Trong hơn nửa thế kỷ phát triển, Myanmar từng kinh qua các thời kỳ đa đảng và độc đảng. Chế độ đa đảng và chế độ độc đảng đều dẫn tới những hệ quả đáng buồn.

Sự kiện 8888 và 'vết nhọ' quốc gia

Mảnh đất màu mỡ cuối cùng của Châu Á

Chọn láng giềng hay phương Tây?

Tuần Việt Nam tiếp tục giới thiệu bài viết của nguyên Đại sứ Việt Nam tại Myanmar Chu Công Phùng

Kỳ 1: Ba lãnh đạo khiến người dân ‘thù ghét’ ‘kính nể’ ‘ngỡ ngàng’

Myanmar đa đảng từ nửa thế kỷ

Lâu nay, nhiều người lầm tưởng sở dĩ tiến trình đổi mới của Myanmar 3 năm qua đạt được thành công là do Myanmar thực hiện chính sách đa đảng, hoặc cho rằng đa đảng là con đường đúng đắn mà Myanmar đã lựa chọn để đạt kết quả như hiện nay.

Thực tế, vấn đề đa đảng không phải là việc mới ở Myanmar mà đã tồn tại suốt hơn nửa thế kỷ nay.

Trước khi giành độc lập, ở Myanmar tồn tại nhiều đảng phái chính trị khác nhau, có cùng mục tiêu là chống lại thực dân Anh, giành độc lập. Trong hàng chục đảng phái chính trị hồi đó có 2 đảng  mạnh hơn cả là đảng Nhân dân cách mạng do tướng Aung San đứng đầu và Đảng cộng sản Miến Điện do Than Tun đứng đầu.

Sau khi Myanmar giành độc lập, 14 năm cầm quyền của Thủ tướng U Nu thực thi chế độ chính trị Nghị viện dân chủ đa đảng (1948 - 1962) cũng là 14 năm "trăm hoa đua nở" dân chủ nhất trong lịch sử Myanmar với việc ra đời hàng loạt đảng phái chính trị từ các TP lớn cho tới các bang và vùng biên giới. Tại thủ đô Yangon có mấy chục đảng chính trị, trong đó có các đảng lớn là đảng Liên đoàn (lực lượng còn lại của tướng Aung San), đảng Liên bang của Thủ tướng U Nu; đảng Bạn dân, đảng Công nông; đảng Vững chắc, đảng Trong sạch... Riêng Đảng cộng sản Miến Điện phân hóa thành 2 đảng: đảng cộng sản Cờ đỏ và đảng cộng sản Cờ trắng.

Trong thời gian này, do sai lầm về đường lối của Thủ tướng U Nu, Myanmar rối loạn, nội chiến khắp nơi, các đảng phái công kích nhau. Đảng cầm quyền của Thủ tướng U Nu bất lực dẫn đến hậu quả là cuộc đảo chính quân sự ngày 2/3/1962  lật đổ chế độ Nghị viện dân chủ đa đảng của Thủ tướng U Nu.

Trong 26 năm cầm quyền của Thủ tướng Ne Win (1962 - 1988), Myanmar đã thực hiện chế độ độc đảng, đó là đảng Cương lĩnh XHCN Miến Điện (BSPP) do Thủ tướng Ne Win thành lập ngày 4/7/1962. Chính phủ của Thủ tướng Ne Win tuyên bố đảng Cương lĩnh xã hội chủ nghĩa Miến Điện là đảng chính trị duy nhất lãnh đạo "Liên bang cộng hòa xã hội chủ nghĩa Miến Điện" tiến lên CNXH, các đảng khác bị giải thể, tài sản bị sung công, các tổ chức tôn giáo được phép hoạt động nhưng phải đăng ký.

{keywords}

Ông Chu Công Phùng. Ảnh: Hoàng Hường

Chế độ độc đảng của CP Ne Win không chỉ bị tẩy chay mà còn tiếp tục phạm các sai lầm lớn về phát triển kinh tế, trong đó chính sách kinh tế kế hoạch XHCN đã đưa Miến Điện từ nước xuất khẩu gạo biến thành nước thiếu lương thực trầm trọng, đẩy Miến Điện lâm vào cuộc suy thoái và rối loạn. Khủng hoảng kinh tế xã hội khiến CP của Thủ tướng Ne Win tháng 12/1987 buộc phải đề nghị và được LHQ chấp thuận, xếp Miến Điện vào nhóm nước kém phát triển nhất thế giới để được hưởng quy chế tha nợ. Điều này làm tổn thương nghiêm trọng tới quốc thể và tinh thần tự tôn dân tộc của nhân dân Miến Điện.

Trong bối cảnh đó, các đảng phái chính trị và nhiều sắc tộc thiểu số liên kết với nhau thành lập "Mặt trân dân chủ dân tộc" chống lại CP Liên bang, họ thành lập quân đội riêng chống lại CP Trung ương khiến Myanmar chìm đắm vào nội chiến. Đảng Cương lĩnh XHCN Miến Điện phân hóa sâu sắc không lãnh đạo được đất nước. Sau khi xảy ra sự kiện 8888, ngày 18/9/1988, Bộ trưởng Quốc phòng - Đại tướng Saw Maung cùng các tướng lĩnh thân cận tiến hành cuộc đảo chính quân sự lật đổ chính quyền của Đảng Cương lĩnh xã hội chủ nghĩa Miến Điện và Thủ tướng Ne Win sau 26 năm tồn tại, xóa bỏ nhà nước "Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Miến Điện", thành lập "Liên bang Miến Điện" (tháng 5/1989 đổi thành "Liên bang Myanmar")

Để cứu vãn tình hình, ngày 26/9/1988, CP mới của tướng Saw Maung công bố quy định về đăng ký thành lập các đảng phái chính trị để tham gia Tổng tuyển cử. Sau 26 năm bị cấm đoán hoạt động, các đảng phái chính trị lớn nhỏ tại Miến Điện đua nhau ra đời. 

Tuy nhiên cuộc Tổng tuyển cử ngày 27/5/1990 lại đưa Myanmar lâm vào khủng hoảng chính trị mới vì đảng Liên minh dân tộc vì dân chủ của Aung San Suu Kyi (NLD) giành chiến thắng áp đảo với 392/491 tổng số ghế QH, chiếm 79,8% nhưng không được CP Saw Maung công nhận và chuyển giao quyền lực. Đảng NLD bị chính phủ giải tán, bà Aung San Suu Kyi bị giam lỏng. Đấu tranh nội bộ hỗn loạn dẫn đến hậu quả ngày 23/4/1992, Thủ tướng Saw Maung buộc phải nghỉ hưu. Bộ trưởng quốc phòng Đại tướng Than Shwe lên thay.

Trong 19 năm cầm quyền, chính quyền quân sự của Thống tướng Than Shwe tuy không xóa bỏ các đảng phái chính trị nhưng đã 3 lần đóng cửa Trụ sở các đảng phái đối lập (năm 2003, 2006, 2008). Đến tháng 5/2008 mới ban hành Hiến pháp mới. Điều luật của Hiến pháp 2008 quy định rõ "Nhà nước sẽ ban hành luật cho phép thành lập các đảng phái chính trị để khuyến khích hệ thống dân chủ đa đảng thực sự". Kể từ thời điểm này, các đảng phái chính trị ở Myanmar lại đua nhau mọc lên như nấm mùa xuân.

Cuộc Tổng tuyển cử ngày 7/11/2010 có 37 đảng chính trị tranh cử và 35 đảng giành được vị trí nhất định trong QH. Đến tháng 4/2012, đảng NLD của bà Aung San Suu Kyi chính thức tham gia bầu cử QH bổ sung, nâng số đảng phái chính trị trong quốc hội Myanmar lên 36.

Trong hơn nửa thế kỷ, Myanmar từng kinh qua các thời kỳ đa đảng và độc đảng và đều dẫn tới những hệ quả đáng buồn. Đây là bài học bổ ích cho CP dân sự hiện nay đứng đầu là Tổng thống Thein Sein đang chèo lái Myanmar tránh được vết xe đổ của những thế hệ lãnh đạo trước kia.

{keywords}

Người dân Myanmar kỷ niệm sự kiện 8888. Ảnh Asia Report


Lịch sử có lặp lại?

Trên thế giới hiếm quốc gia nào có nhiều sắc tộc và tôn giáo như Myanmar. Hậu quả cai trị của CN thực dân; ý đồ cát cứ của các thế lực tôn giáo; tham vọng của các đảng phái chính trị; các cuộc đảo chính quân sự thay đổi chính quyền, sự can thiệp của các nước láng giềng v.v... khiến cho 135 sắc tộc ở Myanmar chưa một ngày nào sống trong bình yên, đoàn kết dưới một mái nhà. Tiếng súng nội chiến chưa hề ngừng kể từ sau khi Myanmar giành độc lập.

Ba năm qua, tiếng súng dịu bớt, tuy nhiên vấn đề xung đột sắc tộc, tôn giáo vẫn đang là thách thức lớn. Điển hình là cuộc xung đột lúc quyết liệt, lúc âm ỉ giữa các tín đồ Mohinga (đạo Hồi) và các tín đồ đạo Phật tại bang Rakhine bùng nổ từ năm 2011.

Lịch sử cận đại Myanmar cho thấy, trong các thế hệ lãnh tụ ở Myanmar chỉ có duy nhất Tướng Aung San là vị lãnh tụ duy nhất đủ uy tín có thể tập hợp được các sắc tộc Myanmar. Đó là ngày  9/2/1947, để thực hiện Hiệp ước Aung San - Attlee (giữa Anh và Myanmar) nhằm giành độc lập dân tộc cho Miến Điện, tướng Aung San đã triệu tập hội nghị giữa Liên đoàn tự do nhân dân chống phát xít và đại diện các dân tộc thiểu số tại TP Panlong trong quốc gia Nam Shan.

Với uy tín của mình, tướng Aung San đã tháo gỡ mâu thuẫn, thuyết phục họ thành lập nhà nước Liên bang. Phát biểu của ông khiến đại biểu các sắc tộc đều tâm phục khẩu phục: "các dân tộc miền núi - người Kachin, Karen, Chin, Shan ... cần tự mình quyết định thống nhất với người Miến hay không. Tôi muốn biết rõ nguyện vọng của các bạn trong trường hợp các bạn không muốn thống nhất. Tôi hoàn toàn không muốn các bạn phải mất đi những điều không đáng mất... Không việc gì phải sợ - cả người da trắng và người da mầu. Đừng run lên trước bất kỳ lời đe dọa nào. Cũng chẳng cần phải cầu xin ai hết. Hãy cất cao giọng mà tuyên bố rằng, chúng ta thống nhất Miến Điện và ngày mai độc lập sẽ đến với chúng ta."

Tướng Aung San đã ký Hiệp định Panlong với các lãnh tụ dân tộc thiểu số về việc đảm bảo cho họ được tự do lựa chọn chế độ chính trị. Sau Hội nghị Panlong, tháng 4/1947, trước sự ngỡ ngàng của người Anh và các đảng phái chính trị khác, dân chúng Miến Điện lần đầu tiên đi bầu cử QH lập hiến. QH lập hiến Miến Điện tuyên bố Miến Điện từ bỏ Khối cộng đồng Anh, bầu CP lâm thời, tướng Aung San được chỉ định làm Thủ Tướng.

Từ khi Thủ tướng Aung San bị ám sát (19/7/1947) cho đến nay, chưa lãnh tụ nào triệu tập được Hội nghị Panlong lần thứ 2. Điều đó đồng nghĩa là chưa vị lãnh tụ nào của Myanmar đủ uy tín để tập hợp và đoàn kết 135 sắc tộc chung sống cùng một mái nhà.

Từ 2012 đến nay, dư luận Myanmar nhiều lần mong muốn CP dân sự Myanmar triệu tập Hội nghị Panlong 2 để tập hợp và đoàn kết 135 dân tộc cùng chung sức xây dựng nhà nước Liên bang. Dư luận Myanmar đang mong muốn và hy vọng 2 nhân vật có đủ uy tín để triệu tập Hội nghị lịch sử này là Tổng thống Thein Sein và bà Aung San Suu Kyi.

Chúng ta cùng chờ xem lịch sử có lặp lại?

(Còn nữa)

Chu Công Phùng

Cùng chủ đề:

Aung San Suu Kyi có thể 'thay đổi toàn diện' Myanmar?

Theo Hiến pháp hiện hành của Myanmar, Aung San Suu Kyi "không thể" trở thành Tổng thống. "Tuy nhiên mọi việc đều có thể thay đổi".

Ai đánh thức 'người đẹp đang ngủ'?

Myanmar, quốc gia Đông Nam Á đang trong giai đoạn chuyển biến mạnh mẽ, như cách nói của một nhà báo bản xứ: chúng tôi đang ở trong một thời điểm lịch sử.

Cuộc chiến 'giá thành và nhân quyền' ở Châu Á

Một mặt các 'ông lớn' mang đến công việc cho người lao động Châu Á, mặt khác lại góp phần làm những vấn đề về quyền con người ở đây trở nên tồi tệ.

>> Mời độc giả ghé thăm và đóng góp ý kiến cho trang Fanpage của Tuần Việt Nam