Liệu Obama có đang đẩy nước Mỹ đến một sự thụt lùi trên bình diện quốc tế và ngay trong nội bộ các nước lớn?

Nhìn lại những năm vừa qua, đặc biệt là năm 2013, chúng ta càng nhận thấy rõ cục diện về một thế giới đa cực đã hiển hiện rõ nét. Tham vọng về một thế giới đơn cực của Mỹ đã không thành hiện thực. Hiện nay không chỉ có một, hai siêu cường mà rất nhiều thế lực cùng nắm giữ thế cờ trong bức tranh địa chính trị thế giới.

Nhiều người cho rằng, đằng sau xu thế tất yếu đó là sự mai một vai trò và vị thế của Mỹ trên chính trường quốc tế. Ngoài những nguyên nhân bên ngoài, như sự vươn lên mạnh mẽ của TQ, sự trở lại vững chắc của Nga..., đã bắt đầu có những chỉ trích về sự thụ động của chính quyền Mỹ và tổng thống Obama.

Liệu Obama có đang đẩy nước Mỹ đến một sự thụt lùi trên bình diện quốc tế và ngay trong nội bộ các nước lớn? Để trả lời, trước hết, chúng ta cùng nhìn lại những vấn đề nổi cộm trên chính trường thế giới và vai trò của nước Mỹ trong những cuộc khủng hoảng lớn năm 2013.

Loay hoay, mềm dẻo, mất uy?

Nổi bật nhất là cuộc khủng hoảng vũ khí hóa học ở Syria. Dễ nhận thấy, trong khi Mỹ vẫn loay hoay với tuyên bố của mình về giới hạn đỏ, và không thực sự có hành động quân sự nào để thể hiện quyết tâm hành động tương xứng với những đe dọa cứng rắn đó, Nga đã chủ động đề ra giải pháp giải trừ vũ khí hóa học thay vì phát động một cuộc chiến tranh. Rõ ràng đây là một giải pháp giúp các bên đều "thở phào".

Bản thân nước Mỹ luôn muốn khẳng định vai trò trong việc giải quyết các điểm nóng trên thế giới. Nhưng dường như sau cuộc sa lầy ở Iraq và Afganistan, chính quyền Mỹ không còn thực sự muốn tiếp tục phiêu lưu quân sự ở Trung Đông.

Còn trong vấn đề Iran, người ta không còn thấy một nước Mỹ với những tuyên bố cứng rắn như thời tổng thống Bush. Thay vào đó là một chính quyền Obama khuyến khích đường lối hòa giải và sử dụng giải pháp ngoại giao.

Lần đầu tiên trong lịch sử hơn 30 năm, thế giới chứng kiến một cuộc điện đàm giữa tổng thống Mỹ và tổng thống Iran nhằm nỗ lực tìm ra thỏa thuận cho chương trình hạt nhân của Iran. Điều này hoàn toàn trái ngược với người tiền nhiệm là cựu tổng thống Bush, người liên tục sử dụng hình ảnh "trục ma quỷ" khi nói về quốc gia hồi giáo này.

{keywords}
Nước Mỹ có bị các cường quốc 'qua mặt'

Thái độ mềm dẻo đó liệu có phải là một dấu hiệu cho thấy chính quyền Mỹ đang bắt đầu mất đi uy thế trong quan hệ với các nước Trung Đông nói chung và Iran nói riêng ?

Bên cạnh đó, một sự kiện không thể nhắc tới trong năm 2013 là "quả bom tình báo" Edward Snowden. Sau sự việc này, các quốc gia châu Âu - nạn nhân chính của vụ nghe lén - đã mất niềm tin vào nước Mỹ.

Biện hộ của Mỹ rằng muốn nắm được thông tin để phục vụ công cuộc chống khủng bố rõ ràng không làm hài lòng phương Tây. Không chỉ đánh mất vị thế, nước Mỹ còn đánh mất đi một thứ quý giá hơn, vốn được coi là nền tảng trong quan hệ ngoại giao, đó là niềm tin.

Còn trong vấn đề Triều Tiên, việc tránh được nguy cơ chiến tranh dường như không bắt nguồn từ e ngại Triều Tiên trước những cuộc tập trận quy mô lớn của Mỹ và Hàn Quốc. Thay vào đó là từ sức ép về kinh tế từ Bắc Kinh.

Như vậy, trong một thế giới đa cực khi Nga đang dần lấy lại vai trò của một cường quốc, TQ vẫn đầy quyết tâm để thực hiện "giấc mơ Trung Hoa", hay với sự lớn mạnh của khu vực Đông Bắc Á, Ấn Độ... nước Mỹ có đang đánh mất dần đi sức mạnh và vị thế của mình?

Chưa thể "qua mặt"

Thực tế là hiện nay, chính những lợi ích kinh tế chứ không phải những toan tính địa chính trị mới là yếu tố chính chi phối các mối quan hệ quốc tế. Sẽ khó có cơ hội để các căng thẳng bùng phát thành xung đột trên diện rộng, thay vào đó là xu thế cạnh tranh chiến lược.

Ngay cả với các quốc gia có mâu thuẫn gay gắt về chủ quyền lãnh thổ như Trung, Nhật, Hàn, những tranh chấp vẫn không cản trở họ thực hiện các liên kết về kinh tế, thương mại, đầu tư và tiền tệ. Trên bình diện chung của thế giới, cuộc chơi diễn ra rất sòng phẳng, minh bạch giữa các nước theo cơ chế vừa đấu tranh vừa hợp tác.

Tuy nhiên, trước cục diện đa cực đó, cũng khó có thể nói rằng hiện nay Mỹ đã mất dần vị thế của một siêu cường. Dù hành động theo cách nào, cứng rắn hay mềm dẻo, chủ động hay thụ động, Mỹ vẫn tiếp tục giữ vai trò quyết định trong việc giải quyết các điểm nóng trên thế giới.

Trong việc giải quyết vấn đề Syria, mặc dù sự chủ động của nước Nga được ca ngợi nhưng xét một cách toàn diện, giải pháp của Nga không nhận được sự đồng thuận của Mỹ thì vấn đề cũng sẽ không thể được giải quyết. Bản thân ông Putin trong Hội nghị Cấp cao của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương hồi tháng 10 cũng phải lên tiếng xoa dịu Nhà trắng và ngợi ca chính ông Obama khi đã giúp ngăn chặn nguy cơ chiến tranh ở Syria.

Đối với Iran, việc sử dụng chính sách mềm dẻo là lựa chọn tất yếu trong xu thế hòa dịu, đối thoại thay vì đối đầu. Nhiều người cho rằng, so với người tiền nhiệm Bush, dường như Obama vẫn tiếp cận các vấn đề chính trị một cách hơi "nhà giáo", và các biện pháp phi quân sự được ông sử dụng nhiều hơn.

Tuy nhiên, thực tế sau 8 năm cầm quyền của Bush đã cho thấy những đường lối chính sách cứng rắn không hẳn đã phát huy hiệu quả. Gần một thập kỷ phát động cuộc chiến chống khủng bố, nước Mỹ gần như không đạt được gì ngoài việc phải tiêu hao biết bao tiền của, sức lực vào Afganistan và Iraq.

Còn cho đến thời điểm hiện tại, chính quyền Obama đã có thể coi là tương đối thành công trong cách hành xử với Iran. Sự ủng hộ của dư luận Mỹ trong vấn đề này là một minh chứng.

Đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc không làm giảm quyết tâm tái can dự một cách tích cực của Mỹ. Việc tái bố trí quân đội Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương, cùng với việc tăng quy mô các cuộc tập trận song phương, đa phương đã gây lo ngại lớn cho Trung Quốc.

Với "mồi nhử" là chiêu bài kinh tế, Trung Quốc cũng không hoàn toàn thu phục được các nước nhỏ. Khi bị đặt vào thế phải lựa chọn để không bị cuốn vào thế cạnh tranh ảnh hưởng giữa các cường quốc, các nước nhỏ vẫn phải thực hiện chính sách "đi" với Mỹ về an ninh và "đi" với Trung Quốc về kinh tế, dùng quan hệ với nước này để tạo đòn bẩy thúc đẩy trong quan hệ với nước khác.

Chưa thể biết "giấc mơ Trung Hoa" của ông Tập Cận Bình sẽ vươn xa tới đâu, hay tham vọng đưa nước Nga trở lại đỉnh cao thế giới của ông Putin sẽ thành hiện thực như thế nào. Và cho dù trật tự thế giới đa cực tiếp tục là xu thế trong các năm tới, thì không thể phủ nhận hiện tại nước Mỹ vẫn còn là tâm điểm của thế giới. Người ta vẫn sẽ đổ dồn sự chú ý về nước Mỹ mỗi khi thế giới có bất cứ biến động lớn nào.

Vẫn còn quá lạc quan khi bất cứ quốc gia nào cho rằng sẽ nhanh chóng "qua mặt" Mỹ trở thành cường quốc số một thế giới.

Nguyễn Thị Quỳnh Trang

Các bài dự báo quốc tế 2014:

TQ cạnh tranh ngôi 'cường quốc số 1' với Mỹ?

Việc cứ luôn phát biểu chính sách một đằng, thực thi chính sách một nẻo, nhất là trong vấn đề an ninh đối ngoại sẽ chỉ khiến quyền lực mềm của TQ suy giảm.

Nga có 'xuống nước' để giành được Ukraine?

Một kịch bản đối với Ukraine năm 2014 là EU và Nga đều giảm mức độ yêu cầu cam kết trong các thỏa thuận để Ukraine có thể đồng thời tham gia.

Nhật Bản sẽ càng quan tâm biển Đông?

An ninh khu vực Biển Đông sẽ tác động đến vấn đề tranh chấp giữa Tokyo và Bắc Kinh xung quanh quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư.