Khả năng xoay trục của Mỹ cũng chịu ảnh hưởng rất lớn từ chính sách của Nga và Trung Quốc - hai nước bị kiềm chế nhiều nhất từ chính sách xoay trục này.

>> Tập Cận Bình sẽ trả lời Mỹ ra sao?

>> Trung Quốc tấn công, Mỹ sẽ 'bênh' Nhật?

>> Vùng phòng không: TQ muốn 'khiêu' Nhật, kiềm Mỹ

Ngày 20/11/2013, cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng Susan Rice đã chính thức tuyên bố về tương lai chính sách đối ngoại Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương trong nhiệm kì hai của tổng thống Obama. Bà Rice cũng thông báo những kế hoạch của Obama để trở lại châu Á - Thái Bình Dương vào tháng 4/2014.

Theo đó, dù vẫn tiếp tục xây dựng nền móng cốt yếu cho các yếu tố nền tảng của lợi ích quốc gia, Mỹ cũng có một thay đổi nhỏ khi "định nghĩa lại" ba mục đích cũ là an ninh, thịnh vượng và tự do thành bốn mục đích chủ đạo mới. Đó là tăng cường an ninh, lan tỏa sự thịnh vượng, cổ vũ những giá trị dân chủ và thúc đẩy chân giá trị của con người.

Còn thực chất, các mục tiêu chính của Chiến lược tái cân bằng 2.0 cũng không khác nhiều so với giai đoạn trước khi nước Mỹ (1) tái khẳng định nỗ lực để gia tăng hiện diện tại châu Á - Thái Bình Dương; (2) tái đảm bảo các đồng minh và đối tác khu vực trong tiến trình thực hiện trách nhiệm của Mỹ tại khu vực; (3) xác nhận lại sự lãnh đạo của Mỹ tại châu Á.

{keywords}

Đội tàu Hải quân Mỹ tại châu Á - TBD

Tái cân bằng chính sách tái cân bằng

Việc thông báo về "tái cân bằng 2.0" nhưng chỉ tái khẳng định các mục tiêu cũ không phải chỉ là lời tuyên bố suông như trong giai đoạn trước, Mỹ không thể hiện nhiều sự can dự tại khu vực, ngay cả khi Philippines bị gây hấn hay Nhật Bản bị thách thức. Thực tế, "tái cân bằng 2.0" chính là bước đi chính xác và đúng thời điểm để thực hiện chiến lược "tái cân bằng" mà Mỹ đã đưa ra từ 2011, hay còn được giới quan sát gọi là "tái cân bằng chính nó".

Lý do đơn giản là đến nay, Mỹ mới có thể giải quyết "khoảng trống tinh thần" của các đồng minh châu Âu với Hiệp định đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP); cũng như tạm bình ổn các vấn đề tại Trung Đông, để có thể tập trung vào châu Á.

Nhưng quan trọng nhất, bước đi này của Mỹ là nhằm đối phó với sức mạnh đang gia tăng và ảnh hưởng từ những chính sách khu vực mới của Trung Quốc, bao gồm việc tăng cường chính sách với các nước láng giềng, thúc đẩy "con đường tơ lụa" mới xuyên qua đất liền và biển, cũng như các chính sách cứng rắn tại Đông Á. Vì vậy, điều chắc chắn sẽ xảy ra từ tháng 4/2014 chính là sự tăng tốc thực hiện chiến lược và tập trung nguồn lực mạnh mẽ của Mỹ vào châu Á - Thái Bình Dương.

Sự tập trung chiến lược này, theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel, sẽ không chỉ liên quan tới các quan hệ quân sự trong khu vực. Mà "nó sẽ là kinh tế, là thương mại, là văn hóa, là xã hội, là giáo dục, là an ninh, là ổn định - tất cả những điều này là một phần của mối quan hệ trong một thế giới liên kết lẫn nhau."

Sự khẳng định mở rộng phạm vi ảnh hưởng của chiến lược tái cân bằng 2.0 được đưa ra khi Mỹ và Canada ký Khuôn khổ Hợp tác song phương về châu Á - TBD - thể hiện nỗ lực chính thức lôi kéo đồng minh quan trọng bậc nhất của Mỹ vào chiến lược tái cân bằng châu Á.

Việc gia tăng sự hỗ trợ từ đồng minh Canada - vốn không có tranh chấp tại châu Á - là một bước đi rất quan trọng của Mỹ. Bởi hiện nay, các đồng minh của Mỹ tại khu vực Đông Á không chỉ tranh chấp với Trung Quốc, mà nguy hiểm hơn, họ còn có những tranh chấp lịch sử với nhau.

Chẳng hạn, căng thẳng giữa Đài Loan và Philippines vào tháng 5/2013 về việc một ngư dân Đài Loan bị Philippines bắn chết. Hay việc Đài Loan phản đối Philippines điều tàu chiến ra bãi Cỏ Mây đang tranh chấp, mặc dù mục đích của Philippines là giám sát tàu của Trung Quốc hoạt động phi pháp.

Còn quan hệ Nhật - Hàn cũng trở nên bi quan. Theo một khảo sát công bố gần đây, chỉ có 22% người Hàn Quốc được khảo sát kỳ vọng vào quan hệ này, trong khi tỉ lệ kì vọng vào quan hệ tốt với Triều Tiên lên tới 46% và Trung Quốc là tới 66%. Thậm chí vào tháng 11/2013, tổng thống Hàn Quốc còn cho rằng việc nhóm họp Hội nghị thượng đỉnh Hàn - Nhật sẽ làm quan hệ song phương thêm tồi tệ nếu Chính phủ Nhật Bản không thừa nhận sai lầm quá khứ và thể hiện thái độ trách nhiệm đối với vấn đề nô lệ tình dục Hàn Quốc trong Chiến tranh thế giới thứ 2.

Hai thách thức chiến lược

Nhưng những vấn đề này vẫn đang dần lắng xuống, trong khi hai thách thức lớn nhất hiện nay đối với chiến lược tái cân bằng của Mỹ lại đang tăng lên. Thứ nhất là sự nghi ngại của đồng minh của Mỹ đối với khả năng đảm bảo an ninh của nước này. Đặc biệt là tại biển Đông, khu vực có vị trí địa chính trị, địa chiến lược cực kì quan trọng nhưng lại chỉ có hai đồng minh thuộc loại yếu nhất của Mỹ là Đài Loan và Philippines.

Chưa kể Mỹ không thể giải quyết triệt để căng thẳng song phương giữa hai nước này, mà việc Mỹ không thể đảm bảo sự toàn vẹn cho Philippines khi im lặng nhìn Trung Quốc chiếm Scarborough của Philippines đã làm lòng tin bị suy giảm nghiêm trọng. Thậm chí còn làm dấy lên lo ngại về việc Mỹ "mất đà" trong khi đang "xoay trục" về châu Á, cộng với các đồn đoán về việc giải quyết vấn đề hạt nhân Iran, hay nội chiến Syria,...

Thứ hai, khả năng xoay trục của Mỹ cũng chịu ảnh hưởng rất lớn từ chính sách của Nga và Trung Quốc - hai nước bị kiềm chế nhiều nhất từ chính sách xoay trục này. Không chỉ liên tục "quấy phá" các tính toán của Mỹ tại Trung Đông với việc phản đối trừng phạt "quá mức" Iran, mà hai nước này thậm chí còn ngăn cản Mỹ tấn công Syria. Điều này khiến cho Mỹ không thể nhanh chóng ổn định Trung Đông để tiến về châu Á, trong khi vẫn phải luôn lo ngại về sự gia tăng ảnh hưởng của Nga - Trung tại "rốn dầu" thế giới.

Bên cạnh đó, không chỉ cạnh tranh ảnh hưởng của Mỹ tại Trung Đông, Trung Quốc còn đang gia tăng nhanh chóng ảnh hưởng của mình tại châu Phi, châu Mỹ La Tinh, và đặc biệt là châu Á. Việc Trung Quốc hoàn thành phép thử ở biển Đông với việc chia rẽ thành công ASEAN trong AMM 45 hay chiếm được bãi cạn Scarborough ở Philippines đang thể hiện rất rõ ràng quyền lực kinh tế - chính trị của nước này đang gia tăng nhanh chóng.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng việc chính thức tập trung chiến lược hoàn toàn vào khu vực này cũng đã dẫn đến những chuyển biến quan trọng trong cách hiện thực hóa các mục tiêu đã đề ra. Theo đó, nước Mỹ sẽ giảm các hành động nhạy cảm do các biện pháp an ninh - quân sự gây ra, đồng thời tăng cường các phương thức chính trị mềm dẻo và "chậm rãi".

Điều này không chỉ giúp giảm căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, hay giúp các đồng minh bậc trung của Mỹ như Úc, Hàn Quốc, Singapore, .... "dễ thở" hơn khi nằm giữa ảnh hưởng của hai cường quốc hàng đầu thế giới. Nó còn giúp Mỹ dễ dàng tiếp cận các nước trong khu vực giữa xu hướng chuyển biến chính trị sâu sắc.

Việc phó tổng thống Joe Biden thăm ba nước Đông Á là Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc dường như là một bước đi tích cực để thể hiện cùng lúc ba mục tiêu quan trọng. (1) "giảm bớt căng thẳng khu vực" do Trung Quốc gây ra với vùng Nhận dạng phòng không (ADIZ); (2) thăm dò động thái chính sách của Trung Quốc trong khu vực; (3)  xoa dịu căng thẳng lịch sử Nhật - Hàn để chuẩn bị cho "Tái cân bằng 2.0".

Diễn biến tiếp theo của sự cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung tại châu Á - Thái Bình Dương chắc chắn sẽ tạo ra cơ hội cho rất nhiều quốc gia, trong đó có cả các nước ASEAN và Việt Nam.

Vũ Thành Công (Irys)