-Nói một cách hình tượng, cỗ máy kinh tế Trung Quốc sắp đâm sầm vào “Vạn lý Trường thành”. Và câu hỏi hiện giờ chỉ là cái tai nạn sắp xẩy ra này nghiêm trọng đến tầm cỡ nào mà thôi.
Trung Quốc sắp chuyển mình thần kỳ?
Ngày 16/11, ông Trương Đức Giang, nhân vật thứ ba trong Bộ Chính trị ĐCSTQ đã kêu gọi toàn thể đảng viên đoàn kết lại xung quanh chương trình cải cách kinh tế-xã hội vừa được Hội nghị TW3 (TW3) thông qua. Ông nói với các cán bộ đảng: “Cần phải thấu đạt ý nghĩa quan trọng của Hội nghị trung ương vừa rồi. Tất cả muôn người như một hãy áp dụng các quyết định trong chương trình”.
Theo Nhân dân Nhật báo, Trương Đức Giang nhấn mạnh kế hoạch cải cách mang ý nghĩa lịch sử sâu sắc và yêu cầu cho các đảng viên hãy “dám đảm nhận lấy trách nhiệm”.
Vạn Lý Trường Thành. Ảnh: Lê Nhung |
Thời báo Hoàn cầu cảnh báo có thể có những kháng cự từ những nhóm bị thiệt hại vì cải cách. Các nhà phân tích trước đó cũng cho rằng việc giảm bớt ảnh hưởng của các tập đoàn quốc doanh trong nền kinh tế sẽ là một trong những nhiệm vụ khó khăn nhất.
35 năm qua Trung Quốc đã có tới 7 kỳ TW3. Cả 7 kỳ hội nghị hầu như đều lấy cải cách kinh tế làm chủ đề. TW3 khóa 18 ban đầu được kỳ vọng lãnh đạo mới sau Đại hội 18 sẽ đưa ra đường lối/phương hướng minh bạch về cải cách kinh tế lẫn chính trị, chí ít là cho 10 năm cầm quyền của thê đội 5 hiện nay.
TW3 năm nay còn được so sánh với TW3 thời ông Đặng Tiểu Bình khởi động chiến dịch nổi tiếng, “dò đá qua sông” (vừa thăm dò, vừa cải cách). Lần này, ông Tập dóng lên hồi kèn “thâm hóa cải cách” (đẩy mạnh cải cách một cách sâu rộng và toàn diện). Nhưng theo chuyên gia kinh tế trưởng Lục Đình từ Merrill Lynch, TW3 vừa qua đã khiến thị trường thất vọng.
Thất vọng, vì Hội nghị chưa ban bố thời gian biểu và phương án cải cách toàn diện, chi tiết và rõ ràng. Ông Tập và cộng sự dường như chờ gia cố xong nền tảng quyền lực, tranh thủ thêm sự ủng hộ rồi mới đưa ra các chủ trương cải cách triệt để hơn, dứt khoát hơn cho giai đoạn tiếp theo.
“Kế hoạch 383” trên thực tế
Tuy nhiên, những người lạc quan có thể tìm thấy những kết quả nhãn tiền từ các bàn thảo và thỏa hiệp qua bốn ngày (9-12/11) của gần 400 vị trung ủy, đại diện cho nhiều nhóm lợi ích khác nhau. “Thị trường sẽ đóng vai trò quyết định trong việc phân bố tài nguyên”. Câu này trong Thông cáo báo chí được giới phân tích coi là đỉnh.
Các thời trước, thị trường chỉ đóng vai trò cốt yếu.
Ông Tập Cận Bình vừa muốn níu kéotính chính thống của Đảng, vừa muốn kiểm soát chặt chẽ định chế này. Giữ được sự cân bằng trong trò bập bênh này thật không dễ! |
Từ “cốt yếu” lên “quyết định” quả là đã có sự chuyển hướng. Vai trò của thị trường sẽ mạnh hơn, chính quyền sẽ giảm bớt can thiệp. Con số 3 đầu tiên trong “kế hoạch 383” được tung ra trước Hội nghị, biểu đạt mối tương quan giữa “tam vị nhất thể”: nhà nước – thị trường – doanh nghiệp như là ba đối tượng chính của tiến trình cải cách.
Kế đó là 8 lĩnh vực hay tám biện pháp cải cách: giảm thủ tục hành chính; thúc đẩy cạnh tranh; cải cách sở hữu đất đai/luật cư trú; tái cơ cấu tài chính thông qua tự do hóa lãi suất và tỷ giá; tăng cường hệ thống tài khóa; cải cách doanh nghiệp nhà nước; khuyến khích đổi mới/sáng tạo, đặc biệt là công nghệ xanh; phát triển khu vực dịch vụ.
Trước đây, các doanh nghiệp nhà nước chỉ phải trả cho chính phủ từ 5% đến 20% tiền lãi ròng. Theo chính sách mới, các tập đoàn kinh tế nhà nước sẽ phải rót lại cho nhà nước 30% lợi nhuận thu được để đầu tư cho hệ thống an sinh xã hội.
Cũng đã có sự nhúc nhích trong cải cách đất đai, thuế và tài chính, vì cả ba vấn đề này được đề cập đến đầu tiên và khá nét tại Thông cáo.
Trong mớ bùng nhùng này, chủ trương tăng thêm cạnh tranh trong hệ thống ngân hàng là tạo cơ hội cho các ngân hàng tư nhân xuất hiện. Các ngân hàng này sẽ cho các xí nghiệp tư nhân vừa/nhỏ vay tiền, thay vì bao nhiêu tiền của dân đều “chảy” vào “túi” ngân hàng nhà nước để chuyển cho các xí nghiệp quốc doanh lãng phí.
Tư nhân rồi đây có thể được tham gia góp vốn từ 10-15% vào các doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, khu vực kinh tế nhà nước và các tập đoàn quốc doanh vẫn giữ vai trò chính yếu, tức là chưa có chuyện cải cách doanh nghiệp nhà nước một cách triệt để như đón đợi.
Từ đó, suy ra những lực cản còn khá mạnh từ các trung ủy đang quản lý hệ thống doanh nghiệp nhà nước có quá nhiều đặc quyền và đặc lợi.
Số 3 sau cùng của “383” là ba mục tiêu của cải cách: hướng về nông thôn, tăng hiệu năng của hoạt động đầu tư và tái cân bằng nền kinh tế. Về điều này thì cần nói rằng, sự biểu đạt về quyền sở hữu đất đai của người nông dân tại Trung Quốc tuy được đề cập nhưng chưa triệt để.
Dựa vào thị trường nhiều hơn để phân bổ nguồn lực đất đai hy vọng sẽ trao lại nhiều quyền hơn cho người nông dân. Song cách làm này cũng giống như cuộc cải cách các doanh nghiệp nhà nước, thực chất vẫn chưa đụng chạm gì đến vấn đề cốt lõi của quyền tài sản, tức là quyền sở hữu, mà chỉ đề cập đến các “cấu thành” phái sinh từ quyền sở hữu.
Thời gian và thủy triều chẳng đợi ai…
Hội nghị này vẫn chưa giải quyết được yêu cầu cải cách chế độ hộ khẩu là điều cực kỳ quan trọng về cả kinh tế lẫn xã hội và thực tế đang là trở ngại cho tiến trình đô thị hóa và hiện đại hóa đất nước.
Nhưng một số kết quả quan trọng khác có thể ghi nhận.
TW3 khai sinh ra hai cơ quan mới cho thấy quyết tâm hành động cao của người đứng đầu: Ủy ban An ninh Quốc gia và Ủy ban Thúc đẩy Cải cách Toàn diện. Có thể ông Tập sẽ giữ luôn cả hai “ghế” này. Nếu đúng thế, cùng với ba “ghế” hiện nay: Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quân ủy, ông Tập sẽ nắm luôn cả 5 đầu mối quyền lực. Và ông sẽ trở thành nhà lãnh đạo mạnh mẽ nhất của Trung Hoa cho đến nay (ngang ngửa/hoặc vượt cả ông Đặng?).
Mục đích của ông là muốn giành quyền kiểm soát toàn cục, cả về chính trị, kinh tế, quân sự lẫn ngoại giao. Ông đã mất cả năm cho việc này. Theo báo chí phương Tây, vì “thời gian và thủy triều chẳng đợi ai” (time and tide wait for none) nên ông Tập muốn hành động.
GS. Jin Canrong, chuyên gia về quan hệ quốc tế từ Đại học Nhân dân Bắc Kinh nhận định: “Các mối quan hệ đối ngoại và tình hình nội trị của Trung Quốc giờ đây diễn biến phức tạp. Các cơ quan trong nước thì rời rạc và thiếu sự phối hợp chặt chẽ”. Trong khí đó, ông Tập muốn đối phó hiệu quả hơn với Mỹ và Nhật Bản là các đối thủ trên toàn cầu lẫn trong khu vực của Bắc Kinh.
Chưa nói tới giới trung lưu ở Trung Quốc hiện đang cập nhật ngày càng nhiều thông tin và đưa ra nhiều đòi hỏi hơn. Một số cuộc biểu tình đã dẫn tới bạo lực đều bắt nguồn từ sự bất bình của người dân đối với chính quyền. Tính chính thống của chế độ bị đe dọa nghiêm trọng.
Ông Tập vừa muốn níu kéo tính chính thống của đảng, vừa muốn kiểm soát chặt chẽ định chế này (Ông dọa sẽ “hốt” cả ruồi lẫn hổ trong chống tham nhũng). Nhưng giữ được sự cân bằng trong trò bập bênh này thật không dễ! Vụ Bạc Hy Lai chưa phải là phép thử cuối cùng.
Khó nhất cho giai đoạn tiếp theo của cải cách ở Trung Quốc là cái mô hình “xài” 30 năm nay giờ đây thành dĩ vãng. Dựa vào các số liệu do chính Trung Quốc công bố gần đây, Krugman – chủ nhân giải Nobel kinh tế từ 2008 cho rằng, mô hình kinh tế của Trung Quốc đang gặp vấn đề lớn.
Cách làm ăn đưa kinh tế Trung Quốc phát triển tới mức khó tin trong 3 thập kỷ qua đến nay đã kịch giới hạn. Theo Krugman đây không phải là bước lùi nhỏ, mà là vấn đề mang tính nền tảng.
Nói một cách hình tượng, cỗ máy kinh tế Trung Quốc sắp đâm sầm vào “Vạn lý Trường thành”. Và câu hỏi hiện giờ chỉ là cái tai nạn sắp xẩy ra này nghiêm trọng đến tầm cỡ nào mà thôi.
Ở vào bước ngoặt ấy dĩ nhiên lãnh đạo Trung Quốc quá hiểu là đã đến lúc phải thay đổi, vì “giấc mộng Trung Hoa”.
Nhưng từ một nghị quyết (như của TW3 này) trong đó nhiều nội dung còn chưa rõ, các cấp dưới còn phải phân giải thành các chương trình để vận dụng.
Với hệ thống lãnh đạo phức tạp của một quốc gia quá lớn, việc thi hành này sẽ mất một thời gian, còn phải qua nhiều đấu tranh và thỏa hiệp. Bấy giờ mới đến lượt chúng ta là những nhà quan sát đứng ngoài, tùy cảm quan của mỗi vị mà “sờ voi” để đánh giá rằng Trung Quốc sẽ cải cách tiếp theo như thế nào…
- Hoàng Dũng Nhân