Nếu Trung - Nhật xung đột quy mô lớn gần Senkaku/ Điếu Ngư và không có bên thứ 3 tham gia, nhiều khả năng TQ sẽ thắng, nhưng tổn thất rất nặng.

Kỳ 1: 'Chiến tranh' Đông Bắc Á: Dự đoán kịch bản

Kỳ 2: Đối đầu trên không: Trung Quốc hay Nhật thua? 

Hải quân Nhật Bản

Lực lượng Phòng vệ biển của Nhật Bản rất đông và hiện đại. Ở khu vực Senkaku/ Điếu Ngư, Nhật có thể triển khai ít nhất 4 tàu khu trục Aegis từ các căn cứ ở Yokosuka, Sasebo và Kure. Năng lực của chúng bao gồm khả năng kiểm soát các lực lượng hải quân và hoạt động trên không, tỷ lệ phát hiện mục tiêu cao và có thể vận hành tất cả các vũ khí trên tàu.

Nhật Bản cũng có thể sử dụng hàng chục tàu khu trục có khả năng chiến đấu khiêm tốn hơn để thực hiện việc phòng thủ chống ngầm và phòng thủ trên không.

Đối với các mục tiêu của nhiệm vụ chiến đấu chống Trung Quốc, chủ yếu là giám sát các tàu ngầm hạt nhân của nước này, Nhật Bản có thể điều động tới 8 tàu ngầm hiện đại chạy bằng diesel. Một tàu chở trực thăng lớp Hyuga mới cũng có thể được sử dụng để thực hiện các nhiệm vụ chống ngầm.

Nhật Bản còn có nhiều tàu đổ bộ. Tuy nhiên, một chiến dịch đổ bộ lên Senkaku/ Điếu Ngư có thể chỉ thực hiện được bằng các nhóm quân nhỏ không trang bị vũ khí hạng nặng, đổ bộ từ các trực thăng hoặc tàu đệm khí.

Hơn nữa, một chiến dịch đổ bộ chỉ có thể thành công nếu chiếm uy thế cả trên biển lẫn trên không, điều mà không bên nào trong hoàn cảnh hiện nay có thể.

{keywords}

Chiến hạm của Lực lượng Phòng vệ biển của Nhật Bản. Ảnh: AP Photo/Kyodo News

Cần lưu ý rằng, nếu Nhật Bản thiết lập một tiền đồn ở Okinawa, nước này sẽ phải vận chuyển một lượng lớn vũ khí hạng nặng, đạn dược và vật liệu bằng đường biển. Ngay cả khi đi theo "hải trình Thái Bình Dương", với biển Hoa Đông chỉ là chặng cuối, thì những hoạt động vận chuyển đó vẫn dễ bị tấn công. Do vậy, Nhật Bản sẽ phải đảm bảo các đoàn tàu của họ có đầy đủ năng lực phòng thủ chống ngầm.

Nhưng có một thực tế, các tàu của Nhật không có khả năng tấn công các cơ sở ven biển trên lãnh thổ Trung Quốc do không được phép sở hữu các loại hệ thống tên lửa liên quan.

Hải quân Trung Quốc

Hải quân của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc có tiềm lực chiến đấu đáng nể. Hạm đội Đông Hải (với các căn cứ chính ở Ninh Ba và Thượng Hải) được triển khai trực tiếp ở vùng xung đột.

Sức mạnh chiến đấu thực sự có thể thấy rõ ở 4 tàu khu trục do Nga chế tạo được trang bị các vũ khí uy lực. Hạm đội Đông Hải còn có 7 tàu ngầm hiện đại chạy bằng diesel (trong đó có 4 tàu của Nga), có khả năng thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ chiến đấu, gồm lần tìm kẻ thù trên mặt biển và cả dưới nước, tiêu diệt kẻ thù bằng các tên lửa chống tăng và ngư lôi, và đặt mìn.

Tuy nhiên, Hạm đội Đông Hải vẫn thiếu các lực lượng chống ngầm hiệu quả. Cần nhớ rằng các tàu mang tên lửa của Trung Quốc (không rõ số lượng trong khu vực là bao nhiêu, nhưng chắc chắn không dưới con số 20) sẽ không cho phép các tàu nổi của Nhật tiếp cận bờ biển.

Nhiều người sẽ cho rằng trong trường hợp xảy ra một cuộc xung đột liên quan đến Senkaku/ Điếu Ngư, một phần Hạm đội Nam Hải cũng sẽ tham gia tác chiến, và làm suy yếu hoàn toàn sức mạnh có vẻ như vượt trội của Nhật Bản trên biển. Các tàu tân tiến nhất của hạm đội này được trang bị các hệ thống tương đương hệ thống đa năng Ageis và có khả năng tiêu diệt các mục tiêu kẻ thù cả trên không lẫn trên biển ngoài tầm bắn của vũ khí Nhật.

Cân bằng hải quân

Tính tổng cộng, hai hạm đội có 20 tàu đổ bộ gồm các loại khác nhau, tuy nhiên, triển vọng về một chiến dịch độ bộ quy mô lớn lên quần đảo Senkaku/ Điếu ngư là ít có khả năng.

Về các tàu thuộc Hạm đội Bắc Hải, Trung Quốc có thể sẽ quyết định giữ nguyên chúng trong căn cứ. Ngoại lệ duy nhất là các tàu ngầm hạt nhân đa năng.

Hiện không có dữ liệu chính thức về số lượng tàu ngầm hạt nhân mới mà Hải quân Trung Quốc đang có trong tay (có lẽ là 3 chiếc) và mức độ sẵn sàng chiến đấu của 4 tàu ngầm cũ. Tuy nhiên, có thể đoán ít nhất 2 tàu ngầm sẽ tham gia vào một nỗ lực nhằm phá vỡ các hoạt động tiếp tế cho Okinawa.

Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc hiện nay vẫn đang trong quá trình thử nghiệm và vẫn chưa thể được xem như đã tham gia nhiệm vụ chiến đấu.

Vì vậy, trong một cuộc xung đột quy mô lớn giữa Trung Quốc và Nhật Bản gần Senkaku/ Điếu Ngư, nếu không có bên thứ 3 tham gia, chiến thắng gần như sẽ về tay Trung Quốc, nhưng tổn thất sẽ rất cao.

Kết luận này có thể được đưa ra chủ yếu dựa trên lợi thế của Trung Quốc về số lượng cả trên biển lẫn trên không, cũng như các nguồn dự phòng lớn của nước này, với các vũ khí và hệ thống chiến đấu có năng lực tương đương hoặc vượt trội hơn. Tất cả những lợi thế trên vượt xa khả năng tổ chức và quản lý vốn rất xuất sắc của người Nhật. 

Sam Nguyễn (Theo RBTH)

-----

Về các tác giả bài viết:

Andrey Gubin: Tiến sĩ về Các nghiên cứu Chính trị, Giám đốc Các chương trình Nghiên cứu tại Trung tâm châu Á - Thái Bình Dương thuộc Viện Các nghiên cứu chiến lược Nga, Phó Giáo sư thuộc Khoa Quan hệ Quốc tế trường Đại học Liên bang Viễn Đông.

Artem Lukin: Tiến sĩ về Các nghiên cứu Chính trị, Phó Giáo sư tại Khoa Quan hệ Quốc tế, Phó Hiệu trưởng trường Các nghiên cứu Quốc tế và Khu vực thuộc Đại học Liên bang Viễn Đông.