Tự do học thuật không chỉ là một quyền cơ bản cần được ghi nhận và bảo vệ bằng hiến pháp, mà còn là đòn bẩy quan trọng của cải cách giáo dục.

>> Vẫn áy náy mình chưa 'thành người'

>> Học để làm ... 'ông nọ, bà kia'?

Các thảo luận về Đề án đổi mới giáo dục[1], được cho là sẽ "làm lay chuyển nền giáo dục", đang bàn tới chủ đề tự do học thuật. Vậy tự do học thuật là gì? Vai trò của nó trong cải cách giáo dục ra sao?

Quan niệm về tự do học thuật

Theo Bách khoa toàn thư Britannica, tự do học thuật (academic freedom) được hiểu là "sự tự do của người dạy và người học trong việc dạy, học, tìm hiểu kiến thức và nghiên cứu mà không có sự can thiệp hay giới hạn vô lý của pháp luật, nội quy hay áp lực công cộng".[2] Như vậy, tự do học thuật cần được đảm bảo cho cả giáo viên và sinh viên.

Người dạy có quyền tìm hiểu những chủ đề mà họ quan tâm, quyền trình bày nghiên cứu của họ tới người khác, quyền công bố những dữ liệu và kết luận mà không bị kiểm soát và có quyền dạy theo cách họ thấy phù hợp. Người học có quyền học những lĩnh vực họ quan tâm, có quyền trình bày ý kiến và rút ra kết luận riêng.[3]

Lịch sử loài người đã trải qua những bài học quý báu cho thấy sự thiết yếu của tự do học thuật. Socrates (470-399 TCN) đã phải chịu án tử hình vì những tư tưởng của ông bị cho là đầu độc giới trẻ Athens. Galileo (1564-1642) đã phải chịu án chung thân vì ủng hộ thuyết nhật tâm của Copernic. Trong thời hiện đại, nhiều giáo viên từng bị sa thải vì giảng dạy về thuyết tiến hóa của Darwin.[4]

Quyền tự do học thuật và hiến pháp

{keywords}
Ảnh minh họa

Không phải hiến pháp nào cũng quy định riêng về quyền tự do học thuật. Nhưng quyền này vẫn luôn được coi là một quyền cơ bản khi là một bộ phận của quyền tự do ngôn luận.

Điều 19, Tuyên ngôn Thế giới về Quyền con người 1948 ghi nhận "mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và bày tỏ ý kiến; kể cả tự do bảo lưu quan điểm mà không bị can thiệp; cũng như tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền bá các ý tưởng và thông tin bằng bất kỳ phương tiện truyền thông nào, và không có giới hạn về biên giới".

Ngày càng nhiều hiến pháp công nhận tự do học thuật là quyền tương đối độc lập với tự do ngôn luận.

Cho đến nay đã có 72 bản hiến pháp có quy định riêng về quyền tự do học thuật (right to academic freedom) bằng nhiều cách diễn đạt khác nhau.[5] Trong danh sách này có nhiều quốc gia châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Philippin, Campuchia... vốn có truyền thống lập hiến kém phát triển hơn phương Tây.

Hiến pháp Thái Lan quy định "giáo dục, đào tạo, việc dạy và học, nghiên cứu và truyền bá tri thức theo các nguyên tắc học thuật được đảm bảo, miễn là không trái với nghĩa vụ công dân hay đạo đức tốt đẹp của con người".

Chỉ có thể bị giới hạn một cách hợp lý

Giống như phần lớn các quyền con người khác, tự do học thuật không phải là quyền tuyệt đối mà là một quyền tương đối, tức là có thể bị giới hạn trong những hoàn cảnh nhất định.

Sự giới hạn cần đảm bảo tuân thủ nguyên tắc giới hạn quyền con người được quy định tại Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị 1966. Theo đó, quyền này chỉ có thể bị giới hạn bởi pháp luật nhằm tôn trọng những quyền tự do và thanh danh của người khác, bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khỏe công cộng, đạo lý trong một xã hội dân chủ. Không ai được phép giải thích các quyền theo hướng hạn chế quá đáng đến mức làm mất đi ý nghĩa của quyền.

Ở một số nước trên thế giới, quyền tự do học thuật (hay quyền tự do ngôn luận nói chung) bị hạn chế trong các trường hợp tiêu biểu như: Kích động bạo lực, tuyên truyền về chủ nghĩa phát xít, phân biệt chủng tộc. Sự giới hạn quyền hiến định này thường được quy định bởi các đạo luật hoặc các phán quyết của tòa án. Ngoài những hạn chế luật định ở mức ít nhất có thể đó, quyền tự do học thuật được thực hiện một cách tự do.

Vai trò của tự do học thuật trong cải cách giáo dục

Tự do học thuật không chỉ là một quyền cơ bản cần được ghi nhận và bảo vệ bằng hiến pháp, mà còn là đòn bẩy quan trọng của cải cách giáo dục. Tự do học thuật giúp giải phóng con người.

Như GS Hoàng Tụy đã phân tích trong Đề cương Cải cách giáo dục của ông, lịch sử châu Âu cho thấy chỉ khi nhà trường được độc lập (tách khỏi nhà thờ), con người mới biến đổi từ con người công cụ thành con người tự do.[6] Tạo ra những con người tự do chính là mục tiêu của một nền giáo dục khai phóng.

Tự do học thuật cần được đảm bảo mạnh mẽ nhất ở giáo dục đại học. Các trường đại học, dù là công hay tư, chỉ có thể chen chân vào các thứ hạng cao ở các bảng xếp hạng, nếu được tự chủ thực sự. Mà một trong những yếu tố quan trọng của tự chủ đại học, là sự tự chủ trong việc dạy và học, nghiên cứu và truyền bá tri thức.

Đối với giảng viên, họ cần được đảm bảo bằng chế độ làm việc ổn định như hợp đồng dài hạn. Hơn nữa, họ có thể nghiên cứu và thảo luận những vấn đề mới mẻ, gây tranh cãi mà không bị phân biệt đối xử hay trù dập. Cơ chế này đảm bảo cho giảng viên sự chuyên tâm cũng như tự do giảng dạy, nghiên cứu mà không sợ bị mất việc.

Một số trường hợp ở Australia cho thấy ngay cả ở những đại học hàng đầu thế giới, quyền của giảng viên cũng dễ bị xâm phạm. Năm 2008, Đại học Melbourne tuyên bố rằng Paul Mees, một giảng viên, có thể bị cắt giảm lương và hạ chức vụ nếu ông ta phê phán mạnh mẽ các tác giả của một báo cáo về tư nhân hóa.

Năm 2005, Andrew Fraser, giảng viên Đại học Macquarie, tố cáo Đại học Deakin đã xâm phạm quyền tự do học thuật bằng cách chỉ đạo cho tạp chí luật của trường không đăng bài báo của Fraser ủng hộ chính sách nước Australia da trắng.[7] Đây là những vấn đề đã gây rất nhiều tranh cãi.

Thực tế ở nhiều quốc gia cho thấy giảng viên có thể bị sa thải nếu vi phạm nghiêm trọng pháp luật, quy tắc đạo đức nghề nghiệp nhưng thủ tục xem xét rất cẩn trọng. Ngoài ra, hệ thống thư viện, tài liệu, thiết bị nghiên cứu - giảng dạy phải tạo sự thuận tiện cho giảng viên, sinh viên, thậm chí cả công chúng, tiếp cận và sử dụng. Sinh viên được linh hoạt lựa chọn khóa học, môn học, giảng viên.

Nhiều học giả nhận định, giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng (...) chưa có một triết lý đúng đắn.

Thiếu triết lý đúng đắn khiến giáo dục đại học vẫn đang loay hoay tìm hướng đi.

Mọi chỉ số của nền giáo dục đại học Việt Nam đều kém khá xa so với Thái Lan chứ chưa nói đến Anh, Mỹ, Nhật, Australia, Singapore.

Chính vì vậy, công cuộc cải cách giáo dục đại học chỉ có thể thành công và các đại học Việt Nam chỉ có thể cất cánh khi quyền tự do học thuật được đảm bảo theo những chuẩn mực chung của những nơi đã sản sinh các đại học hàng đầu thế giới.

  • Bùi Tiến Đạt (Giảng viên Khoa Luật, ĐHQGHN- Nghiên cứu sinh ĐH Macquarie, Australia)

[1] Đề án có tên đầy đủ là "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế". http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/141084/mot-de-an-sap-lay-chuyen-giao-duc.html

[2] http://www.britannica.com/EBchecked/topic/2591/academic-freedom

[3] http://www.britannica.com/EBchecked/topic/2591/academic-freedom

[4] George Robinson and Janice Moulton, "Academic Freedom", Encyclopedia of Ethics, 2nd Edition, edited by L. & C. Becker, Garland Publishing, 2001.

[5] https://www.constituteproject.org/

[6] http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Chuyen-gia-Giao-duc/Toan-van-De-cuong-cai-cach-giao-duc-Hoang-Tuy/294250.gd

[7] http://www.smh.com.au/national/education/new-bill-will-protect-academic-freedom-20110526-1f6ib.html