Xét cho cùng, đồng tiền đâu có lỗi. Lỗi là ở con người, vừa nặng tham- sân- si, vừa trì trệ và xơ cứng tư duy...

I- Giật mình, tại sao số phận con người lại mong manh và trêu ngươi đến vậy? Vừa mới là một người đàn bà trẻ, khát khao làm đẹp. Chỉ vài giờ sau đã là một người của âm gian, trôi nổi trên sông nước, chưa biết phiêu dạt về đâu. Vừa mới là một bác sĩ, thạc sĩ, thậm chí sắp làm tiến sĩ của một bệnh viện lớn có tên tuổi ở Hà Nội- Bệnh viện Bạch Mai, cũng chỉ từng ấy giờ sau, trở thành tên tội phạm, gây "sốc" nặng cho cả xã hội.

Đó là câu chuyện kinh hoàng của Trung tâm thẩm mỹ Cát Tường. Nhân vật trung tâm đang làm tốn biết bao giấy mực, phím bàn là bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường. Và nạn nhân tội nghiệp, đáng thương chưa tìm được xác, là chị L.T.T.H. Cái tên Cát Tường- may mắn- bỗng trở thành tai họa, cho cả nạn nhân lẫn thủ phạm, dù là một người vô tình, một kẻ cố ý.

Thật ra, hoạt động chữa bệnh của người thầy thuốc, dù giỏi đến mấy, cũng luôn phải đối mặt với những rủi ro khó lường. Nhưng cách ứng xử với những tình huống đó, nó cho thấy không chỉ kỹ năng, tay nghề, trí thông minh, mà cả sự dũng cảm, dám chịu trách nhiệm trước người bệnh, trước lương tâm nghề nghiệp của người thầy thuốc.

Nạn nhân- khách hàng, chị L.T.T.T không phải người bệnh. Chị chỉ có nhu cầu làm đẹp. Nhưng rút cục cuối cùng là cái đẹp... chết người, theo đúng nghĩa đen.

Còn Nguyễn Mạnh Tường, khi phải hành xử như một bác sĩ chính trực, thì sau những cố gắng vốn có cần thiết, cuối cùng, lại hành xử như một kẻ tội phạm đê hèn- vứt xác hành khách xuống sông Hồng. Một tội ác, mà một vị đại biểu QH cũng phải nói "đến xã hội đen còn bất ngờ". Một câu nói gói trọn sự đau xót, mà cả xã hội những ngày này, đang phải "giải mã"...

{keywords}

Bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường chỉ nơi vứt xác nạn nhân. Ảnh: VietNamNet

Nguyễn Mạnh Tường rồi đây sẽ phải đối mặt với pháp luật nghiêm khắc. Xã hội đối mặt với những vết thương đạo lý- văn hóa người Việt đang băng hoại. Còn ngành y tế, đang đối mặt với nỗi hổ thẹn, xen lẫn đau xót, vì tổn thất niềm tin nơi người dân không biết đến bao giờ mới lấy lại được, sau hàng loạt vụ việc kinh hoàng. Trong khi những giải pháp của ngành cứ như chuồn chuồn đạp nước.

Vụ việc của TT thẩm mỹ Cát Tường, cho thấy nhân cách của một ông thầy thuốc bị "tha hóa" một cách sâu sắc và âm thầm bởi đồng tiền. Sự sĩ diện của một thằng đàn ông "kiếm ăn riêng" lớn hơn cả sự sống của một người phụ nữ, khiến ông ta không thể vượt lên mình, đưa người bị nạn đi cấp cứu, ngay BV Bạch Mai, nơi ông ta làm việc, gần đó.

Sự sợ hãi trách nhiệm đã biến ông ta- một trí thức có ăn học đàng hoàng, thành một kẻ liều lĩnh táng tận lương tâm, có hành vi đê hèn, tăm tối và máu lạnh không kém, hệt những bộ phim tội ác của phương Tây, để rồi sau đó, vẫn đi làm bình thường như mọi ngày- một tội ác mà người có lý trí bình thường biết rằng sớm muộn sẽ bị phanh phui.

Sự liều lĩnh và tăm tối, khiến ông ta lôi kéo cả những nhân viên dưới quyền ít được học hành, cũng tăm tối theo. Điển hình là bảo vệ Đào Quang Khánh, 17 tuổi, trở thành kẻ đồng phạm che giấu tội ác, chỉ vì lời hứa tăng lương gấp đôi- 08 triệu.

Đồng lương bạc triệu chưa thấy đâu, nhưng một ngày tù nghìn thu ở ngoài đang đợi cậu này. Kéo theo gần chục nhân viên của TT mong muốn xóa dấu vết. Rồi đây, họ cũng sẽ phải trả lời trước thanh thiên bạch nhật, trước hết, với cái dấu vết tòa án lương tâm "đóng lên" số phận họ?

Lần đầu tiên, xã hội thấy ngành y tế xin lỗi nhân dân, một việc làm quá hiếm hoi. Lần đầu tiên, Bộ trưởng Y tế khẳng định: Đạo đức nghề nghiệp và y đức thời gian qua đáng báo động rất lớn. Chúng tôi cũng rất đau đớn, xót xa. Và thừa nhận: Vụ việc này xảy ra, trước tiên là lỗi quản lý của ngành! Còn Bí thư Thành ủy HN nhìn nhận: Ngoài sức tưởng tượng của con người!

Sự thừa nhận của Bộ trưởng Y tế có vẻ muộn màng, nhưng còn hơn không. Bởi vụ việc ở TT thẩm mỹ Cát Tường, giống như vết hoại tử, cho thấy hết những yếu kém trong quản lý của ngành y. Cho thấy hết những "lỗ hổng" của quản lý chính quyền sở tại, mà ĐBQH Dương Trung Quốc đặt câu hỏi nghi vấn: Được bảo kê?

Trung tâm thẩm mỹ Cát Tường đâu phải TT thẩm mỹ đầu tiên hoạt động chui. Còn nhiều TT thẩm mỹ, cơ sở chữa bệnh khác, từ lâu cứ thản nhiên "chui" qua mặt quản lý Nhà nước- Sở Y tế HN, chính quyền phường sở tại, liều mình như chẳng có. Dù văn bản quy phạm pháp luật, với những quy định cụ thể về thẩm quyền, chức năng, phạm vi hành nghề được in trên giấy trắng mực đen, đầy đủ.

Cũng đâu chỉ có TT thẩm mỹ Cát Tường mới là TT... tử thần đầu tiên, và nạn nhân L.T.T.H đâu phải người duy nhất. Đã có các TT Maria, Linh Nhung..., đi tiên phong. Đã có các chị T.T.T.H; B.B.L; N.T.K.H đều bị tử vong vì chuyện làm đẹp.

Khát vọng làm đẹp của người đàn bà không có lỗi. Nhưng sự đặt niềm tin làm đẹp không đúng chỗ, đã khiến họ trả giá quá đắt- bằng cả sinh mạng mình. Họ chỉ có thể nhận ra điều đó khi xuống âm gian? Liệu vụ việc kinh hoàng ở TT thẩm mỹ Cát Tường có cảnh báo, và cảnh tỉnh cho không ít người đàn bà nhẹ dạ nơi trần thế?

II- Giật mình, tại sao hạnh phúc gia đình giờ đây, cũng có thể bi thảm đến thế. Hay bởi Hạnh phúc phải "khiêu vũ" với Kim tiền?

Chỉ tiếc, đây không phải là cặp đôi hoàn hảo.

Mà câu chuyện một người đàn ông chuyên kinh doanh bất động sản, ông Vương Chí Linh, đã dùng axit tạt vào người vợ thứ hai, bà Nguyễn Thị Tường Vân, từng chung sống với nhau hơn chục năm, rồi tự thiêu, mới đây- là một ví dụ chua chát.

Kết cục bi thảm hệt một bộ phim tâm lý xã hội đầy kịch tính. Nhưng nước mắt của người đời không khóc cho nạn nhân, dù bà này bị axit hủy hoại, mà lại khóc cho thủ phạm, và khóc cho cả xã hội, giờ đây. Vì ở đó, sự chiến thắng- ôm trọn tài sản của người từng đầu gối tay ấp lại thuộc về cái ác, cái nhẫn tâm, và thủ đoạn. Sự thua cuộc, thuộc về lòng nhân, sự nhẹ dạ, và cả tin. Chả lẽ, đây là cổ tích thời hiện đại?

Bi thảm, vì những người trong cuộc, một chết vì tự thiêu, từng là tỷ phú, một sống với những vết thương bị axit hủy hoại suốt đời, cũng là một người có học- một nữ tiến sĩ.

Tâm điểm của mối mâu thuẫn và quyết liệt sinh tử này là số tài sản lớn- 30 tỷ đồng- giữa hai người, phần lớn do ông Vương Chí Linh kiếm ra.

Mọi điều, để bà vợ Nguyễn Thị Tường Vân lấy làm cái cớ đòi sang tên hết tài sản cho bà, giống như nhiều cặp rổ rá cạp lại- là liên quan đến những đứa con riêng của ông. Tình tình, mà tiềntiền!

Nhưng cái kết của gia đình ông không giống cái kết của nhiều gia đình có con anh, con em, con chúng ta. Nó cay đắng hơn nhiều vì lòng người bội bạc, tham lam và tính toán tàn nhẫn với nhau, cũng "ngoài sức tưởng tượng" của nhiều người.

{keywords}
Ông Vương Chí Linh. Ảnh: Kênh 14

Ở đó, người chồng giỏi làm ăn, giỏi tính toán, đã thua trắng tay, và thua xa sự tính toán của bà vợ. Để cuối cùng, nhận lấy cái kết cục- không có cả chốn dung thân.

Thế mới biết, chí đàn ông vẫn... thua xa trí đàn bà. Nhất lại là đàn bà có học vấn, có cả danh tiến sĩ. Không chỉ người nghèo mới khóc, giờ đây, người giàu cũng khóc, như tên một bộ phim hút khách dạo nào. Nước mắt người giàu mặn mùi kim tiền, hẳn mặn chát chữ nhân tình thế thái.

Nhưng sự tự thiêu của ông Vương Chí Linh, biết đâu sẽ khó xảy ra, nếu như thái độ của cơ quan thi hành án không lạnh lùng, vô cảm và tàn nhẫn đến thế, khi bày binh bố trận tời gần 100 người, như đánh giặc ngoại xâm, chỉ để "điệu" một ông già 70 tuổi tay không ra khỏi nhà, theo lệnh cưỡng chế (Afamily, ngày 24/10)

Trong cái hành động vừa là tội ác, vừa là  đường cùng tự sát của ông Vương chí Linh, có... tý ty trách nhiệm nào của cơ quan thi hành án không? Không ai trả lời. Vì người chết, thì đã chết rồi. Còn những người trong cuộc đang sống, dĩ nhiên họ im lặng là vàng.

Vàng là thứ người ta vốn khát khao, mà vàng có khi cũng là thứ tồi tệ của nhân cách!

Còn không biết bà tiến sĩ Nguyễn Thị Tường Vân, khi ôm khối tài sản 30 tỷ đồng, ở cái tuổi già 60, với thương tật cháy bỏng vì axit, bà có hạnh phúc không?

Dường như, cho dù có là tiến sĩ, học vị đầy mình, nhưng con người ta vẫn có thể rất dốt nát, tăm tối. Chỉ bởi chữ Tham choán hết trong đầu, trong tim, trong óc họ!

III- Nhưng không nên giật mình, bởi sự đảo lộn các giá trị tinh thần, tình cảm, mà đồng tiền là kẻ "giật dây", từ lâu đã khuynh đảo xã hội, đã mê dụ, dẫn lối...Nếu không, thì sao tham nhũng, lãng phí, các nhóm lợi ích lại trở thành vấn nạn mà các đợt tuyên chiến của cả xã hội vẫn không sao đẩy lùi? Nếu không làm sao hình thù tham nhũng lúc là sâu, lúc là cái ghẻ, lúc lại là bạch tuộc? Người dân ai cũng ghê tởm, bất bình nhưng ai cũng phải chung sống, dù rất muốn "ly hôn"?

Trong cái xu thế tồi tệ ấy, đồng tiền đã tha hóa không thương tiếc cả tầng lớp trí thức có học. Tiếc thay, sự tha hóa của những kẻ ở tầng lớp này cũng rất ghê gớm, thậm chí dị biệt. Câu chuyện bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường hành xử kinh hoàng "đến xã hội đen còn bất ngờ", và tấm thảm kịch của gia đình bà tiến sĩ Nguyễn Thị Tường Vân chỉ là những minh họa điển hình đắng ngắt, trên hàng loạt những vụ việc khiến cả xã hội kinh hoàng, phẫn nộ.

Từ tiêm nhầm thuốc "gây co bóp tử cung" thành tiêm vacxin khiến trẻ sơ sinh tử vong, tráo thủy tinh thể ở BV Mắt, nhân bản phiếu xét nghiệm máu ở BV Hoài Đức (thuộc HN) đến nạn tham nhũng trong giáo dục, mua danh bán tước, dối trá, cho thấy "văn hóa người" bị hủy hoại không thương tiếc. Cho thấy lỗ hổng, sự lệch chuẩn trong dạy người của GD nói chung, của ngành y nói riêng, dù đổ hàng ngàn tỷ, vẫn chưa "giải phẫu thẩm mỹ" nổi.

Hệ lụy lớn nhất, chưa bao giờ, cả ngành y tế lẫn GD lại ... mất thiêng đến thế trong con mắt người dân.

Có phòng tuyến nào chống lại được sự tha hóa của đồng tiền ngoài phòng tuyến cần quyết liệt "sửa lỗi quản lý" như Bộ trưởng Y tế đã đau xót thừa nhận. Ở đó, cơ chế quản lý Nhà nước các cấp phải thực sự chặt chẽ, trên nền tảng thay đổi- thực chất là trả lại những thang bậc giá trị thực tiễn và bất biến, phù hợp quy luật phát triển của kinh tế thị trường.

Trước hết là sự thay đổi những quan niệm tôn vinh hình thức, tạo ra sự suy tôn giá trị không cần thiết, tạo nên ảo tưởng về sự hy sinh của cán bộ y tế, đồng thời tạo nên cơ chế mang tính hàm ơn- ban ơn, và xin- cho của ngành, tạo nên kẽ hở cho việc đòi hỏi quyền lợi, nhất là đòi hỏi phong bì.(VietNamNet, ngày 25/10). Cái cơ chế xin- cho "bất tử" đang dẫn dụ và làm đau ốm, cả nền kinh tế- văn hóa- xã hội.

Để từ sự thay đổi những quan niệm giá trị ngành nghề, bình đẳng như mọi ngành nghề khác, ngành y tế xem xét lại, chấm dứt hoặc xiết chặt tình trạng làm việc "chân trong, chân ngoài", công- tư nhập nhèm. Thực tế, chỉ dẫn đến hậu quả chất lượng cứu người cả công lẫn tư đều khó bảo đảm. Mà tư cách thầy thuốc trở nên thiếu đàng hoàng. Hệt như "hệ thống dạy thêm" của ngành GD.

Khác biệt duy nhất, sự thẩm thấu, giết chết tinh thần, tâm hồn con người của GD phải cần có thời gian, trong khi giết chết sự sống của người bệnh của ngành y, có thể chỉ trong tích tắc.

Nhưng liệu "sự sửa lỗi hệ thống" của ngành y tế, sau hàng loạt vụ việc kinh hoàng, mà "đỉnh cao" là hành vi vứt xác khách hàng của ông bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường, có thực sự quyết liệt, thực chất và hiệu quả? Trong khi ngành GD đang chuẩn bị tâm thế cho một cuộc thay đổi, từ tư duy cho đến tổ chức hoạt động.

Xét cho cùng, đồng tiền đâu có lỗi. Lỗi là ở con người, vừa nặng tham- sân- si, vừa trì trệ và xơ cứng tư duy...

Kỳ Duyên

Bài cùng tác giả

Chữ doanh thì lỗ, chữ nhân thì… “lờ”

Kinh tế VN lúc này, cũng đang rất cần những “cây cầu vượt” như trong giao thông.

Tráo 'mắt', chạy trường 3.000 USD và... 'ngứa ghẻ'

Câu thành ngữ hiện đại khó hai con mắt, không chỉ  ám vào BV Mắt HN, hay ngành y tế. Nó đang "ám" vào cả cơ chế quản lý kinh tế xã hội...

Cát-xê 600 triệu đồng và 'làng công chức'

Các vị quan chức quản lý, có trách nhiệm với nước Việt không thể không biết gì về "làng công chức" trong lĩnh vực mình phụ trách.

 

>> Mời độc giả ghé thăm và đóng góp ý kiến cho trang Fanpage của Tuần Việt Nam