Điều 9 của Hiến pháp Nhật Bản không chỉ mang ý nghĩa về mặt quân sự và an ninh quốc gia, mà còn tượng trưng cho các giá trị văn hoá và bản sắc dân tộc nước này.

>> Nhật 'đánh bóng' trước Mỹ, kích động TQ

>> 'Phát súng' của Nhật đẩy Trung - Hàn xích gần?

>> Dấu ấn 'con ông cháu cha' của nguyên thủ

Ngày 1/1/2014, trong thông điệp năm mới, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã tuyên bố sửa đổi bản Hiến pháp hòa bình do Mỹ áp đặt từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai cho đến khi Nhật Bản tổ chức Thế vận hội Tokyo vào năm 2020.

Việc sửa đổi Hiến pháp đã được đề xuất ở Nhật Bản từ những năm 1990. Tuy nhiên, phải đến thời kỳ Thủ tướng Shinzo Abe, vấn đề này mới thực sự được nhìn nhận nghiêm túc và chính thức. Ông Abe cho biết, đây chính là thời điểm để người dân Nhật Bản có một bước tiến quan trọng hướng tới việc kiến tạo một nước Nhật mới mẻ. Việc sửa đổi Hiến pháp hòa bình sẽ hướng vào các trọng tâm là tăng cường các chính sách an ninh và cải cách hệ thống giáo dục.

Thủ tướng Nhật nhấn mạnh, việc thảo luận sửa đổi Hiến pháp là cần thiết để theo kịp các diễn biến quan hệ quốc tế phức tạp tại khu vực. Nhất là khi Hiến pháp cũ đã được thông qua gần 7 thập kỷ và Trung Quốc ngày càng đe doạ an ninh chủ quyền của Nhật Bản trong cuộc tranh chấp quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư.

Kế hoạch sửa đổi Hiến pháp của ông Abe được bắt đầu với Điều 96, trong đó quy định các quá trình thay đổi Hiến pháp, từ đó nới lỏng quá trình sửa đổi tạo điều kiện thuận lợi cho việc thay đổi các điều khác.

Việc sửa đổi Hiến pháp đặt trọng tâm vào việc xoá bỏ Điều 9, trong đó quy định "người Nhật sẽ mãi mãi từ bỏ chiến tranh như một quyền chủ quyền quốc gia và từ bỏ việc sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực làm phương tiện để giải quyết các tranh chấp quốc tế". Để thực hiện mục tiêu này, Nhật Bản không được duy trì lực lượng quân sự trên đất liền, trên biển và trên không, cũng như các lực lượng chiến tranh khác.

{keywords}

Các thành viên thuộc lực lượng phòng vệ trên biển của Nhật Bản. Ảnh: Reuters

Cơ hội "ngàn năm" trong 2014

Tuyên bố "cách mạng" của ông Abe cũng giống như "hai mặt của đồng xu" - luôn mang lại cơ hội và thách thức cho Nhật Bản. Mục tiêu của ông Abe là viết lại Điều 9 bằng cách hạn chế sự từ bỏ chiến tranh và cho rằng Nhật Bản "chỉ kiềm chế việc sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp quốc tế, chứ không phải cấm duy trì một lực lượng quân sự". Ông Abe cho rằng Nhật Bản không thể thực hiện nghĩa vụ của mình theo các thỏa thuận an ninh tập thể và trách nhiệm trong Liên Hợp Quốc mà không có một lực lượng quân sự thông thường.

Trên thực tế, Nhật Bản từ lâu đã tự vượt rất xa khỏi phạm vi của Điều 9 trong Hiến pháp. Tuy Điều 9 quy định Nhật Bản không được duy trì lực lượng quân sự nào, và từ bỏ hoàn toàn chiến tranh, nhưng kể từ cuộc chiến tranh Triều Tiên, dưới sự khuyến khích của Mỹ, Nhật Bản đã duy trì một lực lượng "phòng thủ" có hiệu lực. Ban đầu, Lực lượng phòng vệ (SDF) được hình thành như một lực lượng cảnh sát quốc gia, nhưng theo thời gian, lực lượng này đã được phát triển đầy đủ hơn thành lực lượng hàng không, đường biển và đường bộ để bảo vệ Nhật Bản khỏi các nguy cơ tấn công từ bên ngoài.

Ngày nay, Nhật Bản đã có một lực lượng quân đội tinh vi và là một trong mười quốc gia chi tiêu quân sự hàng đầu trên thế giới. Do đó, việc sửa đổi Điều 9 của Hiến pháp sẽ góp phần hợp thức hoá lực lượng quân sự của Nhật Bản, giúp cho bản Hiến pháp phù hợp với thực tế của Nhật Bản hơn.

Theo ông Abe, kế hoạch lần này nằm trong chính sách "hòa bình chủ động" (active pacifism) của Tokyo trong thế kỷ 21. Theo đó, Nhật Bản sẽ hạn chế lệ thuộc vào Mỹ trong việc đảm bảo an ninh quốc gia. Có thể nói, ông Abe đang dần hiện thực hóa tư duy "thoát Mỹ, nhập Á" với một nước Nhật chủ động, trách nhiệm và kiên quyết hơn trong việc bảo vệ lợi ích và chủ quyền của mình.

Ngoài ra, việc "hợp thức hoá lực lượng quân sự quốc gia" thông qua việc sửa đổi Điều 9 cũng mang lại cho Tokyo những ưu thế nhất định trong vấn đề bảo vệ chủ quyền của Nhật tại biển Hoa Đông. Điều này đặc biệt ý nghĩa khi Trung Quốc đang gia tăng những hành động khiêu khích tại vùng biển này.

Tính toán hệ quả

Việc điều chỉnh Hiến pháp để tăng cường năng lực quân sự cũng đáp ứng được làn sóng phản đối Trung Quốc đang gia tăng. Trước các hành động "diễu võ dương oai" của Trung Quốc, các nhà lập pháp Tokyo đã rất giận dữ và cáo buộc chính phủ Bắc Kinh là "thiếu thận trọng và nguy hiểm". Giới chuyên gia về chính trị của Nhật cũng phản đối việc Trung Quốc đang cố gắng để thay đổi "nguyên trạng" (status quo) tại khu vực.

Tuy vậy, việc thay đổi Điều 9 cũng mang lại không ít khó khăn mà chính quyền Abe cần cân nhắc trước khi áp dụng. Trước hết, Điều 9 có điểm tương đồng với Tu chính án thứ hai của Hiến pháp Hoa Kỳ, nghĩa là nó đã trở thành một phần ăn sâu trong quan điểm của người dân Nhật Bản về bản sắc dân tộc của mình.

Sau Chiến tranh thế giới thứ 2, công chúng Nhật Bản thường xem Hiến pháp của họ như một niềm tự hào với ý niệm Nhật Bản đã sớm từ bỏ hoàn toàn chiến tranh. Từ góc độ chủ nghĩa dân tộc, việc không duy trì quân đội đã giúp Nhật Bản thực sự khác biệt với các quốc gia còn lại.

Gắn với biểu tượng hoa anh đào hay kimono sẽ là một Nhật Bản yêu chuộng hòa bình thay vì "say sưa" với các cuộc chiến. Do đó, Điều 9 không chỉ là một tuyên bố pháp lý mà còn là một tuyên ngôn về các giá trị và văn hóa Nhật Bản. Tất nhiên, Nhật Bản có quyền sửa đổi Hiến pháp của họ theo bất kỳ cách nào mà họ mong muốn. Nhưng trong quá trình sửa đổi, chính phủ Abe sẽ phải cân nhắc đến các hệ quả từ sự thay đổi này.

Hệ quả nhãn tiền từ các quyết sách chính trị có thể thấy vào tháng 8/2013, khi Phó Thủ tướng Taro Aso đề xuất kiến nghị Nhật Bản nên tiếp tục con đường của Đức Quốc xã về sửa đối Hiến pháp. Ý kiến này nhận phải rất nhiều chỉ trích từ công chúng, thậm chí làm dấy lên cả những cuộc biểu tình từ các quốc gia láng giềng và những nhà hoạt đông nhân quyền yêu cầu ông Aso từ chức.

Điều 9 của Hiến pháp không chỉ mang ý nghĩa về mặt quân sự và an ninh quốc gia, mà còn tượng trưng cho các giá trị văn hoá và bản sắc dân tộc Nhật Bản. Mặc dù việc sửa đổi sẽ mang lại cho Nhật Bản những lợi thế nhất định trong cán cân quyền lực Đông Bắc Á, sự điều chỉnh này cũng cần được cân nhắc rất kỹ từ chính quyền để tránh những hệ quả văn hoá khó lường.

Thực tế, những định kiến về phát xít Nhật trước đây chưa hoàn toàn chấm dứt, nhất là ở các quốc gia châu Á. Do đó, liệu có cần thiết hay không để đánh đổi một sự hợp thức hoá lực lượng quân sự với những giá trị văn hoá và niềm tin của dân chúng Nhật Bản nói riêng và các quốc gia khác nói chung? Đây là những yếu tố mà chắc chắn chính quyền Abe cần cân nhắc thật kỹ trước khi bắt tay hành động.

Huỳnh Tâm Sáng - Hồ Hải Yến