Điều đáng lo ngại nhất, dường như chúng ta đang sợ sự trưởng thành và không hề muốn "cai sữa". Phải chăng vì thế mà có người nói VN không phải là nước kém phát triển hay khó phát triển mà thuộc loại... không chịu phát triển.

>> Sớm hay muộn, lá bài nào cũng phải lật ngửa!

>> Có phải người Việt thích được thương hại?

Câu chuyện gần đây về một nghệ sĩ gặp những khó khăn trong cuộc sống đã khơi gợi nhiều suy nghĩ trong lòng bạn đọc. Đồng ý rằng câu chuyện đó có thể nhìn từ nhiều góc độ, và dù thế nào cũng không ai được quyền phán xét người khác bởi cách hành xử của mỗi người trước mỗi biến cố trong cuộc sống không thể giống nhau.

Tư duy ngược đời

Thế nhưng người ta có quyền đồng tình hoặc không đồng tình, khen hoặc chê. Đó cũng là một thứ quyền lực của dư luận. Và trong đa số trường hợp, dư luận phản ánh cái nhìn mang tính đại diện nhất định của xã hội đối với một sự vật, hiện tượng. Khi có quá nhiều người lên tiếng cho rằng người nghệ sĩ khả kính một thời kia đang kêu gọi sự thương hại của người hâm mộ bằng chính danh tiếng của mình, phải chăng cách hành xử ấy đã vượt quá sự bình thường để đi đến mức bất thường?

Nhưng sẽ còn đáng buồn hơn khi từ câu chuyện này chúng ta nhìn rộng ra xung quanh để thấy rằng người nghệ sĩ này không phải là trường hợp cá biệt, mà có lẽ chỉ là trường hợp điển hình trong xã hội hiện nay, nơi có quá nhiều người ưa sống dựa vào lòng thương hại của người khác.

Người viết bài này sinh ra ở một nơi nhiều năm nay được xếp trong danh sách "xã đặc biệt khó khăn". Theo quy định hiện hành, các địa phương đặc biệt khó khăn sẽ được hưởng những sự hỗ trợ nhất định nhất để xóa đói giảm nghèo và đầu tư phát triển.

Buồn thay, năm nào cũng tái diễn chuyện người dân tranh cãi nhau về việc hộ nào xứng đáng được xếp là hộ nghèo. Họ "đấu tố" nhau vì tại sao cùng hoàn cảnh nhưng có hộ được xếp là hộ nghèo, có hộ thì không. Đôi khi giải pháp là việc luân phiên thay nhau... nghèo. Chưa kể trong số các hộ nghèo có những gia đình thực sự do hoàn cảnh khó khăn nhưng cũng có những gia đình nghèo đơn giản vì... lười lao động. Nhưng dù thế nào thì việc bị ra khỏi danh sách hộ nghèo cũng không phải tin vui với bất cứ ai.

Chính quyền cơ sở thì đau đầu trong việc phân bổ chỉ tiêu, trong khi huyện thì không đồng ý cắt giảm tỷ lệ hộ nghèo. Nguyên nhân là phải đủ tỷ lệ xã nghèo nhất định thì huyện mới là huyện nghèo! Bởi ai cũng hiểu, còn nghèo thì còn được đầu tư!

Hàng năm, Việt Nam cũng vẫn đang phải ngửa tay xin hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) từ các nước phát triển trên thế giới. Vẫn biết các nước có những mục tiêu kinh tế chính trị khác nhau khi cấp ODA, nhưng xét đến cùng chúng ta cũng là kẻ đi vay, và chúng ta phải chịu ơn những người cho vay. Hãy nhìn vào Nhật Bản, một trong những nước cấp ODA nhiều nhất cho Việt Nam. Nhật Bản có gì hơn Việt Nam về điều kiện tự nhiên xã hội và kể cả trí tuệ con người, thế nhưng suốt bao nhiêu năm nay chúng ta vẫn mong được rủ lòng thương từ một đất nước phải chịu hoàn cảnh còn khắc nghiệt hơn chính mình?

{keywords} 

Khoan hãy nói đến những chuyện về tham nhũng, sự phung phí trong sử dụng vốn bởi đó sẽ là một câu chuyện dài. Ai cũng hiểu vốn thì nước nào cũng cần để đầu tư, nhưng quan trọng là vốn đó được dùng để tạo đà cho sự phát triển. Một khi đạt đến mức độ phát triển nhất định thì các nước tiếp nhận ODA nên dần tập quen với việc "cai sữa." Nhưng nhìn vào cách Việt Nam luôn lo lắng về mức vốn hỗ trợ giảm xuống, trong khi vẫn khẳng định các thành tựu vượt bậc về kinh tế, xã hội phải chăng đó là một thứ tư duy ngược đời của một đất nước vẫn trông chờ quá nhiều vào sự giúp đỡ?

Còn nhớ năm 2012 khi EU  thay đổi quy tắc xuất xứ đối với hàng hóa được hưởng ưu đã thuế quan phổ cập (GSP), cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam rất lo ngại trước cơ chế trưởng thành mà EU đặt ra. Theo đó, với những một số ngành hàng nhất định như da giày, dệt may... khi kim ngạch xuất khẩu vào EU của nước được hưởng GSP đã đạt một tỷ lệ nhất định trong tổng kim ngạch nhập khẩu của EU (chẳng hạn 15%) thì nước đó được coi là đã "trưởng thành" và sẽ không được hưởng mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo chương trình GSP nữa.

Ngưỡng trưởng thành là điều khiến cho cộng đồng doanh nghiệp và nhiều nhà làm chính sách lo lắng. Ai cũng hiểu việc được hưởng ưu đãi về thuế quan sẽ khiến hàng Việt Nam có sức cạnh tranh cao hơn. Thế nhưng, chúng ta phải chấp nhận sự thật rằng về lâu về dài việc giữ được và phát triển được thị trường phải xuất phát từ uy tín, chất lượng chứ không phải nhờ vào lòng thương hại của các nước phát triển dành cho các nước đang và kém phát triển thể hiện trên cơ chế cắt giảm thuế quan.

Và điều đáng lo ngại nhất, dường như chúng ta đang sợ sự trưởng thành và không hề muốn "cai sữa". Phải chăng vì thế mà có người nói Việt Nam không phải là nước kém phát triển hay khó phát triển mà thuộc loại... không chịu phát triển.

Và hành xử cũng... ngược đời?

Thiết nghĩ rằng sự thương cảm, cảm thông dù với một quốc gia, một địa phương hay một con người đều có ranh giới nhất định so với sự thương hại. Người ta chỉ có thể cảm thông với những hoàn cảnh thương tâm, với điều kiện những người gặp phải hoàn cảnh đó đã cố gắng hết sức mình để vượt qua. Còn nếu không, mọi sự giúp đỡ chỉ là sự thương hại mà người trên ban phát cho kẻ dưới.

Cùng lúc xảy ra chuyện với nghệ sĩ trên, người viết chợt nhớ lại câu chuyện về nữ anh hùng lao động Ba Sương. Cuộc đời bà có thời hoàng kim và cũng có lúc phải chịu đọa đày. Nhưng trong lúc tuyệt vọng nhất, chưa khi nào bà đòi hỏi sự đóng góp bằng vật chất cũng như chưa một lần nào đem công trạng, tuổi già sức yếu, cô đơn bệnh tật ra để mua nước mắt của những người ủng hộ bà.

{keywords}

Nữ anh hùng lao động Ba Sương

Ở tuổi cổ lai hy, sau bao nhiêu thăng trầm, bà vẫn đứng dậy, trở lại thương trường ở chính nơi chứa đầy kỷ niệm ngọt ngào lẫn cay đắng. Dẫu có những điều bà làm được, có những điều bà chưa làm được nhưng cách sống của bà khiến người ta không khỏi cảm mến và kính trọng.

Và gần đây khi có những kỹ sư, những người thợ máy tiên phong làm ra những sản phẩm công nghệ như tàu ngầm mini, trực thăng tự chế. Chẳng những họ bỏ tiền bạc của mình ra, không hề kêu gọi sự giúp đỡ của cộng đồng mà còn chẳng được yên thân để cống hiến và sáng tạo. Dù dư luận khen ngợi và ủng hộ nhưng cơ quan nhà nước thì dửng dưng và lạnh lùng cấm đoán. Thử nghĩ xem đó có phải là những cách hành xử hết sức ngược đời hay không?

Thiết nghĩ rằng, con người sống trên đời phải biết thương yêu và chia sẻ lẫn nhau. Sự hỗ trợ, động viên kịp thời là hết sức cần thiết nhưng nó phải đúng cách, đúng lúc, đúng thời điểm nếu không sẽ vô ích thậm chí phản tác dụng. Quan trọng hơn nữa, chính những ai đang gặp khó khăn cũng cần có đủ sự tự trọng để biết mình có thể làm gì và cần được giúp đỡ tới đâu. Sự tự trọng đó là cần thiết không phải cho riêng mỗi cá nhân, mà cho cả xã hội và đất nước trong bước đường phát triển.

Khương Duy