Chuyến đi của Joe Biden sẽ nhấn mạnh vào việc truyền đạt mối quan tâm về "sự rõ ràng trong những ý định thực hiện các bước đi sắp tới" của TQ - theo các quan chức cấp cao chính quyền Obama.

>> Trung Quốc tấn công, Mỹ sẽ 'bênh' Nhật?

>> Vùng phòng không: TQ muốn 'khiêu' Nhật, kiềm Mỹ

>> Vùng phòng không TQ: Sau Hoa Đông sẽ "xử" biển Đông?

Chuyến viếng thăm châu Á kéo dài một tuần của phó Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ bắt đầu vào hôm nay 3/12. Đây là chuyến viếng thăm cấp cao nhất từ các nhà lãnh đạo Mỹ tới Châu Á - Thái Bình Dương kể sau biến cố khủng hoảng ngân sách gần đây.

Sự kiện này thu hút sự chú ý rất lớn từ cộng đồng quốc tế do nó diễn ra đúng vào thời điểm mà các căng thẳng về tranh chấp Hoa Đông tăng cao do Trung Quốc tự ý thiết lập vùng "nhận dạng phòng không" ADIZ ngày 23/11 vừa qua.

{keywords}

Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một cuộc gặp. Ảnh: Reuters

Chuyến đi này của Phó Tổng thống Joe Biden nhắm tới nhiều mục tiêu khác nhau, nhưng về cơ bản là nhấn mạnh lại tầm quan trọng của khu vực trong chính sách đối ngoại của nước Mỹ. Cuộc khủng hoảng ngân sách, kéo theo đó là việc Tổng thống Barrack Obama không thể thực hiện các chuyến thăm Châu Á như cam kết, phần nào làm giảm uy tín và mức độ cam kết chính sách của Washington tại khu vực. Nhiệm vụ của ông Biden lần này sẽ là cố gắng tái khẳng định, tái định hướng, xoa dịu đồng minh và phần nào "thăm dò" động thái chính sách của Trung Quốc tại khu vực.

Những mục đích chính của chuyến đi lần này là nhắm tới hoàn thành Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Nhật Bản nằm trong số các nước đang đàm phán; khẳng định lại với đồng minh Hàn Quốc về việc thiết lập một bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân; gia tăng thực hiện FTA giữa Hoa Kỳ - Hàn Quốc; đóng góp vào việc giảm thiểu căng thẳng và gia tăng ngoại giao ở biển Hoa Đông và biển Đông; củng cố mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc sau Hội nghị Trung ương 3; và bao trùm lên tất cả là thúc đẩy những vấn đề liên minh quan trọng ở Nhật Bản và Hàn Quốc.

Có thế thấy, đây là bước đi đầu tiên nhằm khẳng định lại uy tín và vị thế của Mỹ như là một cường quốc hàng đầu khu vực. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Susan Rice vào ngày 20/11 đã xác lập những bước đi cụ thể tiếp theo trong chiến lược quay trở lại châu Á của Washington, với trọng tâm là tăng cường quan hệ với các đồng minh.

Có thể kể đến như việc Mỹ tuyên bố sẽ ủng hộ Tokyo thiết lập Hội đồng an ninh quốc gia; hay tiếp tục khẳng định việc sẽ "rộng cửa" trong quá trình đàm phán hạt nhân với Triều Tiên, nhưng sẽ sử dụng các chính sách cứng rắn nếu cần thiết. Trong chuyến thăm này, ông Biden chắc chắn cũng sẽ khẳng định lại với người Nhật rằng Hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật tồn tại hơn 50 năm qua vẫn còn nguyên vẹn và có đầy đủ hiệu lực kể cả tại khu vực tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư

Bên cạnh những mục tiêu đã được đề cập, phó Tổng thống Joe Biden còn có một nhiệm vụ quan trọng khác là thảo luận trực tiếp với những nhà làm chính sách ở Bắc Kinh về tuyên bố đơn phương của Trung Quốc về ADIZ ở biển Hoa Đông. Đây được coi là một nhiệm vụ mới và đầy thách thức của Biden, nhưng lại được coi là rất phù hợp do Phó Tổng thống vốn có mối quan hệ cá nhân tốt với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Theo các quan chức cấp cao chính quyền Obama, Joe Biden sẽ nhấn mạnh vào việc "giảm bớt căng thẳng khu vực" và truyền đạt mối quan tâm về "sự rõ ràng trong những ý định thực hiện các bước đi sắp tới" của Trung Quốc, mà theo những gì quan chức cấp cao của chính quyền Obama gọi là "hành vi mới nổi của Trung Quốc gây lo ngại ở khu vực láng giềng và đặt ra câu hỏi về cách Trung Quốc thực hiện ở không gian quốc tế, và cách Trung Quốc giải quyết với những khu vực tranh chấp."

Tuy nhiên theo Jia Qingguo, giáo sư tại Trường Nghiên cứu Quốc tế thuộc Đại học Bắc Kinh, một giải pháp ngay lập tức cho vấn đề ADIZ là khó khả thi và "Trung Quốc sẽ trả lời ông Biden rằng việc thiết lập ADIZ là một hành vi được coi là tiêu chuẩn tại hơn 20 quốc gia, vậy tại sao phải ồn ào về chuyện này?".

Rõ ràng mối quan hệ với Trung Quốc sẽ được giới truyền thông và học giả chú ý, khi cạnh tranh Mỹ - Trung sẽ là đặc điểm chính trị nổi bất trong giai đoạn hiện nay. Jin Canrong, một nhà khoa học chính trị tại Đại học Nhân dân tại Bắc Kinh, cho rằng chuyến thăm của ông Biden có khả năng đề cập tới các căng thẳng của Trung Quốc với các nước láng giềng, song vấn đề quan trọng nhất vẫn là quan hệ chiến lược Mỹ - Trung.

Một quan chức cấp cao tại Washington cũng đã tuyên bố về việc hai bên sẽ cố gắng "tìm ra những cách thức để hai cường quốc lớn Mỹ và Trung Quốc có thể xây dựng một kiểu quan hệ khác ở thế kỷ 21". Cũng theo giáo sự Jia, bên cạnh vấn đề về căng thẳng lãnh thổ, hai bên cũng nên tập trung vào các mối quan hệ khác như kinh tế, thương mại...

Thuận Phương - Uyên Uyên (Irys)

Học giả quốc tế nói gì về động cơ ADIZ của Trung Quốc?

Theo cách nhìn của các chuyên gia phân tích chính trị thế giới, việc xác lập ADIZ của Trung Quốc là dựa trên nhiều nguyên nhân và điều kiện, đã được nước này ấp ủ từ rất lâu trong " giấc mộng Trung Hoa" của mình.

Thứ nhất, Trung Quốc là nước đang phát triển với tốc độ chóng mặt về kinh tế. Sự vươn lên mạnh mẽ ấy cùng với những tham vọng có sẵn đã tạo thế và lực để nước này gây nhiều vụ tranh chấp ở nhiều nơi trên thế giới. Chính phủ Trung Quốc đang nuôi dưỡng những mục đích lâu dài cho kế hoạch bành trướng của mình. Vì thế, Trung Quốc đang nỗ lực chạy đua giành quyền ảnh hưởng ở nhiều khu vực, ví dụ như ở Biển Đông,..

Thứ hai, "chủ nghĩa dân tộc" là một vấn đề không mới, nhưng nó đang  trỗi dậy mạnh mẽ ở cả Trung Quốc và Nhật Bản. Cả Nhật Bản và Trung Quốc đã và đang áp dụng nhiều biện pháp để chơi con bài chủ nghĩa dân tộc nhằm chuyển sự chú ý ở trong nước ra bên ngoài. Vì vậy, các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng như Nhật Bản đã và đang thổi bùng ngọn lửa chủ nghĩa dân tộc nhằm xoa dịu các đòi hỏi chính trị trong nước.

Và sự bùng phát càng gia tăng khi ông Shinzo Abe trở thành thủ tướng Nhật Bản. Ngay từ những ngày đầu tiên lên làm Thủ tướng , ông đã có những lời lẽ và hành động rất mạnh mẽ dành cho Trung Quốc. Abe được đánh giá là một người có lập trường và chủ nghĩa dân tộc mạnh mẽ nhất trong số các nhà lãnh đạo Nhật Bản trong một thập kỷ qua.

Điều này đã tạo cho Trung Quốc thêm một sự kích thích để hình thành thêm nhiều động lực quân sự.  Chuỗi đảo Senkaku/ Điếu Ngư từ lâu đã trở thành một trong những khu vực tranh chấp của Trung  - Nhật do những điều kiện về nguồn tài nguyên dồi dào của nó. Trong điều kiện cả Trung Quốc và Nhật Bản đều muốn tìm kiếm thêm nguồn năng lượng cho nền kinh tế, không có gì khó hiểu khi nó trở thành nơi để hai nước căng thẳng.

Ông Zhu Feng, giáo sư nghiên cứu quốc tế tại Đại học Bắc Kinh, cho biết Trung Quốc đã thành lập các khu vực nhận diện phòng không để "kiềm chế sự kiêu ngạo của chính quyền Abe". Tuy nhiên, mục đích được coi là sâu xa hơn chính là việc Trung Quốc muốn tăng cường chính sách đối ngoại của mình. Việc thành lập ADIZ  đã làm cho cả Thái Bình Dương lo ngại và thu hút sự quan tâm của cả cộng đồng thế giới.

Tuy Mỹ và Nhật bản coi ADIZ là  "vô giá trị" nhưng Trung Quốc vẫn phớt lờ và tiếp tục khiêu khích. Tuy vậy, Trung Quốc lại chưa có những phản ứng quyết liệt đối với máy bay B-52 của Mỹ qua vùng này. Điều đó đã khẳng định, Trung Quốc đang cố gắng nhắc lại về sự tranh chấp chuỗi đảo này với thế giới, giành giật về vấn đề chủ quyền chứ không phải là một cuộc phô trương sức mạnh quân sự.

Nói tóm lại, việc Trung Quốc xác lập ADIZ là một bước trong kế hoạch lâu dài của mình. Nước này đang cố gắng thực hiện sự bành trướng của mình qua việc gây sóng gió trên trường chính trị quốc tế. Sỡ dĩ Trung Quốc có đủ "cơ sở" để thiết lập vùng này là do sự chống đối mạnh mẽ của Nhật Bản - một trong những quốc gia đang có xu hướng trở thành thù địch với họ. Dự báo tình hình khu vực biển Hoa Đông sẽ ngày càng nóng thêm và chưa thể hạ nhiệt.

Phúc Yên (tổng hợp)

>> Mời độc giả ghé thăm và đóng góp ý kiến cho trang Fanpage của Tuần Việt Nam