-Vụ một nữ khách hàng giải phẫu thẩm mĩ bị tai biến dẫn đến tử vong và bị bác sĩ phi tang thi thể đang gây ra nhiều luồng dư luận nóng bỏng trong công chúng. Có thể nói, sự việc là một nhắc nhở về rủi ro của kĩ nghệ làm đẹp và những vấn đề đạo đức đằng sau kĩ nghệ này.
>> Bác sĩ, đàn bà và sự mê dụ tàn nhẫn
>> Bộ Y tế có thương 'quân' mà làm lơ?
>> Sau 'đau đớn', Bộ trưởng Tiến cần làm gì?
Làm đẹp là một kĩ nghệ đang phát triển rất nhanh trên khắp thế giới. Năm 1996, cứ mỗi 150 người thì có một người tìm đến giải phẫu thẩm mĩ.
Theo một thống kê của Hội phẫu thuật thẩm mĩ (Mĩ), chỉ riêng năm 2012 đã có đến 12,6 triệu ca phẫu thuật làm đẹp, tăng 5% so với năm trước. Những ca phẫu thuật này bao gồm nâng ngực (nữ), nâng mũi, cắt mí mắt, cang da, hút mỡ, căng da mặt, v.v. Thị trường làm đẹp ở Mĩ đã lên đến 20 tỉ USD.
Ở Á châu, kĩ nghệ làm đẹp cũng phát triển không kém. Số ca phẫu thuật thẩm mĩ ở Trung Quốc hiện nay đứng hàng thứ 3 thế giới. Nhật Bản và Hàn Quốc cũng là những nước có kĩ nghệ làm đẹp phát triển chẳng thua kém gì so với các nước Âu Mĩ.
Ở Việt Nam, tuy không có con số thống kê cụ thể, nhưng nhìn qua mật độ các cơ sở làm đẹp tại các thành phố lớn, có thể đoán rằng kĩ nghệ làm đẹp ở Việt Nam đang "tăng trưởng một cách thần kì". Chỉ riêng Tp. HCM, mỗi năm ước tính có đến 100.000 khách hàng đến giải phẫu thẩm mĩ các loại, trong số đó có khoảng 6.500 nữ nâng ngực.
Sự tăng trưởng này song song với phát triển kinh tế có lẽ xuất phát từ nhu cầu làm đẹp của nữ giới, những người muốn có sắc diện giông giống phụ nữ Hàn Quốc hay Âu Mĩ.
Rủi ro từ phẫu thuật thẩm mĩ
Nhưng giải phẫu thẩm mĩ là một can thiệp mang tính "xâm phạm" và có khi nguy hiểm. Một số biến chứng hậu phẫu thuật như nhiễm trùng, mất máu, máu tụ ở gan, tổn thương đến não, tê liệt cơ, đột quị, thậm chí tử vong có thể xảy ra khá thường xuyên. Có nhiều trường hợp sau phẫu thuật cơ phận trở nên mất cân đối hay mang sẹo suốt đời.
Ở Việt Nam, vì thiếu nghiên cứu và kiểm soát nên không có những số liệu về tai biến y khoa sau phẫu thuật thẩm mĩ. Nhưng những câu chuyện lưu truyền về "tiền mất tật mang" và "lợn lành thành lợn què" khá phổ biến.
Nguy cơ nghiêm trọng nhất liên quan đến giải phẫu thẩm mĩ là tử vong. Một nghiên cứu ở Mĩ trên 1.200 bác sĩ thẩm mĩ cho thấy, tỉ lệ tử vong từ phẫu thuật hút mỡ bụng là 1 trên 5000. Khoảng 3 năm trước, một ca sĩ người Trung Quốc 24 tuổi đã chết trong khi phẫu thuật thẩm mĩ.
Những rủi ro và nguy cơ tử vong của phẫu thuật thẩm mĩ đã trở thành mối bận tâm của giới y khoa. Các cơ sở làm đẹp quảng cáo rầm rộ về những thành tựu tuyệt vời của phẫu thuật mà không đề cập đến rủi ro trong hay sau phẫu thuật.
Khách hàng của bác sĩ Tường đã tử vong sau khi phẫu thuật thẩm mỹ |
Điều này rất lạ lùng vì phẫu thuật thẩm mĩ được thực hiện trên người bình thường (chứ không phải bệnh nhân), đáng lẽ kĩ nghệ này phải được kiểm soát chặt chẽ, nhưng trong thực tế thì rất lỏng lẻo. Ngày nay, ở một số nơi, ai cũng có thể hành nghề giải phẫu.
Báo chí mới tường thuật một trường hợp tử vong vì giải phẫu mí mắt mà nhà giải phẫu là một bác sĩ về mắt! Thậm chí, có nha sĩ tiến hành những ca giải phẫu thay tóc! Trường hợp vị bác sĩ ở Hà Nội chưa có giấy phép hành nghề phẫu thuật thẩm mĩ cũng nằm trong xu hướng chung về sự lỏng lẻo trong quản lí kĩ nghệ này.
Đã có kêu gọi hạn chế, thậm chí cấm, các quảng cáo về giải phẫu thẩm mĩ. Trong khi các ngành nghề phẫu thuật chữa bệnh và thuốc điều trị không được phép quảng cáo thì ngành phẫu thuật thẩm mĩ được quảng cáo ở nhiều nước, kể cả Việt Nam.
Quảng cáo kĩ nghệ làm đẹp có thể hợp pháp nhưng vấn đề đạo đức thì có thể cần bàn thêm. Cần nói thêm rằng phẫu thuật thẩm mĩ được thực hiện trên người bình thường (không mắc bệnh), và đó là một điều có thể nói là... lạ lùng. Một bác sĩ phẫu thuật thẩm mĩ từng viết: "Thật là kinh ngạc khi chúng ta được phép mổ xẻ trên những người bình thường. Ý tưởng được mổ trên người hoàn toàn bình thường quả là một đặc quyền khó tin".
Lựa chọn chuẩn thẩm mĩ
Cả hai người, cô ca sĩ Trung Quốc và nữ khách hàng ở Hà Nội, thực ra đều thuộc vào nhóm những người có sắc vóc. Ấy thế mà họ vẫn tự nguyện tìm đến phẫu thuật để làm xinh đẹp hơn.
Lựa chọn của họ khiến nhiều nhà xã hội học bận tâm và đặt câu hỏi tại sao: tại sao phụ nữ Á châu sẵn sàng hi sinh tiền của và chấp nhận nguy cơ biến chứng để làm đẹp. Trong xã hội ngày nay, rất hiếm có một người nào hài lòng với thân thể của chính mình. Có những người ăn không ngon ngủ không yên vì cái tai vểnh cao quá, cái mũi quá thấp, hay bộ ngực còn "khiêm tốn", v.v... Một số cảm thấy không hài lòng chỉ đơn giản vì là đối tượng dè bỉu của người khác.
Những tì vết bên ngoài cơ thể có khi là một yếu tố có thể làm cho người ta không hạnh phúc, và là rào cản trong giao tế xã hội. Trong một xã hội hiện đại, nhiều khi chúng ta được đánh giá qua ấn tượng về cơ thể của chúng ta mà người khác tiếp nhận. Do đó, giải phẫu thẩm mĩ có thể xem như một cách thức chăm sóc nhu cầu của cơ thể con người.
Trong thực tế, đường ranh phân biệt giữa giải phẫu thẩm mĩ và giải phẫu tái thiết càng ngày càng khó nhận ra, đặc biệt là khi các nhà giải phẫu mô tả công việc của họ như là "chữa trị" cái phần tâm thần qua việc điều chỉnh cơ thể.
Nhưng những quảng bá về giải phẫu thẩm mĩ cũng cần phải được nhìn qua một lăng kính khác về văn hoá. Những người làm đẹp hay làm trong kĩ nghệ này thường nói rằng "không có phụ nữ xấu, chỉ có phụ nữ không biết làm đẹp". Câu này có thể đúng một phần (về trang điểm), nhưng vấn đề lớn hơn là ở chữ "làm đẹp". Đẹp theo chuẩn mực nào, và ai là người đặt ra chuẩn mực về cái đẹp.
Tác giả của Sáng Thế ký viết "Chúa tạo ra loài người theo hình ảnh của Ngài," còn Thánh Paul thì hỏi "thể xác của bạn là một ngôi đền của Chúa?". Chúa ở đây là theo hình tượng phương Tây.
Ngày nay, một số đông phụ nữ, có thể nói không ngoa rằng phần lớn phụ nữ Việt Nam ngày nay lấy cái chuẩn đẹp là người Âu Mĩ. Một làn da trắng, má lúm đồng tiền, cái mũi cao, bộ ngực nở nang, v.v. là những đặc điểm nhiều phụ nữ ước mơ có được.
Do đó, sự khát khao vượt qua, tự nó, được bắt nguồn từ sự thống trị của một lí tưởng thẩm mĩ đang thịnh hành ở Âu châu. Đó là cái cằm của thần vệ nữ Venus, đôi mắt của Fountainbleu Diana, môi của Europa, mũi của Psyche, và lông mày của Mona Lisa. Điều này cũng giải thích tại sao phụ nữ Á đông sống trong các xã hội Tây phương có xu hướng nhuộm tóc thành màu vàng, để tự đồng hóa mình với lí tưởng đẹp của phụ nữ bản xứ.
Một khi đã xoá bỏ được những dị biệt chủng tộc về cái đẹp, người ta suy nghĩ đến việc thay đổi những cơ phận khác trong cơ thể để gợi cảm và chống lại lão hóa. Hitler và Mussolini từng ra lệnh giải phẫu thẩm mĩ cho lính để nâng cao sức khỏe, kể cả sửa mí mắt. Một nghệ sĩ nổi tiếng người Pháp tên là Orlan đã từng đi giải phẫu ít nhất là 10 lần để theo đuổi cái lí tưởng mà bà gọi là "Sự tái sinh của Thánh Orlan".
Đàn ông cũng như phụ nữ liên tục tìm đến giải phẫu thẩm mĩ để tìm đến một sự hoàn hảo. Một kì giải phẫu lần này sẽ dẫn đến một kì giải phẫu kế tiếp, và kế tiếp. Và, trong xu hướng khách hàng giải phẫu càng ngày càng trẻ, chu kì giải phẫu thẩm mĩ sẽ còn kéo dài và nhiều hơn trong tương lai.
Với cái giá khá đắt của giải phẫu thẩm mĩ, cơ thể con người dần dần trở thành, không phải như là một món quà mầu nhiệm, nhưng là một công trình, một dự án đầy thử thách cho kĩ nghệ làm đẹp. Giải phẫu thẩm mĩ có thể là một món quà diệu kì của khoa học, nhưng món quà đó cần phải được đặt trong lí tưởng thẩm mĩ và bối cảnh văn hóa của một dân tộc, hơn là một sản phẩm lai căng của sự đầu hàng trước một văn hóa ngoại lai.
GS. Nguyễn Văn Tuấn (từ Úc)
>> Mời độc giả ghé thăm và đóng góp ý kiến cho trang Fanpage của Tuần Việt Nam