-Chỉ khi đó, những bi kịch mang tên Nguyễn Thanh Chấn, những bi hài kịch Vinakhủng mới bị hạn chế, ngăn ngừa.
Và người dân Việt, sẽ không phải đau khổ đóng vai quýt làm… nhân dân chịu.
I-Có hai vụ án- một án oan về số phận một cá nhân và một án không hề oan, về số phận tập thể, bỗng trở thành vật đối chứng, để nói một điều kỳ lạ. Về phẩm cách người đàn bà- đàn ông, về ý chí quyết liệt của con người trước pháp luật, và về những sự… kỳ lạ của ngành tư pháp. Phép so sánh vừa nên thơ, vừa đắng cay, vừa bi kịch và vừa hài kịch. Giữa cuộc đời giống như một sân khấu, mà cánh gà lớp kịch này vừa khép, thì cánh gà lớp kịch khác lại mở ra.
Câu chuyện bi kịch cá nhân Nguyễn Thanh Chấn chưa kết thúc. Nhưng trong màn bi kịch đó, tình yêu, niềm thương của người đàn bà dấn thân không mệt mỏi trước số phận người thân, mới chính là âm hưởng chủ đạo.
Vụ án được phá, hài hước nhất, không thuộc các vị cán bộ tư pháp được đào tạo bài bản, kiến thức luật pháp đầy mình, mà lại thuộc về những người đàn bà nông quê, chân yếu tay mềm, ở đây là bà Nguyễn Thị Chiến, vợ nạn nhân Nguyễn Thanh Chấn, chỉ biết ruộng vườn, con gà con lợn, chữ nghĩa chẳng bao lăm.
Thuộc cả về một người đàn bà vì lòng thương đồng loại mà đồng hành suốt với bà Nguyễn Thị Chiến 10 năm trời- bà Thân Thị Hải, vợ một người công an. Và về cả một người đàn bà, không chính diện, không phản diện, chỉ nhờ cái tính “đàn bà” mà thành đầu mối của sự phá án- bà Nguyễn Thị Lành, mẹ kế của hung thủ Lý Nguyễn Chung.
Ảnh: VietNamNet |
Tình yêu, sự trực cảm và cực kỳ nhạy cảm đàn bà của người vợ tin chồng mình là người lương thiện, đã khiến bà Nguyễn Thị Chiến biến thành một “thám tử tư” bất đắc dĩ. Từ việc lần tìm tất cả các chứng cứ khẳng định chồng có bằng chứng ngoại phạm trong thời gian chị N.T.H bị sát hại, cho đến khi bất lực trước kết luận của tòa phúc thẩm, 10 năm trời đội đơn đi gõ cửa công đường, kêu oan cho chồng, quả là một tính cách “văn học” đắng cay.
Cũng phải 09 năm sau, đầu mối vụ án mới hé mở. Bởi lương tâm hay sự hối hận của một vài người đàn ông phía gia đình hung thủ, bất ngờ thú nhận sự thật. Nhưng giữa 09 năm đó, là bi kịch của một gia đình nông dân lương thiện sau lũy tre làng, phải mang tiếng gánh một cái án “giết người” tày đình, trước sự khinh thị, tẩy chay đầy định kiến của dân làng, và cả sự quỵ ngã của bà Nguyễn Thị Chiến, không chịu nổi nỗi đau của chồng, và sự “kết án” của cộng đồng bà con lối xóm.
Trời đất không phụ người lương thiện. Chính sự “buột miệng lỡ lời” của phía họ hàng hung thủ, đã mở lối thoát “sinh tử” cho chồng bà- Nguyễn Thanh Chấn. Nhưng cũng phải dấn thân dò la tin tức, sử dụng cả máy ghi âm, để rồi chắp nối những thông tin rời rạc, mà bà Nguyễn Thị Chiến cuối cùng đã “đánh trống công đường” thành công.
Hỗ trợ tích cực cho bà Nguyễn Thị Chiến, là luật sư Nguyễn Đức Biền- người được chỉ định bào chữa cho ông Nguyễn Thanh Chấn ở 02 phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm cách đây 10 năm. Là ông Thân Ngọc Hoạt, người anh em đồng hao của ông Nguyễn Thanh Chấn. Và nhất là bà Thân Thị Hải, một người đàn bà không họ hàng huyết thống với bà Nguyễn Thị Chiến, chỉ vì “giữa đường thấy chuyện bất bằng chẳng tha”, suốt 10 năm hành trình cùng gia đình bà Chiến trong cuộc chiến âm thầm trả lại cái kết luận oan cho … tòa án.
Bi kịch Nguyễn Thanh Chấn, dẫu sao cũng có chút hài. Vào lúc vụ án oan vỡ lở, cả xã hội bất ngờ, khâm phục bà Nguyễn Thị Chiến, vẫn có vị quan chức của UBTP thuộc QH nhận xét đầy lạc quan: “Cơ quan điều tra VN thuộc diện giỏi nhất thế giới”, nhờ dựa vào nhân dân (VietNamNet, ngày 06/11).
ĐBQH Nguyễn Đình Quyền. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Không biết đó là câu nói của những người thích đùa, hay là sự đánh tráo khái niệm? Bởi dựa vào dân rất khác về bản chất với khi dân buộc phải vào cuộc. Dựa vào dân, là một tư tưởng đầy chủ động, một chiến lược và chiến thuật trong bảo vệ an ninh xã hội. Nó rất khác khi dân phải vào cuộc, thụ động, may rủi, mà vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn mang tính ăn may là một minh chứng bi hài.
Điểm sáng lớn nhất, duy nhất, là con tim, tình yêu sâu đậm của người đàn bà chân quê giầu đức hy sinh giữa màn u tối một phiên tòa cẩu thả thời hiện đại.
II- Không hẹn mà gặp, những ngày qua, có một vụ án gây sốc bao nhiêu, thu hút bao nhiêu sự quan tâm của cả xã hội, thì lại tiếp tục gây “bất ngờ” bấy nhiêu ở kết cục… không có hậu, khi thi hành án. Đó là vụ Vinakhủng, lớn nhất nước, từng làm thất thoát gần 1000 tỷ đồng, và những nhân vật chính xuyên suốt của vở bi kịch không hề oan sai này là gần chục vị quan chức, đứng đầu là ông Phạm Thanh Bình.
Trái ngược hẳn với vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn khi vỡ lở sự thật, cả xã hội thương xót, thậm chí rơi nước mắt cho họ, những người nông dân hiền lành, chất phác. Vụ án Vinakhủng, khi vỡ lở, cả xã hội bất bình, phẫn nộ, quá thất vọng về phẩm cách, năng lực, đạo đức cán bộ. Cái thanh (dư âm) cho ông Thanh Chấn nó khác biệt hẳn với cái thanh cho ông Thanh Bình. Bởi khác nhau ở mỗi chữ ... tội. Một bên vô tội, và một bên có tội nặng.
Thất thoát gần 1000 tỷ đồng, vậy nhưng đến giờ khắc này, lớp lang thi hành án dân sự của các nhân vật chính trong vở bi kịch bỗng “thắt nút”, đẩy tới cao trào ở một góc độ bất ngờ kiểu khác- rất khó thi hành án trong vụ này- với con số 1200 tỷ đồng mà các bị cáo phải nộp lại cho phía các bị hại- các công ty Nhà nước.
Thắt nút, bởi một điều kiện tối thiểu khi xét xử, tòa án phải áp dụng biện pháp đảm bảo thi hành án dân sự, thì câu trả lời thực tiễn đến giờ của tòa án, hóa ra là số 0 to tướng. Đó là kỹ năng nghiệp vụ sơ hở, thua kém, hay tòa án lại “quên”, như mấy vị quan chức có trách nhiệm trong vụ án Nguyễn Thanh Chấn năm xưa- 2004?
Thắt nút, bởi có tới 06 doanh nghiệp Nhà nước- bên bị hại- hờ hững không gửi đơn yêu cầu thi hành án dân sự, làm cơ sở cho việc Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) tổ chức thi hành án? Nếu đây là các công ty tư nhân, liệu cái việc thờ ơ với đồng tiền cha chung, không ai khóc có xảy ra không?
Khi còn Vinakhủng, các DNNN này đã thờ ơ với đồng tiền “bị hại” của mình. Nay Vinakhủng đã khai tử, để khai sinh ra Tổng Công ty công nghiệp tàu thủy (SBIC), thì liệu đồng tiền “bị hại” có rơi vào số phận “bức tử”?
Điểm thắt nút bất ngờ nhất, còn là câu chuyện khi phải thi hành án dân sự, mới hay các bị cáo của vụ án, toàn các quan chức doanh nghiệp, một thời là các đại gia- nguyên Tổng Giám đốc, nguyên Phó Tổng GĐ, nguyên GĐ công ty, đều rất… nghèo.
Tỷ như tài sản của ông Phạm Thanh Bình, hiện chỉ có mỗi căn hộ chung cư, cả gia đình ông chung sống, trong khi số tiền ông này phải nộp thi hành án tới khoảng 500 tỷ đồng. Các vị tù nhân khác cùng hội cùng thuyền với ông cũng vậy, “người nghèo tám lạng, người khổ nửa cân”.
Khiến xã hội hồi hộp xem những nút thắt của lớp kịch thi hành án dân sự, bỗng ngơ ngẩn hỏi nhau: Con voi chui lọt lỗ kim từ khi nào?
Có điều, trong vở bi kịch Vinakhủng này, không có sự “phá án” về tài sản của họ, trừ những người đàn bà trong gia đình họ là biết rõ nhất.
Cũng khác hẳn cái kết có hậu của bi kịch mang tên Nguyễn Thanh Chấn, dù khởi đầu, là quýt làm cam chịu, nhưng cuối cùng, lương tâm thức tỉnh, và biết khó thoát trước pháp luật, Lý Nguyễn Chung phải ra thú tội trước bình minh.
Ngược lại, bi kịch Vinakhủng, không biết lương tâm các vị quan chức- tù nhân có thức tỉnh hay không, mà cái kết hệt câu thành ngữ hiện đại mang tính ngụ ngôn muôn đời: Quýt làm…nhân dân chịu.
Có thước đo nào để đo giữa lương tâm của một kẻ giết người, và lương tâm của các quan chức phạm tội trong Vinakhủng, xem ai hơn ai?
III- Một thông tin mới, rất nhanh chóng loang trên mạng truyền thông- Việt Nam trúng cử Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc với 184/192 phiếu- số phiếu cao nhất trong số 14 nước thành viên mới.
Nhân quyền vốn là một khái niệm, phản chiếu tầm văn minh của một quốc gia hạnh phúc. Khi nhìn vào các quyền con người trong xã hội được bảo đảm bằng các chính sách ứng xử, nâng đỡ, từ người bình thường đến người khuyết tật, không may gặp rủi ro.
Các nước chúc mừng VN trở thành Thành viên Hội đồng nhân quyền. |
Cũng chính vì thế, nhân quyền luôn là một vấn đề cực kỳ nhạy cảm với bất cứ quốc gia nào, nhưng đặc biệt luôn chứa đựng những khát vọng, cùng đau đớn, trên hành trình của các quốc gia đang phát triển,
Sự kiện này là tin vui cho nước Việt, nhưng quan trọng hơn, là một cơ hội, và một thách thức đặt ra cho nước Việt hàng loạt vấn đề phải hành động.
Từ sự kiện cao nhất, trọng đại nhất- sửa đổi dự thảo Hiến pháp năm 1992, cho tới thiết kế, cải tổ thiết chế chính trị phù hợp, xây dựng nền quản trị quốc gia văn minh, tiên tiến, hợp với văn minh thời đại và nhân loại, cho tới việc bảo đảm quyền con người được thể hiện rõ trong hàng loạt các lĩnh vực chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa, giáo dục, tôn giáo, tín ngưỡng…
Nó chứng minh sự thành tâm và nhất quán của nước Việt trong hội nhập quốc tế, thực hiện những cam kết vì một mục đích nhân bản- bảo đảm quyền con người của người Việt, trong một xã hội đang phát triển đầy những thách thức, âu lo lẫn bất ổn.
Tuy nhiên, thực hiện điều đó không đơn giản.
Nếu như ngay trong lĩnh vực kinh tế- việc gia nhập WTO (Tổ chức Thương mại thế giới), là một cán mốc cam kết sự thay đổi thật sự cả nhận thức lẫn tầm tư duy và tổ chức điều hành nền kinh tế trên con đường phát triển và hội nhập, thì để Việt Nam được công nhận có nền kinh tế thị trường- đến thời điểm này, vẫn còn là một dấu hỏi- với các quốc gia hùng mạnh về kinh tế thị trường.
Nếu như ngay trong lĩnh vực giáo dục, Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á, quốc gia thứ hai trên thế giới tham gia ký Công ước Quốc tế về Quyền trẻ em. Nhưng làm sao, giáo dục có thể hạn chế “quyền học thêm” từ bậc tiểu học- trả lại cho trẻ em tuổi thơ “bị đánh cắp”? Làm sao, xã hội có thể ngăn chặn, chống lại những tội ác của những kẻ vô lương bóc lột lao động, xâm hại tình dục, bạo hành trẻ em, khiến lương tâm người lớn chúng ta nhức nhối?
Và ngay trong lĩnh vực tư pháp này thôi, vụ án oan sai Nguyễn Thanh Chấn, hẳn sẽ cúi đầu, hổ thẹn mà đi vào lịch sử tư pháp. Khi mà “suy đoán vô tội”, một nguyên tắc của luật tố tụng hình sự được áp dụng phổ biến ở các quốc gia văn minh, nhưng còn khá mới mẻ với Việt Nam. Khi mà Bào chữa vẫn chỉ là “hư quyền” (Tuần Việt Nam, ngày 14/11), thì vấn đề quyền con người trong lĩnh vực tư pháp vẫn là một khoảng trống cần lấp đầy. Bằng chính công cuộc cải cách ngành này.
Quyền con người- là khát vọng lớn nhất của mỗi con người sinh ra trong đời sống hôm nay. Quyền đó, chỉ thực sự thành hiện thực theo nghĩa trọn vẹn, với một điều kiện cần và đủ- một nhà nước pháp quyền đúng nghĩa, một nền tư pháp văn minh, minh bạch, kế thừa tinh hoa nhân loại, trên nền tảng một tư duy và nhận thức quản trị quốc gia trẻ trung, chống lại sự xơ cứng, trì trệ, trây ì, nhưng lại nhân danh những ngôn từ văn hoa, hoa mỹ.
Chỉ khi đó, những bi kịch mang tên Nguyễn Thanh Chấn, những bi hài kịch Vinakhủng mới bị hạn chế, ngăn ngừa.
Và người dân Việt, sẽ không phải đau khổ đóng vai quýt làm… nhân dân chịu.
Xem bài cùng tác giả: Nước mắt của nhân dân, là khóc cho bi kịch của một quốc gia - khó phát triển. Xét cho cùng, đồng tiền đâu có lỗi. Lỗi là ở con người, vừa nặng tham- sân- si, vừa trì trệ và xơ cứng tư duy... |