Khi lãnh đạo thế giới đang nói về cách mạng thì dường như cái thực hiện được chỉ là những bước thay đổi nhỏ.

>> 'Dùng chiến thuật nào, TQ cũng thất bại'

>> TQ lại 'giăng bẫy' về chủ quyền trên Biển Đông

>> Mỹ sẽ bị các cường quốc 'qua mặt'?

Đâu là đặc điểm chủ đạo của chính trị thế giới năm vừa qua? Biến đổi khí hậu, chủ nghĩa khủng bố hay các cuộc tấn công tin tặc, nội gián thông tin làm rung chuyển các thành trì bảo mật kiên cố nhất? Nhiều sự vụ như lớp sương mờ, bao bọc những chuyển động cốt lõi.

Bên trong mỗi quốc gia, mỗi tổ chức, câu hỏi quan trọng nhất năm qua vẫn là: liệu chúng ta đang ở đâu, thời điểm bình thường hay vẫn còn biến động? Và để vượt qua những thách thức hiện tại và tương lai, tự bản thân mỗi nước phải lựa chọn con đường sắp tới như thế nào?

Mỹ: Hồi phục nhưng chưa "hồi nguyên"

Số liệu trong những quý gần đây cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp cũng như tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của Mỹ đã được cải thiện so với trước. Tuy nhiên, đây chỉ mới là những chuyển biến mang tính tích cực bước đầu.

Những gói "kích cầu" đằng sau những nới lỏng định lượng (QE) được Mỹ đưa ra thị trường toàn cầu bao hàm nhiều nghịch lý. Một mặt là QE vẫn còn tác dụng chứng tỏ sức mạnh siêu cường. Nó cho thấy Mỹ vẫn có thể mượn sức người để hưởng lợi cho mình thông qua thị trường tài chính, và vai trò đặc biệt của đồng USD. Mặt khác, xu hướng phải sống nhờ tiền vay mượn của thiên hạ chứng tỏ một nghịch lý phát triển không bền vững.

Lâu dài hơn, đất nước được mệnh danh cho sự sáng tạo đang gặp phải vấn đề tìm kiếm ý tưởng. Nước Mỹ đã không còn ở một vị thế "siêu cường" khi hàng loạt các sáng kiến kinh doanh hay những ý tưởng tổ chức xuất phát từ bên kia bờ Thái Bình Dương. Bên ngoài sức ép, nội bộ rối ren. Thể chế chính trị được đánh giá như một điển hình, lại xoay vòng trước các làn sóng chỉ trích. Những vấn đề đan xen, phức tạp và mang tính cấu trúc không thể giải quyết ngay tức thì. Điển hình như vấn đề trần nợ và giải quyết các bất đồng về ngân sách giữa hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa.

Khó khăn ở đây là các lợi ích dường như quá khác biệt giữa hai đảng, và sự thiếu vắng một cơ chế hiệu quả nhằm giải quyết mâu thuẫn và trung hòa lợi ích giữa các bên. Các giải pháp được Tổng thống Obama và Quốc hội đưa ra không giải quyết được cốt lõi của vấn đề là sự bất đồng về lợi ích giữa hai phe, mà chỉ là những biện pháp tình thế nhằm tránh để nước Mỹ rơi vào một cuộc khủng hoảng trầm trọng hơn.

Ngã ba đường của nước Mỹ thể hiện rõ ở việc liệu Tổng thống Obama, hay cả nền chính trị của siêu cường này có chấp nhận thay đổi và làm một "cuộc cách mạng" cấu trúc hay không? Thậm chí việc Washington có nhận thấy là mình cần một cuộc cách mạng hay không vẫn là một câu hỏi chưa lời giải.

{keywords}
Các lãnh đạo Trung - Mỹ

Trung Quốc: "Dò đá qua sông"

Trung Quốc đang hội đủ các yếu tố của một cường quốc khu vực: một nền kinh tế đứng hàng thứ hai thế giới, cùng một nền quốc phòng hùng mạnh. Trong vòng mấy năm, kinh tế nước này đã vượt Đức, Nhật để chiếm vị trí thứ hai thế giới. Tuy mạnh trên bình diện quốc gia, nhưng đất nước Tử Cấm Thành vẫn chưa phải là một nước giàu nếu xét trên GDP bình quân đầu người.

Trung Quốc chuyển động rất nhanh nhưng không bền vững. Với câu châm ngôn nổi tiếng "để cho một số người giàu trước" của Đặng Tiểu Bình, cái giá mà đất nước này phải trả để đạt được một tốc độ tăng trưởng như vậy là phân bổ nguồn lực lại trở nên không đồng đều. Có ba phân luồng đang ngày càng lệch pha nhau trong nền kinh tế Trung Quốc. Phân luồng đầu tiên là giữa khu vực nhà nước và khu vực tư nhân. Trong khi các công ty và tập đoàn nhà nước được hưởng hàng loạt các ưu đãi đặc biệt về thuế, về vốn và đất đai, thì các công ty tư nhân lại không được hưởng những đặc quyền như vậy.

Phân luồng thứ hai là giữa các khu vực địa lý, khi các tỉnh duyên hải phát triển cực kỳ nhanh trong lúc các tỉnh nằm sâu trong nội địa vẫn còn rất nghèo. Chênh lệch về mức sống giữa hai khu vực là khá cao. Lý Tử Bân, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Phát triển miền Tây của Quốc vụ viện, từng nói thẳng: các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu của miền Tây "dù có qua 100 năm nữa cũng chưa chắc đã bằng miền Đông". Phân luồng thứ ba là các tập đoàn và nhóm lợi ích hưởng lợi trực tiếp từ hoạt động của chính phủ. Đây là đề tài của nhiều báo cáo hay hồ sơ của báo chí phương tây về một thế hệ siêu giàu mới.

Những phân luồng này tạo ra các "siêu tập đoàn lợi ích" luôn dòm chừng và đôi khi cản trở những cải cách mà theo họ là bất lợi. Ví dụ như các kế hoạch tái cơ cấu và tư nhân hóa những tập đoàn nhà nước lớn trong các lĩnh vực như dầu mỏ, viễn thông hay đường sắt. Tại những lĩnh vực này, các cản lực là rất mạnh mẽ, chẳng hạn liên quan tới các vấn đề như minh bạch hóa tài chính. Các chính quyền địa phương cũng được xem là một trong những nhóm nhận được lợi ích lớn từ mô hình kinh tế hiện nay. Những cải cách về phân bổ ngân sách hay giảm quyền lực của địa phương sẽ gặp phải nhiều phản ứng gay gắt.

Tất cả những yếu tố kể trên, cùng sự tiếp sức của truyền thông tạo ra "ảo giác siêu cường". Ảo giác này ảnh hưởng một cách trực tiếp tới tâm lý của chính người dân Trung Quốc, và khiến cho tâm lý nước lớn vốn đã nặng nề tại Trung Quốc nay lại càng mạnh mẽ. Hệ quả là Bắc Kinh ngày càng đưa ra những chính sách ngày càng "lệch pha" so với chính sách "thao quang dưỡng hối" của Đặng Tiểu Bình.

Một ngã ba đường mới đang mở ra và chọn con đường nào sẽ là một lựa chọn khó khăn cho giới lãnh đạo Trung Quốc, nhất là sau Hội nghị Trung ương 3. Hoặc đây là bước ngoặt giúp Trung Quốc rẽ một hướng đi mới, tạo dựng thế phát triển vững chắc hơn. Hoặc chỉ đơn thuần là động thái "dò đá qua sông" và tiếp tục những thay đổi nửa vời.

EU: Lưỡng lự giữa cái chung - cái riêng

Ở Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha lẫn Ý, người dân tiếp tục biểu tình đòi chấm dứt những thay đổi. Phong trào phản kháng chứng minh khía cạnh chính trị của các cải cách đã bị bỏ quên. Mức chịu đựng của một hệ thống chính trị nhiều đảng phái trước những xáo động về cải cách kinh tế của cả 4 nước phía nam cho thấy lợi ích ngắn hạn luôn được đặt làm mục tiêu trước mắt. Sự gãy hoặc chuyển hướng giữa chừng của các dự án cải cách không còn là một nguy cơ kinh tế. Mà hơn hết, đó là nguy cơ về một châu Âu chia đôi về kinh tế là ngã ba đường chính trị.

Theo điều tra dư luận vào tháng 12-2012 của Cơ quan thống kê Eurostat, 83% người được hỏi từ Ý và Tây Ban Nha cho rằng ảnh hưởng của Đức lên EU là rất lớn (tỷ lệ này đối với người Đức được hỏi chỉ là 16%). Có 55% người Đức được hỏi tin nước họ đã thực hiện vai trò chia sẻ gánh nặng với toàn khối, trong khi 74% người Ý và 71% người Tây Ban Nha được hỏi cho rằng, Đức thể hiện rất ít trong vai trò này.

Hệ quả của các cuộc cải cách là một châu Âu càng ngày càng chia rẽ, với tâm lý của người dân phía Bắc (Đức và các nước Bắc Âu) chán chường mệt mỏi khi cứ thấy tiền túi mình bị chia năm sẻ bảy mà không có tiếng cảm ơn, trong khi miền nam thì cho rằng tình đoàn kết mà Eurozone (khu vực đồng tiền chung châu Âu) đã hứa hẹn chỉ là lời kêu gọi ảo.  Khi cải cách mang tính rốt ráo bị chặn bằng con đường "chính đáng" (thông qua bầu cử), EU và Đức sẽ ứng xử thế nào?

Từ khi khủng hoảng bắt đầu (2009), xuất hiện hai trường phái trái ngược nhau: Một bên đề nghị đẩy mạnh hội nhập với giải pháp nhiều nước EU hơn nữa, còn một bên đề nghị chia cắt để vượt sóng. Đến lúc này, giải pháp "chia cắt" bị xem như là hơi cực đoan và không được giới chính khách cầm quyền ủng hộ. Tuy vậy, các nhánh nhỏ từ hai trường phái này tiếp tục phát triển.

Một luồng quan điểm đề nghị xây dựng một liên minh chuyển đổi (transfer union). Nôm na như lấy tài sản người khá chia lại cho người túng kém, mang của cải người giàu phân phát lại cho kẻ nghèo. Một số biện pháp đã được thảo luận như thành lập công phiếu châu âu (euro bond), quỹ bảo lãnh nợ hay liên minh ngân hàng.

Nếu đề cao tinh thần chia sẻ tập thể, thì kiến nghị còn lại lại nhấn mạnh đến tính kỷ luật của từng thành viên. Khủng hoảng bùng nổ từ việc vô kỷ luật, vô trách nhiệm của vài "cá nhân hư", thì nhiệm vụ trước hết là phải đưa "mấy anh này" vào khuôn phép.

Cũng có xu hướng lồng ghép hai quan điểm lại với nhau nhằm tìm một giải pháp thực dụng. Nâng cao tính trách nhiệm của mỗi thành viên sẽ là điều kiện chính để xây dựng các biện pháp xã hội hóa Châu Âu.

Cái chung hay cái riêng? Khi ý tưởng còn đang va chạm, tranh cãi, cọ xát, các chính trị gia từ Berlin, Paris hay Brussel tiếp tục ca bài ca "lưỡng lự".

Nhật Bản: Khi ông Abe làm cách mạng

{keywords}
Ông Abe, Thủ tướng Nhật Bản

Năm 2013, Nhật Bản gây chú ý với thế giới bằng những cải cách chưa có tiền lệ. Cải cách thứ nhất nhắm vào kinh tế, với việc sử dụng đòn bẩy tiêu thụ để kích thích sản xuất. Trong bối cảnh kinh tế Nhật Bản đình đốn trong suốt một thời gian dài, các cải cách được Thủ tướng Abe đề xướng đã tạo ra nhiều kỳ vọng.

Việc Nhật Bản quyết định tham gia vào Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sau một thời gian dài trì hoãn nhằm tiếp đón các làn sóng đầu tư mới. Mặt trái của vấn đề là thị trường nông nghiệp trở nên cực kỳ nhạy cảm, vì đây vốn là một trong những lĩnh vực bảo thủ nhất.

Về vấn đề an ninh quốc phòng, Nhật Bản đang cố gắng vượt ra khỏi lối mòn chính sách. Kể từ khi sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, người Nhật phụ thuộc hoàn toàn vào Mỹ về mặt an ninh và quốc phòng. Nước Nhật không được thành lập Bộ Quốc phòng, cũng như không được đưa lực lượng quân sự của mình ra nước ngoài. Những hạn chế đó đang dần được loại bỏ khi Tokyo đã chính thức nâng cấp Cục Phòng vệ thành Bộ Quốc phòng từ năm 2007 dưới nhiệm kỳ Thủ tướng đầu tiên của ông Abe.

Những chuyển động an ninh quốc phòng của Nhật Bản đã dẫn đến nhiều đồn đoán là Hiến pháp điều 9 (không chấp nhận quyền tham chiến nước ngoài và quyền chủ động tấn công một nước thứ ba) sẽ sớm bị bãi bỏ. Các động thái gần đây cho thấy Nhật đã chủ động trong việc chuyển giao và đề nghị chuyển giao một số sản phẩm quốc phòng của mình cho một số nước ASEAN.

Tokyo đang xem xét bãi bỏ lệnh cấm tham gia quyền phòng vệ tập thể, hay nói cách khác là quyền được đưa quân đội ra nước ngoài và tiến hành đánh phủ đầu. Nhật Bản vốn đã là một cường quốc kinh tế và công nghệ hàng đầu thế giới. Và với viễn cảnh tiềm năng quân sự và quốc phòng được "mở tung", không chỉ Trung Quốc mà ngay cả Mỹ cũng cần phải dè chừng.

Thời điểm hiện tại đã mở ra cho nước Nhật một ngã ba đường mới. Nước này sẽ trở nên độc lập hơn hay vẫn phụ thuộc một phần nào đó vào Washington về an ninh và quốc phòng? Liệu các cuộc tranh luận bên trong nước Nhật sẽ đi đến hồi kết và tạo cho Nhật một xung lực mới? Phá vỡ thành trì nông nghiệp, Nhật Bản sẽ là nước tiên phong cho xu hướng cách mạng về thể chế.

ASEAN: Đi tìm một đồng thuận mới

Từ 2012 đến 2013, bài học nhãn tiền mà các nước ASEAN đã học được chính là trường hợp của Campuchia, khi nước này chịu ảnh hưởng quá nhiều của Trung Quốc, nhất là về mặt kinh tế.

Kinh tế, thương mại và đầu tư nay đã trở thành một trong những công cụ quyền lực hữu hiệu của nước lớn, và là một "sức hấp dẫn không thể chối từ" đối với các nước kém phát triển hơn. Khi bị ảnh hưởng và chi phối về mặt kinh tế quá lớn, thì khả năng đồng thuận về một vấn đề chung nào đó sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ do lợi ích chung đã bị chi phối.

Một bài học được rút ra từ "sự cố" năm 2012 là ASEAN cần phải cố gắng xây dựng đoàn kết nội khối trong một chừng mực nhất định, hài hòa giữa cả lợi ích quốc gia và lợi ích của cả khối. Điều này dĩ nhiên là cực kỳ khó khăn trong bối cảnh các nước Đông Nam Á chênh lệch nhau rất lớn về trình độ phát triển và khả năng của nền kinh tế mỗi nước cũng quá khác biệt.

Một số dấu hiệu tích cực khi tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN mới đây tại Brunei vẽ lại bức tranh màu xám: các nước đã nhất trí đưa ra được một bản tuyên bố chung có đề cập đến tình hình biển Đông. Một kết cục đẹp nếu so sánh với Hội nghị năm 2012 khi Campuchia là Chủ tịch ASEAN.

Một ASEAN thực sự vững mạnh khi và chỉ khi khối này có một tiếng nói đồng thuận nhất định đối với những vấn đề "sát sườn" không chỉ liên quan tới lợi ích của mỗi thành viên, mà còn tới lợi ích toàn cục. Các tranh chấp lãnh hải trên biển Đông, hay tranh chấp đền Preah Vihear gần đây giữa Thái Lan và Campuchia đã cho thấy một ASEAN dễ bị tổn thương và thiếu hiệu quả trong việc giải quyết tranh chấp nội bộ.

ASEAN đang đứng trước một ngã ba đường về lựa chọn cách tiếp cận và phương thức hoạt động. ASEAN có thể tiếp tục lựa chọn một cách tiếp cận sử dụng "đồng thuận" nhưng lại không tạo được các thể chế mạnh mẽ nhằm đẩy nhanh liên kết nội khối. Liệu ASEAN có chọn đi một con đường khác? Liệu khối nay có muốn đổi mới chính mình hay không vẫn là một câu hỏi khó có thể trả lời trong một sớm một chiều.

* * *

Những "ngã ba đường" năm 2013 sẽ tiếp tục là những dấu chấm hỏi lớn trong năm 2014. Lưỡng lự có thể kéo dài thời gian tính, trì hoãn những vấn đề trước mắt, xoa dịu một số nhóm lợi ích thân hữu nhưng không thể giải quyết một cách rốt ráo về bản chất.

Cha đẻ của thuyết tiến hóa Charles Darwin từng viết rằng "Không phải giống loài mạnh nhất, hay thông minh nhất sẽ sống sót, mà là loài biết thích nghi tốt nhất với thay đổi". Thế giới 2014 phải chăng sẽ là một ứng nghiệm nhãn tiền?

Cải cách hay cách mạng?

Khi lãnh đạo thế giới đang nói về cách mạng, thì dường như cái thực hiện được chỉ là những bước đi thay đổi nhỏ.

Chẳng hạn: Khi ông Obama đắc cử Tổng thống, nhiều người đã đánh giá ông sẽ khởi đầu một cuộc "cách mạng" nhằm thay đổi nước Mỹ. Trên thực tế những thay đổi cho đến hiện tại chỉ mang tính thỏa hiệp và nhượng bộ từ những phe phái khác nhau trong toàn bộ hệ thống chính trị.

Các chuyển động của nước này thể hiện ra ngoài tiếp tục là những chỉ dấu lên xuống bất định. Kết quả mà những chương trình cải cách này đem lại chỉ mang tính nửa vời, từ kinh tế tới các chính sách an ninh, xã hội.

Châu Âu cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Khủng hoàng nợ khởi đầu vào năm 2009 đòi hỏi toàn khối cần có một cách tiếp cận mới về cả thể chế lẫn tư duy liên quan tới dự án tiền tệ chung châu Âu. Thậm chí có những ý kiến cực đoan đòi phân chia Châu Âu thành những khu vực khác nhau dựa trên năng lực kinh tế của mỗi vùng.

Có ý kiến khác lại yêu cầu phải tăng tốc hội nhập châu Âu, gắn tất cả các nước vào một "định mệnh chung" bằng những thiết chế cụ thể, đồng nghĩa với việc giao nộp nhiều chủ quyền quốc gia hơn. Kết quả là đến nay, nhưng ý tưởng "cách mạng" như vậy đều không được chấp nhận.

Trung Quốc sau hội nghị Trung Ương 3 cũng đứng trước vấn đề cách mạng hay cải cách. Nhưng tiền đề để nhiều người dân ủng hộ "cách mạng" chính là một Trung Quốc đang giàu nhưng chưa mạnh, trỗi dậy nhưng không bền vững, có sức nhưng chưa đủ lực. Những trái chiều lợi ích khác nhau nhưng lại vận động cùng lúc đã khiến cho những chính sách của Trung Quốc không đi theo những gì mà Chính phủ Trung Ương tiên liệu và trù hoạch.

Có thể kể đến một ví dụ là tình trạng nợ địa phương đang phình to với lý do là Nhà nước Trung Ương không thể kiểm soát được hoạt động của các chính quyền địa phương trong việc vay nợ. Nó còn cho thấy mức độ thả lỏng và thiếu cơ chế kiểm soát do kết quả của các chính sách kinh tế "để một vài người giàu trước" hay đặc quyền đặc lợi gây ra.

Cách mạng đang trở thành lý tưởng xa xa, và cải cách trở thành mục đích, hay thấp hơn là một cách biện minh. Dù xuất phát từ lợi ích, hay từ một lý do nào khác.

Nguyễn Chính Tâm (theo PLTPHCM số Xuân Giáp Ngọ)

*Tiêu đề bài viết do Tuần Việt Nam đặt lại