-Trước sự xúc động của cả dân tộc về sự ra đi của Đại tướng, trong tôi lóe lên một niềm tin: "Hồng tang" của Đại tướng là sự hóa giải diệu kỳ cho những gì còn khác nhau về nhận thức và hành động trong những vấn đề trụ cột của đất nước như: Kinh tế, xã hội và môi trường thiên  nhiên.      

>>Dấu ấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Tôi được gặp lại bà Nguyễn Thị Bình nhân chuyến công cán của bà mới đây tại An Giang. Khi chia tay bà nói: "Cô phải về gấp vì ngày kia dự lễ truy điệu Đại Tướng nên không nán lại được. Tiếc thật!".

Tôi được diện kiến bà lần đầu là dịp tôi dự họp mặt kỷ niệm 20 năm báo Thanh Niên ra số đầu tiên (3/1/1986) tại Dinh Thống Nhất, bà vẫn còn  nhớ nên sau đó mấy lần gặp lại thành quen và quí mến bà. Tôi gọi bằng cô cho thân mật.

Chưa đưa ra lời giải  

Sẵn mang theo bài thơ tôi làm kính viếng Đại tướng, tôi gởi tặng cô như để chia sẻ nỗi niềm. Cô nhận mà chưa kịp đọc rồi nói ngay: "Hôm hội thảo với một cơ quan truyền thông theo chủ đề 'Việt Nam ta nhỏ hay không nhỏ', Bảy Nhị phát biểu cô nghe hay lắm. Nay cô đặt hàng Bảy Nhị viết 'Làm sao cho Việt Nam ta lớn', nhất là giải mã giúp 'đến 2020 VN cơ bản trở thành là một nước công nghiệp hóa theo hướng hiện đại' mà mình chưa hình dung ra làm sao?".

Tôi chắp tay xá dài và xin cô cho qua.

{keywords}
Các bạn trẻ và rất đông người dân xếp hàng hai bên đường chờ tiễn đưa linh cữu Đại tướng. Ảnh: Trần Sâm

Mấy ngày nay theo dõi tang lễ Đại tướng, tự nhiên tôi nghĩ ra lời giải của đề bài mà cô Nguyễn Thị Bình ra cho. Tôi mạnh dạn giải thử, nếu không đúng đáp số thì cũng là một tấm lòng thành với quê hương đất nước và với Người vừa quá cố nhưng sẽ sống mãi trong lòng dân tộc.   

Theo con đường các nước công nghiệp mới như Hàn Quốc, Singapore, Malayxia và kể cả Thái Lan, Indonexia...thì khoảng 30 năm là đạt được. Ta từ đổi mới đến nay cũng hơn 30 năm rồi còn gì. Nếu không kể các doanh nghiệp FDI thì nền công nghiệp của ta chỉ là gia công và đóng gói.

Thử hỏi nông nghiệp là thế mạnh mà công nghiệp đã phục vụ gì cho nó, nếu không nói là nhập từ máy móc, nông cụ đến thuốc bảo vệ thực vật. Nếu có tự sản xuất được mức nào đó, kể cả có xuất khẩu như máy gặt xếp dãy, kể cả trực thăng (để trưng bày xem chơi) cũng đều do nông dân tự làm.

Còn bao nhiêu nhà máy ô tô, xe máy thì cũng có “thâm niên” làm nghề lắp ráp đến hàng chục tuổi rồi, mà chưa ra con ốc vít nào là made in VN v.v...

Vậy còn có 06 năm nữa làm sao mà đạt công nghiệp hóa theo hướng hiện đại? Mấy năm nay, khủng hoảng tài chánh và suy thoái kinh tế thế giới tác động tiêu cực làm cho VN đến mức “thê thảm” quá mà dư luận không ngày nào không bàn đến và gần đây, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan có nêu câu hỏi: "Nói bị ảnh hưởng thế giới mà sao Lào và Campuchia không bị nặng nề như ta?". Đến nay, chưa có ai, nhất là các nhà quản trị quốc gia đưa ra được lời giải.

Nói theo hình tượng và cả hình ảnh thì chúng ta từng "đứng trước biển" để suy nghĩ "nước VN nhỏ hay không nhỏ" để rồi dám đóng tàu "đánh bắt xa bờ" bước đầu thắng lợi một phần. Nhưng ra khơi gặp "kẻ lạ" ta chưa biết phải làm sao bảo vệ ngư dân. Sản xuất và kinh doanh đang phập phù giữa "kinh tế Nhà nước là nòng cốt" chiếm hơn hơn nửa nguồn vốn Nhà nước, mà thu về chưa được phân nửa tỷ lệ đóng góp ngân sách.

Hay như vấn đề quyền sở hữu về đất đai, chuyện chưa thể làm yên lòng dân chúng với bằng chứng là khiếu kiện ngày càng gay gắt. Vấn đề ô nhiễm môi trường do chất thải công nghiệp, do khai thác tài nguyên khoáng sản: Bô-xít, vàng, titan, than đá, đá, cát sông...và phá rừng làm thủy điện tràn lan không kiểm soát nổi sẽ dẫn đến nguy cơ "tỵ nạn môi trường" như tấm gương nước lớn láng giềng là quá rõ.

Lớn hơn và trầm trọng hơn là vấn đề giáo dục, từ diễn đàn báo Thanh Niên năm ấy người ta đã cảnh báo là nếu làm giỏi thì ít nhất là 12 năm sau nền giáo dục quốc gia mới may ra khởi sắc. Lúc đó, cũng có nhà giáo dục phản ứng không đồng tình, nhưng nay cũng đã 08 năm rồi, thưc trạng này có lẽ tự nó đã trả lời với người phản đối.

Giáo dục là nền tảng của phát triển kinh tế, là gốc của đạo đức xã hội tại sao ta xem thường vậy? Mới nghe Hội nghị TW 8 vừa thông qua Nghị quyết về giáo dục là theo hướng đã mở như đề xuất của những nhà giáo, nhà sư phạm, nhà khoa học tâm huyết. Nhưng từ Nghị quyết Trung ương đến trường học cũng không biết bao lâu? Trên các diễn đàn, trong các cuộc hội nghị, trên các trang mạng đang cãi nhau bất tận, người dân vẫn tiếp tục chờ đợi!

Tình hình đang chờ có sự đột phá về ý thức và hành động của cả một đất nước.

Liệu có sự “hóa giải” diệu kỳ?

Trước sự xúc động của cả dân tộc về sự ra đi của Đại tướng, trong tôi lóe lên một niềm tin: "Hồng tang" của Đại tướng sẽ là sự hóa giải diệu kỳ cho mọi cái gì còn có sự khác nhau về nhận thức và hành động trong những vấn đề trụ cột của đất nước như: Kinh tế, xã hội và môi trường thiên  nhiên.         

Những thập kỷ gần đây chứng minh có những cái chết chính là sự hóa giải của dân tộc, hoặc ít nhất cũng làm cho dân tộc ấy hướng về một phía để hành động. Đó là Thượng nghị sĩ A-qui-nô bị ám sát, vợ ông thắng cử Tổng thống Philippin và con ông đang là Tổng thống A-qui-nô III. Bà Thủ tướng Gan-đi bị ám sát thì con bà thắng cử vang dội tiếp theo.

Cựu Thủ tướng Bhutto bị ám sát, chồng bà thắng cử Tổng thống liền theo đó. Thậm chí Tổng thống Ac-hen-ti -na sau khi qua đời và vợ ra ứng cử Tổng thống...

Có những người ở tầm lãnh tụ, có khi những cái chết của họ lại chính là khởi đầu của một sức mạnh mới, sức sống mới. Đó là trường hợp Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp. Cái chết của mùa Hè oi bức để khai sinh mùa Thu dịu mát. Sự kết thúc của mùa Đông giá rét để mùa Xuân ấm áp đâm chồi nảy lộc.

Trở lại bằng chứng gần gũi và thiêng liêng hơn là Bác Hồ ra đi trong tình hình cách mạng miền Nam bị phản kích ác liệt sau Xuân Mậu Thân và chiến tranh không quân phá hoại miền Bắc vô cùng khốc liệt mà cả dân tộc đã biến đau thương thành sức mạnh và chiến thắng như thế nào ta đã rõ.

Những người có hành động anh hùng, cái chết của họ sẽ thành bất tử.

Có những người ở tầm lãnh tụ, có khi những cái chết của họ lại chính là khởi đầu của một sức mạnh mới, sức sống mới. Đó là trường hợp Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp. Cái chết của mùa Hè oi bức để khai sinh mùa Thu dịu mát. Sự kết thúc của mùa Đông giá rét để mùa Xuân ấm áp đâm chồi nảy lộc.

Tạo hóa hình như rất công bằng ban cho con người và vạn vật cái đặc ân sinh tồn kỳ diệu ấy mà hôm nay tôi như tìm được lời giải cho "làm sao VN ta lớn" qua sự mất mát lớn lao mà cả đất nước chia nhau nỗi đau và nhường cho nhau - là một đức tính mà từ lâu ta ngỡ không còn nay như sống lại khi ta tiếp nhận chữ NHẨN của Người.

Đây chính là dịp ta “tái cấu trúc” lại nhân cách và thái độ ứng xử của ta đối với môi trường thiên nhiên, môi trường xã hội, trước khi (hay là làm tiền đề) cho tái cấu trúc kinh tế. Đó là khởi đầu cho Việt Nam ta lớn!

Và dĩ nhiên, lực lượng tiên phong của cuộc đại tái cấu trúc này phải là Đảng cầm quyền chứ không ai khác!

  • Nguyễn Minh Nhị (Nguyên Chủ tịch tỉnh An Giang)                                                      

 >> Mời độc giả ghé thăm và đóng góp ý kiến cho trang Fanpage của Tuần Việt Nam