Một dân tộc không biết xấu hổ trước hành vi đớn hèn của con người dân tộc mình, dân tộc đó mãi mãi lẹt đẹt trước văn minh và văn hóa.

I
-Bản năng là những hành vi ứng xử tiềm ẩn của con người. Và chỉ trong những cơ hội nào đó, nó mới bộc lộ bột phát không kiềm chế. Nhưng điều đó không thể biện hộ, bào chữa cho những hành vi bản năng hồn nhiên, hoang dã, thậm chí biến thành tội lỗi của người Việt với người Việt mới đây.

Đó là vụ việc hàng trăm người, có kẻ còn lôi cả xe ba gác xông vào “cướp”, “hôi của”” - hơn 1000 két bia Tiger- tại vòng xoay Tam Hiệp (phường Bình Đa, t/p Biên Hòa- Đồng Nai), trước tai nạn của lái xe Hồ Kim Hậu, mặc cho người lái xe van nài đau khổ.

{keywords}

Hình ảnh trong vụ "hôi bia"

Cái vòng xoay ác nghiệt, và giây phút không làm chủ được tốc độ của lái xe Hậu bỗng trở thành “phép thử” bất đắc dĩ phẩm cách người Việt.

Tiếc thay, hàng trăm con người nam nữ già trẻ, họ đều không vượt qua nổi phép thử về lòng tham. Vụ việc tai nạn nổi tiếng thành tai tiếng, thành nỗi hổ thẹn, thậm chí nỗi nhục của người Việt, trước con mắt thế giới. Khi nó được chính cả một trong những Đài truyền hình hàng đầu Liên Bang Nga có tên gọi RenTV đưa tin, và làm ngỡ ngàng rất nhiều người ngoại quốc Mỹ, Anh, Hàn Quốc, Philippines… đang làm việc tại VN. Khi nó làm “đỏ mặt” lương tri của cả xã hội.

Không biết những “kẻ cướp” không chuyên đó, khi uống những lon bia cướp được từ tai nạn của đồng loại, lương tâm họ có… mát hơn không?

Cũng tiếc thay, đây không phải vụ đầu tiên. Người ta có thể thống kê không ít vụ nổi tiếng do sở thích hôi của, cướp của rất đáng xấu hổ của người Việt mỗi khi có cơ hội.

Vụ hôi của từ tai nạn của lái xe Phạm Viết Sơn chở bia bị đổ tại cầu vượt Tân Thới Nhất (Q. 12, t/p HCM), ngày 02/ 07. Hàng chục người đi đường xông vào “cướp” mang về uống.

Điệp khúc “hôi của” còn được lặp lại với tài xế Vũ Văn Khởi khi anh này chở hàng trăm thùng bia lưu thông trên cầu vượt Quốc lộ 1A, đoạn qua xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh- t/p HCM.

Hôi của cho người chưa đủ, đến gia súc cũng có phần. Khi trước đó, ngày 12/08/2012, một xe tải chở hơn 20 tấn thức ăn hỗn hợp dành cho… vịt bị lật nhào xuống ruộng tại tỉnh Bình Định. Lần này, cả nhà mình vui!

Nhưng “thích” nhất vẫn là cướp được tiền. Khi cơ hội bao năm mới có một ngày xảy đến. Một người đàn ông đi xe máy, đến đoạn vòng xoay An Dương Vương - Trần Phú - Sư Vạn Hạnh (Q.5, TP.HCM) bị cướp giật. 50 triệu đồng tung tóe ra đường. Thay vì giúp người bị nạn, người ta chạy ra nhặt giúp và cho vào … túi mình, trước sự thẫn thờ của người bị tai nạn “kép”.

Lòng tham của một số người Việt đã trở nên không giới hạn, ngay cả khi cần giữ thể diện. Đó là câu chuyện cách đây ít tháng, Đại sứ quán Hà Lan tổ chức tặng 3000 chiếc áo mưa, mong muốn nâng cao nhận thức chung về biến đổi khí hậu.

Hàng trăm người ở Thủ đô thanh lịch đã “hưởng ứng” theo kiểu đổ xô lên sân khấu “cướp" áo mưa từ tay ban tổ chức, trước con mắt ngỡ ngàng của họ. Không biết những vị khách kiểu đó có thay đổi được nhận thức về môi trường không, nhưng chắc chắn chủ nhà hôm đó có cơ hội nhận thức thêm về góc khuất của người Việt, mà những chiếc áo mưa đã không che nổi (Tri thức, ngày 07/12).

Biện bạch cho những hành vi đáng hổ thẹn này, cũng có những người dẫn chứng vụ việc của quốc gia Philippines khi nước này bị cơn bão Hải Yến tàn phá, hay của nước Nhật ở một số nơi mà sức chịu đựng của con người đã vượt quá giới hạn, khi trận động đất lẫn sóng thần khủng khiếp tràn qua, năm 2011.

Có điều, đó là những hệ lụy của thiên tai, không phải hệ lụy của nhân tai.

Đương nhiên, hiện tượng “cướp của”, “hôi của” không phải nỗi hổ thẹn của riêng quốc gia nào, nhất là ở những nước đang phát triển, chậm phát triển. Nhưng sự biện hộ kiểu đó, sẽ không giúp gì cho một dân tộc đang hướng tới chuẩn mực của sự phát triển. Bởi một dân tộc không biết xấu hổ trước hành vi đớn hèn của con người dân tộc mình, dân tộc đó mãi mãi lẹt đẹt trước văn minh và văn hóa.

{keywords}

Cũng không phải chỉ có những hành vi “cướp của”, “hôi của” làm… chủ đạo. Đã có tấm băng rôn đau khổ của lòng tự trọng mà một người dân vô danh căng lên: Là dân Biên Hòa, là người VN, tôi thấy xấu hổ thay cho những ai đã cướp vài lon bia ở đây trưa ngày 04/12. Đã có hàng trăm lời bình luận, trao đổi, bất bình, phẫn nộ về hành vi này trên các trang mạng xã hội.

Thậm chí, có những đề xuất của bạn đọc VietNamNet (ngày 11/12): Người dân Biên Hòa nên lập một thùng (ngay chỗ xảy ra tai nạn)- làm “nơi trả bia”-  để tiếp nhận số bia bị lấy cắp. Ai đã trót uống bia có thể quy ra tiền và kèm lời xin lỗi, coi như “người uống bia trả chậm thanh toán tiền cho anh tài xế!

Đó cũng là một kiến giải- “phép thử” khác về lòng tự trọng, kêu gọi sự hướng thiện của người Việt, những mong chữa được những tổn thương trong lòng cả xã hội những ngày này.

Được biết, mới đây cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai đã có quyết định khởi tố vụ án “hôi bia” tai tiếng.  

Cho dù thế, sự tổn thương xã hội vẫn rất khó có thể lên da non,  nếu không có những liều thuốc mạnh mang tầm vĩ mô. Thì vụ viêc “cướp của”, “hôi của” này vẫn không phải là vụ cuối cùng, nó vẫn có thể nảy nở theo những mô típ khác.

Mổ xẻ ở góc độ tâm lý xã hội, Ts Trịnh Hòa Bình (Viện xã hội học) cho rằng, tâm lý tiểu nông đã ăn sâu vào tính cách người Việt, khiến họ chỉ thích thu vén cho riêng mình. Bên cạnh đó là sự rối loạn về giá trị sống, nhiều người không biết cái gì đúng, cái gì sai, phải tôn thờ cái gì, dẫn đến lối sống vị kỷ, coi trọng vật chất.

Hoàn toàn đúng. Nhưng sự rối loạn giá trị sống, bắt nguồn từ đâu, nếu không phải từ sự bất ổn, khi mà khuyết tật của cơ chế quản lý kinh tế- chính trị- xã hội vẫn chưa chữa lành lặn.

Mặc dù, xã hội xác định nền kinh tế thị trường có định hướng XHCN, nhưng sự quản lý quá lỏng lẻo, sự giẫm đạp ngang nhiên pháp luật, những lỗ hổng to đùng của chính cơ chế quản lý này đã là miếng mồi ngon của các “nhóm lợi ích, nhóm thân hữu, nhóm lợi ích cục bộ” và quốc nạn tham nhũng xâu xé hoành hành, phản chiếu đâu đó, hình ảnh của “kinh tế tư bản hoang dã”?

Sự rối loạn giá trị sống, dẫn đến thói ích kỷ, xâu xé, cộng với đặc điểm tâm lý tiểu nông ngự trị, chỉ biết lợi ích cá nhân mình, thấm sâu vào tâm lý người Việt một cách vô thức trước những khiếm khuyết, lỗ thủng của thể chế. Trong khi tiếc thay, các vị “thợ cả” có trách nhiệm lại quá “vụng vá may”, bởi cái đầu xơ cứng không… điều khiển nổi cái tay.

Không phải không có lý, khi Ts Nguyễn Sĩ Dũng nhận định, tìm kiếm những nguyên nhân cơ bản và sâu xa trong việc xác lập hệ thống giá trị và bảo đảm sự trung thực của tất cả các thiết chế xã hội, sẽ quan trọng hơn rất nhiều. Đây mới là chìa khóa giúp chúng ta xử lý được triệt để những bế tắc về đạo đức hiện nay.

Hệ thống giá trị đó chỉ có thể được xác lập nơi Thần Công lý  không thể… mắt nhắm hờ, mặc cho cái đốn mạt, cái xấu xa ngang nhiên hoành hành. Ở đó, nền pháp trị luôn là người thầy hướng đạo sáng suốt hay ngược lại, mò mẫm trong đêm tối. Đó sẽ là hạnh phúc hoặc khổ đau của từng dân tộc.

Bản năng và nhân cách con người mỗi dân tộc luôn phản chiếu nhân cách dân tộc đó, trước văn minh, văn hóa nhân loại. Là niềm kiêu hãnh hay tủi hổ, cũng chính do con người dân tộc đó quyết định!

II- Sự rối loạn giá trị sống, không biết thế nào là đúng, thế nào là sai, ngay lập tức đã có minh họa sinh động, khiến lòng người nhức nhối.

Đó là vụ việc mới đây, người bán hàng rong Trịnh Xuân Tình, khi bán hàng dưới lòng đường trước nhà 11B5 cư xá 30/4, phường 25, quận Bình Thạnh (t/p HCM), đã bị nhóm nhân viên Trật tự quản lý Đô thị và bảo vệ dân phố, gồm 09 người cưỡng chế thô bạo trước sự chứng kiến của hàng trăm người dân giữa thanh thiên bạch nhật.

Đòn hội đồng đã khiến anh này bất tỉnh tại chỗ gần 01 tiếng đồng hồ nằm còng queo dưới đất, hai tay vẫn bị còng sau lưng. Anh này sau đó, được công an phường sở tại đưa đi Bệnh viện Nhân dân Gia Định.

Công bằng mà nói, Trịnh Xuân Tình có cái sai- vi phạm quy định quản lý đô thị, khi bán hàng lấn chiếm lòng đường. Mà nói theo ngôn ngữ công quyền, anh này phải bị phạt vì vi phạm hành chính.

Nhưng cái sự không biết thế nào là đúng, không biết thế nào là sai ở đây, hóa ra cuối cùng thuộc về nhóm… gần chục vị quản lý đô thị, dân phòng phường sở tại, khi đối xử với anh này hệt một tội phạm hình sự nguy hiểm.

Dân làm sai, bởi họ có thể ít được học hành, và lối sống tiểu nông vốn chảy trong huyết quản. Nhưng các vị cán bộ chức năng, được học hành đủ các quy định pháp luật, đủ cả chức trách bổn phận, cũng lại không biết thế nào là đúng, thế nào là sai trong hành xử với dân; thì điều đó chỉ lợi bất cập hại. Mà cái sự hại nhất, là niềm tin của dân vào chính quyền sở tại- cánh tay nối dài của Nhà nước ở cơ sở-  chỉ là một số 0 to tướng.

Vụ việc đáng chê trách cho cả hai phía, lẽ ra không đến mức gây ồn ào đến thế, nếu như cấp quản lý phường 25- phường sở tại-  có thái độ cầu thị sau vụ việc này.

Tiếc thay, ngay cả khi các hình ảnh phản cảm, anh Tình bị bóp cổ, hai tay bị còng quặt ra sau lưng nằm còng queo trên mặt đất bị đưa liên tiếp lên mặt báo, tung lên các trang mạng xã hội với rất nhiều ý kiến bất bình về thái độ hành xử, “bắt nạt dân”, thì trái với bản chất vụ việc, ông Chủ tịch phường 25 Nguyễn Văn Quý vẫn làm một bản báo cáo sai lạc hẳn, bằng giấy trắng mực đen.

Rằng, anh Tình là người… tấn công cả tổ công tác (dù anh này chỉ có một mình, người thì lẻo khoẻo, trong khi  tổ công tác thì có đến 09 đồng chí). Rằng anh Tình nằm ăn vạ. Rằng, thương tích bầm tím ở hai tay do bị còng chứ tổ công tác không có hành vi đánh đập, như báo chí đã nêu. Rằng, việc các báo nêu là không có cơ sở (Lao động, ngày 10/12).

{keywords}

Hình ảnh người bán hàng rong bị lực lượng chức năng bóp cổ khiến nghị trường "nhức nhối". Ảnh: Dân trí

Đọc bản báo cáo của ông Chủ tịch Nguyễn Văn Quý, nhiều người dân sở tại bỗng đâm lo sợ, mà nghĩ tới câu thành ngữ dân gian miệng quan, trôn trẻ. Bởi nếu cứ căn cứ vào miệng ông Chủ tịch phường 25, bất cứ người dân nào cũng có thể là một “anh Tình tiềm ẩn”- như nhà báo Đào Tuấn đã chua chát thốt lên.

Nhưng tiếc thay, ông Chủ tịch phường cũng quên rất nhiều điều.

Rằng bút sa gà chết. Rằng thời buổi này, là thời đại công nghệ số để người dân có thể nói có sách, mách có chứng ngay lập tức, như một sự đối chứng với cái lưỡi không xương nhiều đường lắt léo. Rằng ông mắc tội quan liêu, khi không chứng kiến vụ việc đánh đập dân, còng tay dân tại hiện trường, nơi mà hàng chục người dân sẵn sàng làm chứng “chống” lại lời nói dối không phải cuối cùng của ông.

Ông Chủ tịch phường 25 đã quên khuấy những bài học của Chủ tịch Hồ Chí Minh, về đức tính thật thà, dũng cảm. Thật thà để không bóp méo sự thật. Dũng cảm để biết dám thừa nhận cán bộ của phường mình làm sai. Đó là tiêu chí đầu tiên của người lãnh đạo am hiểu và không bị rối loạn các giá trị sống- như Ts Trịnh Hòa Bình đã nhìn nhận.

Bình luận về vụ việc tai tiếng này, ông Lê Trương Hải Hiếu, Bí thư phường Bến Thành cho rằng, theo qui định chỉ có công an mới có quyền còng tay người có hành vi phạm tội. Còn ông Nguyễn Hồng Hà Phó Ban Văn hóa - Xã hội HĐND (Tp HCM) khẳng định, không ai được phép đánh dân!

Dư luận đang chờ cách giải quyết sòng phẳng cả hai vụ việc, “cướp bia” và đánh dân.

Hai vụ việc, khác hẳn nhau về nội dung câu chuyện, nhưng đều phản chiếu vấn đề lớn của lớp sương mù “kinh tế tư bản hoang dã” phảng phất đâu đây trong xã hội Việt đương đại. Đó là giá trị sống rối loạn đang rất cần được điều chỉnh: Lối sống tư hữu nhỏ, tiểu nông, ích kỳ, cướp giật của người Việt, văn hóa hành xử với dân giẫm đạp trên pháp luật, sự quan liêu và dối trá của một số quan chức đã thành thói quen tệ hại…

Một sự kiện lớn cách đây ít lâu diễn ra thu hút sự chú ý của cả xã hội- Hiến pháp mới vừa được Quốc hội nhất trí thông qua, với nhiều điểm ghi nhận về quyền con người. Cũng là lần đầu tiên Hiến pháp viết hoa chữ “Nhân dân” nhằm khẳng định bản chất nhà nước do dân, vì dân và tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân…. Làm rõ nội dung quyền con người, quyền công dân, trách nhiệm của Nhà nước và xã hội trong việc tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân. (Người Lao động, ngày 09/12)

Một chữ Nhân dân viết hoa trong văn bản Hiến pháp, để thành một chữ Nhân dân viết hoa trong đời thường còn là một khoảng cách dài. Ở đó, đòi hỏi sự thành tâm của cả xã hội xây dựng và hoàn thiện công cụ quyền lực lớn nhất, duy nhất, bảo đảm quyền con người thực hiện trọn vẹn, hướng người Việt sống theo chân- thiện- mỹ- đó là luật pháp văn minh, nhân bản và phải được thượng tôn.

Ở đó, quyền con người được các cấp chính quyền từ cơ sở trở lên thực sự tôn trọng, thực hiện trong đời sống, bảo đảm theo những quy định của pháp luật.

Ở đó, quyền con người được người dân thực thi bằng cách hành xử văn minh, tôn trọng pháp luật và nâng đỡ nhau. Cũng tức là hoàn thiện nhân cách công dân nước Việt.

Chứ không phải là chữ nhân dân bé tẹo, viết tháu, và người Việt cam chịu chung sống mãi với lối sống bản năng ích kỷ, thiển cận, tiểu nông.

Kỳ Duyên

Xem bài cùng tác giả

Con voi ma túy và cơn đột quỵ bất thường

Con voi ma túy đáng sợ, con chuột tham nhũng đáng ghét. Nhưng cả hai con vật từ to lớn đến bé tẹo, đều bị giật dây bởi con người, chừng nào xã hội chưa có sự công khai minh bạch đúng nghĩa…            

Bác sĩ, đàn bà và sự mê dụ tàn nhẫn

Xét cho cùng, đồng tiền đâu có lỗi. Lỗi là ở con người, vừa nặng tham- sân- si, vừa trì trệ và xơ cứng tư duy...