-Tòa án cấp dưới làm sai, rồi cũng chính tòa án này lại điều tra, lại xử, có ở đâu như vậy không?

2013 sắp qua đi với một trong các ấn tượng đậm nét cuối năm là chuyện tòa án xét xử công dân nhiều oan sai. Nhiều vụ việc được các phương tiện truyền thông lật lại phân tích và đề nghị xem xét.  Điển hình là vụ Nguyễn Thanh Chấn. Không chỉ báo chí, dư luận mà ngay cả trong nghị trường Quốc hội cũng nóng lên.

Biết sai vẫn cứ làm?

Thật ra không phải ở nước ta mà nhiều nước cũng có chuyện tòa xử oan sai. Tuy nhiên cái sai của họ không biết có phần nhiều do… chủ quan của con người nghĩ ra, như việc xử oan sai của tòa án nước ta.

Ở xã hội ta, điều nguy hiểm chính là ở đó. Biết sai vẫn cứ làm chứ không phải nghiệp vụ non kém, do khách quan đem lại. Còn vì sao, động cơ là gì thì có vô vàn con đường dẫn đến oan sai.

Gần đây Nhà nước đang bàn chuyện cải cách tư pháp. Cải cách như thế nào để không oan sai, điều tra khách quan, xét xử khách quan là điều người dân mong đợi.

{keywords}
Án oan Nguyễn Thanh Chấn gây chấn động nhân tâm.

Từ thực tế theo dõi khiếu kiện trong những năm vừa qua, người viết bài thấy việc cải cách tư pháp là yêu cầu khách quan, cấp bách. Bởi vì nhiều vụ oan sai nhưng thủ tục rườm rà, lòng vòng mất nhiều thời gian. Có vụ trải qua hàng chục năm người dân phải chịu đựng vô cùng đau khổ. Nhiều vụ, người dân không có thời gian cũng không có tài chính, đành buông tay.

Nhiều vụ án mà VietNamNet đã có phản ánh là những ví dụ cho chuyện lòng vòng đó. Vụ ở Đà Lạt dân khiếu kiện đòi bồi thường giải tỏa gần 20 năm. Vụ ở Thanh Hóa dân đòi lại đất theo lệnh của nhà nước tiêu thổ kháng chiến đến nay cũng chưa giải quyết ổn thỏa…

Hay vụ án dân sự ở Khánh Hòa xin được lấy làm ví dụ. Vụ án này xét ở những góc độ nghiệp vụ chẳng có gì phức tạp, chỉ là vụ án dân sự anh em tranh giành đất đai thừa kế. Mà chuyện này thì ở ta có luật hẳn hoi rồi, rất rõ ràng. Có di chúc hợp lệ thì chia thế nào, không có di chúc thì ai là hàng thừa kế được chia…, nghĩa là khá tỷ mỉ.

Tuy nhiên vụ này có cái khác hơn là người đòi chia đất lại là một Việt kiều ở Mỹ về đòi chia đất thừa kế của bố mẹ cho người em ở trong nước. Cái điểm nút hay là ẩn số cũng chính là ở đây.

Nếu cứ đúng như những gì luật đã nêu thì còn gì là điều tra, còn gì hấp dẫn. Chưa nói chuyện do động cơ gì nhưng tòa Khánh Hòa đã xử cho vị Việt kiều này được nhận hết số đất của bố mẹ để lại mà người em không được gì. Vì họ ghép đất đai nhà cửa của người em mà trước đó bố mẹ cho đã có giấy chứng nhận quyền sở hữu để rồi phán là số đất đại đó là phần của người em.

Đơn kêu cứu gửi lên tòa cấp trên, tòa tối cao khu vực. Cũng không hiểu bằng cách nào đó tòa tối cao khu vực cũng y án.

Không chịu cách giải quyết của hai cấp tòa, người em đã ra tận Hà Nội gửi đơn đến Tòa án Nhân dân Tối cao, đến các cơ quan chức năng và cả báo chí. Nhiều tờ báo đã vào cuộc chỉ ra những khuất tất. Có báo còn gửi công văn đến những địa chỉ phải trả lời, phải giải quyết. Nhưng, không hiểu sao, tất cả vẫn im lặng … đáng sợ.

Ròng rã hai năm trời gõ hết cửa này sang cửa khác nhưng ở ta những cơ quan tiếp dân thì cũng chỉ biết nhận và chuyển đơn chứ có phải là cơ quan điều tra đâu mà biết mô tê thế nào, để xử. Dân đến kêu oan, đến nộp đơn thì các cơ quan đó cũng chỉ biết chuyển đơn đến nơi mà người dân địa phương đó đi khiếu kiện. Cuối cùng, bất kỳ vụ nào cũng vậy đơn sẽ lại được gửi… về địa phương.

Cấp dưới làm sai, lại điều tra, tự xử?

Còn vụ án này, đơn thư của người dân sau hai năm liên tục không ngừng không nghỉ đã thấu đến Tòa án Nhân dân Tối cao. Đây là một trường hợp khá may mắn vì Tòa án Nhân dân Tối cao cuối cùng cũng đã có kháng nghị gửi về Khánh Hòa đình chỉ vụ án.

Sau đó, (cũng phải hơn nửa năm) Tòa án Nhân dân Tối cao lập Hội đồng giám đốc thẩm với 11 thành viên do ông Trương Hòa Bình làm chủ tọa. Phiên tòa đã chỉ ra những cái sai của tòa cấp dưới và Quyết định hủy toàn bộ án dân sự.

Tưởng như thế là đã xong xuôi, vụ án đã kết thúc và người oan sai không còn phải chạy đi kêu cứu nữa, nhưng không phải vậy. Quyết định của Hội đồng chỉ là Giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa xét xử sơ thẩm lại theo đúng qui định của pháp luật.

Thế là lại bắt đầu lại từ đầu của việc xét xử. Hồ sơ đã đi một vòng bây giờ lại tiếp tục vòng lại. Mà ai có thể đảm bảo tòa cấp dưới xét xử lại, đã là minh bạch không oan sai. Vì đã một lần xử oan sai cho dân rồi nên họ mới chạy lên trên Tòa án Nhân dân Tối cao.

Một tâm lý thường thấy, khi đã làm sai thì người ta thường quyết ngụy biện, tìm mọi cách để chạy, để chống chế khó ai có thể thừa nhận mình đã làm sai. Như vụ ông Chấn ở Bắc Giang đấy. Toàn bộ bản tường trình của những người điều tra vụ án đều không có gì sai sót, nghĩa là đúng qui trình, đến nỗi có tờ báo đã phải viết rằng thế thì chỉ có ông Chấn ép Công an thôi (?). Ông Chấn chính là thủ phạm muốn đi tù nên ép cán bộ điều tra phải làm hiện trường giả và đề nghị được nhận tội để được đi tù (?).

Tóa án cấp dưới làm sai, rồi cũng chính tòa án này lại điều tra, lại xử, có ở đâu như vậy không? Đến nỗi trong vụ án oan 10 năm của ông Nguyễn thanh Chấn, bà Lê Thị Nga Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khi thảo luận ở Hội trường Quốc hội đã phải yêu cầu rút hồ sơ để Bộ Công an điều tra chứ không để công an Bắc Giang làm, vì như thế là không khách quan.

Vậy vụ án ở Khánh Hòa như vừa nêu, cũng bắt đầu từ cấp dưới làm sai, không biết cái vòng luẩn quẩn ấy sẽ có còn diễn ra nữa không?

Mà chắc sẽ lại diễn ra vì hiện trạng đất đai sau khi Tòa án Khánh Hòa tuyên đã hoàn toàn bị thay đổi. Ông Việt kiều, được tòa án xử hưởng trọn đất đai. Còn người em, lập tức bị đội thi hành án phá nhà, phá nhà Từ đường chung để sau đó ông Việt kiều đem bán cho người khác và chẳng có kinh doanh cũng không công ty nào nữa. Vì ông này thành lập công ty chỉ là để có cơ sở, để “hợp pháp hóa” việc đòi đất. Người mua thì nhanh chóng làm sổ đỏ và ngôi nhà cao tầng sừng sững mọc lên trên lô đất ấy. Còn ông Việt kiều cao chạy xa bay về Mỹ từ đó.

Ai sai, ai phải giải quyết là câu chuyện còn dài dài.

Ngày xưa quan dưới làm sai, quan trên về điều tra, giải quyết rất nhanh, xử đúng người đúng tội, tiếng thơm còn ghi trong sử sách. Sao bây giờ nhiều văn bản chỉ đạo, nhiều cấp tòa nhưng không thể giải quyết dứt điểm những vụ án dân sự rất bình thường, ai nhìn vào cũng biết. Cái gì làm cho vụ án đơn giản lại trở thành phức tạp?

Điều trớ trêu của cuộc sống trong thời gian qua, nhiều vụ việc đi khiếu kiên, đòi lại công lý không bắt nguồn từ người dân mà bắt nguồn từ việc tòa xử oan sai.

Cải cách tư pháp là điều tất yếu phải đi, phải đến, trong đó có hoạt động xét xử của các tòa án. Làm sao cho các án oan sai được giảm bớt, thời gian vụ án được nhanh chóng giải quyết, công lý được thực thi là điều mà nhân dân đang trông đợi.

Bao Công là câu chuyện sách vở, nhưng tòa án trong xã hội ta cũng đang rất cần những Bao Công như vậy.

  • Nguyễn Đăng Tấn