Việc cứ luôn phát biểu chính sách một đằng, thực thi chính sách một nẻo, nhất là trong vấn đề an ninh đối ngoại sẽ chỉ khiến quyền lực mềm của TQ suy giảm.
>> Vì sao Trung Quốc chiếm Hoàng Sa năm 1974?
>> Bán Kilo cho Trung Quốc, Nga bán luôn... giấy phép
>> Mỹ đã thua Trung Quốc một "keo"
Vào ngày cuối cùng của năm 2013, Chủ tịch TQ Tập Cận Bình tuyên bố sẽ đẩy mạnh hơn nữa quyền lực mềm của TQ bằng cách truyền bá văn hóa của nước này ra thế giới, với tham vọng biến TQ thành một cường quốc văn hóa toàn cầu.
Đây có thể được coi là chính sách tiếp theo nhằm hiện thực hóa "giấc mơ Trung Hoa", đưa Trung Quốc cạnh tranh với Mỹ trong quá trình trở thành cường quốc số một thế giới. Nhưng liệu chính sách "phát huy" văn hóa này có thực sự mang lại hiệu quả?
Sự bùng nổ của ngoại giao văn hóa
Theo ông Tập Cận Bình, các thành viên của chính phủ và người dân cần xây dựng hình ảnh quốc gia TQ là "một nước mạnh ở phương Đông với một chính phủ tốt, một nền kinh tế mạnh, quốc gia thống nhất và văn hóa phồn vinh". Từ nhiều năm qua, Bắc Kinh đã đầu tư hàng tỉ nhân dân tệ cho việc bành trướng quyền lực mềm tại nhiều nước đang phát triển, đầu tư vào các lĩnh vực như y tế, giáo dục, thể thao, trao đổi học bổng, đường sá, dạy tiếng Hoa miễn phí ở các nước này, điển hình nhất chính là Viện Khổng Tử.
Viện Khổng Tử được chính phủ TQ thành lập vào tháng 6/2004 và cho tới nay đã có trên 400 cơ sở tại hơn 100 quốc gia (chưa kể 400 Viện khác đang nằm trên giấy). Về số lượng, các Viện Khổng Tử hiện nay đã gần ngang ngửa với Aliances Françaises của Pháp và bằng tổng số các trung tâm ngôn ngữ và văn hóa của cả ba học viện British Council của Anh, Instituto Cervantes của Tây Ban Nha, và Goethe-Institut của Đức cộng lại, dù cả ba đều có một lịch sử khá lâu đời, trên nửa thế kỷ.
Từ nhiều năm nay, TQ đã đổ ra hàng nhiều tỉ đô la cho chiến dịch củng cố quyền lực mềm của mình ra khắp thế giới. Bắc Kinh viện trợ một cách cực kỳ hào phóng cho nhiều quốc gia ở châu Phi, châu Mỹ La Tinh và châu Á. Nước này tự hào khi lần đầu tiên tổ chức Olympics vào năm 2008 và Expo Thượng Hải năm 2010.
Trong hai năm 2009 và 2010, TQ cũng đã chi không ít tiền cho lĩnh vực truyền thông đại chúng, trong đó có những kênh truyền thanh và truyền hình phát 24 giờ một ngày nhắm vào khán thính giả phương Tây. Chương trình phát thanh quốc tế bằng tiếng Anh cũng làm việc liên tục cả ngày và đêm.
Chủ tịch TQ Tập Cận Bình bên tấm biển "Viện Khổng Tử" của một trường Đại học |
Nhiều hướng đi, chung điểm đến...
Tuy nhiên, văn hóa chỉ là một phần trong các cách tiếp cận khác nhau của TQ đối với khái niệm "quyền lực mềm".
Trong thời điểm hiện tại, quyền lực mềm của TQ đến từ ba yếu tố. Thứ nhất là sức hấp dẫn của mô hình phát triển kinh tế, hay còn được gọi bằng cái tên khác: đồng thuận Bắc Kinh. Thứ hai, chính sách đối ngoại của TQ tập trung chủ yếu vào học thuyết "trỗi dậy hòa bình", hay các chính sánh an ninh mới, chính sách láng giềng mới. Và thứ ba, chính là văn hóa thông qua Hệ tư tưởng thống trị Nho giáo.
Sự phát triển kinh tế thần kỳ trong suốt hơn 30 năm cải cách mở cửa vừa qua khiến cho sức hấp dẫn của mô hình phát triển của TQ gia tăng nhanh chóng, nhất là với các nước đang phát triển. Giống với đồng thuận Washington, đồng thuận Bắc Kinh không chỉ tập trung vào kinh tế mà còn tập trung vào các vấn đề chính trị - xã hội và ngoại giao.
Nó đem đến hy vọng cho những quốc gia đang phát triển về một mô hình phát triển vừa có thể duy trì được quyền lực tập trung của nhà nước, lại vừa có thể thúc đẩy phát triển kinh tế với tốc độ cao. Đồng thuận Bắc Kinh đã được nhiều học giả TQ ca ngợi do đã nhấn mạnh tính độc đáo của mô hình phát triển của nước này. Trong đó TQ có thể đảm nhiệm vai trò dẫn đầu, sánh ngang với Mỹ bằng cách đưa ra những lời khuyên chính sách phát triển cho các quốc gia thuộc thế giới thứ ba.
Trong lĩnh vực chính sách đối ngoại, TQ đã đưa ra học thuyết "trỗi dậy hòa bình" và "chính sách an ninh mới". Với việc sức mạnh quốc gia tăng lên nhanh chóng nhất là về quân sự, các học giả TQ cho rằng cường quốc này phải loại bỏ được ảnh hưởng của thuyết về mối đe dọa TQ vốn xuất hiện ngày càng nhiều tại các quốc gia láng giềng.
Trong học thuyết "trỗi dậy hòa bình", TQ nhấn mạnh đến "việc theo đuổi một chiến lược phát triển độc lập mà không gây hại tới quốc gia khác" và "đóng góp vào sự phát triển kinh tế, thịnh vượng và ổn định của Châu Á". Còn với "chính sách an ninh mới", Bắc Kinh nhấn mạnh bốn ý lớn: tin tưởng lẫn nhau, cùng có lợi, bình đẳng và phối hợp giữa TQ và các nước.
Vùng nhận diện phòng không ADIZ của Trung Quốc đã dấy lên nhiều lo ngại |
Liệu có thực sự thành công?
Câu hỏi đặt ra là liệu chiến lược phát huy quyền lực mềm của TQ sẽ thành công trong tương lai hay không?
Hãy nói về văn hóa, một cách trực tiếp là Viện Khổng Tử. Theo nhiều nhận xét, Viện Khổng Tử không đơn giản chỉ là một cơ sở giáo dục về ngôn ngữ hay văn hóa, mà còn nhắm tới các mục tiêu kinh tế (khuyến khích làm ăn với TQ) và chính trị khác.
Về mặt tổ chức, Viện bao giờ cũng có hai giám đốc, một người bản địa và một người từ TQ sang. Mặt khác, Viện Khổng Tử không phải là một cơ quan độc lập, mà chịu sự kiểm soát của Chính phủ TQ.
Thêm vào đó, các Viện Khổng Tử bao giờ cũng liên kết và nằm trong các trường Đại học hoặc trung tâm nào đó tại địa phương. Chính những điều này đã gây ra nhiều lo ngại, liên quan tới tự do tư tưởng và nghiên cứu và đặc biệt là phương diện an ninh, khi mà rất có khả năng những cán bộ hay giáo viên trong các Viện đó làm công tác tình báo kinh tế hay chính trị.
Với đồng thuận Bắc Kinh, hiện tại nhiều nước cũng đã và đang xem xét lại một cách nghiêm túc về tính hiệu quả của mô hình phát triển kinh tế của TQ. Để đạt được tốc độ phát triển kinh tế cao, TQ đã phải hy sinh rất nhiều về vấn đề môi trường và con người (ô nhiễm, chênh lệch giàu nghèo, tệ nạn xã hội gia tăng).
Bên cạnh đó, một số nước châu Phi và châu Á cũng đã phản ứng lại cách thức TQ đầu tư vào các nước này. Nguồn đầu tư hoàn toàn không sinh lợi, trái lại còn mang lại nhiều hệ quả tiêu cực cho nước tiếp nhận đầu tư.
Người dân Myanmar mới đây còn tuyên bố sẽ tẩy chay hàng hóa TQ. Dân chúng Myanmar tin rằng không chỉ lợi dụng mối quan hệ tốt với chính phủ để trục lợi, TQ còn bí mật can thiệp vào tình hình nội bộ của nước này, ngăn cản quá trình đàm phán hòa bình giữa chính phủ và các phe nhóm dân tộc thiểu số.
Cuối cùng, học thuyết "trỗi dậy hòa bình" và "chính sách an ninh mới" dường như không nhận được hiệu quả như chính phủ TQ mong muốn. Điều này không thể trách các nước láng giềng, khi mà Bắc Kinh liên tục thực hiện những chính sách gây hấn lộ liễu tại các tranh chấp lãnh thổ ở Hoa Đông và biển Đông. Không có hoặc có rất ít lòng tin giữa các nước láng giềng và TQ ở thời điểm hiện tại, cho dù hai bên vẫn duy trì các mối thương mại song phương.
Niềm tò mò và sự thích thú về văn hóa TQ vẫn sẽ tăng lên, tuy nhiên quyền lực mềm thực sự sẽ khó mà đạt được nếu TQ vẫn duy trì các chính sách ngoại giao kinh tế và chính trị như hiện nay.
Nói một cách đơn giản hơn, Bắc Kinh thiếu các cơ chế gây dựng lòng tin. Và việc cứ luôn phát biểu chính sách một đằng, nhưng lại thực thi chính sách một nẻo, nhất là trong vấn đề an ninh đối ngoại sẽ chỉ khiến cho quyền lực mềm của TQ suy giảm thêm mà thôi.
Thuận Phương