỉ xin chia sẻ đôi điều tôi trực tiếp cảm nhận được qua nhiều dịp được gặp ông.

Thứ nhất là sự giản dị, đối xử rất “con người” với mọi người xung quanh cho dù cách biệt rất xa về cương vị. Tuy là “Đại tướng” nhưng chưa bao giờ tôi thấy ông ứng xử với bọn cán bộ “quèn” chúng tôi như “ông tướng” mà lúc nào cũng ân cần, cởi mở như người thân.

Nói tới “Anh Văn” (lớp chúng tôi vẫn quen gọi ông bằng cái tên lột tả hết nhân cách của ông như vậy) trong tôi lúc nào cũng hiện lên nét mặt thông minh, nụ cười rạng rỡ, giọng nói sang sảng.

{keywords}
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan.

Điều thứ hai là sự tận tụy với công việc, “Đảng giao việc gì làm việc nấy, làm hết sức mình” như ông chia sẻ.

Tôi được tiếp xúc nhiều với ông kể từ đầu những năm 80 thế kỷ trước, khi ông thôi làm Bộ trưởng Quốc phòng, Tổng tư lệnh mà đã chuyển sang phụ trách lĩnh vực khoa – giáo.

Lúc ấy ta có nhờ cậy Liên Xô trước đây giúp phát triển khoa học công nghệ; tôi lại chuyên về quan hệ với Liên Xô ở Bộ Ngoại giao nên có nhiều dịp giúp việc cho ông trong quan hệ với bạn. Tôi thấy ông hết sức tận tụy, say mê với công việc, ra sức tìm hiểu qua các nhà khoa học ở nước ta và ở nước bạn, ngày đêm trăn trở tìm đường đưa khoa học công nghệ nước nhà đi lên, trong đó ông đặc biệt quan tâm đến sự nghiệp trồng người là phát triển giáo dục.

Thậm chí khi ông đã già yếu, nhưng lần nào gập ông trong bệnh viện ông cũng vẫn trăn trở về các lĩnh vực này.

Nhân đây tôi cũng xin chia sẻ một điều nữa là ngay lúc ấy ông đã rất quan tâm đên “kinh tế biển” và trực tiếp đóng góp vào việc xây dựng chiến lược phát triển lĩnh vực trong yếu này của đất nước. Những điều kể trên cho thấy tầm nhìn xa trông rộng của ông không chỉ trong lĩnh vực quân sự mà ông là một bậc thầy mà cả trong các lĩnh vực khác.

Điều thứ ba là nhân cách tự trọng, tự tin. Được phân công sang một lĩnh vực mới mẻ nhưng lần nào gặp ông cũng chia sẻ niềm tin sắt đá vào sự nghiệp. Luôn ung dung tự tại, không mảy may để những suy nghĩ riêng tư lung lay niềm tin của mình.

Điều thứ tư là thái độ thực sự cầu thị, lắng nghe cấp dưới.

Nhiều lần tôi được ông cho gọi sang trao đổi về tình hình quốc tế và quan hệ quốc tế của nước ta; bao giờ ông cũng gợi mở, trao đi đổi lại, thậm chí tranh luận chứ không bao giờ “độc thoại”, đưa ra “ý kiến chỉ đạo”. Thậm chí trong nhiều trường hợp ông còn hỏi han, khai thác kiến thức của chúng tôi, là cán bộ cấp dưới.

Điều cuối cùng, cuộc sống riêng và cuộc sống gia đình thanh tao, trong sạch. Tôi được quen chị Hà (phu nhân Đại tướng) và một số người con của ông, qua những lần tiếp xúc với họ tôi đều cảm nhận thấy không khí gia đình ấm cúng, con cháu của ông không làm “vương tướng” gì mà đều đi bằng đôi chân của mình, tự thân vận động. Được như vậy rõ ràng là có “tác động” của ông bằng cách “không tác động”.

Ông nghĩ thế nào khi có người nói Đại tướng là nhân vật cuối cùng của “thế hệ vàng”?

-Quả thật, ông là người cuối cùng trong hàng ngũ các nhà lãnh đạo tầm cỡ quốc gia khi nhân dân ta tiến hành cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 (đến nay hẳn nhiên vẫn còn các đồng chí lão thành tham gia giai đoạn lịch sử ấy nhưng ở tầm địa phương, đơn vị).

Thế hệ vàng ấy không những đã để lại cho muôn đời sau cả một cơ đồ, sự nghiệp mà còn là tấm gương về nhân cách, về lẽ sống mà chúng ta cần cố sức duy trì, truyền lại cho lớp lớp con cháu mai sau.

Hiện tượng các bạn trẻ bày tỏ tình cảm với Đại tướng những ngày này cho ta niềm tin rằng, sự nghiệp của “thế hệ vàng” sẽ có người kế tiếp.

Thời thế đẻ anh hùng, anh hùng làm nên thời thế. Nói vậy thôi chứ trong lịch sử nước ta và cả lịch sử nhiều nước khác, có khi hàng trăm năm mới xuất hiện những vị anh hùng tầm cỡ như vậy.

Điều đó không có nghĩa là không có họ thì sự nghiệp không thành hoặc thậm chí tiêu tan. Thế vào đó là trí tuệ của quần chúng nhân dân, của tầng lớp tinh hoa, của các tập thể lãnh đạo. Vấn đề là làm sao quy tụ được cả ba nguồn trí tuệ đó lại thành sức mạnh chung thì sự nghiệp vẫn tiến bước.

Lan Hương (thực hiện)

Tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Đại tướng đã trải qua không ít gian truân

Ông đã vươn tới đỉnh cao của sự nghiệp, nhưng cũng trải qua không ít gian truân. Vào những lúc đó, ông vẫn giữ trọn niềm tin để vượt qua.

Tướng Giáp và lời nhắc nhở người đương thời

"Tình cảm, niềm tin kính đó như một lời nhắc nhở những người lãnh đạo phải có trách nhiệm lớn hơn với dân tộc, sống trong sáng hơn nữa để có được niềm tin của người dân" - Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược, Bộ Công an.

Vì sao cụ Hồ tặng ông biệt danh Văn?

Ông là người được giới văn nghệ sĩ, khoa học gần gũi để gửi gắm tâm tư những khi khó khăn, khúc mắc.

"Kế hoạch" dang dở của Đại tướng với Cựu binh Mỹ

 “Tôi tặng ông cuốn sách và ông cẩn thận lật qua từng trang. Ông có vẻ rất quan tâm đến những đoạn tôi vẽ chân dung người đồng chí và người lãnh đạo của ông, Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là lần cuối cùng tôi gặp Tướng Giáp”

Tinh anh Đại tướng mãi bảo vệ Tổ quốc

 Anh linh của Người vẫn sẽ sống, bảo vệ đất nước trước mọi kẻ xâm lược, trước mọi cái ác, sự tăm tối và lầm lạc.

Hai người phụ nữ phía sau vị Tướng huyền thoại

Khoảnh khắc quay lại nhìn  vợ con trên con đường Cổ Ngư năm ấy, Võ Nguyên Giáp đã không ngờ được rằng đó là những khoảnh khắc cuối cùng ông được nhìn thấy người vợ mà ông rất đỗi yêu thương.

'Điều còn mãi' của tướng Giáp

Ít người biết, chương trình hòa nhạc "VietNamNet - Điều còn mãi" có kỷ niệm sâu sắc với một người vĩ đại vừa ra đi: Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Tướng Đồng Sỹ Nguyên:“Từ lúc nghe tin, tôi không ngủ được”

 “Mất đi một con người như thế, không chỉ với tôi mà với toàn quân, toàn dân, với mỗi người chúng ta ngồi đây cũng đều đau lòng. Từ lúc nghe tin Đại tướng từ trần đến giờ tôi không ngủ được”.

Tướng Giáp, McNamara và "bảo hiểm quốc gia"

Có môi trường nhằm tạo ra những thiên tài “tướng Giáp” để đương đầu với “McNamara” trong thời đại với biên giới quốc gia trở nên mong manh hơn bao giờ hết, là chìa khóa để đưa đất nước đi lên.

Đã khuất bóng một huyền thoại

Không phải chỉ vì huyền thoại khuất bóng mà sự ra đi của ông còn là sự thiếu vắng của những giá trị tinh thần, văn hóa cao đẹp, đem lại niềm kiêu hãnh vốn có của người Việt.

Anh Văn, người duy nhất xứng phong nguyên soái

Anh Văn có uy tín và ảnh hưởng rất lớn trong nhân dân, được kính trọng và yêu quý. Đấy là người chỉ huy quân sự duy nhấ́t của nước ta xứng đáng được phong là nguyên soái.

 >> Mời độc giả ghé thăm và đóng góp ý kiến cho trang Fanpage của Tuần Việt Nam