Một buổi tối, vợ tôi mách, nhà bác Bảy hôm nay có khách đấy. Một thằng cu bé tẹo, mắt sáng, nói lí nhí đôi câu nhưng hay đáo để.

>> Bạo hành trẻ: Sự chịu đựng đã đến giới hạn

Những ngày này, cả xã hội vẫn chưa hết bàng hoàng về câu chuyện bảo mẫu bạo hành trẻ. Tôi lại nhớ đến đôi vợ chồng già hàng xóm ở đối diện và tình yêu thương, sự chăm sóc họ dành cho đứa trẻ con của một cặp vợ chồng công nhân.

Nhà tôi và bác hàng xóm ấy đều toàn người lớn, bố con đi làm tối mịt mới về. Chỉ có hai bà vợ về hưu sớm sáng ra chợ, trưa ăn qua quýt và xem phim Hàn Quốc, tán chuyện quê, có khoai ngô bánh trái gì cũng san sẻ nhau và nấu nướng và chờ cả nhà quây quần bên nhau bữa tối.

Một buổi tối, vợ tôi mách, nhà bác Bảy hôm nay có khách đấy. Một thằng cu bé tẹo, mắt sáng, nói lí nhí đôi câu nhưng hay đáo để. Chả là thằng cu ấy một dạo được bố mẹ gửi trông để đi làm. Mờ sáng mẹ nó dắt đến cùng với một bọc quần áo và một đùm bột hồ, thìa, bát. Chập tối, bố nó tới đón, mang lại nhà những thứ mang đi từ sớm.

Cứ thế, cứ thế cu Ken, tên mọi người gọi, quen ăn, ngủ, tập nói, tập hát với bác Bảy hơn là với bố mẹ nó. Ken ăn cháo, uống nước rồi có lúc ngủ trên tay bác Bảy lúc nào không biết. Không chỉ bác Bảy, cả bác trai tên là Hòa cũng bế bồng, chăm bẵm cu Ken như con, như cháu. Lạ thế, chả hiểu đứa nào dạy bảo hay sao mà có lần chúng tôi xúm vào tranh nhau bế rồi đồng thanh hỏi "Ken con ai nào?".  Nó đáp rồi dúi mũi vào lòng bác Bảy: "Con bà Bảy, ông Hòa ạ!"

Cũng từ việc đi qua, đi lại, chuyện trò, dạy bảo nó, nó lần lượt thuộc tên tất cả mọi người trong nhà tôi. Chả có chuyện gì liên quan đến thằng bé mà cả nhà tôi không biết. Hôm nào Ken theo bố mẹ về quê là cả hai nhà cứ thấy vắng vắng, thiếu thiếu. Có hôm, Ken không chịu để bố đưa lại nhà, ý rằng "Con ngủ với bà Bảy cơ!". Phải nói mãi, lựa mãi chàng ta mới dấm dẳng về, mắt ngấn giọt.

Thế rồi cu Ken được dịp phấn khởi, không phải về với... bố mẹ mỗi chiều. Ấy là dịp mẹ sinh em bé, bố đến thưa chuyện với ông Hòa bà Bảy cho cháu Ken ở lại cho đến hết ngày chẵn tháng em. Tối đó, thằng cu Châu nhà tôi gọi Ken sang "chiêu đãi" một bữa phim hoạt hình Đoremon. Ken ta mừng quá, cứ ăn vội ăn vàng khiến bà Bảy quát yêu rồi dọa "Bà trả Ken về cho bố mẹ đây này, có ăn không nào?".

{keywords}
Ảnh minh họa

Hôm sinh nhật cu Châu nhà tôi, chờ mãi đến cuối buổi cũng không thấy thấy nhà Ken. Ngày sau bác Bảy mách, bố mẹ Ken đi làm về muộn, không kịp mua quà sinh nhật mừng anh Châu nên hẹn mai mới tới. Nghe nói Ken cứ nằng nặc đòi bố mẹ nó mua quà, có quà mới đi. Gớm, cái thằng dạo này ghê thế, ông Hòa, bà Bảy có dạy nó bao giờ đâu. Không biết nó học đòi ở đâu, bố mẹ làm công nhân tối mắt tối mũi, lương chậm, lương bớt thế kia lấy đâu ra mà quà với cáp...

Thế rồi cũng đến ngày thằng Ken vào lớp 1, tạm biệt ông Hòa, bà Bảy và xóm chung cư. Thực tình cu cậu không thích đi học, lý do là mỗi chữ a, chữ b, chữ c thì học... bà Bảy cũng được.

Bà Bảy giải thích, bà không phải là cô giáo, bà chỉ biết cho cháu ăn no, ngủ kỹ, chờ bố mẹ cháu đến đón thôi. Bây giờ cháu lớn tướng rồi, tự ăn được rồi, không cần bà bón nữa. Nghe chửa? Đi học cô giáo nhiều cái thích lắm, đâu có nhà quê như bà. Cháu học, cháu chơi thỏa thích, tha hồ bạn bè, như anh Châu kia kìa. Chả mấy chốc lại dẫn bạn gái đến chào ông bà chứ lị...

Thế là xóm tôi lại toàn người lớn. Lại điệp khúc cũ mòn : ngủ dậy - đi làm - về muộn - đọc báo - xem tivi...

Cuối tuần gọi nhau xem bóng đá, cứ tự nhiên chia thành 2 phe  rồi cãi nhau ỏm tỏi.

Lại nhớ cu Ken. Nó cũng mê bóng bánh lắm, hễ cứ đến nơi là hỏi bóng Ken đâu, giày Ken đâu? Bác Bảy có lần vừa buộc giày cho nó vừa nói, ờ, ăn khỏe chóng lớn, đi đá bóng kiếm tiền mà nuôi bố mẹ cháu, có nữa thì cho ông bà vay chút ít mua nhà cưới vợ cho các anh. Có làm được thế không hay là lớn lên cháu tìm đường tút đi đường nào, chả biết ông bà ốm hay khỏe, no hay đói. Không cẩn thận là hư cháu ạ. Thôi nào, bà lại nói dại rồi, thằng Ken bà là đứa có tình, có nghĩa phải biết, phải biết...

Bùi Nam Sơn

Bài cùng tác giả:


"Duyên thầm" với VietNamNet

Nhiều "duyên thầm" đã đưa tôi đến với VietNamNet và hẳn trong mỗi người đang cùng nỗ lực không ngừng xây đắp tờ báo cũng đều có "duyên" như vậy.