-“Tôi đáp rằng ông Giáp đã công bố những chuyện sẽ xảy ra năm nay (1972) ngay từ năm 1969.” – nữ ký giả nổi tiếng Oriana Fallaci thuật lại lời đáp của bà với Henry Kissinger trong một cuộc phỏng vấn.

LTS: Oriana Fallaci (1929 - 2006) là  nữ ký giả nổi tiếng thế giới người Italy, từng là phóng viên chiến trường tại Việt Nam, Trung Đông, Ấn Độ, Pakistan, Nam Mỹ. Bà từng hai lần đoạt giải thưởng báo chí St.Vincent, và nhiều giải thưởng cao quý về văn học, báo chí và văn hóa.

Oriana Fallaci là tác giả của một số cuốn sách, trong đó nổi tiếng là cuốn Đối thoại với lịch sử (Intervew with History). Đây  là một cuốn tự truyện của tác giả, về quá trình xúc tiến và nội dung các cuộc phỏng vấn những nhà hoạt động chính trị và quân sự nổi tiếng nhất thế giới thời đó, như Yasir Arafat, Indira Gandhi, Võ Nguyên Giáp, Kissinger, Golda Meir...

Tuần Việt Nam trân trọng giới thiệu đến độc giả một góc nhìn của nữ ký giả về Đại tướng.

{keywords}

Bìa cuốn sách Intervew with History

Bài phỏng vấn tướng Giáp của Oriana Falaci nhan đề “Mỹ sẽ thua, tướng Giáp khẳng định” (Americans will lose, says General Giap), đăng trên báo  Washington Post, 6/4/1969.

Cuộc gặp diễn ra vào tháng 2/1969 và được Oriana Fallaci ghi lại trong chương 3 cuốn sách. Mở đầu chương, Fallaci viết:

[Tên của ông được nghe nhiều nhất trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Không phải vì ông là Bộ trưởng Quốc phòng, Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang, Phó thủ tướng, mà vì ông đã đánh bại người Pháp ở Điện Biên Phủ.

Người Mỹ sống trong cơn ác mộng Điên Biên, và khi tình hình bắt đầu xấu đi, họ bảo: “Ồ, ông Giáp lại đang chuẩn bị cho một Điện Biên Phủ mới”. Hoặc đơn giản hơn: “Giáp đấy”. Họ bàn về Giáp khi Việt Cộng phát động cuộc tiến công Tết Mậu Thân, tháng Hai 1968. Họ tiếp tục nói về Giáp tháng Ba và tháng Tư, khi quân miền Bắc lấy Huế, và bao vây Khe Sanh. Họ vẫn nói về Giáp vào tháng Năm và tháng Sáu, khi Việt Cộng mở đợt tiến công thứ hai vào Sài Gòn và Tây Nguyên.

Họ sẽ nói về Giáp nhiều năm nữa. Cái tên ngắn và khô, như một cái tát vào mặt, như một sự đe nẹt mãi mãi lơ lửng trên đầu, như một ông ngáo ộp, dọa từ vĩ tuyến 17 trở xuống. Anh có thể dọa bọn trẻ con: “Tôi gọi ông ba bị đến bây giờ”. Anh cũng có thể dọa người Mỹ bằng cách thì thào: “Giáp đang đến đấy”.] (hết trích)

Theo Fallaci, Hồ Chí Minh cũng gọi Võ Nguyên Giáp là “Ngọn núi lửa phủ tuyết” (cách người Pháp gọi ông Giáp), vì những cơn thịnh nộ và sự im lặng sắt đá, và “Cóc tía” vì sự gan dạ của Giáp…

Fallaci ngưỡng mộ đôi mắt của tướng Giáp, nhà lãnh đạo quân sự vĩ đại trong diện mạo nhỏ bé. Bà viết: “Đôi mắt của Giáp! Hẳn đây là đôi mắt thông minh nhất mà tôi từng được thấy. Sắc sảo, linh lợi, tươi vui, dữ dội – tất thảy mọi thứ. Một đôi mắt long lanh như hai tia sáng, xuyên thấu anh tựa như hai lưỡi kiếm, ánh mắt đầy quyết đoán, uy nghi”. Đến mức Fallaci cho rằng, dù ông Giáp đã khóc khi có tin Hồ Chí Minh từ trần (khoảng 1943 - thời kỳ Hồ Chí Minh bị Quốc dân đảng Trung quốc cầm tù), “nhưng không một điều gì trên thế giới có thể buộc được cặp mắt ấy đẫm lệ một lần nữa”.

Fallaci cũng cho rằng tướng Giáp, không gò bó lễ nghi trong cử chỉ và trong nụ cười, không “quan cách”. Lẽ ra phải đáp lời ông Giáp bằng câu “Vâng, thưa Đại tướng” (Oui, mon Général), bà nói “Vâng, thưa ông” (Oui, Monsieur), nhưng điều này không làm tướng Giáp khó chịu.

Theo Fallaci, tướng Giáp cũng là người nhìn thẳng vào sự thật. Khi Fallaci cho rằng Tết Mậu thân cuối cùng đã không đạt được thắng lợi trọn vẹn, và lực lượng cách mạng bị tổn thất lớn, tướng Giáp đã không ngắt lời bà…

Việc Fallaci được phỏng vấn tướng Giáp là một sự kiện vô tiền khoáng hậu. Do những người đi cùng với bà là các đảng viên cộng sản Italia, và hẳn cũng do khi mới 13 tuổi, cô bé Oriana đã tham gia lực lượng vũ trang kháng chiến chống phát xít, chống nền độc tài của Mussolini.

Tháng 11/1972, Fallaci phỏng vấn Kissinger, trong đó có một đoạn liên quan đến tướng Giáp. Fallaci viết:

[Câu hỏi đầu tiên của Kissinger là về tướng Giáp, “như đã bảo cô, tôi không bao giờ cho phỏng vấn riêng. Lý do xuất hiện khả năng này đối với cô là do tôi đã đọc bài phỏng vấn tướng Giáp của cô. Rất hay. Ông Giáp là người thế nào nhỉ?”

Ông ta bắt đầu cuộc vấn đáp, chỉ tạo một khoảng ngắn cho câu trả lời, buộc tôi phải dàn xếp gọn nhận xét của mình. “Tướng Giáp ư? Một kẻ sĩ theo phong cách Gô loa… Giọng đều đều như đọc bài giảng… Tuy nhiên, những điều ông ấy nói bây giờ đã thành sự thật”.

Cách diễn đạt vắn tắt một nhân vật tầm cỡ như tướng Giáp như thế làm người Mỹ cảm thấy bị tổn thương. Họ hơi mê ông Giáp, theo cách họ hâm mộ tướng Rommel  ba mươi năm về trước. Khái niệm “kẻ sĩ theo phong cách Gô loa” làm Kissinger hoang mang. Rồi phát hiện “đều đều” xem ra cũng gây bối rối, vì ông biết người ta thường dùng nó để ám chỉ ông. Mắt Kissinger nháng lên vẻ thù địch tới hai lần. Vì đòn đánh mạnh nhất chính là ở việc tôi xác nhận rằng tướng Giáp đã tiên liệu mọi chuyện. “Cái gì thành sự thật?” ông ta ngắt lời tôi.

Tôi đáp rằng ông Giáp đã công bố những chuyện sẽ xảy ra năm nay, 1972, ngay từ năm 1969.

“Ví dụ như?”

“Ví dụ như quân Mỹ đang phải rút ít một ít một khỏi Việt Nam, rồi kết cục đến bằng việc họ sẽ bỏ lửng cuộc chiến tranh ngày càng ngốn nhiều tiền của, đẩy Hoa Kỳ đến bờ vực thẳm của lạm phát”.] (hết trích).

Kissinger hỏi, điều gì nổi bật nhất trong cuộc phỏng vấn tướng Giáp. Đó là tướng Giáp không bằng lòng với tiếp diễn của các đợt tiến công năm Mậu Thân, Fallaci trả lời.

Sách Đối thoại với lịch sử  được xem là tác phẩm độc đáo và có tính đối chất, thể hiện rõ tính cách quyết liệt, không khoan nhượng của Fallaci, tới mức bị gán là “cực đoan”. Cũng thể hiện bút pháp sắc sảo, cách phê phán dữ dội đến mức đả kích, những phán quyết “chói tai”, của bà.

Bà được ca ngợi là một “giọng nói nồng nhiệt và đầy sức mạnh” của thế kỷ 20, luôn táo bạo và đanh thép trong phanh phui những mặt trái của chính trị, quyền lực và thói ích kỷ, đang tàn phá các giá trị dân chủ ở mọi nơi. Đặc biệt, có tác giả đánh giá Fallaci là “người phỏng vấn chính trị vĩ đại nhất thời hiện đại” (“the greatest political interviewer of modern times”)

Được giải Annie Taylor về lòng dũng cảm, do Trung tâm Nghiên cứu văn hóa đại chúng (Center for the Study of Popular Culture), Fallaci được ca ngợi là “một viên tướng trong cuộc đấu tranh vì tự do”…

Một nhân cách hay được bàn tới, nhiều người ưa nhưng cũng lắm kẻ thù (controversial), cuối đời, Oriana Fallaci chọn cách sống ẩn dật. Nhưng tại New York, Fallaci đã chứng kiến vụ khủng bố  9/11/2001 và viết ba cuốn sách tố cáo chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo. Các sách của bà được dịch ra 12 thứ tiếng và bán được hàng triệu bản. Fallaci mất năm 2006 vì bệnh ung thư phổi, “một trận chiến duy nhất mà bà chịu thua”.

Lê Đỗ Huy

>> Mời độc giả ghé thăm và đóng góp ý kiến cho trang Fanpage của Tuần Việt Nam