Sau cuộc chạm trán giữa hai tàu chiến Cowpens của Mỹ và Liêu Ninh của Trung Quốc ở Biển Đông, Washington cần rút ra những bài học gì?
>> Năm Rắn 'nổi sóng' của Trung Quốc
>> Đến các cường quốc cũng phải 'nịnh' Trung Quốc?
>> Vùng phòng không TQ: Xem Nhật chính thức 'ra tay'
Mỹ thua một "keo"
Ai đã thắng trong vụ suýt va chạm ngày 5/12 giữa tàu tuần dương Mỹ USS Cowpens và mẫu hạm Trung Quốc Liêu Ninh? Nhà phân tích quốc phòng cho tạp chí The Diplomat và giáo sư về chiến lược tại Trường Chiến tranh Hải quân Mỹ James R. Holmes cho rằng lượt đấu này nghiêng về phía hải quân Trung Quốc.
Các tàu của Hải quân Trung Quốc đã chặn tàu Cowpens, một trong những tàu chiến hàng đầu của Hải quân Mỹ, khỏi những gì các phát ngôn viên Trung Quốc gọi là một "lớp phòng thủ cận gần" quanh mẫu hạm Liêu Ninh. Lớp phòng thủ cận gần? Thực ra, vùng ngăn chặn này là một vòng tròn có đường kính ít nhất 60 dặm. Nó trải rộng hơn 2.800 dặm vuông.
Sau khi tàu chiến Mỹ phải di chuyển thận trọng để tránh va chạm với một tàu vận tải đổ bộ của Hải quân Trung Quốc chặn ngang đường, các sĩ quan trên cả hai tàu đã hội ý qua radio. Sau đó tàu Cowpens rời khu vực bị cấm.
Hãng tin Tân Hoa của Trung Quốc miêu tả về vụ việc như sau: "Tàu tuần dương chở tên lửa Mỹ Cowpens, bất chấp những cảnh cáo từ đội hình của hàng không mẫu hạm Trung Quốc, đã đột nhập vào vùng tập luyện của hải quân Trung Quốc ở biển Hoa Nam (Biển Đông), và gần như đâm vào một tàu chiến của Trung Quốc gần đó".
Mối quan hệ nhân/quả được đưa ra ở đây? Tàu Mỹ "đột nhập" đội hình Trung Quốc, như thể thủy thủ đoàn của tàu đã bẻ một chiếc khóa cổng. Một cách vụng về, họ suýt đâm phải một tàu Trung Quốc. Tàu Mỹ được cảnh báo phải rời đi và họ đã chấp hành cảnh báo.
Vậy thông điệp của những hành động nói trên là gì? Mỹ và các hải quân liên minh cần nghiên cứu vụ việc ngày 5/12 và rút ra bài học.
Có thể nói đây là một bước lùi lớn không chỉ đối với Hải quân Mỹ mà còn là bài học về vấn đề tự do của các đại dương. Những bước lùi như vậy có thể tạo nên một thất bại lớn theo thời gian, củng cố ý niệm về sự suy giảm của Mỹ và làm lỏng lẻo hệ thống liên minh do Mỹ đứng đầu. Rõ ràng đó là một lợi thế cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc.
Một số ý kiến cho rằng, thứ nhất, các nhà chức trách Mỹ có thể hội kiến với phía Trung Quốc về các quy tắc ràng buộc khi các lực lượng hai nước hoạt động gần nhau. Tham vấn riêng nếu có thể.
Thứ hai, Mỹ nên ghi lại toàn bộ cuộc suýt chạm trán với Hải quân Trung Quốc từ các nhiều góc độ càng tốt và thực tế sẽ chứng minh. Nếu Bắc Kinh nhất quyết phát động một cuộc chiến về nhận thức công chúng thì Washington hãy đưa ra sự thật và để cho dư luận tự phán xét.
Thứ ba, Washington không cần đưa ra lý do cho các vấn đề nguyên tắc. Sẽ khó khôi phục tự do đã mất hơn là bảo đảm chúng ở vị trí đầu tiên. Từ bỏ các quyền hàng hải không phải là cách để thực thi một chính sách châu Á.
Và cuối cùng, chuẩn bị cho một cuộc chiến dài hơi hơn. Cuộc chiến ấy sẽ không kết thúc sớm. Mỹ và hải quân nước này cần quay về với lịch sử, vì một "kỳ nghỉ"chiến lược kéo dài cả 2 thập niên là một thông điệp khó mà chấp nhận được. Nhưng chúng ta đành phải chấp nhận.Trung Quốc mặc định thắng nếu Mỹ từ chối cạnh tranh.
Phơi bày giới hạn của mối quan hệ
Rõ ràng những cải thiện chưa từng có tiền lệ trong quan hệ quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc trước kia đã không làm giảm được căng thẳng giữa hai bên.
Khi lên nắm quyền ở Trung Quốc, ông Tập Cận Bình kêu gọi xây dựng một kiểu quan hệ cường quốc lớn mới với Mỹ. Tuy nhiên, từ góc độ của Mỹ thì chỉ có vài đột phá lớn trong các quan hệ song phương kể từ khi ông Tập ngồi vào vị trí lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc tháng 11/2012.
Mỹ từ lâu đã tìm cách hợp tác quân sự lớn mạnh hơn với Trung Quốc vì tin rằng sự trao đổi liên tục và thẳng thắn hơn sẽ làm giảm ngờ vực và tiềm năng xung đột. Tuy nhiên, trong nhiều năm chỉ có sự tiến triển rất chậm chạp về quan hệ quân sự Trung-Mỹ, và thực tế này lại thường được bồi thêm bởi một bước lùi liên quan đến một kiểu can thiệp nào đó, chẳng hạn các hợp đồng vũ khí của Mỹ cho Đài Loan.
Từ quá trình lịch sử này, năm 2013 trở thành một năm đáng sửng sốt về quan hệ quân sự Trung - Mỹ. Điểm rẽ dường như xuất hiện hồi tháng 4, một tháng sau khi ông Tập Cận Bình trở thành Chủ tịch Trung Quốc, khi tướng Phòng Phong Huy (Fang Fenghui), Tổng tham mưu trưởng Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA) tiếp đón người đồng nhiệm Mỹ Martin Demsey ở Bắc Kinh.
Kể từ đó, một số các quan chức quốc phòng và quân sự cấp cao của hai bên đã di chuyển giữa Bắc Kinh và Washington. Hồi tháng 8 năm nay, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn (Chang Wanquan) đã dẫn một đoàn đại biểu quân sự Trung Quốc thăm Mỹ 4 ngày. Tháng tiếp sau đó, đô đốc Ngô Thắng Lợi (Wu Shengli), tư lệnh Hải quân PLA, cũng tới Mỹ.
Trong khi đó, hai tướng Mark Welsh và Raymond Odierno, tư lệnh Không lực và Lục quân Mỹ, đã tới Trung Quốc mùa thu vừa qua. Quân đội hai bên cũng tham gia vào một cuộc tập trận chung khoảng thời gian đó và sang năm Trung Quốc sẽ tham gia tập trận RIMPAC.
Cùng với những hoạt động kể trên, các lãnh đạo ở Trung Quốc còn nâng cao tầm quan trọng mà họ đặt vào quan hệ quân sự song phương, ít nhất là về mặt ngôn từ. Khi Tướng Dempsey hiện diện ở Bắc Kinh hồi tháng 4, tướng Phòng Phong Huy nhắc lại lời của Chủ tịch Tập Cận Bình rằng PLA đang tìm kiếm một "kiểu quan hệ quân sự mới" với Mỹ. Trong chuyến thăm Mỹ hồi tháng 8, Bộ trưởng Quốc phòng Thường Vạn Toàn cũng kêu gọi một kiểu quan hệ quân sự song phương mới. Tháng tiếp sau đó, Ngoại trưởng Vương Nghị (Wang Yi) nhấn mạnh rằng hợp tác quân sự là một "điểm sáng" trong quan hệ Trung - Mỹ.
Nhưng có lẽ ông Vương Nghị khó có thể đưa ra được thông điệp tương tự trong những ngày này. Các diễn biến vài tháng qua dường như đã chứng minh đúng như James Holmes và những người hoài nghi khác nghĩ về quan hệ quân sự giữa hai cường quốc lớn.
Trong tháng 11, Trung Quốc tuyên bố thành lập một Vùng Nhận diện phòng không (ADIZ) ở biển Hoa Đông mà không hề tham vấn hay báo trước cho phía Mỹ. Washington đáp trả bằng cách điều hai máy bay ném bom B-52 bay qua khu vực mà không tuân thủ các yêu cầu Bắc Kinh mới đặt ra. Washington cũng từ chối thay đổi các hoạt động quân sự trong vùng ADIZ đó.
Đáng kể hơn nữa là sự kiện tàu USS Cowpen và tàu hải quân Trung Quốc suýt tông nhau ở Biển Đông hồi đầu tháng. Mỹ và Trung Quốc đã dành suốt những ngày qua "khẩu chiến" về việc ai có lỗi nhất trong vụ việc. Hôm 19/12, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel còn nói rằng hành động của Hải quân Trung Quốc là "vô ích" và "vô trách nhiệm".
Toàn bộ vụ việc này đang gây hại cho các đề xuất về quan hệ quân sự song phương. Một trong những lập luận cốt lõi của họ là quan hệ quân sự - quân sự sẽ dẫn tới sự hiểu biết và tiếp xúc lớn hơn, tránh cho những vụ việc tương tự như ở biển Đông xảy ra. Tuy nhiên, hai bên đều hiểu chẳng phía nào có lợi khi lao vào chính sách bên miệng hố chiến tranh nguy hiểm.
Sam Nguyễn (Tổng hợp từ The Diplomat)