Châu Á đang lao vào cuộc đua mua sắm tàu ngầm. Phần lớn các cường quốc của khu vực đều có kế hoạch tăng cường cho hạm đội tàu ngầm trong hai thập kỷ tới.
Gần đây nhất, hai nước Malaysia và Việt Nam đã mua những chiếc tàu ngầm đầu tiên, và tương lai không xa sẽ là Thái Lan.
>> Tướng Thước: Tàu ngầm Kilo 'không phải cuộc đua vũ trang'
>> Bán Kilo cho Trung Quốc, Nga bán luôn... giấy phép
Xu hướng mua sắm tàu ngầm này thể hiện khao khát bảo vệ tài sản mới tích lũy và những lợi ích kinh tế lâu dài của các nước châu Á. Nhiều quốc gia của châu lục phải dựa vào các tuyến đường biển để duy trì guồng hoạt động của nền kinh tế xuất khẩu. Chính ý thức về tầm quan trọng của sức mạnh biển là động lực dẫn tới cuộc mở rộng hoạt động hải quân trên khắp khu vực.
Một động lực khác, đáng ngại hơn là các cuộc tranh chấp lãnh thổ trên biển trong thời gian gần đây, cụ thể là những cuộc tranh chấp có liên quan đến Trung Quốc. Tuyên bố về cái gọi là "Đường Lưỡi Bò" đối với vùng biển Đông, đẩy đất nước này rơi vào tình trạng xung đột với các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của Đài Loan, Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei. Ở phía Đông, Trung Quốc cũng vướng vào cuộc tranh chấp chủ quyền trên đảo Senkaku/Điếu Ngư với Nhật Bản và Đài Loan.
Trung Quốc
Các tàu ngầm lớp Tống của TQ |
Nhờ có nền kinh tế phát triển mạnh mẽ, hải quân Trung Quốc đang tiến rất nhanh trong phát triển lực lượng tàu ngầm đa năng. Một trong những mục tiêu của đội tàu ngầm Trung Quốc là tạo ra một vùng chống tiếp cận/ xâm nhập lan tới khu vực mà nước này gọi là Chuỗi đảo thứ nhất, bao gồm quần đảo Kuril, Nhật Bản, Đài Loan và khu vực biển Đông. Theo lập luận của Trung Quốc, chuỗi đảo này là vùng tối thiểu tuyệt đối để bảo vệ lục địa Trung Hoa.
Mục tiêu thứ hai là củng cố các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở vùng biển Hoa Đông và biển Đông. Sự hiện diện của các đội tàu tuần tra tại những khu vực này góp phần nhấn mạnh các tuyên bố.
Hải quân Trung Quốc đang thay thế chiếc tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo lớp Hạ (092) duy nhất bằng 6 tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo lớp Tấn (094) hiện đại. Mỗi chiếc tàu ngầm lớp Tấn có trọng tải choán nước là 9.000 tấn khi lặn, và được trang bị 12 tên lửa đạn đạo JL-2. JL-2 có tầm bắn ước tính là 7.200 km, và có khả năng mang tới 8 đầu đạn hạt nhân.
Ba tàu ngầm lớp Thương (093) đại diện cho thế hệ tàu ngầm hạt nhân thứ hai của Trung Quốc khi lớp Hán (091) trước đó trở thành nỗi thất vọng công nghệ. Có trọng tải choán nước là 6.000 tấn khi lặn, lớp Thương có sáu ống phóng ngư lôi loại 533mm. Được chế tạo với sự hỗ trợ kỹ thuật của Nga, song lớp này không thành công, và chỉ có ba chiếc tàu ngầm được chế tạo. Theo nhiều nguồn tin, Trung Quốc hiện đang phát triển thế hệ tàu ngầm thứ ba với lớp 095.
Không chỉ có vậy, Trung Quốc còn vận hành nhiều loại tàu ngầm chạy bằng động cơ điện diesel. Chín chiếc tàu ngầm lớp Nguyên (041) và 14 tàu ngầm nhỏ hơn thuộc lớp Tống (039) đại diện cho đội tàu được sản xuất hoàn toàn trong nước. Những chiếc tàu thuộc lớp Nguyên có trọng tải choán nước là 2.400 tấn khi lặn, còn lớp Tống là 2.200 tấn. Cả hai đều được trang bị sáu ống phóng ngư lôi loại 533mm.
Bên cạnh những tàu ngầm tự chế, Trung Quốc cũng vận hành 10 chiếc tàu ngầm Kilo cải tiến mua của Nga. Và đầu năm 2012, nước này đã đặt thêm bốn chiếc tàu ngầm lớp Lada. Mặc dù tự chế tạo lớp Nguyên, song đơn hàng mới nhất này cho thấy Trung Quốc không hài lòng với hiệu quả hoạt động của những chiếc tàu ngầm lớp này.
Nga
Tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo lớp Borey của Nga |
Không cần xét toàn bộ lực lượng hải quân của Nga, chỉ riêng hạm đội Thái Bình Dương của nước này cũng đã cho thấy sự suy yếu của hạm đội tàu ngầm Liên Xô lừng danh xưa kia. Toàn bộ số tàu ngầm trong Hạm đội Thái Bình Dương đều được đóng từ thế kỷ trước, phần lớn là từ thập niên 1980.
Trong tương lai, hạm đội sẽ được bổ sung thêm bốn chiếc tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo lớp Borey, thay cho chiếc tàu ngầm Delta III duy nhất. Tàu ngầm lớp Borey có trọng tải choán nước là 19.400 tấn khi lặn, và được trang bị sáu ống phóng ngư lôi loại 533mm, cùng 16 tên lửa đạn đạo SS-N-32 Bulava. Việc phát triển tên lửa Bulava vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề, đến nay gần một nửa số vụ phóng thử đều thất bại.
Ngoài ra, hạm đội Thái Bình Dương còn bốn tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Oscar. Mỗi chiếc tàu ngầm thuộc lớp này có trọng tải choán nước là 14.500 tấn khi lặn, và mang 24 tên lửa chống tàu 24 SS-N-19. Hệ thống phóng ngư lôi gồm bốn ống 533mm và bốn ống 650mm, có khả năng phóng tên lửa chống tàu ngầm SS-N-16 Stallion, SS-N-15 Starfish, ngư lôi có điều khiển và ngư lôi siêu khoang Shkval.
Thành phần chủ lực trong đội tàu ngầm của Hạm đội Thái Bình Dương là những chiếc tàu ngầm tấn công - gồm bốn tàu ngầm hạt nhân Akula-I, mỗi chiếc có trọng tải choán nước là 8.000 tấn khi lặn. Hệ thống vũ khí trên tàu này gồm bốn ống phóng ngư lôi 533mm và bốn ống 650mm, có khả năng phóng tên lửa tấn công mặt đất SS-N-21, tên lửa chống tàu ngầm SS-N-15, ngư lôi và thủy lôi.
Cuối cùng là bảy chiếc tàu ngầm Kilo chạy động cơ điện diesel, trong đó có ba tàu cải tiến. Tàu ngầm Kilo có trọng tải choán nước là 3.100 tấn khi lặn, với sáu ống phóng ngư lôi loại 533mm, có khả năng phóng ngư lôi và tên lửa chống tàu ngầm SS-N-15. Nếu không dùng ngư lôi và tên lửa, tàu này có thể mang tới 24 quả thủy lôi, hoặc mang kết hợp các loại vũ khí.
Ấn Độ
Tàu ngầm Chakra của Ấn Độ |
Đối đầu với cả Pakistan và Trung Quốc, hạm đội tàu ngầm của Ấn Độ đang ở trong thế ngày càng nguy nan. Những chiếc tàu ngầm của nước này đang trở nên già cỗi bởi các kế hoạch thay thế chúng bị cản trở bởi thủ tục hành chính quan liêu, trong khi hạm đội tàu ngầm của các nước đối thủ ngày càng quy mô và tinh vi hơn.
Ấn Độ đã hạ thủy Arihant - những chiếc tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo đầu tiên của nước này. Được thiết kế phỏng theo mẫu tàu ngầm hạt nhân Akula của Nga, tàu Arihant có trọng tải choán nước là 6.500 tấn, với bốn ụ phóng tên lửa thẳng đứng, trang bị tên lửa đạn đạo K-15 Sagarika. Tàu ngầm lớp này còn có sáu ống phóng ngư lôi 533mm, ngoài khả năng phóng ngư lôi, còn có khả năng phóng tên lửa chống thuyền Klub. Hiện tại, Ấn Độ đang lên kế hoạch chế tạo ít nhất ba chiếc tàu ngầm Arihant.
Ấn Độ cũng giữ lại một tàu ngầm Akula-1 mang tên Chakra trong đội hình tàu ngầm tấn công thông thường. Với trọng tải choán nước là 9.100 tấn khi lặn, hệ thống phóng ngư lôi của tàu này tương tự như hệ thống phóng ngư lôi của Arihant. Được chế tạo để phục vụ hải quân Nga, chiếc tàu này gặp phải nhiều vấn đề kiểm soát chất lượng và có thời gian chế tạo lên tới 15 năm. Hiện, tàu được Nga cho Ấn Độ thuê lại với thời hạn là 10 năm.
Ngoài tàu ngầm hạt nhân, Ấn Độ cũng vận hành một hạm đội gồm 18 tàu ngầm Kilo của Nga, lâu đời nhất trong số đó là chiếc tàu ngầm 30 năm tuổi. Đầu năm 2013, Ấn Độ chịu thiệt hại nặng nề khi tàu ngầm Sindhurakshak nổ tại cảng. Kế hoạch đóng 6 chiếc tàu ngầm Scorpene - loại tàu 1.700 tấn, trang bị ngư lôi và tên lửa Exocet - liên tục bị trì hoãn vì các vấn đề kỹ thuật và thủ tục hành chính.
Pakistan
Tàu ngầm Agosta 90B của Pakistan |
Đối thủ duy nhất của Pakistan trên biển là Ấn Độ. Pakistan duy trì hoạt động của 5 chiếc tàu ngầm Agosta do Pháp chế tạo: hai trong số đó là Agosta nguyên bản, ra đời từ những năm 1970, ba chiếc còn lại thuộc lớp Agosta 90B đã được hiện đại hóa.
Tàu ngầm Agosta 90B có trọng tải choán nước trong khoảng từ 1.760 đến 2.010 tấn khi lặn, được trang bị bốn ống phóng ngư lôi loại 533mm, có khả năng phóng ngư lôi và tên lửa Exocet. Trong năm 2014, cả ba chiếc tàu ngầm này của Pakistan sẽ được trang bị thêm hệ thống đẩy không cần không khí. Với hệ thống này, Pakistan sẽ nắm trong tay những chiếc tàu thuộc hàng tinh vi nhất châu Á.
Nhật Bản
Tàu ngầm lớp Soryu của Nhật Bản |
Mới đây Nhật Bản cũng tuyên bố ý định tăng cường hạm đội tàu ngầm từ 16 lên 22 chiếc. Tàu ngầm chạy bằng động cơ điện diesel lớp Soryu vẫn tiếp tục được sản xuất, và dự kiến trong thời gian tới, Nhật Bản sẽ cho ra đời 8 tàu Soryu. Với trọng tải choán nước là 4.200 tấn, Soryu là một trong số ít tàu ngầm của khu vực có hệ thống kéo không cần khí, một công nghệ được Nhật mua của Thụy Điển. Hệ thống vũ khí của tàu gồm sáu ống phóng ngư lôi loại 533mm, có khả năng phóng ngư lôi tự điều khiển kiểu 89 và tên lửa Sub Harpoon.
Góp mặt trong hạm đội tàu ngầm Nhật Bản còn có 11 tàu ngầm Oyaschio. Có trọng tải choán nước khi lặn là 3.600 tấn, hệ thống vũ khí của Oyashio cũng tương tự như hệ thống vũ khí của Soryu. Chưa rõ Nhật Bản sẽ phát triển hạm đội tàu ngầm của mình tới quy mô nào, nhưng trong tương lai gần, nhiều khả năng hạm đội này sẽ bao gồm những chiếc tàu ngầm Soryu, tàu ngầm Oyashio và ba chiếc tàu ngầm còn lại thuộc lớp Harushio, có trọng tải 2.750 tấn với hệ thống vũ khí tương tự như hai lớp kia. Chiếc tàu ngầm Harushio lâu đời nhất cũng chỉ mới 19 năm tuổi. Đây là độ tuổi sử dụng trung bình của tàu ngầm Nhật Bản, nhưng ở tuổi đó, nhiều chiếc tàu ngầm chạy bằng động cơ điện diesel của các hạm đội hải quân khác vẫn đang trong kỳ phục vụ.
Nhật Bản sẽ tăng cường khả năng tự tạo lực lượng chống tiếp cận/chống xâm nhập cho hạm đội tàu ngầm của mình. Hải quân Trung Quốc thường có những chuyến tuần hành quanh eo biển Miyako, tuyến đường gần nhất để đi từ sở chỉ huy Hạm đội Hoa Đông tới vùng biển Tây Thái Bình Dương. Với sự hỗ trợ của các thiết bị trên không và trên mặt biển, những chiếc tàu ngầm Nhật Bản sẽ khiến những cuộc tuần hành qua eo biển này của Trung Quốc trở nên khó khăn hơn.
Hà Trang (theo Usni.org)
Còn tiếp
Đón đọc kỳ 2 của Cuộc đua tàu ngầm tại châu Á để khám phá hệ thống tàu ngầm tại Triều Tiên, Hàn Quốc và một số nước Đông Nam Á.
-------
Tác giả bài viết, Kyle Mizokami là người sáng lập các blog Japan Security Watch, Asia Security Watch và War is Boring. Nội dung các bài viết của ông thường xoay quanh các vấn đề an ninh - quốc phòng ở Châu Á, đặc biệt là Nhật Bản. Ông cũng đóng góp nhiều bài viết cho các tờ báo Medium, The Atlantic.com, Salon, The Japan Times và Diplomat...