Sau cuộc "quay lưng" không mấy bất ngờ của Ukraine với EU, giờ đây chúng ta nên nhìn sự việc này dưới một góc độ khác, đó chính là mối quan hệ láng giềng "nước lớn, nước nhỏ".

>> Putin có ra tay 'cứu' tổng thống Ukraina?

>> 'Mời gọi' hấp dẫn, Nga thắng thế

"Người tí hon" cạnh "gã khổng lồ"

Với diện tích 17.075.400 km2 - lớn nhất thế giới và gần 143 triệu người, Nga "nghiễm nhiên" được xếp hàng những quốc gia "lớn" của thế giới. Không những thế, nền kinh tế này còn được IMF dự đoán sẽ đứng thứ 8 trong top 10 quốc gia phát triển nhất vào năm 2017.

Những điều này khiến Nga không khỏi mang trong mình "não trạng nước lớn" so với người hàng xóm Ukraine. Ngược lại, nếu so với Nga, có thể nói Ukraine chỉ là những "người tí hon" bên cạnh "gã khổng lồ".

Xếp hạng diện tích thứ 44 trên thế giới (603.700 km2), và chỉ bằng khoảng 1/3 dân số Nga, chưa kể nền kinh tế Ukraine đang trải qua giai đoạn khó khăn. Suốt 1 năm rưỡi vừa qua, Ukraine liên tiếp bị sụt giảm về GDP - mức nợ công đã bùng nổ và vượt quá GDP 30%, trong khi mức thâm hụt ngân sách có thể vượt hơn 8% trong năm nay khiến Ukraine không khỏi phụ thuộc vào người hàng xóm "rộng lượng" sẵn sàng giúp đỡ mình như Nga.

Nền kinh tế Ukraine đang đối mặt với nhiều khó khăn như suy thoái, thâm hụt thương mại và tài khoản vãng lai lên đến 5,5% GDP, mức tín dụng quốc tế bị đánh giá có mức rủi ro cao.

Trong bối cảnh như vậy, cố vấn kinh tế điện Kremlin - Serguei Glaziev thông báo là Kiev sẽ nhận được hàng loạt hợp đồng với trị giá hàng chục tỷ USD trong các lĩnh vực năng lượng, không gian - vũ trụ, hạt nhân. Ngoài ra, Ukraine cũng sẽ nhận thêm các ưu đãi khác dưới dạng giảm và xóa nợ hay miễn thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng xuất xứ từ Ukraine.

Với những chỉ số đều thua kém Nga, Ukraine không thể không "gắn mình" vào cái mác nước nhỏ bên cạnh ông bạn khổng lồ này.

Điều này hoàn toàn đúng trong trường hợp Nga đã "ngửa bài" với Ukraine thông qua chính sách "cây gậy củ cà rốt". Bằng cách đó, Ukraine phải hiểu rõ những khó khăn nhãn tiền mình sẽ gặp nếu "chẳng may" từ chối Nga, bởi đây được coi là "quyền" của một nước lớn.

Tuy nhiên cũng cần nhận thức rõ, dù yếu tố địa lý trong mối quan hệ giữa "nước lớn - nước nhỏ" là bất biến, nhưng điều này cũng không đủ sức ảnh hưởng đến mối quan hệ phức tạp giữa 2 bên. Yếu tố thực sự có thể chi phối đó chính là "nhận thức, tâm lý nước lớn" và "thái độ ứng xử nước lớn" của Nga.

Nga thực sự hiểu rõ mình là ai và đang đứng ở đâu. Đó là một nước lớn - cả về diện tích và sức mạnh quốc gia. Chính vì thế tâm lý "đại quốc" của Nga khi so với "tiểu quốc" Ukraine là điều hoàn toàn dễ hiểu.

Không những thế, thái độ ứng xử của Nga cũng có thể thấy rõ sự thiếu tôn trọng của một nước lớn đối với một nước nhỏ. Mặc dù đa số người dân Ukraine ủng hộ việc nước này thân EU, nhưng Nga không hề quan tâm điều đó và hoàn toàn bỏ qua nguyện vọng này, đồng thời cho biết sẽ tiến hành các biện pháp trừng phạt kinh tế nếu cần thiết.

{keywords}

Biểu tình lớn ở Quảng trường Độc lập, thủ đô Kiev của Ukraine đòi Tổng thống Viktor Yanukovych từ chức. Ảnh: Reuters

Lựa chọn của Ukraine

Để đối mặt với những chính sách của nước lớn, các quốc gia nhỏ hơn có 3 lựa chọn: phù thịnh, trung lập hoặc đối đầu. Ukraine đã chọn cho mình một con đường khá khôn ngoan và hợp thời hợp thế: phù thịnh.

Có thể nói, trong bối cảnh EU đang suy yếu và Nga vẫn đang trên đà phát triển thì việc chọn Nga sẽ không quá khó hiểu. Hành động "bán bà con xa mua láng giềng gần" đã được Ukraine áp dụng khá tốt và ở một chừng mực nào đó, Nga vẫn sẽ dành sự tôn trọng nhất định để "đền đáp" thái độ cho quốc gia trong không gian hậu Xô Viết này.

Các nhượng bộ có thể kể đến như Kiev không tìm kiếm vị trí thành viên trong Tổ chức quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO), kéo dài thời gian đồn trú cho Hạm đội Biển Đen của Nga tại Crimea - Ukraine, cho phép các doanh nghiệp của Nga tham gia một số ngành kinh tế quan trọng của quốc gia, hay ủng hộ các chủ trương đối ngoại của Moskva.

Từ tính chất quan hệ như vậy, có thể thấy chính quyền của Tổng thống Yanukovych đang dùng EU như một công cụ để mặc cả với Kremlin. Trước mắt, với việc ngừng thỏa thuận ký kết hiệp định hợp tác với EU, Kiev đã giành được những cam kết về hỗ trợ kinh tế từ Nga.

Trong tương lai, nếu tiếp tục với mô hình hội nhập Á - Âu của Tổng thống Putin, tiếng nói của Ukraine chắc chắn sẽ được cải thiện, vì Nga sẽ không muốn phải bỏ một "khoản đầu tư" lớn khác để giành giật Ukraine với EU.

Về mặt chính trị, việc kiềm chế sự ảnh hưởng của một quốc gia tại một khu vực thông qua những hiệp định thương mại như một cơ chế đòn bẩy không còn là chuyện quá xa lạ. Một báo cáo mới đây của Trung tâm nghiên cứu Easterner, Iwona Wiśniewska cũng cho rằng những mục đích chính trị là khá rõ ràng trong chính sách hội nhập kinh tế khu vực của Moskva.

Đó là ngăn cản các bên thứ ba như EU, Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng và giúp ngăn chặn quan hệ Nga và các nước SNG trở nên lỏng lẻo. Bản báo cáo cũng chỉ ra việc các nước SNG (cộng đồng các quốc gia độc lập thuộc hệ thống Xô Viết cũ) tăng cường quan hệ với Nga - một đối tác vượt trội về kinh tế, quân sự, địa chính trị sẽ khiến các nước này trở nên phụ thuộc hoàn toàn vào Nga. Có lẽ đây mới thực sự là một trong những nguyên nhân chính khiến EU tìm mọi cách lôi kéo Ukraine về phía mình.

Tuy nhiên, có lẽ điều mà EU không ngờ tới chính là: nếu việc chọn Ukraine làm nhân vật chính trong chính sách hướng Đông lần này thất bại sẽ đồng nghĩa với kế hoạch "xoay trục" của châu Âu cũng bị phá sản.

Xét cho cùng, mối quan hệ "nước lớn - nước nhỏ" có căng thẳng đối đầu hay hòa bình thương lượng đều tùy thuộc vào tâm lý, cách ứng xử nước lớn và thái độ "khôn ngoan" của nước nhỏ. Việc láng giềng của bạn là ai - gã khổng lồ hay người tí hon? Câu trả lời sẽ giúp lí giải tại sao Ukraine "quay lưng" với EU.

Hoài Thương