Văn hóa của con người trong xã hội là cái “chân thắng” của chiếc xe nhằm “đối trọng” với cái “chân ga” mỗi khi chiếc xe ấy tăng tốc lao về trước làm kinh tế để kiếm tiền, kiếm miếng ăn, thỏa mãn nhu cầu vật chất, thỏa mãn lòng tham, sự háo danh...

Trong khoảng vài năm gần đây những cụm từ như “văn hóa xã hội xuống cấp” bỗng xuất hiện ngày một nhiều hơn trên các diễn đàn, báo chí, mỗi khi xã hội xảy ra những vấn đề phản cảm, nhức nhối nào đó. Đầu năm, tại một hội nghị về công tác phòng chống tội phạm, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định một trong những nguyên nhân làm cho tình hình tội phạm diễn biến phức tạp và gia tăng nhiều là do “sự suy thoái và xuống cấp về đạo đức xã hội” [1].

Trước đó, trong ngày cuối năm 2013, có tờ báo lớn đã mở diễn đàn “trám lỗ thủng văn hóa, đạo đức” [2].

{keywords}
Hôi bia - một hiện tượng cho thấy lỗ hổng đạo đức của xã hội

Những cái nhìn dự báo

Những năm đầu đổi mới, bằng tài năng và cái nhìn dự cảm, không ít  nhà văn đã đề cập vấn đề này (cả về những biểu hiện lẫn nguyên nhân phát sinh) một cách thẳng thắn và sâu sắc.

Thời điểm ấy, bằng sự sắc sảo của mình, GS Lê Ngọc Trà đã cảnh báo vấn đề xuống cấp về đạo đức, sớm muộn gì cũng sẽ xảy ra trong xã hội nếu như những người có trách nhiệm không có cái nhìn đúng đắn về chức năng, vị thế của văn chương nghệ thuật chân chính nói chung trong đời sống tinh thần của con người.

Trong bài viết “Văn nghệ và chính trị” vào tháng 11 năm 1987, GS Lê Ngọc Trà đã thẳng thắn nhìn nhận: Chúng ta quên mất rằng văn nghệ phụng sự tốt nhất cho chế độ không phải chỉ ở chỗ truyền bá tư tưởng chính trị của nó, mà quan trọng hơn là xây dựng con người hình thành thế giới tinh thần và đạo đức của con người. Chúng ta cũng nói đến con người và đạo đức nhưng lại chỉ chú ý trước đến phần lập trường, quan điểm, đến khía cạnh chính trị của đạo đức, ít quan tâm đến mặt nhân bản của nó”.[3]

Và “mặt nhân bản của đạo đức” được GS Lê Ngọc Trà nhìn nhận và lý giải một cách sắc sảo và xác đáng như sau: “Trong xã hội ta, có chính kiến có chỗ đứng trong tổ chức, đoàn thể không khó bằng có nhân cách. Điều đó ai cũng thấy rõ và càng ngày càng rõ(...). Bởi vậy việc xây dựng dựng đạo đức nhân bản, đạo đức văn hóa là hết sức cấp bách, hết sức cần thiết.

Trẻ em của chúng ta được dạy quá nhiều về lòng yêu nước, yêu nhân dân nhưng lại ít được giáo dục tình yêu thiên nhiên, cây cỏ, súc vật, yêu cha mẹ, người thân. Các em hát quá nhiều những bài ca với một nội dung chính trị, đoàn kết quốc tế, trừu tượng nhưng lại ít được dạy cho thương yêu anh em, bè bạn chung quanh một cách cụ thể hơn, nhân ái hơn”. [4]

Nếu GS Lê Ngọc Trà dự báo sự xuống cấp về đạo đức xã hội từ góc nhìn của nhà lý luận phê bình văn học, thì cố nhà văn Nguyễn Khải là một trong những nhà văn tiêu biểu trong những năm đầu đổi mới dự báo điều này bằng những truyện ngắn rất thâm trầm và sâu sắc mang "tầm nhìn xa".

Chẳng hạn, nguyên nhân gây ra sự xuống cấp đạo đức của con người những năm đầu đổi mới được Nguyễn Khải lý giải trong truyện Nếp nhà:

Bây giờ các con anh đều lao vào kiếm tiền, đều nuôi mộng làm triệu phú tỷ phú trong chớp mắt. Khốn một nỗi chúng lại chưa được ai dạy bảo cái cách ăn ở với đồng tiền. Đồng tiền vừa là đầy tớ vừa là ông chủ, vừa là bạn đường vừa là giặc cướp các con anh biết chọn cách nào? Chúng chỉ biết lựa chọn theo trực giác, theo kinh nghiệm tức thì, theo lợi ích trước mắt. Anh nghĩ xem đã đến thế thì con người và nền văn minh của con người đã bị chúng gạt ra khỏi mọi sự tính toán rồi” [6].

“Họa phúc có đầu mối”

Soi chiếu những điều được cảnh báo trước đây với hiện nay quả thật phải thừa nhận nó đúng.

Xem thêm các bài "bắt bệnh" thói xấu người Việt để sửa mình:

Trộm vào Việt Nam, tha hồ cắm cờ trên đất trống

"Đi Tây đổi đời, làm Kiều... mới sướng"

Người Việt trưởng thành rất chậm

Tìm nguyên nhân tính xấu của người Việt

Người Việt nên tập dần "cai sữa"

Sớm hay muộn, lá bài nào cũng phải lật ngửa!

Có phải người Việt thích được thương hại?

Và, có vẻ như kể từ thời điểm đất nước tiến hành đổi mới, vai trò của nhà văn không còn được xem trọng.  Phải chăng, vì thế mà tiếng nói của họ từ ấy đến nay rất ít được các nhà quản lý văn hóa chú ý lắng nghe?

Thế mới biết, giá như các nhà quản lý xã hội hiểu rằng “văn học là lương tâm của xã hội. Giáo dục lương tâm xã hội là mảnh đất riêng của văn học nghệ thuật,...” [7]. Giá như họ chịu khó... đọc sách và hiểu những điều các nhà văn đã rút gan rút ruột viết ra. Và giá như họ hiểu cách ví von, ẩn dụ của người nghệ sĩ rằng văn hóa của con người trong xã hội là cái “chân thắng” của chiếc xe nhằm “đối trọng” với cái “chân ga” mỗi khi chiếc xe ấy tăng tốc lao về trước làm kinh tế để kiếm tiền, kiếm miếng ăn, để thỏa mãn những nhu cầu vật chất, thỏa mãn lòng tham, sự háo danh...

Để từ đó, nếu có sự điều chỉnh kịp thời những chính sách liên quan đến văn hóa, giáo dục đạo đức cho thế hệ cháu con, thì có lẽ không phải ngậm ngùi, ngồi bàn chuyện “vá” cái“lỗ thủng văn hóa đạo đức” như bây giờ?!

Thay lời kết

Mình có Đảng, có Nhà nước, có hệ thống chính trị, có lực lượng công an từ trên xuống dưới mà để cho tội phạm có tổ chức lộng hành thì nghĩ sao các đồng chí?”. Đây cũng là phát biểu của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong hội nghị trực tuyến về tình hình tội phạm trong ngày 3/1/2014. Công tâm mà nói, đây vừa là một câu hỏi, một lời chất vấn đồng thời cũng vừa một mệnh lệnh cần thiết, xác đáng và có trách nhiệm của ông Phó Thủ tướng đối với các cơ quan công quyền liên quan đến vấn đề cần phải mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa trong nhiệm vụ trấn áp tội phạm, đem lại bình yên cho xã hội hiện nay.

Tuy vậy, đây chỉ có ý nghĩa như giải pháp tình thế. Nói như  nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn thì đây chỉ là giải pháp có ý nghĩa “trị chứng” hơn là “trị căn”.

Quả đúng như vậy, cái sự “họa, phúc” trong đời một con người hay rộng hơn  là cái “họa, phúc” của một quốc gia, một dân tộc không phải đương nhiên xảy ra trong một ngày một bữa, mà tất cả đều có cái quá trình, cái“đầu mối” sâu xa, lâu dài của nó. Cho nên, vấn đề trước hết là phải làm sao tìm cho ra cái “đầu mối” ấy.

Nhưng tìm ra được cái “đầu mối” ấy rồi cũng chỉ là bước đi đầu tiên. Cái bước quan trọng nhất để có thể “trám lỗ thủng văn hóa, đạo đức” xã hội chính là phải tháo gỡ, xóa bỏ cái “đầu mối”, kiến tạo, xây dựng một cái “đầu mối” mới nhằm hướng đến mục tiêu là tạo ra nhiều cái phúc, cái thiện đồng thời hạn chế đến mức thấp nhất những cái họa, cái ác, cái xấu.

Nguyễn Trọng Bình

---------------------

Nguồn tham khảo:

[1]: Theo Báo Tuổi trẻ số ra ngày 4/1/2014

[2]: Theo Báo Tuổi trẻ số ra ngày 31/12/2013

[3,4,7]: Bài viết Văn nghệ và chính trị của GS Lê Ngọc Trà in trong “Lê Ngọc Trà Lý luận và văn học”, nhà xuất bản trẻ, 2005

[5, 6]: Những truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Khải in trong tập truyện “Hà Nội trong mắt tôi”. Nhà xuất bản Trẻ, 2003

[8]: Ý kiến của nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn trên báo Tuổi trẻ số ra ngày 31/12/2013