- Trong năm 2013, nước Mỹ không chỉ thất bại ở Syria, Ai Cập và cả ở Ukraine, quan hệ với A-rập Xê-út và Thổ Nhĩ Kỳ trở nên phức tạp, v.v...

LTS: TVN đăng tải phần 2 bài viết của tác giả Piotr Akolov trên tờ Vz.ru của Nga.

Phần 1: Putin hoàn toàn ngược lại Gorbachev

"Người lãnh đạo - người bảo vệ"

Năm 2013 bắt đầu với việc nước Nga tiếp tục đối đầu với Mỹ - mối quan hệ vốn căng thẳng từ cuối năm 2012, sau khi "Luật Magnitski" được Quốc hội Mỹ thông qua và đáp lại chúng ta cũng thông qua "Luật Yakovlev". Dường như áp lực đối với nước Nga và bản thân Putin sẽ tăng lên, và chúng ta sẽ khó thực hiện đường lối của mình. Nhưng ta thử xem kết quả của năm qua?

Việc nước Nga dành quy chế tỵ nạn cho cựu nhân viên Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ Edward Snowden, điều không một nước nào dám làm, là minh chứng hùng hồn nhất cho vai trò mà chúng ta nắm giữ trên thế giới.

Quan điểm cứng rắn của Nga về vấn đề Syria được thể hiện trong việc hỗ trợ nhiều dạng cho Damas, cũng như phái hạm đội đến Địa Trung Hải. Nhưng nổi bật vẫn là chiến dịch ngoại giao dẫn đến kết quả Mỹ phải từ bỏ cuộc tấn công đã lên kế hoạch. Rõ ràng, thắng lợi này đã củng cố vị thế của nước Nga trên thế giới và trong khu vực (nơi chúng ta đã rời bỏ vào những năm 1990), cũng như uy tín cá nhân của Putin, một chính khách có ảnh hưởng nhất trên thế giới.

Giải quyết tình hình ở Syria cũng giúp giảm bớt căng thẳng xung quanh vấn đề Iran. Mỹ đã có quan điểm mềm dẻo hơn, một phần nhờ chính sách thẳng thắn của Nga, không cho phép phương Tây áp đặt ý chí của mình đối với người Persic (Ba Tư).

Sau đó một sự kiện diễn ra tuy không quá gây ngạc nhiên, nhưng cũng khá bất ngờ với đại đa số "các nhà phân tích". Đó là thắng lợi vào tháng 11/2013 trên "mặt trận" Ukraine. Đúng, đó là thắng lợi mang tính chất giai đoạn, nhưng nó rất quan trọng.

Tháng 12, trong Thông điệp liên bang trình bày trước Quốc hội, Tổng thống Putin đề xuất một công thức mới cho vị trí địa chính trị của nước Nga: không phải siêu cường - bá quyền, mà là người lãnh đạo - người bảo vệ.

Ông nêu rõ: "Chúng ta không kỳ vọng giành được danh hiệu siêu cường nào đó, được hiểu là kỳ vọng bá quyền thế giới hay khu vực, không xâm hại lợi ích của bất kỳ ai, không áp đặt sự bảo hộ với ai, không cố dạy ai phải sống thế nào. Nhưng, chúng ta sẽ cố gắng trở thành người lãnh đạo bảo vệ luật pháp quốc tế, đạt được sự tôn trọng chủ quyền quốc gia, quyền tự chủ và bản sắc của các dân tộc".

Còn Mỹ thì sao?

Kết quả năm qua, họ không chỉ thất bại ở Syria, Ai Cập và cả ở Ukraine, quan hệ với A-rập Xê-út và Thổ Nhĩ Kỳ trở nên phức tạp, thậm chí Afghanistan bị chiếm đóng cũng chần chừ trong việc ký kết hiệp định về đồn trú của các căn cứ quân sự Mỹ khi Mỹ rút quân sau năm 2014.

{keywords}
Tàu của Mỹ

Một loạt tố cáo của Snowden đã gây ra những vấn đề mới trong quan hệ phức tạp của nước này với châu Mỹ Latinh, cộng đồng châu Âu và các chính khách rất bất bình với sự theo dõi toàn cầu của Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ. Thậm chí đến cả Israel cũng tuyên bố rằng tình hữu nghị không phải là mãi mãi.

Mỹ đã thực sự mất Trung Đông, những vấn đề mới nảy sinh trong thế giới Ả rập đối với Mỹ là rất nghiêm trọng. Đúng, Mỹ vẫn còn những tập đoàn quân lớn ở khu vực, những căn cứ quân sự khổng lồ, nhưng tâm lý không ưa chuộng Mỹ đã lan rộng. Giới thượng lưu đã quay mặt với Washington và kế hoạch tấn công Syria bị thất bại mới chỉ là "bật cò súng" để sự bất bình ngấm ngầm với chính sách của Mỹ chuyển sang công khai.

Chính sách ủng hộ của Mỹ đối với "Mùa xuân Ả-rập" và Tổ chức "Những anh em Hồi giáo" từ lâu đã gây nên làn sóng phản đối trong giới thượng lưu cầm quyền. Tháng 7/2013 tại Ai Cập đã diễn ra đảo chính, trong đó Tổng thống Morsi thân Mỹ đã bị loại khỏi chính quyền và ban đầu Mỹ đã lên án mạnh mẽ giới quân sự tiếm quyền, nhưng chẳng bao lâu Mỹ bắt buộc phải rút lại tuyên bố. Còn ngay sau khi chiến dịch Syria của các Hoàng tử Ả rập đổ vỡ, Ả-rập Xê-út từ chối nhận ghế tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc rõ ràng là muốn chứng tỏ sự bất bình của mình đối với Mỹ đã bỏ rơi họ ở Syria.

Vạn sự khởi đầu nan

Những năm 1990 chúng ta từng bỏ rơi bạn bè. Còn năm 2013, có những người bạn đã cố xa lánh chúng ta, như trường hợp Armenia, Gruzia, Mondova và Ukraine có ý định ký kết hiệp định liên kết với EU. Nhưng cuối cùng chính sách của Kremlin đã thành công, buộc Armenia và Ukraine trên thực tế đã chọn định hướng với Liên minh thuế quan. Liên kết Á - Âu là mục tiêu chính của chính sách đối ngoại Nga trong năm nay và việc lôi kéo Ukraine vẫn chưa kết thúc, cuộc đấu trí với Đức (trụ cột của EU) sẽ còn lâu dài và phức tạp.

Trong năm qua, đối thủ khá kiên định là London cũng cố gắng tìm tiếng nói chung với chúng ta. Sau khi ký kết hiệp định về liên kết của tập đoàn dầu mỏ Nga Rosnheft và tập đoàn dầu mỏ BP của Anh cuối năm 2012, tháng 3/2013, lần đầu tiên các Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng Nga thăm Anh. Sau đó nhà tài phiệt Nga Berezovski tỵ nạn tại Anh bị chết một cách bí ẩn, rất giống như kiểu người Anh muốn tránh xa một điệp viên không còn tác dụng.

Cũng năm 2013, Bộ trưởng Quốc phòng Shoigu và Bộ trưởng Ngoại giao Lavrov đã thăm Ai Cập. Tại đây, giới lãnh đạo Ai Cập không chỉ sẵn sàng mua vũ khí của Nga, mà còn nhắc đến những giai đoạn 2 bên là đồng minh.

A-rập Xê-út cũng muốn mua vũ khí của Nga, do vậy trong năm 2013, Hoàng tử Bandar, một người có quyền quyết định trong nhiều vấn đề chính sách đối ngoại của nước này, đã hai lần đến gặp Putin. Bandar và Putin không bàn đến vấn đề mua vũ khí, mà đàm luận về địa chính trị mang tính chất triết lý như vẫn thường thấy ở phương Đông. Chính kết quả của những cuộc đàm luận như vậy thường vượt lên trên tất cả mọi cái gọi là thỏa thuận thực tiễn.

Tư thế vững tin trên trường quốc tế chính là điều nước Nga cần, để khôi phục lại thế giới Nga bị chia năm xẻ bảy, cũng như không cần lo ngại chống đối bùng lên ở hậu phương. Sau những cuộc tấn công nhằm vào Putin do những kẻ thù địch phương Tây cùng với các thế lực đối lập trong nước câu kết bị thất bại năm 2011 - 2012, Kremlin chuyển sang chính sách quốc hữu hóa giới thượng lưu. Tiến trình này diễn ra chậm rãi, nhưng chắc chắn - các quan chức bị cấm có tài khoản ở nước ngoài, còn các nhà tài phiệt phải chuyển tiền của mình về Tổ quốc (nếu họ coi Nga là Tổ quốc).

Đúng vậy, đây mới là khởi đầu và là "vạn sự khởi đầu nan". Sau vài năm, Putin có thể tiến hành đổi mới giai cấp cầm quyền, nếu như bầu trời bình yên. Như vậy, vấn đề quan trọng là trong năm 2014 Putin cần có những bước đột phá hơn nữa.

Lê Văn (lược dịch theo Vz.ru)